8 tháng 5, 2008
QÚA TRÌNH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
QÚA TRÌNH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Giới thiệu
Như chúng ta đã tìm hiểu trong hoạt động ban đầu về định nghĩa vấn đề, có rất nhiều dạng vấn đề, từ những vấn đề tương đối đơn giản đến vô cùng phức tạp. Một số vấn đề có thể được xác định và giải quyết khá dễ dàng qua quá trình tham vấn. Chẳng hạn, nhà tham vấn có thể dạy một cậu bé đang có vấn đề về việc kết bạn một số kỹ năng xã hội cơ bản để giúp cậu bé tăng cường khả năng hoà nhập với bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên có nhiều vấn đề chẳng hạn như đói nghèo, lạm dụng hoặc phân biệt đối xử rất khó giải quyết. Rõ ràng, chúng ta không mong đợi nhà tham vấn có thể giảm được đói nghèo, nhưng có một số biện pháp nhà tham vấn có thể thực hiện để giúp các gia đình đương đầu với những căng thẳng phát sinh từ những vấn đề phức tạp này(ví dụ, giúp các gia đình tiếp cận các nguồn lực để bổ sung thu nhập và giảm bớt khó khăn tài chính trong cuộc sống). Cùng với việc giúp các gia đình tìm được các nguồn lực khác nhau ( công việc thực ra có chức năng của công tác xã hội nhiều hơn), nhà tham vấn còn giúp thân chủ giải quyết các mặt tâm lý và tình cảm bị ảnh hưởng bởi các vấn đề xã hội có quy mô lớn hơn. Nhà tham vấn giúp thân chủ đối mặt với những áp lực phức tạp bằng cách chia chúng thành các đại lượng hoặc các bước nhỏ hơn và có thể kiểm soát được.
Nhà tham vấn sử dụng quá trình giải quyết vấn đề để giúp thân chủ thoả mãn các nhu cầu hay giảm nhẹ những lo lắng. QUAN TRỌNG: Một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng nhà tham vấn làm việc với thân chủ để giúp họ giải quyết vấn đề cho chính bản thân họ; nhà tham vấn không đưa ra các giải pháp cho thân chủ. Điều này làm cho tham vấn trở thành quá trình tăng cường năng lực, dạy cho thân chủ các kỹ năng giải quyết vấn đề để họ có thể áp dụng chúng trong đời sống. Việc chỉ đơn thuần đưa ra các câu trả lời hoặc các giải pháp cho thân chủ hiếm khi có hiệu quả.Nó phủ nhận năng lực tự đưa ra các lựa chọn đúng cho bản thân họ và,họ cảm thấy bị ngăn cản trong việc làm chủ cuộc sống của mình.
Việc đưa ra các “câu trả lời” hoặc nói ai đó nên làm gì không phù hợp trong tham vấn vì:
Nó thể hiện rằng anh/chị không tin tưởng vào năng lực tự giải quyết vấn đề của thân chủ.
Nó ám chỉ rằng anh/chị biết cái tốt nhất cho họ hơn là chính bản thân họ; và
Không bao giờ có câu "trả lời" dễ dàng cho các vấn đề của thân chủ.
Giả sử anh/chị đang làm việc với một cậu bé mà bố mẹ em đã đột ngột qua đời. Anh/chị không thể làm cho bố mẹ cậu bé sống lại cũng như không thể làm trẻ cảm thấy tốt hơn ngay lập tức. Nhưng anh/chị có thể hỗ trợ trẻ bằng cách thông cảm, lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ về thảm kịch đó của em. Anh/chị có thể giúp cậu bé nhận ra và sử dụng chính sức mạnh của em để vượt qua giai đoạn khủng hoảng ban đầu.
BƯỚC 1: Xác định vấn đề
Mục tiêu của giai đoạn 1 là xác định bản chất của nhu cầu của thân chủ thông qua nói chuyện, phản ánh và quan sát. Các câu hỏi mà nhà tham vấn đặt ra để tìm kiếm câu trả lời trong giai đoạn này là:
"Có vấn đề gì" và
"Vấn đề nằm ở đâu"?
Để minh hoạ cho quá trình giải quyết vấn đề, chúng ta sử dụng ví dụ của một gia đình đang có cậu con trai cả, cậu bé Trung, 14 tuổi, bắt đầu nghiện hút. Vấn đề nổi cộm cần được giải quyết khá rõ ràng: Trung sử dụng thuốc phiện. CHÚ Ý: Nhà tham vấn thường tham vấn với hai dạng thân chủ; những thân chủ tìm kiếm sự giúp đỡ, và những thân chủ từ chối sự giúp đỡ. Trung thuộc loại thân chủ thứ hai: em có vẻ không muốn.
Khi xác định vấn đề Trung nghiện ma tuý, anh/chị cần xác định càng chính xác càng tốt bản chất của vấn đề từ quan điểm của các thành viên trong gia đinh. ( giả định rằng họ sẵn lòng nói chuyện với anh/chị). Bố mẹ Trung có thể nhìn vấn đề giống Trung: "nó là thằng con hư". Nhưng khi anh/chị làm việc sâu sát hơn với gia đình (sử dụng nhiều câu hỏi mở và các kỹ năng giao tiếp bằng lời), anh/chị có thể phát hiện ra rằng vấn đề lại phát sinh từ các nguyên nhân khác. Nói khác đi vấn đề không phải ở Trung.
Các ý kiến: Có thể Trung và gia đình không đoàn kết. Có thể Trung bị ngược đãi hay bỏ rơi. Có thể do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Trung phải ra đường kiếm sống và bắt đầu giao du với những đứa trẻ có ảnh hưởng xấu đến bản thân em.
Tất nhiên, cuối cùng Trung cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính em, và một trong những mục tiêu đặt ra cho nhà tham vấn là giúp em cai được thuốc phiện. Nhưng, nhà tham vấn muốn khai thác vấn đề một cách kỹ lưỡng để xác định nguồn gốc sâu xa, và giúp Trung hiểu những nguyên nhân sâu xa này và học cách xử lý chúng phù hợp hơn.
CHÚ Ý: Việc anh/chị nhận dạng vấn đề một cách đúng đắn ngay từ đầu để đảm bảo rằng quá trình giải quyết vấn đề sẽ đi theo đúng hướng là rất quan trọng. Ví dụ, nếu nhà tham vấn xác định rằng những cậu bé mà Trung đang giao du là nguyên nhân khiến Trung nghiện hút, anh/chị ta có thể bỏ qua nguyên nhân gia đình.
Các vấn đề nổi cộm
"Các vấn đề nổi cộm" của thân chủ là những vấn đề khiến thân chủ đến tham vấn lần đầu tiên. Chúng hầu hết là "triệu chứng" hay dấu hiệu của những vấn đề tiềm tàng sâu xa hơn. Công việc của nhà tham vấn gần giống như công việc khám phá (qua việc sử dụng các kỹ năng tham vấn) nguồn gốc cơ bản ẩn dưới vấn đề nổi cộm và cách chúng tự bộc lộ như thế nào thành các vấn đề hiện tại. Trong tình huống của Trung, nhà tham vấn có thể cố gắng ngăn Trung dùng thuốc phiện bằng cách nói rằng sử dụng thuốc phiện là “sai”. Nhưng cách này có vẻ không mang lại hiệu quả như anh/chị nghĩ. Bất cứ người lớn nào cũng có thể giảng giải cho em về hành vi của em, bố mẹ và người thân của Trung có thể đã làm điều đó. Cách tiếp cận tốt hơn cho nhà tham vấn là dành thời gian để làm quen với Trung, xây dựng lòng tin với em, cố gắng tìm hiểu thật nhiều về cuộc sống của em. Qua quá trình này,, nhà tham vấn có thể hiểu được những nguyên nhân sâu xa về việc Trung sử dụng thuốc phiện. (ví dụ, hoàn cảnh gia đình em).
Không bao giờ nên dừng lại ở "vấn đề nổi cộm" hay đặt giả định về những nguyên nhân sâu xa. Thay vào đó hãy khám phá sâu hơn các khía cạnh khác nhau trong đời sống của thân chủ để có được bức tranh đầy đủ về tất cả các nhân tố có thể cấu thành nên vấn đề nổi cộm. Khi chiếc lốp xe đạp của anh/chị liên tục hết hơi, anh/chị có thể sẽ tiếp tục bơm nó mỗi khi anh/chị muốn đi, nhưng sẽ có lý hơn nhiều nếu anh/chị thay săm cho nó. Tương tự, vấn đề nổi cộm chỉ có thể được giải quyết hoàn toàn khi các nguyên nhân sâu xa được xác định và xử lý
Hãy nhớ rằng, thân chủ thường không nhận ra được vấn đề của họ, hoặc họ có thể không thừa nhận một số hành vi nhất định (chẳng hạn như sử dụng ma tuý) là có vấn đề. Qua quá trình xây dựng mối quan hệ tin tưởng, trong đó thân chủ cảm thấy được chấp nhận, thì những thay đổi sẽ xảy ra mặc dù đây có thể là giai đoạn khó khăn và lâu dài, nó đòi hỏi sự kiên trì và lòng tận tâm.
BƯỚC 2: Phân tích vấn đề
Trong giai đoạn 2 của quá trình giải quyết vấn đề, nhà tham vấn và thân chủ cùng phân tích kỹ lưỡng vấn đề và các nguyên nhân sâu xa của chúng. Giai đoạn này được gọi là khâu "đánh giá". Mục tiêu của nhà tham vấn là tìm hiểu bản chất vấn đề của thân chủ;
"Ai sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề?"
"Đâu là nguyên nhân sâu xa?"
"Vấn đề đã tồn tại bao lâu?"
"Những hành động đã thực hiện trước đây và hậu quả của những hành động đó là gì"?
Xác định nguyên nhân sâu xa của vấn đề của thân chủ là một quá trình lâu dài và phức tạp. (Hỏi học viên : Trong khi phân tích vấn đề nhà tham vấn cần những thông tin gì?) Khi phân tích vấn đề cần:
Khai thác chi tiết tình huống hiện tại;
Nguồn gốc gia đình của thân chủ;
Quan hệ của thân chủ với những người khác; và
Môi trường kinh tế - xã hội của gia đình trẻ trong mối quan hệ với các nhân tố khác.
Chẳng hạn, trong trường hợp của Trung, sau khi đã tham vấn vài lần với gia đình em, anh/chị khám phá ra rằng Trung bị ngược đãi về thân thể hầu hết thời gian ở nhà. Em cũng không có khả năng học hành và luôn luôn có kết quả thấp ở trên lớp và thường bị các thành viên trong gia đình gọi là "ngu ngốc". Anh/chị có thể khám phá ra rằng bố Trung nghiện rượu và ngoại tình. Gia đình Trung rất nghèo, mẹ Trung suốt ngày sống trong buồn đau và phiền muộn. Những sự thật này làm sáng tỏ vấn đề sử dụng ma tuý của Trung, vấn đề dường như là sự kết hợp của tất cả các yếu tố nói trên.
Cũng trong bước này, nhà tham vấn có thể tìm hiểu cách mà bố mẹ Trung đã hoặc đang giải quyết vấn đề nghiện hút của em. Họ có trừng phạt em không? Nếu có, bằng cách nào? Sau đấy chuyện gì đã xảy ra? Họ có báo cho chính quyền địa phương không? Báo cho họ hàng không? Cho láng giềng biết không?
Quan trọng hơn cả, để tránh đưa ra các giả định, nhà tham vấn nên hỏi Trung tại sao em lại dùng thuốc phiện (với thái độ không phán xét, không buộc tội). Anh/chị có thể thể hiện sự cảm thông của mình với Trung như thế nào trong cách tiếp cận của mình? Anh/chị sẽ thể hiện vai trò hỗ trợ, thay vì vai trò quyền lực như thế nào? Anh/chị sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung liên tục nói rằng "cháu không biết?" Anh/chị sẽ phản ứng như thế nào nếu cháu nói rằng cháu dùng thuốc vì chúng làm cháu có cảm giác tốt hơn và cháu thích cảm giác đó? (Hãy thông cảm, nhưng không bỏ qua hành vi của em)
BƯỚC 3: Đưa ra các giải pháp khả thi
Sau khi anh/chị và (các) thân chủ đã thảo luận và xem xét vấn đề của thân chủ một cách kỹ lưỡng, chuyển sang xác định các giải pháp khả thi, trước tiên, xuất phát từ quan điểm của thân chủ. Trong giai đoạn này nhà tham vấn giúp thân chủ xác định tối đa các cách khác nhau để giải quyết vấn đề. Anh/chị nên khuyến khích sự sáng tạo, và tạo điều kiện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề của thân chủ có cơ hội như nhau trong việc tham gia vào quá trình này. Việc nhà tham vấn và thân chủ đạt được sự nhất trí và hiểu biết lẫn nhau về các quyết định này là rất cần thiết. Những câu hỏi chủ yếu mà cả nhà tham vấn và thân chủ đều cố gắng để trả lời trong giai đoạn này là:
"Cần phải làm gì để cải thiện tình hình hay giải quyết vấn đề?"
"Ai phải làm điều đó" và
"Những giải pháp khả thi có thể được thực hiện như thế nào?"
Ở trường hợp của Trung, nhà tham vấn có thể thăm dò các ý kiến từ Trung và bố mẹ em, hành động như một người trung gian và người hoà giải giữa ba người khi cần thiết. Anh/chị nên hy vọng rằng gia đình sẽ có nhiều quan điểm khác nhau cho giải pháp có tính khả thi cao nhất. Điều này cũng tốt, bởi nhiệm vụ chính là tạo ra càng nhiều giải pháp khả thi càng tốt. Cần đảm bảo rằng Trung và gia đình và người tham dự chủ yếu vào quá trình. Các giải pháp của họ là "đúng" hay "sai" trong giai đoạn này là không quan trọng. Quan trọng hơn cả là, nhà tham vấn lắng nghe, hiểu tất cả các ý kiến của họ một cách nghiêm túc
Nhà tham vấn nên cố gắng liên kết các ý kiến, khuyến khích Trung và bố mẹ em hiểu ý nhau. Tất nhiên là bố mẹ/người giám hộ không phải bao giờ cũng có mặt, đặc biệt là với những trẻ lang thang sống cách ly gia đình, nhưng họ nên tham gia ở bất cứ khi nào có thể.
BƯỚC 4: Đánh giá các giải pháp khả thi
Trong giai đoạn này, nhà tham vấn và thân chủ sẽ đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp khả thi cho vấn đề. Nhà tham vấn giúp thân chủ xem xét các yếu tố thuận, nghich của từng giải pháp khả thi đã nêu ở giai đoạn 3. Thân chủ và nhà tham vấn cũng cần xác định các nguồn lực hỗ trợ cũng như các trở ngại tiềm tàng của các giải pháp. Tất cả kế hoạch hành động đều nên được đặt thứ tự ưu tiên. Nói cách khác là, xác định hành động nào là hành động quan trọng nhất cần được thực hiện trước tiên?
Trở lại trường hợp của Trung, giả sử bố em tin rằng giải pháp cho vấn đề là đánh đập em thường xuyên để răn dạy em rằng nghiện hút ma tuý là một việc làm sai trái. Điều này chắc chắn có hại cho Trung cả về thể chất lẫn tâm lý và có thể làm vấn đề càng trở nên trầm trọng. (ví dụ, điều này có thể khiến Trung chống lại bố em nhiều hơn ). Trung có thể giảm hút hít, và cho rằng em chỉ "thỉnh thoảng" làm việc đó, do đó trong tâm trí em, "giải pháp" là hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, nhà tham vấn hiểu rằng sử dụng ma túy là nguy hiểm và mang tính huỷ hoại tiềm tàng. Nhà tham vấn cho rằng việc Trung dính vào ma tuý là để giải thoát các cảm giác tiêu cực về bản thân, về hoàn cảnh và gia đình. Người mẹ thì cảm thấy rằng cần phải được giữ Trung ở nhà thường xuyên không cho giao du với bạn bè và như vậy bà có thể "canh chừng" được con mình. Mặc dù là ý kiến tốt nhưng ý kiến này không thực tế; Trung cần phải đến trường và giao lưu với bạn bè để có thể phát triển về mặt xã hội và về trí tuệ. Việc giữ em ở nhà đồng nghĩa với sự thất bại trong việc vạch rõ nguyên nhân sâu xa của vấn đề và có thể kích động em trốn đi. Việc này có thể sẽ phức tạp hơn và có thể làm tăng tính nghiêm trọng của vấn đề.
Sau khi nghe hết các ý kiến của gia đình, nhà tham vấn nên đề xuất các giải pháp thay thế cho gia đình nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho Trung. Trong giai đoạn này, nhà tham vấn và thân chủ phải đặt thứ tự ưu tiên cho các giải pháp (trong ví dụ của chúng ta, sự ưu tiên là nhu cầu an toàn của Trung).
Để đảm bào rằng Trung được an toàn, nhà tham vấn có thể đề nghị gia đình để Trung ở lại với họ hàng một thời gian. Theo cách này nhà tham vấn và gia đình có thể tiếp tục làm việc từng bước về một số nguyên nhân sâu xa khiến Trung sử dụng ma túy. Trung cũng có một thời gian ngơi nghỉ tạm thời không bị ngược đãi, điều rất có hại cho sức khoẻ thể chất và tâm lý của em
BƯỚC 5: Ra quyết định và thực hiện
Trong bước 5, nhà tham vấn giúp thân chủ đi đến quyết định cuối cùng như là giải pháp cho vấn đề và bắt đầu thực hiện các thay đổi. Các quyết định cuối cùng luôn luôn được đưa ra bởi cả thân chủ và nhà tham vấn. Nhà tham vấn và thân chủ nên làm việc cùng nhau để triển khai các kế hoạch thiết thực và rõ ràng cho việc thực hiện các giải pháp. Câu hỏi quan trọng của giai đoạn này là:
"Cần phải làm gì?"
"Ai phải làm điều đó"
"Hậu quả sẽ như thế nào?"
"Khi nào thì điều đó (hay từng giai đoạn) sẽ được thực hiện"
"Điều này sẽ được thực hiện như thế nào"; và
"Khi nào thì kết thúc?"
Trở lại ví dụ của Trung và gia đình, trong giai đoạn này, nhà tham vấn (cùng với gia đình) đưa ra giải pháp cuối cùng bằng cách giải quyết tất cả các nguyên nhân của vấn đề. Bởi giải pháp do gia đình đề xuất trong bước 4 có những mặt hạn chế nhất định, nên nhà tham vấn có thể sử dụng các kỹ năng cảm thông và gây ảnh hưởng (nghe và cảm thông với quan điểm của gia đình trước khi đưa ra quan điểm của mình) với mục tiêu thuyết phục Trung và gia đình đồng ý các giải pháp thay thế đã đề xuất nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho Trung.
Nếu giải pháp đã được mọi người đồng ý, gia đình phải xác định các bước tiếp theo để thực hiện. (Chẳng hạn, họ phải xác định người họ hàng thích hợp để Trung có thể ở cùng và đảm bảo là họ chấp nhận.) Nhưng anh/chị luôn nhớ rằng anh/chị không thể “ép buộc” gia đình đưa ra và thực hiện các quyết định; việc này phải xuất phát từ ý muốn của họ.
Bước tiếp theo, nên để Trung tham gia vào các hoạt động ngoại khoá mà có thể mang lại cho em những cảm giác tích cực không bị ma tuý dẫn dắt, giới thiệu em làm quen và chơi với bạn bè mới và để em xa rời môi trường và những bạn bè đã sử dụng ma tuý với em. Tổ chức những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Trung với bố mẹ (có sự hiện diện của nhà tham vấn) cho đến khi nhà tham vấn tin rằng gia đình có khả năng xử sự với nhau môt cáchyên bình (không bạo lực hay đay nghiến đối với Trung)
Để khuyến khích Trung cai nghiện, nhà tham vấn cần phải hết sức cảm thông và ủng hộ em, nếu không em có thể có cảm thấy mình là kẻ thù của người lớn. Nhà tham vấn cần đứng về phía quan điểm của Trung, “Cô biết cháu có nhiều điều khó khăn làm cháu cảm thấy trong người không được tốt. Chúng ta thường xuyên muốn thoát khỏi những cảm giác tồi tệ đó. Nhưng ma túy là thứ có thể làm cho những vấn đề trong đời cháu cuối cùng trở nên tồi tệ hơn”. Chỉ đơn thuần “ra lệnh” Trung phải bỏ ma túy sẽ không có hiệu quả, vì cuối cùng Trung là người có quyền lựa chọn.
Để giúp Trung từ bỏ thuốc phiện, nhà tham vấn cần phải giải quyết được nhu cầu tâm lý của em. Giả sử sau khi trò chuyện thêm với Trung, em tiết lộ rằng em thường bị gọi là “ngu ngốc” và “hư đốn” trong suốt khoảng thời gian sống với gia đình nên em bắt đầu chấp nhận những đó là sự thật. Em dùng ma tuý như là một đối sách cho những cảm giác tiêu cực về bản thân mình cũng như sự tức giận phải kìm nén đối với người bố đã ngược đãi em. Mục tiêu của nhà tham vấn là cải thiện lòng tự trọng của Trung, một phần bằng cách đề cao các thế mạnh của em, ủng hộ những việc làm tốt của em và khuyến khích em sử dụng những thế mạnh của mình..
Sự chú ý của nhà tham vấn tập trung vào việc giải thích và mô hình hoá phương pháp làm cha mẹ có hiệu quả hơn cho bố mẹ Trung. Cần giải thích cho họ về những mất mát do sự ngược đãi về mặt thân thể cũng như ngôn từ áp đặt vào Trung. Nhà tham vấn cũng đồng thời phải làm việc riêng với Trung để khẳng định với Trung rằng em không “ngu ngốc” và rằng hành vi bạo lực của bố đối với em không phải là lỗi của em, và điều đó cũng không có nghĩa là em “xấu”. Cuối cùng, cần phải thiết lập một thời gian thích hợp để đưa Trung về nhà lâu dài.
BƯỚC 6: Đánh giá kết quả
Bước cuối cùng trong quá trình giải quyết vấn đề liên quan đến việc đánh giá các kết quả của các quyết định đã được đưa ra và thực hiện. Trong giai đoạn này, nhà tham vấn làm việc với thân chủ để xác định xem các bước tiến hành có hiệu quả hay không và có cần thay đổi, điều chỉnh gì không. Dưới đây là những điều anh/chị cần khai thác:
“Kết quả có khả quan không?”
“Vấn đề có được khắc phục không?”
“Giải pháp có thiết thực không?”; và
“Có hậu quả bất ngờ nào xảy ra không?”
CHÚ Ý: Bước này cần được thực sự tiến hành định kỳ trong suốt quá trình giải quyết vấn đề để xác định những trở ngại tiềm tàng và những thiếu sót trước khi chúng trở thành áp lực.
Nếu sự can thiệp đã lựa chọn được xác định là không hiệu quả, có thể do các lý do sau:
Phương pháp can thiệp (ví dụ, nhà tham vấn đã làm việc với thân chủ như thế nào);
Đánh giá ban đầu về tình hình của thân chủ và xác định vấn đề;
Thoả thuận giữa nhà tham vấn và thân chủ về giải pháp và những điều cần tiến hành
Kế hoạch thực hiện.
Nếu sự đánh giá cuối cùng chỉ ra rằng vấn đề đã được giải quyết và không tồn tại vấn đề nổi cộm nào thì nhà tham vấn và thân chủ nên thỏa thuận kết thúc quan hệ (sau khi nhà tham vấn đã đánh giá cao sự thành công của gia đình thân chủ !)
Ktế luận
Giải quyết vấn đề không phải là một quá trình đơn giản và suôn sẻ. Nhưng mô hình giải quyết vấn đề được xây dựng để chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành các đại lượng nhỏ hơn và có thể quản lý được.
Ghi nhớ rằng quá trình không nhất thiết phải xảy ra theo trình tự và liên tục. Đôi khi cần quay lại các giai đoạn trước trong quá trình thực hiện.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng nhà tham vấn không bao giờ đưa ra “giải pháp” cho vấn đề của thân chủ!! Thay vào đó, mô hình giải quyết vấn đề được xây dựng để giúp nhà tham vấn hướng dẫn thân chủ tiến trình để giải quyết vấn đề cho bản thân họ.
Phỏng theo A. E. Ivey. (1994). Intentional Interviewing and Counselling, pg. 343, unknown author, in J.W. Newstrom and E.E.Scannell (1980), Games Trainers Play, p. 209, and P.K. Odhner. (1998). Introduction to Social Work Practice: A Training Manual, Module III, pp. 85-88.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét