9 tháng 5, 2008

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC ĐIỂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY


LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC ĐIỂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY
Nguyễn Thị Oanh, Th.s.
Phát triển Cộng đồng
DẪN NHẬP
Ở khắp nơi trên thế giới, CTXH chuyên nghiệp bắt đầu với hoạt động nhân đạo. Lúc đầu, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề tùy thuộc vào tính chất của vấn đề, vào cách tổ chức có thẩm quyền nhìn nhận chúng và tài nguyên vật chất và xã hội sẵn có.
Sau này trong giai đoạn thực dân và thực dân mới, CTXH chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những mô hình từ bên ngoài đưa vào. Đối với Việt Nam, bắt đầu với giai đoạn trước thời thực dân Pháp để tìm hiểu từng giai đoạn phát triển khác nhau của CTXH là một điều lý thú.
THỜI KỲ TRƯỚC THỜI THUỘC ĐỊA PHÁP (TRƯỚC 1862)
Điều lý thú và các vấn đề của con người không thay đổi qua các thời đại. Trước khi người Pháp đến, chính quyền thời đó rất quan tâm đến nạn cờ bạc, nhậu nhẹt, nghiện hút, sự bóc lột người nghèo và người yếu thế lẫn các nhu cầu của các góa phụ, trẻ mồ côi và người già. Theo các tài liệu sử học, nhà cầm quyền nhấn mạnh rằng trong việc trừng phạt kẻ phạm tội cũng như khi phân phối của cải cho người nghèo đều phải bảo đảm công bằng xã hội và bình đẳng. Có những văn bản pháp lý quy định số lượng lúa được phân phối cho những hạng người có nhu cầu khác nhau; lúa này đã được trồng ở những công thổ, công điền dành cho hoạt động phúc lợi.
Người giàu được yêu cầu đem người nghèo về nuôi ở nhà họ hay ít lắm là phải nhường cơm sẻ áo với họ. Nếu không thì phải phân phối gạo cho người nghèo để họ tự nấu. Các chính sách cải tạo đã từng quan tâm đến những trường hợp đặc biệt. Ví dụ nếu một phạm nhân là con một và phải chăm sóc cha mẹ thì luật định rằng họ phải bị lên án, phê phán trước công chúng, nộp phạt rồi thả về để chăm sóc cha mẹ. Từ 1873, Đại Nam Thực Lục chính biên (ĐNTLCB) đã nhắc đến thuốc phiện tới 8 lần. Nhà vua đã phán rằng “thuốc phiện do ngoại phiên chế ra chuyển bán cho những kẻ ngu ngốc, ngoan cố, làm bại hoại nhân tâm (Minh Mệnh thứ 12), “là bả độc đã mắc khó bỏ”. Mọi người vi phạm đều bị nghiêm trị như nhau bất kể vị trí xã hội. “Sinh viên, trí thức mắc phải ma túy được cho một năm để phục hồi, nếu không, tên của họ sẽ bị xóa khỏi danh sách các ứng viên, và không ai trong họ được thi cử”. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, đời sống cộng đồng thời đó rất mạnh mẽ trong tự quản và tình liên đới giúp đỡ lẫn nhau. “Phường” (là đơn vị hành chánh thấp nhất ngày nay) bắt đầu như một tổ chức hợp tác trong đó người dân giúp nhau xây nhà, chăm sóc người đau yếu và chôn cất người chết (ĐNTLCB). Cộng đồng xưa là một đơn vị an sinh xã hội. Phường ngày nay ngoài chức năng hành chánh, còn là một đơn vị xóa đói giảm nghèo, phòng chống tội phạm, giải quyết các vấn đề xã hội và xây dựng đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, chức năng an sinh xã hội không mang tính luật định, mà là tự nguyện hay theo chỉ thị nên hiệu quả không đồng đều.
THỜI THUỘC ĐỊA PHÁP (1862 – 1945)
Ngoài các vấn đề xã hội kể ở phần trên thì có thêm nạn mại dâm. Tình hình trở nên trầm trọng hơn ở chỗ việc buôn bán á phiện trở thành hợp pháp mà là một độc quyền của chính quyền Pháp cùng với rượu và muối. Mại dâm phát triển mạnh để phục vụ quân đội, công chức Pháp và người Việt Nam phục vụ cho họ. Theo tài liệu thời đó, nạn mại dâm đã mang tính quốc tế với sự có mặt của các cô gái nước ngoài (từ Rô-ma-nia, Hy Lạp và các nước khác thuộc vùng BalKan) và vấn đề phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại đã được đề cập đến (Vương Hồng Sển, 1943 – Nguyễn Khắc Viện, 1967).
Tuy nhiên, các vấn đề trên không phải là mối quan tâm của nhà cầm quyền Pháp hồi đó. Thay vào đó, là các mô hình chăm sóc tập trung như viện mồ côi, viện dưỡng lão dành cho người già và người khuyết tật được du nhập bởi các nhà truyền giáo công giáo như họ đã làm ở các nơi khác. Những nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu việc du nhập các mô hình này có phù hợp không khi mà đại gia đình và cộng đồng truyền thống còn rất nhiều tiềm năng an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam không quên công lao của người Pháp về Trường Mù Nguyễn Đình Chiểu (ở TP. Hồ Chí Minh) và Trường Câm Điếc Lái Thiêu đã được chính quyền Việt Nam tiếp quản, hiện đại hóa và còn hoạt động tới ngày nay. Phục hồi gái mại dâm và thanh thiếu niên phạm pháp cũng là một đóng góp có ý nghĩa vì nó giúp cho xã hội hiểu rằng đối với các đối tượng này không chỉ có sự trừng phạt và loại trừ. Tuy nhiên, công việc này không được thành công và phát triển lâu dài.
Cũng nên ghi chú rằng hoạt động an sinh xã hội lúc ấy chỉ do sáng kiến và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo. Một điều lý thú là trong lúc người Pháp bành trướng các mô hình chăm sóc tập trung khá ngoại lai để giải quyết các vấn đề xã hội với xu hướng từ thiện, thì những người yêu nước và cách mạng Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các mạng lưới thanh niên, sinh viên, công nhân (những người đánh xe ngựa, thợ mộc, thợ giày, phu khuân vác) nhằm vào “các dịch vụ cứu trợ đỏ” để phục vụ người nghèo và xây dựng sự tương thân tương trợ. Bắt đầu một cách bí mật vào những năm 30, các phong trào này bị dập tắt sau đó, nhưng trong suốt quá trình lịch sử, chúng nói lên rằng Việt Nam luôn có tiềm năng sáng tạo các mô hình phát triển của chính mình (Nguyễn Thị Oanh, Saigon – TP. Hồ Chí Minh, 300 năm, 1997).
GIAI ĐOẠN SAU THỰC DÂN PHÁP Ở MIỀN NAM VIỆT NAM (1945 – 1954)
Từ 1945 đến 1975, chúng tôi chỉ bàn về miền Nam Việt Nam bởi vì sau cuộc Cách Mạng 1945, chỉ miền Bắc dành độc lập bền vững và thiết lập chế độ XHCN nên không phát triển ngành CTXH. Hội Chữ Thập Đỏ Pháp đã tổ chức khóa tập huấn ngắn hạn và mọi việc chấm dứt khi Cách Mạng 1945 diễn ra. Một số người được tập huấn đã vào Nam theo làn sóng di cư.
Miền Nam Việt Nam có được vài tuần độc lập mà thôi. Mặc dù một chính phủ do người Việt Nam được thành lập, phần này của đất nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người Pháp. Tuy nhiên giai đoạn 9 năm này (1945 – 1954) rất quan trọng vì chính đó là lúc CTXH chuyên nghiệp được hình thành với một đàng sự thành lập của một tổ chức của chính phủ gọi là Nhà Xã hội, và đàng khác với sự thành lập Trường Cán sự Xã hội Thevenet (1947, sau này đổi tên thành Trường CTXH Caritas) do Chữ Thập Đỏ Pháp, sau đó được giao cho Dòng Nữ Tử Bác Ái. Trường hoạt động cho đến 1975 và theo mô hình của Pháp.
Ngoài xã hội, có “Phòng Xã hội” đầu tiên do Giám mục người Pháp, Đức Cha Jean Casseigne thành lập để giúp đỡ công dân Pháp – nạn nhân của cuộc Cách mạng 1945, và năm 1957 được nhập vào Phòng Xã hội thuộc Tòa Lãnh sự Pháp. Công việc chính yếu của cơ quan này là đưa các trẻ mồ côi lai Châu Âu về Pháp. Ngoài một số nhỏ thân chủ người Pháp, các cơ quan xã hội hồi đó phục vụ công nhân Việt Nam thuộc các công ty lớn của Pháp, một số cô nhi quả phụ, người già ở Thành phố. Các nữ cán sự được đào tạo 2 năm chưa đông và chưa được xã hội Việt Nam biết đến nhiều. Tác giả George Sicault, Phó Giám đốc UNICEF có nhận xét “Các mô hình CTXH được du nhập vào các cựu thuộc địa đứng ngoài các xu thế quốc gia, chúng không có tác động nào đến hàng triệu người nghèo, thất học, thất nghiệp” ( Les Carnets de l’Enfance, UNICEF, số 19, 7–9/1972). Nhận xét này có thể áp dụng cho CTXH Pháp được du nhập vào Việt Nam vào thời ấy.
THỜI KỲ THỰC DÂN MỚI CỦA MỸ (1954 – 1975)
Hiệp định Genève năm 1954 đã phân chia Việt Nam thành 2 nước hai bên vĩ tuyến 17, với Bắc Việt theo XHCN và Nam Việt dưới cái gọi là “khối tự do”. Pháp rút ra khỏi Nam Việt Nam được thay thế ngay bởi quân đội và bộ máy cố vấn khổng lồ của Mỹ: Viện trợ Huê Kỳ (USAID).
Phân nửa đầu của giai đoạn này được đánh dấu bởi cuộc di cư vào Nam với gần một triệu người tị nạn miền Bắc, đa phần là người Công giáo. Sau đó qua tài liệu Peutagon Papers được biết đây là một phong trào do CIA tổ chức để khai thác tinh thần chống Cộng của người Việt Nam Công giáo. Những người này sau này cũng bị sử dụng trong cuộc chiến tranh chống Cộng. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn (INGO) đã được chuẩn bị để hỗ trợ cuộc di cư như Tổ chức Cứu trợ Công giáo Mỹ (Catholic Relief Services – CRS), Tổ chức Hợp tác của Mỹ để cứu trợ khắp nơi (Cooperation for American Relief Everywhere – CARE) và Tổ chức Cứu nguy Quốc tế (International Rescue Committee – IRC). Các tổ chức an sinh xã hội, an sinh nhi đồng khác cũng lần lượt tới ngay sau đó như Hội Cha Mẹ Nuôi (Foster Parents Plan), Quỹ Trẻ em Cơ đốc giáo (Christian Children Fund), Tổ chức Mennonite, Tổ chức Cơ đốc Adventist. Cứu trợ và định cư người tị nạn trở thành một hoạt động bình thường cho tới khi chiến tranh chấm dứt, bởi lẽ nó không chỉ phục vụ người di cư từ miền Bắc và chính sách “đô thị hóa cưỡng ép” đã tạo ra hàng triệu người di dân từ nông thôn về các thành phố để cho Mỹ dễ bề lục soát, bắt bớ những du kích cộng sản hầu chấm dứt phong trào cách mạng.
Sự hiện diện của Mỹ đã tạo ra những vấn đề xã hội to lớn như nạn mại dâm, thanh thiếu niên phạm pháp, các băng nhóm tội phạm, và tệ nghiện ma túy xung quanh các trung tâm của quân đội Mỹ. Các vấn đề này ít được quan tâm ngoại trừ vài chương trình nhỏ cho trẻ đánh giày. Hệ thống an sinh xã hội khổng lồ (với cả trăm tổ chức phi chính phủ và quốc tế đã tham gia hoạt động sau này) và hàng triệu đô-la Mỹ đầu tư vào cái gọi là “dịch vụ con người” chỉ là “cuộc chiến kia” (“the other war”). Cuộc cứu trợ người tị nạn chỉ là xoa dịu hậu quả chiến tranh, công cuộc “bình định nông thôn” có khi còn gọi là “phát triển cộng đồng nông thôn” chỉ nhằm vào việc thu phục “trái tim và khối óc” người Việt Nam để họ ngả về phía Mỹ.
Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, công dân Mỹ chống các chương trình viện trợ cho chiến tranh. Một cách để bơm tiền Mỹ vào nền kinh tế đang dẫy chết của miền Nam Việt Nam là viện trợ cho an sinh nhi đồng (mà người dân Mỹ chấp nhận). Hàng trăm tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc nội được thành lập để sử dụng nhiều triệu đô-la trong một thời gian ngắn dẫn tới tham ô, lạm dụng các hoạt động an sinh xã hội và trẻ em. Tuy nhiên, đây không phải là bận tâm của tổ chức viện trợ vì điều họ nhằm là làm sao cho tiền đến Việt Nam thông qua bất cứ ngõ ngách nào: ngân sách của tổ chức, hay túi tiền của cá nhân, các tổ chức từ thiện hay an sinh xã hội, v.v…
Các biến cố đáng ghi nhận ở giai đoạn này là sự công nhận và tuyển dụng các cán sự xã hội Caritas do các cơ quan nhà nước, tổ chức NGO (phi chính phủ) quốc tế và sự trở về nước sau khi du học của ba nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Đó là chị Trần Thị Kim Tiên (học Cán sự Xã hội ở Bỉ), chị Phan Thị Ngọc Quới (thạc sĩ Công tác Xã hội ở Mỹ), chị Nguyễn Thị Oanh (cử nhân Xã hội học ở Mỹ, sau này mới lấy thêm bằng thạc sĩ Phát triển Cộng đồng ở Phi-lip-pin), cả 3 đều tham gia vào thực hành và đào tạo CTXH. Hai chị Quới và Oanh, sau đó tham gia nhóm chuyên gia chương trình phát triển LHQ để sáng lập trường CTXH quốc gia.
Ngoài Trường Caritas, một số chương trình, cơ quan đào tạo khác đã hình thành.
 Trường Cán sự Xã hội Quân đội (thành lập năm 1957), do một cán sự tốt nghiệp trường Caritas đứng đầu. Trường tổ chức các chương trình đào tạo 2 năm cũng như các khóa huấn luyện ngắn hạn. Trên 1500 học viên tốt nghiệp đã hoạt động ở các trại gia binh, cung ứng các dịch vụ gia đình, thực hiện các dự án an sinh nhi đồng…
 Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (Phật giáo) có một cách tiếp cận độc đáo trong việc đào tạo tác viên phát triển nông thôn theo mô hình 4 mặt của Phong trào Phát triển Nông thôn Phi-lip-pin (Nông nghiệp – Kinh tế nông thôn – Vệ sinh và sức khỏe – Cải thiện đời sống gia đình). Chương trình nhấn mạnh việc vận dụng các giá trị và tiềm năng dân tộc.
 Trường Công tác Xã hội Quốc gia được thành lập năm 1968 do Bộ Xã hội (cũ) với sự hợp tác của Chương trình Phát triển / LHQ, UNICEF, và các tổ chức LHQ và quốc tế khác. Khóa huấn luyện giảng viên và kiểm huấn viên kéo dài một năm được tổ chức ngay dành cho trên 20 cử nhân khoa học xã hội đang thực hành CTXH và Cán sự Xã hội. Chương trình chính quy bắt đầu năm 1972 với 2 khóa tốt nghiệp chương trình Kiểm sự Xã hội (Tú tài + 2 năm), và 1 khóa Phó Kiểm sự Xã hội (Tú tài + 1 năm).
Chương trình 2 năm được thiết kế như 2 năm đầu của chương trình cử nhân. Sau 1 – 2 năm làm việc, các KSXH có thể trở về học tiếp 2 năm cuối. Chương trình vừa được chuẩn bị thì Giải phóng.

CTXH như một bộ môn khoa học cũng bắt đầu được đưa vào Đại học Đà Lạt và Vạn Hạnh (Saigon). Một đại học tư thứ ba cũng đang chuẩn bị mở khoa CTXH (Đại học Cửu Long) nhưng chưa kịp mở. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động chuyên môn về thực hành và đào tạo đã chấm dứt vào tháng Tư 1975 khi Cách mạng diễn ra. Ở thời điểm đó, con số ước lượng nhân viên Công tác Xã hội (gọi tắt là nhân viên xã hội – NVXH) các cấp là:
 500 người được huấn luyện ngắn hạn,
 300 người có bằng đào tạo 2 năm,
 20 – 25 cán sự xã hội và cử nhân khoa học xã hội đã qua lớp đào tạo giảng viên và kiểm huấn viên.
 10 người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài gồm 7 thạc sĩ CTXH, 2 thạc sĩ PTCĐ từ Phi-lip-pin, 1 tiến sĩ mới về nước từ Mỹ.
Đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Việt Nam (Đoàn CNXH) được sáng lập năm 1970 và đã gia nhập Liên Đoàn CNXH quốc tế. Cùng thời điểm ấy cả hai Trường Caritas và CTXH quốc gia đã có quan hệ với tổ chức APASWE (Tổ chức Giáo dục CTXH Châu Á Thái Bình Dương). Đoàn CNXH là một thành viên của Hội đồng An sinh Xã hội Việt Nam và có một ghế trong Hội đồng Kinh tế Xã hội quốc gia vừa được thành lập. Biết rằng bộ máy chính quyền cũ chỉ là công cụ của các quyền lực lớn trên thế giới, sự kiện này được nêu lên để cho thấy vị trí của Đoàn CNXH như một tổ chức nghề nghiệp vào thời điểm đó.
Trong khi CTXH và ASXH phát triển rất nhanh, thời kỳ này bao hàm nhiều mâu thuẫn, khó khăn. Không ít người đặt nghi vấn về mặt hệ thống an sinh xã hội phục vụ chiến tranh xâm lược một cách lộ liễu như vậy. Dĩ nhiên những người hưởng lợi từ cuộc chiến không nhìn rõ vấn đề nhưng ngay từ đầu một số ít người chuyên môn và không chuyên môn tham gia hoạt động phát triển xã hội đã chọn hướng làm việc với người nghèo ở cơ sở. Việc đối mặt với sự đau khổ của người dân ở nông thôn cũng như thành thị giúp cho họ thấy sự vô lý của chiến tranh. Các cuộc suy tư về phát triển giải phóng dẫn họ tới sự lựa chọn một quan điểm yêu nước và chống chiến tranh. Có những người tham gia cuộc cách mạng, số còn lại chọn một quan điểm tiến bộ, sẵn sàng ở lại đất nước để hợp tác với Cách Mạng để tìm đến những mô hình phát triển thay thế, hy vọng thấy được các giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà họ tìm.
GIAI ĐOẠN XHCN (1975 – 2000)
25 năm trong lịch sử nhân loại là một thời gian ngắn nhưng đối với ai đã sống qua cuộc Cách Mạng và chứng kiến những thay đổi tuyệt đối trong mọi khía cạnh của đời sống thì suốt một đời người cũng không đủ để họ hiểu được ý nghĩa của sự việc. Trong khả năng hạn chế của mình tôi sẽ cố gắng nắm bắt lại một số biến cố từ góc độ của một người làm CTXH. Sẽ không tránh khỏi những sai sót trong nỗ lực ôn lại lịch sử trên vài trang giấy này.
Saigon, thủ đô của miền Nam được chuẩn bị phần nào với nhiều biến động chính trị, sự đầu hàng tuần tự của các tỉnh từ miền Trung, sự hồi hương của người nước ngoài, sự chạy trốn ra nước ngoài của một số người Việt Nam có thế lực. Tuy nhiên, chính vào ngày 30/4/1975 mới đem lại sự thay đổi tận gốc khi Dinh Độc Lập được tiếp quản và những ngày sau đó những cơ quan nhà nước bị đóng cửa hay trao qua lực lượng Cách Mạng để quản lý. Các hoạt động an sinh xã hội (ASXH) do sự liên hệ mật thiết với viện trợ nước ngoài không được nhìn nhận với nhiều cảm tình. Tất cả các dịch vụ xã hội ngoài chính phủ cũng phải đóng cửa ngoại trừ các thiết chế lớn như bệnh viện, các trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi đã tiếp tục hoạt động dưới một ban giám đốc thuộc chính quyền mới. Việc phân chia giai đoạn này thành 2 thời kỳ sẽ thuận lợi cho việc mô tả. Đó là:
A) Giai đoạn từ 1975 – 1985
B) Giai đoạn từ 1986 – 2000
1975 – 1985: THỜI KỲ KHẮC KHỔ
Hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội tạm thời chấm dứt. Hàng ngàn người chuyên môn trong đó có NVXH trở thành thất nghiệp.
Số phận của CTXH có vẻ không sáng sủa bởi lẽ mọi khoa học xã hội có nguồn gốc tư sản phương Tây đều bị loại trừ. Ngoài ra còn có ý tưởng cho rằng một khi CTXH được xây dựng một cách hoàn chỉnh sẽ không còn vấn đề xã hội. Thật trong cấu trúc tổ chức lúc đó, không một ai đứng ngoài hệ thống bao gồm tổ chức chính quyền, hợp tác xã, công đoàn, tổ chức quần chúng (phụ nữ, thanh niên, nông dân…). Mỗi tổ chức chịu trách nhiệm về phúc lợi cho người trực thuộc. Trên lý thuyết, CTXH và NVXH là không cần thiết. Trong mô hình của Liên xô và Trung Quốc không có NVXH (chuyên nghiệp). Ở Đông Âu thì có nhưng họ đóng vai trò rất lu mờ.
Các NVXH Việt Nam, già cũng như trẻ, phải tìm con đường hòa nhập vào xã hội mới. Một số rời bỏ đất nước như một bộ phận dân chúng khác. Điều lý thú là một số NVXH trẻ tham gia Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, số khác đi vào lĩnh vực giáo dục, nhà trẻ, báo chí… Một số nhỏ đang làm cho Trường CTXH Quốc gia cũ, trở thành cán bộ nhân viên của bộ phận phía Nam của Bộ LĐTBXH.
Vì họ đã chọn ở lại để phục vụ nhân dân, một số nhỏ NVXH chứng tỏ một khả năng thích nghi lạ thường và họ đã đạt tới những chức vụ cao trong công đoàn, cơ quan chính quyền, và công ty kinh doanh. Những bạn trẻ chưa học xong thì chọn các ngành học khác. Trong các NVXH tốt nghiệp đại học, chỉ có 3 người ở lại, một người trong họ qua đời, người kia cuối cùng cũng đi nước ngoài. Người duy nhất còn lại với một bằng cấp chuyên môn ở đại học là tác giả bài này. Vài tuần sau Giải Phóng, chị hướng dẫn một nhóm NVXH để hợp tác với bà Thứ Trưởng phụ trách Thương Binh Xã hội để đánh giá tổng kết tình hình chung và đề nghị các chương trình hành động. Bà Thứ Trưởng Bùi Thị Mè rất cởi mở với những ý tưởng chuyên môn, bà đã cố gắng thực hiện chúng nhưng tình hình chung lúc đó còn rất bất ổn định. Nhiệm kỳ của bà trong Chính phủ Cách Mạng lâm thời chấm dứt. Dù đã nghỉ hưu, đến ngày nay bà luôn hỗ trợ CTXH và NVXH chuyên nghiệp. Ở giai đoạn đó khó có thể làm một việc gì theo nguyện vọng.
Tôi đã làm việc một cách tình nguyện trong 5 năm cho các tổ chức chính trị cấp thành phố như Hội Trí Thức Yêu Nước (nay là Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật), Ủy ban Đoàn kết Công giáo, Hội Tâm lý Giáo dục học mà tôi tham gia sáng lập.
Cùng với một thạc sĩ CTXH khác (đã rời Việt Nam), tôi đã làm công tác nghiên cứu cho Viện Khoa học Xã hội nhưng đã thôi việc sau 5 năm để tham gia với tư cách cộng tác viên vào Chương trình Nghiên cứu Phát triển của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Thành phố (nay là Sở Khoa học – Công nghệ – và Môi trường) để có một công việc uyển chuyển hơn. Lúc đó, với tư cách cá nhân tôi đã cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu chuyên môn trong khả năng một NVXH. Đầu tiên là các lớp tập huấn về truyền thông và giao tiếp và công tác Nhóm cho Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Rồi cách tiếp cận cộng đồng trong giáo dục sức khỏe cho Sở Y tế. Dù làm việc trong các lãnh vực khác nhau, các NVXH tích cực gặp nhau thường xuyên để trao đổi trong bối cảnh mới.
B. 1986 – 2000: THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ CẢI CÁCH
CTXH như một nghề được công nhận một cách tình cờ. Tôi đi thăm một phòng khám tâm thần cấp quận, một bác sĩ tâm thần được đào tạo ở Đông Đức nơi mà ở đó NVXH là một thành viên của một toán liên ngành ở bệnh viện. Và tôi được mời giúp xây dựng chương trình cho giáo viên và người chăm sóc trẻ chậm phát triển tâm thần. Đó là lần đầu tiên tôi được giới thiệu như một “NVXH chuyên nghiệp” mặc dù đến ngày nay nhiều người còn gọi tôi là nhà “xã hội học” hay “tâm lý học”.
Xây dựng chương trình tập huấn trên và một phòng tư vấn tâm lý với 2 nhà tâm lý học là đóng góp có ý nghĩa nhất về mặt chuyên môn của tôi và dĩ nhiên với tính cách tình nguyện.
Giữa 1985 và 1990, khi đất nước bắt đầu mở cửa và đi vào kinh tế thị trường thì nhiều vấn đề xã hội đã tạm thời biến mất, xuất hiện lại nhanh chóng. Ban đầu là trẻ em thành thị bị bỏ bê, thiếu chăm sóc, nạn mại dâm và một số vấn đề nhỏ khác, nhưng ngày nay thì Việt Nam có tất cả các vấn đề của hiện đại hóa và chúng phát triển nhanh hơn dự trù:
 nghèo khổ ở nông thôn và thành thị,
 di dân từ nông thôn ra thành thị dẫn tới vấn đề trẻ em đường phố, lao động nhập cư, khu ổ chuột v.v…,
 mại dâm – buôn bán phụ nữ trong và ngoài nước,
 nghiện ngập,
 sự rạn nứt của gia đình, trẻ em bị bỏ bê và lạm dụng.
Các vấn đề này xuất hiện khắp nơi trên đất nước chứ không riêng gì ở các thành phố lớn.

Chính quyền rất quan tâm đến các vấn đề này. Nước Việt Nam tuyên bố đi vào kinh tế thị trường với định hướng XHCN có nghĩa là giữ vững độc lập về kinh tế và văn hóa, thúc đẩy công bằng xã hội và phúc lợi cho nhân dân. Tất cả chúng ta đều biết rằng đây không phải là một chọn lựa dễ dàng, về mặt ý thức hệ chưa có một mô hình nào tương tự làm tiền đề. Tuy nhiên, tất cả các tổ chức quốc tế làm việc ở đây đều đánh giá cao sự cam kết vì phúc lợi của nhân dân Việt Nam.
Chương trình xóa đói giảm nghèo mang tính quốc gia đã thu được những kết quả tích cực. Là nước thứ hai đã ký vào Công Ước Quyền Trẻ Em, Việt Nam đã có được những tiến bộ rõ rệt về vệ sinh, nước sạch, tiêm chủng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em và phổ cập giáo dục. Quyền Trẻ Em, dù chưa được thực thi một cách trọn vẹn, đã trở thành một khái niệm quen thuộc đến với công chúng mà ý thức ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt.
Ngân sách rất eo hẹp mà chính sách xã hội được bổ sung bởi những phong trào tự nguyện quần chúng như:
 Quỹ Cứu trợ Xã hội của các tờ báo được đọc giả đóng góp rất rộng rãi. Và từ đó các báo phân phối lại một cách rất công bằng cho các đối tượng có nhu cầu. Ví dụ như học sinh nghèo, bệnh nhân, gia đình khó khăn.
 Các chương trình học bổng trong nước với hàng triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
 Đọc giả cũng đóng góp cho việc xây dựng trường lớp ở vùng sâu vùng xa.
 Thành công nhất là Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo đang bảo trợ cho một số bệnh viện miễn phí cho người nghèo ở Thành Phố Hồ Chí Minh và tổ chức những chương trình phẫu thuật cho hàng ngàn trẻ em bị dị tật và mắt cho người cao tuổi tại các tỉnh.
 Có những hội mới được thành lập để giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc màu da cam, thu hút được sự hỗ trợ rộng rãi của người dân.
 Đáng ghi nhận nhất là phong trào tình nguyện của sinh viên tốt nghiệp đại học đi làm phát triển nông thôn ở vùng sâu vùng xa.
 Phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư bắt đầu đem lại kết quả.
Trên đây là các tiềm năng quý giá cần được phát triển và vận dụng. Vậy thì CTXH đứng đâu so với các nỗ lực này? Lúc đầu dường như CTXH phát triển song song hay đứng “ngoài luồng” nhưng từ từ nó đã đóng vai trò xúc tác khá tích cực trong một số lĩnh vực.
Trước tiên, từ “CTXH” trong tiếng Việt là một từ chung bao gồm các việc tốt, việc từ thiện mà ai cũng làm được. Các khoa học xã hội hiện đại ứng dụng ít được biết đến đối với hệ thống khoa học xã hội XHCN. “Chủ nghĩa xã hội khoa học” rất tốt để phân tích các chuyển biến xã hội ở cấp vĩ mô nhưng không đáp ứng cho cấp trung và vi mô. Nhưng trong một thời gian dài, có ý tưởng cho rằng nó có thể lý giải mọi hiện tượng xã hội. Cho nên thường các vấn đề xã hội như trẻ vị thành niên phạm pháp, nạn mại dâm, ma túy và cả HIV/AIDS được gọi là “tệ nạn xã hội” và được giải quyết bằng những lời kêu gọi đạo đức và xuống đường biểu tình hơn là bằng các phương pháp giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 80, khi các vấn đề xã hội phát triển nhanh, và các nhân viên xã hội được yêu cầu tham gia giải quyết, chúng tôi lập một nhóm không chính thức để đáp ứng. Lãnh vực đầu tiên của chúng tôi là trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì đối tác đầu tiên của chúng tôi là Hội Bảo trợ Trẻ em, cũng là tổ chức phi chính phủ đầu tiên đã tuyển dụng NVXH chuyên nghiệp theo đề nghị của chúng tôi. Các đối tác khác là các UBCSBVTE cấp thành phố và cấp quận cũng là một tổ chức nhà nước mới được thành lập.
Điều tra nghiên cứu khả thi, tập huấn ngắn hạn, lượng giá dự án được yêu cầu liên tục khiến cho nhóm chúng tôi ngày càng bận bịu. Và nhóm được ra mắt với cái tên “Nhóm Nghiên cứu và Huấn luyện về CTXH” và được đặt dưới sự bảo trợ của Hội Tâm lý Giáo dục học TP. Hồ Chí Minh (1989). Hoạt động an sinh và quyền trẻ em phát triển nhanh vì Việt Nam là nước thứ hai ký vào Công Ước về Quyền Trẻ em. Các cách tiếp cận sáng tạo như phát triển lấy trẻ làm trọng tâm, phát triển kinh tế xã hội ở các cộng đồng nơi trẻ xuất phát, giúp đưa trẻ về gia đình; ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chương trình tiếp cận trẻ ngoài đường phố rất năng động. Những việc này thực hiện được nhờ sự hỗ trợ tài chánh lẫn chuyên môn do các NGO quốc tế như Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Anh, Radda Barnen và UNICEF… nhưng đặc biệt hơn là nhờ sự chuyên môn hóa của đội ngũ cán bộ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi phải công nhận rằng sự tiến bộ diễn ra chủ yếu ở lãnh vực tư. Song song với hoạt động trên, qua sự tham gia với các bác sĩ tâm thần để xây dựng các dự án cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, chúng tôi gặp các bác sĩ quan tâm đến cách tiếp cận cộng đồng trong chăm sóc và giáo dục sức khỏe. Chúng tôi được mời tập huấn về “giáo dục với sự tham gia” cho cán bộ sức khỏe và “giáo dục sức khỏe” ở Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe (T4G – Sở Y tế TP. HCM), và cùng với T4G chúng tôi đã đưa các khoa học xã hội về hành vi con người vào Trung tâm Đào tạo Y khoa Thành phố cũng mới mở vào thời điểm đó. Nay Trung tâm Đào tạo có một bộ môn và khoa học về hành vi và giáo dục sức khỏe và một thạc sĩ CTXH là giảng viên cơ hữu.
Ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 khi chúng tôi đang hợp tác với T4G nên cho tới nay dù không thường xuyên, chúng tôi tham gia công tác nghiên cứu, tập huấn về các chủ đề liên quan đến HIV khi có yêu cầu. Sự hợp tác giữa lãnh vực sức khỏe và CTXH càng khắng khít khi hai NVXH lấy bằng thạc sĩ về khoa học xã hội về sức khỏe và có một số NVXH trẻ làm công tác phòng chống HIV. Đến nay chỉ có Viện Tim hợp tác với Pháp có một nhân viên CTXH với nhiệm vụ chính là đi thăm các trường hợp nghèo để cho mổ miễn phí. Ý tưởng mở phòng CTXH ở các bệnh viện để tham vấn HIV được hoan nghênh, nhưng trở ngại về ngân sách và các yếu tố hành chánh khác còn là lực cản lớn.
Phát triển Cộng đồng (PTCĐ) cũng được phát hiện tình cờ qua một bài báo của chúng tôi do một Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang (1990). Chúng tôi đã bắt đầu tập huấn cho cán bộ khuyến nông và từ đó PTCĐ trở thành một môn học thường xuyên ở Trường Quản lý Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Một bác sĩ ở Long An phát hiện PTCĐ qua Bản tin Sức khỏe (của T4G) và đã bắt đầu một chương trình giáo dục sức khỏe kết hợp với tín dụng tiết kiệm cho dân làng. Tới nay mô hình rất thành công và được nhân ra ở nhiều tỉnh miền Nam. Một huyện rất nghèo ở miền Trung (Kỳ Anh, Quảng Ngãi) mới được chọn để báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn quốc về xóa đói giảm nghèo. Và chủ đề của báo cáo là “XĐGN bền vững bằng PTCĐ”. Tất cả những thành tích của huyện gây nhiều ngạc nhiên vì các tác viên PTCĐ chỉ tổ chức một số khóa tập huấn, cung cấp một số tài liệu mà ngày nay cách tiếp cận này được nhiều địa phương trong nước ứng dụng.
Ở thành phố thì sự việc diễn ra chậm hơn và trong nhiều năm nâng cấp đô thị, di dời… diễn ra không có sự tham gia của NVXH. Một NGO là ENDA (Environmental Development Action in the 3rd World) thông qua các dự án PTCĐ nhỏ đã gây nhận thức cho chính quyền địa phương về sự tham gia của người dân. Năm 1999, lần đầu tiên các khái niệm về tham gia, tăng năng lực được ghi nhận chính thức trong kế hoạch nâng cấp đô thị và cải thiện môi trường khu vực kinh Lò Gốm ở Quận 6. Nhận thức bước đầu này có được là do đây là một chương trình hợp tác giữa hai chính phủ Bỉ và Việt Nam. Một toán gồm 6 NVXH cùng hợp tác với các kiến trúc sư, nhà thiết kế, kỹ sư xây dựng để lôi cuốn người dân tham gia vào việc cải thiện các điều kiện kinh tế xã hội, môi trường cho cuộc sống của chính họ.
NVXH ngày nay được các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển LHQ, Ngân hàng Thế giới… mời làm công tác giám sát xã hội, tư vấn cho các dự án như công trình công cộng, nhà ở, di dời, để tổ chức sự tham gia của người dân.
Nói chung các dự án hoạt động đầu tiên có xu hướng cộng đồng và phát triển xã hội. Các vấn đề mới xuất hiện như nghiện ngập, HIV đòi hỏi các hoạt động CTXH mang tính lâm sàng mà chúng tôi chưa được chuẩn bị. Tuy nhiên, Trung tâm Cai nghiện và Phục hồi tốt nhất là do lực lượng TNXP – một tổ chức rất được thuyết phục về nhu cầu đào tạo chuyên môn. Do đó, toàn Ban Giám hiệu của Trung tâm đều tốt nghiệp CTXH từ Khoa Phụ Nữ Học – Đại học Mở Bán Công. Thành công tương đối của Trung tâm chứng minh sự cần thiết của đào tạo chuyên môn.
Một tổ chức quan trọng như Chữ Thập Đỏ đã nhờ tập huấn cho hội viên về CTXH từ trung ương đến địa phương. Như đã nói trong các tham luận khác, cả trăm cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đã tốt nghiệp Khoa Phụ Nữ Học. Một tỷ lệ quan trọng trong sinh viên là những tu sĩ và thanh niên Công giáo. Gần đây có thêm học viên từ phía Phật giáo. Như thế, CTXH ở miền Nam đã tiếp cận được nhiều lãnh vực khác nhau.
Hiện nay, phát triển nhân lực chuyên môn là một vấn đề cấp bách. Từ 1 thạc sĩ nay đã có 14 (13 trong Nam và 1 ở Hà Nội), được đào tạo đa dạng theo các chuyên ngành CTXH, PTCĐ, Quản trị Xã hội, Phát triển Xã hội, Chính sách Xã hội… Một số tương đương đang học ở nước ngoài hay học trong nước theo chương trình giáo dục từ xa. Quá trình này sẽ phải tăng tốc để đáp ứng các nhu cầu ngày càng lớn.
CTXH ở phía Bắc mới phát triển gần đây (5 – 6 năm) và diễn tiến chậm. Nguyên do chính có lẽ là không có các hạt giống chuyên môn như trong Nam và môi trường chung hơi khó đột phá. Một số môn được dạy ở đại học, đã có nhiều khóa tập huấn nhưng có lẽ sáng kiến từ các nhà khoa bản khó xuống tới thực tế. CTXH được xem như một mớ lý thuyết được giảng dạy bằng thuyết trình. Các NGO quốc tế đã tích cực đưa cách tiếp cận của CTXH vào các dự án của họ nhưng chưa có ảnh hưởng rộng rãi vì nhân viên Việt Nam của họ không phải là NVXH chuyên nghiệp. Nhưng các tổ chức này đã đóng vai trò rất quan trọng để lên tiếng ủng hộ các sáng kiến chuyên môn đích thực từ phía Nam.
Có một nhóm 15 người khá hứa hẹn là các giảng viên đại học, các trường của tổ chức quần chúng, các viện nghiên cứu đã được tập huấn cơ bản về CTXH (Có 3 người trong họ có học chương trình 2 năm ở Khoa Phụ Nữ Học). Họ đã tiếp tục tự nâng cao bằng nhiều khóa tập huấn khác và tham gia trong các dự án ở thực địa. Họ cũng đã tham gia công tác tư vấn và tập huấn cho các tổ chức ở cơ sở. Người tốt nghiệp thạc sĩ CTXH đầu tiên đã học ở New York và là cán bộ của UBBVCSTE Việt Nam.
Trường Cao đẳng Lao động Xã hội (3 năm) đã bắt đầu chương trình giảng dạy. Nhưng rất tiếc Trường chưa có thầy là người chuyên môn. Thực tập mới bắt đầu đưa vào được quan tâm. Vấn đề xuất phát từ cách hiểu CTXH như một ngành đơn thuần là lý thuyết, hay là việc thiện mà ai cũng làm được.
Hiện nay sự trao đổi để hỗ trợ lẫn nhau giữa hai miền ngày càng tăng. Các thủ tục để xin mã số đào tạo, công nhận CTXH như một ngành khoa học đang được tiến hành. Chúng tôi tin rằng CTXH xuất hiện để có mặt lâu dài.
VÀI SUY NGHĨ
Không cần phải nhấn mạnh rằng CTXH mang tính văn hóa, và có nguồn gốc ở phương Tây. Đưa nó vào một nước không của phương Tây, đang phát triển và làm cho nó có hiệu quả là cả một công trình không dễ dàng. Tôi đã có dịp quan sát việc giảng dạy CTXH ở vài nước Phi Châu nói tiếng Pháp và Á Châu nói tiếng Anh và đã thấy cám dỗ tìm đến giải pháp dễ dàng là chỉ học “từ”. Dạy CTXH bằng tiếng Việt, chúng tôi phải cố gắng làm sao cho các khái niệm được hiểu và chấp nhận trong bối cảnh văn hóa Việt Nam và một số giá trị, nguyên tắc CTXH còn xa lạ hay trái ngược. Chỉ làm thế mà không gây “sốc” đã là một vấn đề. Giờ đây trải qua những thay đổi lớn về chính trị giúp chúng tôi hiểu các chiều kích vĩ mô của vấn đề con người, để bổ sung xu hướng chung là chỉ quan tâm đến các vấn đề trước mắt. Chúng tôi đã sẵn sàng từ bỏ nghề nghiệp nhưng quyết tâm ở lại phục vụ nhân dân. Và câu hỏi mà chúng tôi tự đặt ra không phải là “làm sao để phục hồi lại CTXH” mà là “làm sao để phục vụ nhân dân tốt nhất trong bối cảnh mới, với các giá trị, kiến thức và kỹ năng của chúng tôi” và chúng tôi cũng chẳng cần được gọi là NVXH chuyên nghiệp.
25 năm qua dạy chúng tôi rút ra bài học về tính khách quan, khả năng lắng nghe, chấp nhận sự việc rất khác biệt, tính uyển chuyển và lòng kiên trì. CTXH phải tiếp tục phát triển xa hơn nữa nhưng hy vọng nó luôn trung thành với tinh thần ban đầu là xuất phát từ thực tế với những nhu cầu, trở lực và tiềm năng của nó. Đồng thời luôn cởi mở với các ý tưởng, cách tiếp cận mới để rút ngắn đoạn đường.
Về trở lực, chúng tôi có nhiều, và những trở lực lớn như chưa có được mã số đào tạo cấp cử nhân, chưa thành lập hội chuyên nghiệp với chuẩn mực nghề nghiệp, quy điều đạo đức của nghề…
Thuận lợi của chúng tôi là trong điều kiện kinh tế hiện nay, chúng tôi không thể cung ứng dịch vụ theo hệ thống an sinh cổ điển, nhưng đây là cơ hội vận dụng tối đa tiềm năng của các cộng đồng và tổ chức quần chúng. Tôi thường nghĩ rằng nếu các giá trị và phương pháp của CTXH trong xây dựng năng lực và tạo quyền được đưa tới tận cơ sở thông qua các tổ chức quần chúng thì Việt Nam sẽ đi rất nhanh.
Vấn đề làm sao để NVXH sống thật với những giá trị và kỹ năng của họ. Đến đây chúng ta lại trở lại với chất lượng đào tạo.

Không có nhận xét nào: