9 tháng 5, 2008

GIÁO DỤC CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO TẠI SINGAPORE VÀ ANH QUỐC


GIÁO DỤC CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO TẠI SINGAPORE VÀ ANH QUỐC Catherine Briscoe
Khoa Khoa Công tác xã hội và Tâm lý, Đại học Quốc gia Singapore

DẪN NHẬP

Bài tham luận này đề cập đến các vấn đề, về giáo dục công tác xã hội, về nội dung, về sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành và điều kiện nhập học, đánh giá một vài phương cách khác nhau cả của Singapore và Anh quốc liên quan đến các vấn đề này.
Trong giáo dục công tác xã hội, thường có một sự căng thẳng giữa sự ưu tiên dành cho các môn khoa bản hoặc học lý thuyết và học thực hành, nơi mà sinh viên học ứng dụng các phương pháp, kỹ năng, thái độ, giá trị đặc thù công tác xã hội cần có khi làm việc như nhân viên xã hội với các nhóm thân chủ khác nhau. Nó không hẳn là giáo dục công tác xã hội, ở mọi mức độ, đòi hỏi có thời gian đầy đủ cho cả lý thuyết và thực hành trong cấu trúc học kỳ đại học. Cũng có sự bất đồng về việc dành ưu tiên tương đối cho cả hai.
Các định chế đại học có xu hướng xem việc dạy lý thuyết như là nhiệm vụ chính và xem thực hành như là một thứ dành cho thời gian nghỉ hè theo kiểu xen kẻ với lý thuyết.
Các quan chức của vài cơ quan lại nhìn công tác xã hội chủ yếu theo khía cạnh thực hành và thủ tục trong công việc không cần phải có nền tảng lý thuyết giúp cho nhân viên xã hội phát triển suy nghĩ độc lập và có đầu óc biết phân tích đánh giá.
Tuy nhiên, nói chung, thế giới đã thừa nhận rằng nhân viên xã hội phải tìm hiểu các yếu tố đa dạng phức tạp với các thân chủ, lấy những quyết định có phê phán, đòi hỏi sự chín chắn và sự đánh giá độc lập và phải làm việc sát cạnh với các nghề nghiệp khác liên quan trong những hoàn cảnh phức tạp. (Bộ Y tế – DOH, U.K., 2000)
Các trưởng cơ quan mong rằng, các khóa học công tác xã hội đào tạo nhân viên chuyên nghiệp có tay nghề với khả năng thực hiện các công việc của nhân viên chuyên nghiệp công tác xã hội ngay khi bắt đầu. Những người tuyển dụng, các hội đoàn nhân viên xã hội quốc gia và những người tổ chức giáo dục công tác xã hội cố gắng cùng làm việc với nhau để bảo đảm rằng giáo dục công tác xã hội bao gồm cả học lý thuyết và học thực hành và việc học ấy chưa thể chấm dứt khi nhân viên xã hội học xong một khóa đào tạo.
HỌC LÝ THUYẾT
“Phương pháp công tác xã hội dựa trên một khối hệ thống kiến thức bắt nguồn từ nghiên cứu và thực hành. Nó thừa nhận tính phức tạp của mối tương tác giữa con người và môi trường của họ và năng lực của người dân; cả hai bị tác động và làm thay đổi những yếu tố khác nhau ảnh hưởng tới họ. Nghề công tác xã hội được xây dựng trên các lý thuyết về sự phát triển của con người, hành vi và hệ thống xã hội, để phân tích các tình huống phức tạp và tạo thuận lợi cho những thay đổi ở cá nhân, tổ chức, văn hóa và xã hội”. (Liên đoàn quốc tế các nhân viên xã hội, IFSW, Montreal 2000).
Lời tuyên bố này của IFSW cho thấy quy mô mà công tác xã hội phải nhờ cậy đến nhiều khoa học xã hội và nhân văn khác nhau cho nền tảng kiến thức của mình. Nhân viên xã hội cần hiểu biết về sự tăng trưởng thể chất và tâm lý, các khuôn mẫu phát triển của con người và các yếu tố có thể tăng cường hoặc gây cản trở cho sự tăng trưởng này. Họ cần hiểu sự tác động của văn hóa, tập quán và mối quan hệ với năng lực của người dân để đương đầu với môi trường vật chất và xã hội của họ; cần nhận biết làm thế nào các chính sách xã hội, các cơ cấu và sự phân phối tài nguyên và quyền lực trong một xã hội có thể xác định không chỉ vấn đề nào mà người dân phải đối mặt mà còn những phương hướng mở ra cho họ để cố gắng giải quyết các vấn đề đó. Học các phương pháp giải quyết vấn đề cũng là thiết yếu để nhân viên xã hội có những công cụ cơ bản để can thiệp và hiểu lý thuyết tiềm ẩn trong kết quả tiên liệu trước do các phương pháp đó. Ví dụ sau đây minh họa vài phạm vi phức tạp của các vấn đề và những lựa chọn có thể được áp dụng vào những tình hình mà các nhân viên xã hội phải giải quyết.

VÍ DỤ
John, sinh ra trong gia đình giàu có, được nuôi nấng ăn ở tốt. Chắc chắn là John có sức khỏe và có giáo dục và được nuôi dưỡng với những mong đợi từ cha mẹ và người khác trong môi trường xã hội của anh ta và như thế anh ta sẽ có được một việc làm với lương cao và lập gia đình với người tương xứng.
Jimmy thì được sinh trong gia đình nghèo, cha mẹ đều làm việc cực nhọc để sống nhưng công việc không ổn định và anh ta thường hay ốm đau vì không được nuôi dưỡng tốt, phải làm việc bán thời gian, phụ giúp gia đình tăng thu nhập và tất nhiên học thức rất giới hạn. Anh ta, cha mẹ anh và những người xung quanh ít mong đợi gì ở nghề nghiệp tương lai của anh, ở tiềm năng thu nhập và cơ hội gặp gỡ và lấy người vợ ở tầng lớp giàu có hơn.
Tại Singapore hay Anh quốc mỗi đứa trẻ đều có thể, thường ở lứa tuổi thiếu niên, được gởi dến một nhân viên xã hội bởi tòa án hay cha mẹ vì hành vi làm trái pháp luật như đánh nhau hay ăn cắp. Kế đó nhân viên xã hội phải dùng kiến thức của mình để :
1. Tìm hiểu các nguyên nhân phía sau hành vi của đứa trẻ. Kiến thức cần bao gồm :
• Sự hiểu biết về giai đoạn phát triển của lứa tuổi thiếu niên và tầm quan trọng của sự tán thành và chấp nhận của các bạn bè cùng lứa. Trẻ nào trong 2 em cũng có thể hòa nhập vào một nhóm, có hành vi làm trái pháp luật.
• Sự hiểu biết về nhu cầu của thiếu niên có nhiều đam mê và nhiều hoạt động góp phần vào xây dựng trong cuộc sống có ý nghĩa, mục đích.
• Sự hiểu biết về kỷ luật, giới hạn do cha mẹ đặt định và khuôn mẫu hành vi của họ sẽ ảnh hưởng lên trẻ như thế nào để trẻ có thể biết cái gì sai và cái gì đúng.
• Nhận biết lòng tự trọng và khái niệm bản thân phát triển vào giai đoạn này của cuộc sống và những thất bại ở trường học hay thiếu sự khen thưởng hoặc không được công nhận trong gia đình có thể làm cho trẻ tìm đến nhóm đồng đẳng mạnh hơn để được công nhận.
• Sự hiểu biết về khả năng đấu tranh như bảo vệ chống lại sự hà hiếp, về kiểm soát cơn tức giận hoặc về những thể hiện “chấp nhận được” của lòng tự tôn nam tính.
• Nhận thức rõ về những xu hướng trộm cắp trong một xã hội tiêu thụ nơi mà hàng hóa được quảng cáo đặc biệt trên truyền hình và hành vi trộm cắp như một thách đố.
2. Lên kế hoạch hình thức can thiệp để có cơ hội tốt nhất cải thiện hành vi đứa trẻ. Những khả năng bao gồm làm việc với cá nhân từng trẻ, làm việc với những yếu tố trong môi trường để môi trường đó có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của trẻ và/hoặc của cha mẹ chúng. Bảng kê dưới đây trình bày vài khả năng khác nhau :

Mức độ can thiệp Loại can thiệp
1. Can thiệp cá nhân Tham vấn cho một trong hai trẻ về các vấn đề và hành vi của nó.
Nối kết một trong hai trẻ vào một dự án thiện nguyện,vào
dịch vụ cộng đồng hay công việc bán thời gian để làm dịch vụ.
2. Can thiệp gia đình Làm việc với từng cha mẹ và con của họ để đạt được sự
thỏa thuận hỗ tương và sự hiểu biết về các quy tắc hành vi.
Cố gắng giúp cha mẹ Jimmy tìm được việc làm ổn định hơn.
Tham vấn cha mẹ về kỹ năng làm cha, làm mẹ và về các nhu
cầu của thiếu niên.
3. Can thiệp nhóm đồng đẳng
Làm việc với từng trẻ và nhóm bạn cùng lứa thân thiết để
phát triển các sở thích và các hoạt động dễ được chấp nhận hơn.
Tham vấn nhóm về các vấn đề và hành vi.
4. Can thiệp để phát triển các kỹ năng đối phó và tự giúp của các nhóm công đồng địa phương
Loại can thiệp: Làm việc với cha mẹ và trẻ có những mối quan tâm giống nhau trong một khu xóm để phát triển các hoạt động vui chơi giải trí, tình nguyện hay công việc bán thời gian.
Tập huấn các kỹ năng sống cho cha mẹ và/hoặc thiếu niên trong cộng đồng địa phương.
5. Can thiệp với các tài nguyên và các tổ chức cộng đồng khác.
Loại can thiệp: Tiếp xúc với các trường học để xem xét khả năng cải tiến mối quan hệ của trẻ với trường học bao gồm như trợ giúp học bổng cho Jimmy hay kiểm tra bài làm ở nhà và dạy kèm, có thể giúp Jimmy và trẻ khác như Jimmy.
Làm việc với các giới chức địa phương để cải tiến các hoạt động vui chơi trong cộng đồng và/hoặc chương trình cải thiện nhà ở và/hoặc cơ hội có việc làm.
Tìm hiểu nhóm tôn giáo địa phương (tùy thuộc vào tôn giáo của gia đình) để hội nhập gia đình và/hoặc đứa trẻ vào các hoạt động phát triển gia đình.
Làm việc với tổ chức địa phương để khuyến khích họ tạo cơ hội học nghề cho trẻ ở địa phương mình.
Các can thiệp không phải để lựa chọn. Một số can thiệp có thể được sử dụng theo sự phối hợp, nhưng nó đòi hỏi phải có một khảo sát về đứa trẻ và gia đình trong môi trường và xem mỗi yếu tố trong ba yếu tố đó tác động lên nhau như thế nào. Nó cần phải có sự hiểu biết về những động thái gia đình và khả năng làm việc với chúng. Nó cần có kiến thức về nghiên cứu mà các phương pháp đã chứng tỏ có hiệu quả khi làm việc với thanh thiếu niên làm trái pháp luật. Cần có kiến thức về các tài nguyên hữu dụng cho nhân viên xã hội và mạng lưới nối kết với các tài nguyên đó.

CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG
Khi chọn lựa cách can thiệp, nhân viên xã hội phải có sự hiểu biết tốt về các chính sách và luật pháp qua đó họ làm việc để:
•Những cố gắng can thiệp được khả thi và được chấp nhận trong bối cảnh quốc gia.
•Nếu nhận thấy rõ có chính sách hay luật pháp gây ra hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề thì nhân viên xã hội có thể nhận diện nó và cung cấp thông tin để thúc đẩy sự thay đổi. (Ví dụ các nhân viên xã hội tại Singapore đã có thể thuyết phục được Bộ Phát Triển Nhà ở thay đổi chính sách về nợ tiền thuê nhà bằng cách thu thập và cung cấp thông tin về mức độ gian khổ không mong muốn gây ra bởi các chính sách hiện hành của Bộ). (Social Dimension, 1990).
Nhân viên xã hội cũng cần biết về những đáp ứng của nhà nước đối với những vấn đề riêng biệt. Ví như tại Anh quốc hiện nay, báo chí và chính phủ nêu những quan điểm cứng rắn về trẻ em phạm pháp và nhu cầu giải quyết nó triệt để như trừng phạt trẻ, như răn đe và để làm gương cho trẻ khác. Nhân viên xã hội cần cẩn thận trong cố gắng phát triển các can thiệp khác nhau với trẻ, để không gây cảm tưởng là họ khen thưởng trẻ hay tạo cho trẻ những kinh nghiệm thích thú như là kết quả của hành vi của chúng; mà đồng thời sử dụng các phương pháp can thiệp đã chứng tỏ có hiệu quả, trong thay đổi hành vi mà các nghiên cứu đã chứng minh.
GIÁ TRỊ VÀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Ngoài các yếu tố nêu trên, nhân viên xã hội phải có kiến thức về những giá trị và đạo đức nghề nghiệp của công tác xã hội, về mâu thuẫn có thể phát sinh giữa chúng và ở mọi can thiệp có thể có. Công tác xã hội dựa trên những niềm tin mạnh mẽ về sự tôn trọng nhân phẩm và tự quyết của người dân được giúp đỡ (Hội các Nhân viên xã hội Singapore – SASW, 1999). Nó đòi hỏi nhân viên xã hội giúp đỡ thân chủ bằng chính sự tự quyết của họ và không phân biệt đối xử với bất cứ ai vì lý do mất khả năng, tuổi tác, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, giới, hay khuynh hướng giới tính. Nhân viên xã hội cũng cần có sự tôn trọng tính riêng tư của thông tin do thân chủ cung cấp, trừ khi :
•Thân chủ cho phép chia sẻ thông tin ấy với thành phần thứ ba,
•Thông tin liên quan đến hành vi hay ý đồ có thể gây tổn hại cho người khác,
•Thông tin liên quan đến những hoạt động phi pháp.
Những can thiệp trực tiếp tác động đến thân chủ cần được cùng hoạch định và thực hiện với họ với sự đồng ý của họ và nếu có thể với sự tham gia của chính họ.
Những can thiệp ấy cũng cần được lượng giá với thân chủ để đo lường hiệu quả.
Nói một cách khác, nhân viên xã hội phải có kiến thức về:
•Một số ngành nghề
•Một hệ thống các phương pháp, các tiếp cận và nghiên cứu về hiệu quả công việc
•Các giá trị công tác xã hội và đạo đức nghề nghiệp và ứng dụng của nó vào thực hành. Nhân viên xã hội phải có khả năng xem xét kiến thức của mình để có đầu óc phân tích và phê phán, đặt vấn đề và thích ứng thực hành theo các nhu cầu của các thân chủ và các hoàn cảnh riêng biệt. (DOH, U.K.,2000).
Ví dụ nêu trên là khi làm việc với thanh thiếu niên và phụ huynh, nhưng những tìm hiểu phức tạp và những kế hoạch can thiệp tương tự cũng cần cho những người được nhận diện là có những khó khăn do các vấn đề sức khỏe tâm thần hay thể chất, mất khả năng, cao tuổi, nuôi dưỡng và/hoặc chăm sóc trẻ hay lạm dụng thể chất, tình dục hay tâm lý.
Không gian để phát triển loại kiến thức ấy một cách đầy đủ và tổ chức học thực hành trong một chương trình giảng dạy công tác xã hội thường hay khó khăn. Hiện nay Anh quốc có chương trình học công tác xã hội hai năm, theo cơ chế chính phủ ủy nhiệm qua báo cáo về các tiêu chuẩn của giáo dục công tác xã hội, được dự kiến chuyển qua mô hình 3 năm để cấp bằng cấp thay vì chứng chỉ như hiện nay. (DOH, U.K., 2000). Tranh cãi vẫn tiếp tục về khuôn khổ chính xác của đào tạo. Singapore hiện có:
•Cấp chuyên nghiệp cơ bản được áp dụng trong bối cảnh của cấp cử nhân tổng quát.
•Chứng chỉ sau đại học cho những ai có bằng cấp khác và có kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức an sinh xã hội.
•Một chương trình cao học công tác xã hội cho những người đã tốt nghiệp công tác xã hội hay có kinh nghiệm muốn đào sâu kiến thức của mình về lý thuyết và nghiên cứu.
Tất cả ba chương trình cung ứng đầu vào lý thuyết và học dựa trên thực hành.
HỌC THỰC HÀNH
Thực hành có kiểm huấn là một phần chính của mọi khóa học công tác xã hội. Công tác xã hội giống như y học hay giảng dạy là một chủ đề rất ứng dụng nơi mà sự hội nhập của học và ứng dụng của nó là một đặc trưng chủ yếu của bất cứ một chương trình giảng dạy nào. “Mục đích của học thực hành là giúp cho sinh viên hiểu và chứng minh sự chuyển giao kiến thức, kỹ năng và giá trị trong thực hành” (Hội đồng trung ương về giáo dục và đào tạo trong công tác xã hội, U.K. – CCETSW – 1996).
Nhiều nước khác nhau xoay xở bằng cách áp dụng thời gian thực hành khác nhau tại cơ sở trong khóa học công tác xã hội. Hiện nay Singapore bắt buộc sinh viên trong chương trình cử nhân phải hoàn thành 115 ngày thực hành trong 2 kỳ thực tập cách nhau tại các cơ sở công tác xã hội. Riêng Diploma công tác xã hội thì Anh quốc buộc phải hội đủ 130 ngày thực hành cũng theo 2 kỳ thực tập cách nhau.
Tại cả hai nước, yếu tố này của giáo dục công tác xã hội được xem là khá quan trọng đến nỗi các mô hình khác nhau được xem xét để dành cho thực hành nhiều thời gian hơn. Tại Sigapore, Hội các Nhân viên xã hội Singapore đề nghị thảo luận với Bộ Phát triển cộng đồng và Thể thao, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quy định về an sinh xã hội, và với các cơ quan tuyển dụng để có sự công nhận một mức tối thiểu là một năm thực tập có kiểm huấn, sau tốt nghiệp, trước khi một nhân viên xã hội được kết nạp là thành viên chính thức của Hội.
Tại Anh quốc, theo báo cáo trên, đề nghị một sự gia tăng đáng kể số ngày thực tập, như một phần của đề nghị kéo dài thời gian đào tạo công tác xã hội. Tại cả hai nước, có một sự chuyển dịch từ một khuôn mẫu cứng nhắc trong thực hành tại cơ sở sang việc xem xét các mô hình “đánh giá trên công việc” để đáp ứng yêu cầu đào tạo (nghĩa là kiểm huấn công việc thường ngày họ đang làm).
VAI TRÒ KIỂM HUẤN TRONG HỌC THỰC HÀNH
Kiểm huấn được xem như là một yếu tố trọng yếu của học thực hành với nhân viên xã hội có kinh nghiệm hành động như người cố vấn, người thầy, hỗ trợ và tạo năng lực cho sinh viên hay nhân viên xã hội tập sự. Người tập sự có khả năng áp dụng thử nghiệm trước các ý tưởng, kế hoạch can thiệp qua thảo luận và xem xét những can thiệp này có thực hiện được hay không. Người này nhận được sự phản hồi về cả mặt mạnh và mặt yếu của mình và được giúp suy nghĩ về cách sử dụng và tăng cường kiến thức. Khi học thực hành sinh viên/nhân viên xã hội tập sự có khả năng phát triển sự tự hiểu và ý thức về bản thân. Đó là:
•Chọn các phương pháp can thiệp tùy theo mặt mạnh của nhân viên xã hội và với ý thức về các mặt giới hạn của mình trong kỹ năng và khả năng cá nhân cần có sự chú ý đặc biệt.
•Hiểu biết về các phản ứng riêng của nhân viên xã hội đối với hành vi và các đặc điểm của thân chủ. Điều này giúp nhân viên xã hội cố gắng ngăn ngừa mọi thành kiến hay những phê phán tiêu cực ảnh hưởng đến cách giải quyết.
•Nhận biết sự tác động mà nhân viên xã hội thể hiện trên thân chủ và cố gắng bảo đảm rằng nhân viên xã hội được cảm nhận như là người giúp đỡ chứ không phải là đe dọa.
Kiểm huấn viên phải là gương mẫu về sự cởi mở và ý thức bản thân cho người được kiểm huấn đồng thời phải rõ ràng trong vai trò quản lý với người được kiểm huấn và nhấn mạnh đến trách nhiệm theo đúng quy chuẩn nghề nghiệp được thực hiện với thân chủ. Tại Anh quốc, khi thừa nhận tầm quan trọng của kiểm huấn, nhiều cơ quan an sinh xã hội đã giới thiệu những chính sách cho việc kiểm huấn, rút ra những định chuẩn hành vi và yêu cầu có sự tương tác giữa kiểm huấn viên và người được kiểm huấn. Hội đồng Trung ương về Giáo dục và Đào tạo công tác xã hội Anh quốc yêu cầu tất cả sinh viên thực hành phải được kiểm huấn bởi một người thầy thực hành “được thừa nhận”, người đã hoặc đang được xem xét cấp giấy chứng nhận là thầy thực hành (CCETSW 1996).
Singapore đang trên đà thuyết phục các cơ sở xã hội cùng thiết lập các chính sách tương tự, nhằm xác định vai trò quan trọng của kiểm huấn viên trong thực hành lẫn trong đào tạo công tác xã hội và trong những năm đầu hành nghề. Trong khi chờ đợi, đang có những chương trình tập huấn cho cả kiểm huấn viên cho sinh viên và lẫn kiểm huấn viên cho nhân viên mới vào nghề (SASW 1999 – 2000)
Tất cả mọi điều nhấn mạnh ở trên hình thành công tác xã hội như là một hoạt động chuyên nghiệp đòi hỏi cần có kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ giúp cho người thực hành hiểu và can thiệp vào những hoàn cảnh của người dân để họ khắc phục vấn đề ảnh hưởng đến phạm vi cá nhân, mối quan hệ, các vấn đề mang tính xã hội và cấu trúc. Khi chưa được hiểu đúng, công tác xã hội không phải là một hoạt động mang tính tự nguyện của những người có lòng tốt hay một lòng tốt một mình đủ cho phạm vi thực hành của nó.
Một chương trình giáo dục công tác xã hội không thể bao trùm hết mọi kiến thức và kỹ năng khác nhau mà một nhân viên xã hội sẽ cần nó trong suốt thời gian hành nghề. Tuy nhiên họ sẽ được cung cấp kiến thức cần thiết, kỹ năng và thái độ, giúp họ bắt đầu thực hành đồng thời khi ý thức nhu cầu tiếp tục học hỏi và cải thiện chuyên môn. CCETSW tại Anh quốc đã thiết lập điểm đạt về hiểu rõ lý thuyết và khả năng thực hành bao gồm 6 năng lực như là điều kiện tốt nghiệp tối thiểu của chương trình Diploma công tác xã hội cho mọi sinh viên, đó là:
•Truyền thông và dấn thân
•Cổ vũ và tạo năng lực
•Đánh giá và lên kế hoạch
•Can thiệp và cung cấp dịch vụ
•Làm việc trong tổ chức
•Phát triển sự thành thạo về chuyên môn.
Mỗi điểm trên có một tập hợp các chỉ báo rõ ràng giúp sinh viên, giáo viên thực hành và lý thuyết xác định sinh viên nào hội đủ các điều kiện đó và ở chừng mực nào. Khả năng sau cùng: “Sự thành thạo về chuyên môn” cho biết rằng sinh viên tốt nghiệp / hoàn thành một khóa học cần hiểu cái gì họ chưa hiểu và suy nghĩ về việc mình phải làm gì về vấn đề đó (DOH U.K., 2000). Một nhân viên xã hội tập sự như đã nêu trên phải được tiếp tục kiểm huấn và được giúp đỡ, khuyến khích tiếp tục tham gia tập huấn.
VÀO HỌC NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
Vào học các chương trình cấp cơ bản tại Singapore và Anh quốc thường là sau khi tốt nghiệp trung học ở khoảng tuổi 18. Anh quốc, khi tổ chức giáo dục cấp Diploma cho nhân viên xã hội, luôn chú trọng đến sự cần thiết có những sinh viên chín chắn hơn để có thể vào học các chương trình như vậy và tạo ra nhiều hướng đi kể cả việc làm bán thời gian theo từng hướng. Sự cần thiết là sinh viên có quá trình được đào tạo và kinh nghiệm sống khác nhau để vào lãnh vực được xem là mang nhiều phản ảnh quan trọng về tình trạng đa dạng và kinh nghiệm sống của các thân chủ của ngành công tác xã hội. Những kinh nghiệm sống và sự chín chắn này được ứng dụng vào thực tế để chia sẻ học hỏi. Khi đề nghị kéo dài thời gian đào tạo nhân viên xã hội, Anh quốc sẽ đưa ra một cấp học khác thay vì Diploma, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự duy trì tính linh hoạt của đầu vào, tiếp tục khuôn mẫu của nhiều hướng như duy trì nhiều thành phần sinh viên khác nhau để trở thành nhân viên xã hội.
Singapore đã cấp bằng Diploma công tác xã hội với những mục tiêu tương tự giúp những người chín chắn hơn, có kinh nghiệm trong lãnh vực an sinh xã hội dù là tình nguyện hay nhân viên của cơ sở, để trở thành nhân viên xã hội.
KẾT LUẬN
Những gì tôi đã cố gắng trình bày trong bài tham luận này chính là sự công nhận càng ngày càng gia tăng tầm quan trọng của giáo dục công tác xã hội tại Singapore và Anh quốc.
•Các bộ môn khoa bản giúp cho nhân viên xã hội củng cố khả năng đánh giá và biết minh chứng qua nghiên cứu, bao gồm các khoa học xã hội như xã hội học, tâm lý học và chính sách xã hội. Chính sách và bối cảnh tổ chức của công tác xã hội đã được đưa vào sau cùng.
•Lý thuyết và nghiên cứu là cơ sở của các phương pháp can thiệp khác nhau được sử dụng trong công tác xã hội.
•Sự hội nhập của lý thuyết và thực hành công tác xã hội, cả hai, được thực hiện qua thảo luận tại lớp và học thực hành.
•Học thực hành với sự kiểm huấn về kỹ năng giúp hội nhập việc học và cũng giúp sinh viên phát triển tự nhận thức và hiểu biết về các giá trị, thái độ và kỹ năng của chính mình.
•Một sự nhận thức về nhu cầu tiếp tục học hỏi và đánh giá thực hành sau khi kết thúc một chương trình đào tạo.
•Cần có sự linh hoạt trong tuyển sinh vào ngành công tác xã hội để giúp những người từ những lãnh vực rộng lớn khác nhau, thuộc những nhóm tuổi khác nhau và với những kinh nghiệm sống khác nhau đi vào ngành.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Central Council for Education and Training in Social Work (CCETSW), Assuring Quality in the Diploma in Social Work –1: Rules and requirements for the DipSW., London, U.K. 1996.

International Federation of Social Workers (IFSW), Definition of Social Work, Montreal 2000.

J.M Consulting, Review of the Diploma in Social Work, Department of Health, U.K. Government, London 2000.

Singapore Association of Social Workers, Code of Ethics, Circulated paper 2000.

Singapore Association of Social Workers, A Manual on Supervision for Social Work Supervisors, to be published late 2000 plus courses offered in 1999 and 2000.

Sudha Nair, Families in Rent Arrears: What works? Social Dimension (no 2) 1990, Singapore Association of Social Workers (SASW), Singapore.

Không có nhận xét nào: