8 tháng 5, 2008

MỘT VÀI KINH NGHIỆM TRONG ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN XÃ HỘI


MỘT VÀI KINH NGHIỆM TRONG ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN XÃ HỘI
Nguyễn Ngọc Lâm

Hiện nay đã có nhiều trường đại học trong cả nước đã mở và đào tạo ngành công tác xã hội. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển đội ngũ nhân viên xã hội sẽ góp phần trong việc giải quyết các vấn đề xã hội một cách khoa học hơn. Việc chia sẻ kinh nghiện là cần thiết để hình thành mối liên kết và hợp tác lẫn nhau vì sự phát triển chung của ngành.
Công tác đào tạo nhân viên xã hội tại Việt Nam cần chú trọng một số đặc điểm của nó
không giống như các ngành đào tạo khác trong mục tiêu đào tạo, người giảng dạy, yêu cầu
về tài liệu học tập, môi trường thực tập của sinh viên và người hướng dẫn thực tập và sản phẩm được đào tạo là người phải như thế nào.

1. Mục tiêu đào tạo

Như chúng ta đã biết mục tiêu của ngành là đào tạo nhân viên xã hội chuyên nghiệp mà tính chuyên nghiệp của ngành này là làm việc với con người. Làm việc với con người trong hoàn cảnh khó khăn thì lại rất khó vì thế trên thế giới người ta xem Công tác xã hội là một nghệ thuật, là một nhề của mối quqan hệ người và người với những kỹ năng chuyên nghiệp. Nghệ thuật trong việc thiết lập các mối quan hệ với người được giúp đỡ và môi trường xã hội cùng với kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, cách ăn nói hiệu quả, thái độ phù hợp…và có kiến thức mang tính tổng hợp và liên ngành trong hệ thống an sinh xã hội, văn hoá, kinh tế chính trị của xã hội. Làm thế nào để chúng ta đạt được và có được những sản phẩm hội đủ những chuẩn mực như vậy thật quả là không dễ dàng chút nào một khi chúng ta vẫn còn thiếu thốn về nhiều mặt do cơ chế tuyển sinh, tài liệu học tập, người giảng dạy. người hướng dẫn thực tập, môi trường thực tập cho sinh viên còn giới hạn, nghề nghiệp chưa được công nhận chính thức, xã hội chưa biết nhiều về ngành nghề này. Do đó nghề này không phải ai cũng thích hợp, cần có sự lựa chọn đúng người học, có những người giỏi nhưng họ lại không phù hợp với nghề này ( do tâm lý, quan điểm sống, cách nhìn vấn đề, thái độ…thường người hiểu rõ ngành nghề này và quyết định chọn ngành này trước khi vào học đều có động cơ học tập tốt hơn những người chọn nó vì không thể vào học các ngành khác). Hiện nay chúng ta chưa chủ động chọn được sinh viên phù hợp với nghề vì người học phải là người có động cơ theo đuổi ngành nghề này, có cái tâm, cân bằng về mặt tâm lý, lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, tin vào khả năng của người khác. Chương trình đào tạo cũng còn nhiều bất cập ( phải dây theo chương trình khung của BỘ GD và ĐT). Những môn học công cụ và cốt lõi chuyên ngành vần còn ít và dành nhiều thời gian cho những môn ít quan trọng cho ngành nghề. Thời gian thực tập cũng bị giới hạn, chưa đủ cần thiết để rèn luyện sinh viên cứng cáp hơn tính chuyên nghiệp của nghề. Một cái khó khăn tiếp theo là người thầy.

2. Người thầy giảng dạy

Sản phẩm được đào tạo tùy thuộc rất nhiều vào người thầy: người thầy không chỉ
dạy lý thuyết mà dạy cả thực hành, cung cách ứng xử trước con người có vấn đề như thế nào, cách nhìn về họ ra sao, hiểu con người họ như thế nào và cùng làm việc với họ như thế nào, đó là một quá trình nghệ thuật và nếu người thầy chưa bao giờ lăn lộn trong mối quan hệ giúp đỡ này thì làm sao truyền được tính nghệ thuật và các kỹ năng cần thiết cho người học, khó mà truyền cái tâm của chính mình cho người học. Người thầy ngoài kiến thức và phương pháp sư phạm cần có, phải là một nhân viên xã hội có nhiều kinh nghiệm (tốt nhất vừa tham gia thực hiện dự án xã hội vừa giảng dạy), tha thiết với nghề thì mới có thể truyền được cái tâm của mình, cũng như cái tinh thần, cốt lõi của ngành nghề này cho sinh viên, nếu không họ sẽ chỉ là những con người hành nghề như một cái máy, khô khan và cứng nhắc trong công việc. Việc tìm ra những người thầy như thế thật là khó khăn trong thời điểm hiện nay.

3. Tài liệu học tập

Bất cứ đào tạo một ngành nghề nào đó vấn đề cần thiết và tối quan trọng là tài liệu học tập và tài liệu tham khảo cho sinh viên. Khó khăn lớn là hiện nay là chúng ta đang chuyển dịch từ tài liệu của nước ngoài và sử dụng nó trong giảng dạy. Nhưng tài liệu của nước ngoài được xây dựng dựa trên nền văn hóa, hệ thống an sinh xã hội, quy tắc đạo đức và luật lệ riêng của họ, nhưng công tác xã hội thì lại được thực hành dựa trên nền văn hóa riêng của từng nước, từng dân tộc thì mới hiệu quả. Từ đó đòi hỏi ở người thầy phải diễn giải theo nền văn hóa của chính mình, đừng để sinh viên học cái của nước ngoài để ứng dụng vào tình hình cụ thể của Việt Nam thì họ sẽ bở ngỡ và lạc lỏng, khó thích nghi và hòa nhập.
Một xu hướng cần có là Việt Nam hóa ngành công tác xã hội, một khi ngành nghề này được công nhận và phát triển mạnh trong tương lai và có Hội đoàn chuyên nghiệp cụ thể để nhận lãnh trách nhiệm này. Trước mắt, người thầy phải lãnh trách nhiệm này, tức dịch thuật và trình bày theo phong cách Việt Nam, giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn sinh viên ứng dụng nó vào bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

4. Môi trường thực tập

Mội trường thực tập của sinh viên học ngành này là thực tập có hướng dẫn tại các cơ sở xã
hội, các dự án phát triển cộng đồng. Người hướng dẫn phải là nhân viên xã hội chuyên
nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn ở cả ba phương pháp ( cá nhân, nhóm và cộng đồng), cơ sở xã hội mà sinh viên đến thực tập cần có nhân viên xã
hội chuyên nghiệp đang làm việc tại chỗ. Nhưng hiện nay rất hiếm cơ sở có người chuyên nghiệp để hướng dẫn và hội đủ các kỹ năng hướng dẫn. Nếu không sinh viên chẳng học được gì, hoặc học qua loa, đối phó để có điểm qua đợt thực tập thì khó mà trở thành người chuyên nghiệp vì chính môi trường thực tập là nơi sinh viên tiếp cận thực tế, con người thật, rèn luyện các kỹ năng chuyên nghiệp, tập nhìn vấn đề một cách khách quan, biết phân tích vấn đề ở nhiều góc cạnh khác nhau, biết tạo mối quan hệ giúp đỡ chuyên nghiệp, biết cách tăng năng lực cho người bị thiệt thòi..đó là cà một vấn đề nan giải trong khi ở các quốc gia có ngành CTXH phát triển thì mọi cơ sở đều có nhân viên xã hội chuyên nghiệp làm việc và họ làm đúng theo ngành nghề và vì thế rất thuận lợi cho việc học thực hành của sinh viên, còn hiện nay tại VN chúng ta thì sinh viên học cái làm sai nhiều hơn
là cái làm đúng.
Công tác kiểm huấn là công tác hướng dẫn sinh viên thực tập. Công tác này cần được chăm
sóc kỹ vì nó giúp sinh viên rèn luyện để trở thành người chuyên nghiệp với những kỹ năng
thực hành chuyên nghiệp, giúp sinh viên tự khám phá về chính bản thân mình, tự điều chỉnh mình để phù hợp với nghề và khám phá vấn đề của cá nhân, nhóm và cộng đồng đang gặp khó khăn. Đó là một qua trình tương tác giữa người đã có kinh nghiệm trong nghề với người tập sự vào nghề để đưa đến sự thay đổi ở bản thân, ở tính cách, cách nhìn và lối sống. Kiềm huấn viên phải được đào tạo về phương pháp kiểm huấn theo một số chuẩn mực cần thiết để sinh viên có thể thay đổi một cách toàn diện phù hợp với nghề. Kiểm huấn viên phải luôn theo dõi các bước tập sự của sinh viên để chấn chỉnh những thói quen sai trái khi thực hành. Những thói quen thường có ở sinh viên chúng ta là :
• Phê phán thân chủ khi thân chủ có hành vi sai trái hoặc có giá trị, quan điểm khác với sinh viên hoặc phê phán những người không có chuyên môn trong công tác cộng đồng
• Vội cho lời khuyên
• Thiếu kỹ năng lắng nghe người khác
• Thiếu kỹ năng phân tích vấn đề một cách toàn diện, thường chỉ chú trọng đến vấn đề của cá nhân mà quên đi những tác động của môi trường sống
• Vội đưa ra giải pháp khi chưa tìm hiểu cặn kẽ vấn đề của thân chủ
• Thói quen áp đặt, buộc thân chủ thực hiện theo ý kiến của mình.
• Thiếu kỹ năng trong ghi chép và viết báo cáo
* Ít thắc mắc trước một sự kiện, cách làm của cơ sở hoặc về thân chủ nên sinh viên ít đặt câu họi để được giải đáp vì họi nhiều mới học được nhiều.
* Sinh viên cần ghi lại những cảm xúc của mình, những nhận định của mình khi thực và qua đó kiểm huấn viên mới mới có thể giúp sinh viên tự khám phá bản thân (cảm xúc gì lấn áp trước thân chủ, do quá khứ của sinh viên hay do giá trị riêng...?)và chấn chỉnh những suy nghĩ chưa đúng của sinh viên vì đó là những bước trong tiến trình chuyên nghiệp hoá.

5. Sản phẩm đào tạo : Nhân viên xã hội

Người thực hành công tác xã hội được gọi một cách tổng quát là nhân viên xã hội hoặc tác
viên phát triển theo cách gọi của một số nước khi tham gia các dự án phát triển xã hội. Vai trò của nhân viên xã hội là tạo sự thay đổi ở cấp độ cá nhân, nhóm và cộng đồng có vấn đề: Thay đổi lối sống, thay đổi hoàn cảnh, thay đổi cách nhìn vấn đề, thay đổi mối quan hệ…để mạnh hơn, có năng lực hơn, làm chủ chính mình để hoà nhập. Để đảm nhận tốt vai trò này chính bản thân nhân viên xã hội phải tự thay đổi chính mình. Hiểu chính bản thân và biết tự điều chỉnh mình thì mới có thể hiểu và giúp người khác tự thay đổi. Để có được sản phẩm theo sự đòi hỏi của chức năng và mục tiêu ngành nghề thì mội trường đào tạo phải là một môi trường thể hiện sự gắn bó, đoàn kết, hợp tác, trung thực, tôn trọng nhau trong mối quan hệ nghề nghiệp. Sinh viên ngoài việc học ở lớp, ở lý thuyết, ở thực hành còn học ở chúng ta về cách cư xử, về thái độ, về cách thể hiện nhân cách con người và nhất là tính chuyên nghiệp thông qua tiếp xúc với sinh viên. Con người, tính cách của các thầy cô là những tấm gương học hỏi của sinh viên.
Hiện nay cái khó trong cách thể hiện con người của một nhân viên xã hội là xã hội chưa thừa nhận chính thức nghề nghiệp nên chưa có áp lực định hình một khuôn mẩu nhất định từ xã hội lên nhân viên xã hội như ở một số ngành nghề khác như bác sĩ, luật sư…để họ luôn phấn đấu gương mẫu trong cách thể hiện đạo đức nghề nghiệp.Vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai không xa. Một khi vấn đề này được giải quyết (tức có hành lang pháp lý cho việc thực thi nghề nghiệp) thì việc sử dụng sản phẩm đào tạo không còn khó khăn nhiều nữa.

Đào tạo trong ngành công tác xã hội không dễ dàng và không đơn giản như đào tạo ở một số ngành nghề khác. Công tác đào tạo phải sát với thực tế xã hội đang diễn ra, cần linh hoạt, thay đổi chương trình đào tạo để kịp thời phủ hợp với những biến đổi xã hội và những diễn biến của tình hình CTXH quốc tế, phải phục vụ cho nhu cầu xã hội. Nghiên cứu, đào tạo, thực hành, phục vụ cộng đồng là mối quan hệ xuyên suốt, tương tác hỗ trợ qua lại, góp phần không nhỏ vào sự phát triển xã hội bền vững.

Không có nhận xét nào: