9 tháng 5, 2008

CÔNG TÁC XÃ HỘI: MỘT NGHỀ CHUYÊN MÔN NHIỀU THỬ THÁCH


CÔNG TÁC XÃ HỘI: MỘT NGHỀ CHUYÊN MÔN NHIỀU THỬ THÁCH

TS. ROBERT DOYLE
Cộng tác chuyên môn Đại học Charles Sturt, Australia
Phó Giáo sư, Đại học Sunshine Coast, Australia
Chủ tịch Công Ty Global Concerns, Thái-Lan
DẪN NHẬP

Tôi đã được mời nói về công tác xã hội tại các nước phát triển. Đây là một công việc nặng nhọc vì công tác xã hội là một ngành nghề chuyên môn đa dạng và phức tạp, đương đầu với một phạm vi rộng lớn của các vấn đề với nhiều viễn cảnh và nhiều phương pháp. Cũng không thể nhân mô hình công tác xã hội để áp dụng tại tất cả các quốc gia mà phải được xây dựng tại mỗi quốc gia trên nền tảng các điều kiện, các nhu cầu và sự hiểu biết thực tế của địa phương. Tuy nhiên, để công bằng đề tài này, tôi tập trung những nhận xét của tôi chủ yếu vào Bắc Mỹ (Hoa kỳ và Canada) và Úc, nơi mà tôi đã làm việc trong 10 năm qua. Ngay cả tại các quốc gia này, tuy có những cội nguồn tương tự nhau, họ cũng khác nhau về tập quán, vì thế mà bối cảnh thực hành công tác xã hội (chính trị, kinh tế và xã hội) không như nhau.

CÔNG TÁC XÃ HỘI NHƯ LÀ MỘT NGHỀ CHUYÊN MÔN
Công tác xã hội tại nhiều quốc gia phát triển là một ngành chuyên môn cũng như là nghề nghiệp. Là nghề chuyên môn vì có khối kiến thức, có các tiêu chuẩn giáo dục và các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn thực hành. Ví dụ như từ “công tác xã hội” đã được luật pháp các tỉnh của Canada bảo vệ, tức là có đạo luật Công tác xã hội công nhận các nhân viên xã hội và bảo đảm chỉ cho phép hành nghề những ai đã được đào tạo ít nhất ở một trình độ chuyên môn thông thạo được gọi là “nhân viên xã hội được phép hành nghề”.
Nhưng “chuyên môn hóa” có nghĩa gì ở ngành công tác xã hội tại các quốc gia phát triển? Sự chuyển dịch của công tác xã hội thành một nghề chuyên môn là một điều may mắn có mặt trái. Vài nhân viên xã hội cho rằng việc chuyên môn hóa công tác xã hội đã giúp hình thành các tiêu chuẩn thực hành, giáo dục và các điều kiện làm việc. Người khác lại nói cứ để cho nhân viên xã hội trở thành một từng lớp “trên” tập trung trên các kỹ thuật làm cho xa rời người dân mà họ phải giúp đỡ. Theo khía cạnh ấy, nhân viên xã hội là người quan tâm nhiều về hoàn cảnh của chính họ hơn là hoàn cảnh của thân chủ của họ và các nhu cầu của người dân khác. Công tác xã hội được mô tả theo nhiều cách. Ví dụ, đó là một “nghề vị tha” (nghề quan tâm đến người khác); hay là “nghề dễ ghét” vì hay bị chỉ trích các chức năng kiểm soát xã hội (giải thoát khi trẻ cần được bảo vệ). Có người phê phán đó là một “nghề chết tiệt” vì công tác xã hội tại các nước phát triển như Hoa kỳ và Canada đã đi ngược lại niềm tin của mình về sự biến chuyển xã hội và các nhân viên xã hội được xem như là những “thiên thần phản bội” (Specht và Courtney, 1994; Carniol,1995).

TỔNG QUAN VỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
Tôi lớn lên ở Bắc Mỹ nơi mà sự phát triển của công tác xã hội đã được định hình phần lớn bởi các ảnh hưởng từ Anh quốc. Hai ảnh hưởng chính là Hiệp hội các tổ chức từ thiện (Charity Organization Society) chuyên tổ chức các hoạt động từ thiện hỗ trợ người nghèo và phần lớn thiên về công tác xã hội cá nhân nhằm giúp họ không tùy thuộc vào sự bố thí, và Phong trào trung tâm cộng đồng (Settlement Movement) nhắm vào việc lôi kéo các thành phần được ưu đãi trong xã hội tham gia vào các hoạt động hỗ trợ những người kém may mắn dựa trên nền tảng công bằng tại chính địa bàn cư trú của họ. Những cách tiếp cận giúp đỡ bổ sung và tương phản này đã hình thành nền tảng mà ngày nay chúng ta gọi đó là công tác xã hội vi mô (công tác xã hội cá nhân, làm việc với cá nhân, gia đình và nhóm) và công tác xã hội vĩ mô (công tác cộng đồng, công tác chính sách). Các tiếp cận được sử dụng trong các can thiệp công tác xã hội chịu ảnh hưởng trong nhiều năm bởi tâm lý trị liệu theo thuyết của Freud; bởi thuyết về hành vi con người; bởi chủ nghĩa Mác-xít; bởi chủ nghĩa kinh nghiệm, bởi chủ nghĩa nữ quyền (Dominelli và McLeod, 1989); bởi chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc (Dominelli, 1988); bởi các phong trào hòa bình, phong trào xanh và nhiều phong trào khác (Adams, Dominelli và Payne, 1998; Payne,1997). Hiện nay, công tác xã hội đã được định nghĩa lại bởi các thuyết hậu tân thời, thúc đẩy ta đánh giá lại cách ta nhìn nhận chức năng của ta trong xã hội, các nhiệm vụ, các giá trị thực hành và cách ta nhìn những con người mà ta phục vụ (Pease và Fook eds., 1999). Những ảnh hưởng khác đến từ thực hành công tác xã hội cấp tiến và công tác xã hội mang tính cấu trúc (Mullaly, 1997: Fook,1993).
Có thể cho rằng các ảnh hưởng chính đến công tác xã hội tại Bắc Mỹ và Úc mang nội dung tâm lý hơn là xã hội. Freud và những nhà tâm lý trị liệu, nhìn chung, có nhiều ảnh hưởng hơn Max Weber và các nhà xã hội học. Trong khi khái niệm “con người trong môi trường” đã được giảng dạy các trường công tác xã hội, xu hướng công tác xã hội vẫn còn chú trọng đến sự giúp đỡ thân chủ như những cá nhân hoặc thành viên nhóm nhỏ như gia đình hơn là quan tâm đến phát triển cộng đồng, công tác cộng đồng và công tác chính sách để thay đổi tình hình rộng lớn hơn. Nói như thế không có nghĩa là công tác xã hội cá nhân và nhóm thường kém hiệu quả hay là quy ước hơn trong cách tiếp cận. Khi chú trọng đến sự thay đổi về cơ cấu rộng lớn hơn, công tác cộng đồng cũng có thể được dùng để kiểm soát thay vì giải phóng con người, và có thể phục vụ các quyền lợi của những người có quyền lực thay vì phục vụ người thiệt thòi. Tính chất của công tác xã hội là đề tài tranh luận của người trong nghề. Có người mong muốn công tác xã hội giải phóng và/hoặc cấp tiến và/hoặc thử thách nguyên trạng; người khác muốn nó êm ả, mang tính quy ước và không thay đổi nguyên trạng. Đó là một nghề chuyên môn hấp dẫn những người với những mối quan tâm khác nhau và có xu hướng nhấn mạnh những đặc trưng nào đó. Dù có một “luồng chính” về khái niệm công tác xã hội, xu thế này luôn bị phê phán bởi những phong trào công tác xã hội cấp tiến muốn đặt công tác xã hội thực hành trong cấu trúc xã hội rộng lớn hơn và phê phán vai trò của nó trong xã hội, đó là các chức năng kiểm soát xã hội, hỗ trợ và phục hồi, cũng như các chức năng thay đổi và dự phòng. Theo quan điểm riêng của tôi, công tác xã hội cần mang tính thử thách; thử thách chúng ta để trở thành người thực hành tốt hơn và chúng ta cần thử thách để đóng góp vào sự thay đổi xã hội, để gia tăng sự bình đẳng và công bằng xã hội cho mọi người. Nó cần có sự quan tâm đến viễn cảnh quốc tế vì ý thức hệ và thực tiễn “toàn cầu hóa” đã tác động đến nhiều quốc gia và chúng ta cần biết cách giải quyết các lực tác động bên trong và bên ngoài quốc gia của chúng ta như thế nào. Làm như thế, chúng ta cần xây dựng một ngành công tác xã hội lấy cộng đồng làm trọng tâm, chống áp bức, và cổ vũ những giá trị như bình đẳng và công bằng xã hội trong những cố gắng đổi mới.
CÁC ĐẶC TÍNH CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI
Jim Ife, một viện sĩ Úc, có nêu các đặc tính của công tác xã hội tại các nước phát triển (1997). Tôi muốn mô tả lại cho quý vị.
•Công tác xã hội là cung cấp dịch vụ cho người dân; nhân viên xã hội là người phục vụ chứ không phải là người chủ.
•Công tác xã hội là một nghề chuyên môn được đặt vào bối cảnh của một khái niệm rộng lớn của an sinh xã hội hay là sự thoải mái về mặt xã hội (social well-being).
•Một cách tổng quát, công tác xã hội được xem là một nghề chuyên môn, với sự quan tâm nhiều hơn về sự chuẩn bị trong đào tạo, cách ứng xử theo đạo đức nghề nghiệp và những tiêu chuẩn thực hành.
•Công tác xã hội là một công việc tổng hợp; với những nhân viên xã hội được đào tạo cho “thực hành tổng quát”.
•Công tác xã hội là một công việc của đời thường; khi mà giá trị đạo đức và tôn giáo có vai trò trong công tác xã hội.
•Công tác xã hội có liên quan tới kiến thức, kỹ năng và giá trị lồng ghép trong một tình hình hay bối cảnh kinh tế xã hội.
Định hướng các dịch vụ
Ife lưu ý là có những mức độ khác nhau trong các dịch vụ cho con người. Ví dụ, có những lãnh vực riêng biệt về dịch vụ, như dịch vụ cho người cao tuổi và thanh niên, và có loại dịch vụ đặc biệt như “dịch vụ tham vấn”. Ông ta cho rằng khái niệm người phục vụ như là người làm cái gì mà người khác yêu cầu hay mong muốn (nhu cầu), nhưng khái niệm này không còn khi mà công tác xã hội trở thành một công nghệ dịch vụ. Có quyền lực khác nhau trong mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và những ai mà họ phải giúp đỡ.
Ngày nay ý tưởng dịch vụ đã thay đổi thành “dịch vụ” như là hàng hóa có thể mua bán, đo lường, cung cấp, có giá cả và định lượng. Dịch vụ cho người dân trở thành một công việc kỹ thuật và nhân viên xã hội trở thành “chuyên gia”. Sự thừa nhận đó có nghĩa cung cấp dịch vụ xã hội là một phương cách hiệu quả để giải quyết vấn đề và là một phương cách tốt hơn để xử lý các vấn đề xã hội.
Công tác xã hội trong an sinh xã hội
Công tác xã hội tại các nước phát triển, được cung ứng trong cơ cấu của một hệ thống rộng lớn của các dịch vụ an sinh xã hội, cung cấp bởi nhà nước và các tổ chức phi chính phủ và cho các tổ chức có thu, chú trọng vào tiếp cận định chế hóa về an sinh : cung cấp trọn gói các chương trình xã hội phổ quát và những lợi ích, kèm theo những chương trình và dịch vụ có mục tiêu. Trong quá khứ, chi tiêu của chính phủ cho các chương trình xã hội được xem như là tổn phí của một “xã hội tử tế”. Nhân viên xã hội trước đây thực hiện vai trò của mình trong bối cảnh xã hội do nhà nước. Tuy nhiên, những trợ cấp an sinh xã hội phải chịu đựng nhiều chỉ trích tin vào chủ nghĩa bảo thủ mới và ngày nay ý thức hệ ưu thế tại phương tây là giảm chi phí xã hội và cắt bớt các trợ cấp an sinh xã hội. Các chính phủ đã chuyển sang tư nhân hóa, tập đoàn, giảm bớt chi tiêu và loại bỏ những chương trình phổ quát. Đó là bối cảnh hiện nay cho thực hành công tác xã hội.
Chuyên môn hóa công tác xã hội
Theo Ife, vấn đề của công tác xã hội là duy trì các tiêu chuẩn giáo dục và thực hành chống lại sự tấn công của chủ nghĩa phát triển tầng lớp ưu tú. Ông mô tả khái niệm người phục vụ như là người làm cái gì người khác yêu cầu hay mong muốn (nhu cầu), và nhân viên xã hội cần đánh giá lại sự tự định nghĩa về mình và cách nhìn của mình về sứ mệnh và mục đích của công tác xã hội. Nói theo cách khác, công tác xã hội có thể bị phê phán là một nghề tự phục vụ cho chính mình.
Thực hành tổng hợp
Ife nhấn mạnh về giáo dục công tác xã hội cho thực hành tổng hợp, bất chấp những áp lực cung cấp những dịch vụ chuyên, theo lãnh vực (như an sinh nhi đồng) hay theo phương pháp (như gia đình trị liệu) hay theo phương thức thực hành (như công tác cá nhân hoặc cộng đồng). Giáo dục tổng hợp giúp tạo năng lực cho người thực hành thay đổi lãnh vực thực hành hoặc phương pháp làm việc. Còn có sự gắn bó với các nguyên tắc tổng thể (như “con người trong môi trường” hay PIE); con người đặt trong các yếu tố tương quan nhau và trong các hệ thống phức tạp. Mặc dù có sự nhấn mạnh vào giáo dục tổng hợp, xu hướng chung của nhân viên xã hội là đi vào công việc chuyên sâu. Một vấn đề khác là nhiều cơ quan thay thế nhân viên xã hội chuyên nghiệp bằng những nhân viên về dịch vụ con người ít được đào tạo hơn và không đòi hỏi mức lương mà các đoàn chuyên nghiệp xã hội yêu cầu.
Công tác xã hội đời thường
Ife ghi nhận là công tác xã hội hoạt động dựa theo một mô hình lý trí, đời thường và khoa học, không còn chỗ cho tính duy linh và ít đề cập đến các yếu tố tinh thần trong đánh giá. Thái độ không phê phán thân chủ được nhấn mạnh và vì thế tôn giáo đứng bên ngoài của thực hành.
Kiến thức, kỹ năng và các giá trị công tác xã hội
Cũng như nhiều người, Ife cho rằng công tác xã hội không được mô tả bởi kiến thức, kỹ năng hay các giá trị đơn thuần mà là trong sự kết hợp. Tôi cũng có thể gợi ý rằng “mục đích” của công tác xã hội phải được đưa vào danh sách này. Trong công tác xã hội, các giá trị có tầm quan trọng vì công tác xã hội có thể được mô tả như là hoạt động có quy chuẩn vì các nhân viên xã hội thực hành nhằm đến một xã hội tốt đẹp hơn, định nghĩa theo đặc thù của nó. Theo nghĩa này, công tác xã hội đi sai bước với xu hướng gia tăng của các chương trình xã hội tại các nước phát triển, nghiên về kiểm soát quản lý và bàn giấy hơn và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý. Theo ông, trong thực hành chuyên môn, “hiểu biết” được xem là quan trọng như “năng lực”, khi “phán đoán chuyên nghiệp” rõ ràng là quan trọng hơn là thành thạo về kỹ thuật.
Tại các nước phát triển, cuộc đấu tranh là duy trì sự độc lập chuyên môn và tự điều chỉnh chống lại sự chuyển hướng qua kiểm soát quản lý lớn hơn và quy định từ bên ngoài. Ông còn kêu gọi quan tâm đến một sự giáo dục chuẩn bị khác có thể giúp nhân viên xã hội đương đầu với những vấn đề mới và những đòi hỏi cho thực hành do những đặc tính mới tương tác nhau của môi trường kinh tế và xã hội (như là chủ nghĩa duy lý kinh tế, chủ nghĩa quản lý, sự duy lý và khả năng). Cuối cùng, ông đề nghị công tác xã hội cần một tầm nhìn dựa trên chủ nghĩa nhân đạo và lý thuyết phê phán và yêu cầu các nhân viên xã hội trở thành “những nhà trí thức đường phố”.
VÀI KẾT LUẬN
Bây giờ để tôi đưa ra vài kết luận. Qua nhiều năm là người thực hành công tác xã hội, tôi đã bị nhiều ảnh hưởng bởi một vài lý thuyết gia và những người thực hành, đặc biệt trong các lãnh vực tổ chức cộng đồng và chính sách xã hội đã giúp tôi luôn nhìn công tác xã hội theo bối cảnh rộng lớn và cho tôi những khung để phán đoán các vấn đề xã hội và thực hành chuyên môn. Họ gồm Martin Rein (1983) và Roland Warren (1977), cũng như Jack Rothman (1968).
NHIỆM VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI LÀ PHÁT TRIỂN MỘT XÃ HỘI AN SINH XÃ HỘI
Rein cho rằng các nhân viên xã hội cần làm việc vì sự phát triển của một “xã hội an sinh” mà ông mô tả như là”… một cơ cấu các nguyên tắc và định chế trong đó nhà nước và thị trường tương tác nhau như những công cụ bảo vệ các thành viên của các xã hội công nghiệp chống lại những bất định của xã hội đó”. Theo ông, nhà nước có thể đóng một vai trò chủ động không chỉ bằng cung cấp trực tiếp các lợi ích xã hội mà còn trong các hoạt động an sinh xã hội của cộng đồng và khu vực tư nhân bằng cách ủy thác, kích thích, điều phối và hỗ trợ công việc của họ. Cách suy nghĩ này mang tính phổ quát có thể được áp dụng cho nhân viên xã hội tại Việt Nam cũng như cho các nước phát triển.
LÝ THUYẾT CẦN PHẢI ĐƯA ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Có câu nói về lý thuyết và hành động: lý thuyết mà không hành động thì cằn cỗi và vô dụng, hành động mà chẳng có lý thuyết thì vô nghĩa và không phù hợp. Một nhà thơ lãng mạn, Lord Byron đã nói:” Nếu tôi luôn dành thời gian để đọc, tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được các nhu cầu của xã hội”, trong khi đó Karl Marx nói rằng :” các triết gia chỉ nhận định thế giới theo nhiều cách, vấn đề là thay đổi nó”. Công tác xã hội cần chú trọng đến thực hành và lý thuyết phải luôn được sử dụng cho ứng dụng. Chúng tôi muốn nói đến những phân biệt như “lý thuyết dành cho thực hành” cũng như “ lý thuyết thực hành” (tức nói đến thực hành phản hồi). Như tại các nước phát triển, các nhân viên xã hội Việt Nam cần ghi chép thành tư liệu thực hành của mình và phản hồi ứng dụng cho người khác.
CHIA SẺ KINH NGHIỆM
Tôi muốn có vài nhận xét về kinh nghiệm bản thân và quý vị xem có thể áp dụng không. Tôi học công tác xã hội sau khi tốt nghiệp ngành văn học Anh khi tôi được Phòng Sức khỏe Tâm thần của Sở Y tế Tỉnh cấp học bổng học Cao học Công tác xã hội. Trong quá trình học (sau đó tôi lấy bằng tiến sĩ công tác xã hội) và kinh nghiệm thực hành, tôi thấy rằng chúng ta cần luôn luôn phát hiện lại cái gì thúc đẩy chúng ta và tại sao chúng ta muốn ở giữa những người được gọi là “những người tìm kiếm an sinh xã hội”. Tôi thấy nhu cầu phải luôn phản hồi thực hành, khám phá cái gì làm được và tại sao (hoặc tại sao không) và sử dụng sự phân tích đó để tăng cường lý thuyết của tôi cho thực hành. Tôi xuất thân từ trường phái quen phải hỏi: chúng ta ủng hộ thay đổi xã hội hay kiểm soát xã hội, có sử dụng thực hành để thúc đẩy các mục tiêu về công bằng xã hội và bình đẳng không ? Ví dụ tại các nước phát triển, có những câu hỏi khó khăn thời nay với “những xã hội ích kỷ” với những đặc điểm như : cắt giảm chi tiêu, quản lý vì hiệu quả, gọi thân chủ là “khách hàng” (khi họ không có sự lựa chọn của khách hàng và có ít tài nguyên); các ý thức hệ toàn cầu hóa có thể tấn công vào an sinh xã hội, người nghèo, di dân, người thất nghiệp, người vô gia cư, phụ nữ và trẻ em, tăng cường kiểm soát xã hội thay vì giải phóng con người khỏi những kết cấu của nghèo đói và áp bức.
Tôi vẫn tự hỏi ở mức độ nào chúng ta, nhân viên xã hội chuyên nghiệp bị cái ảo tưởng về bản thân và một “sự thông đồng với im lặng” trước các nhu cầu của người dân và xã hội? Tôi thắc mắc không biết chúng ta thích kiểm soát xã hội hơn là tăng quyền lực cho người dân? Tôi vẫn thắc mắc ở mức độ nào nhân viên xã hội giúp người dân thích nghi với các hệ thống áp bức họ và các thân chủ của họ (hay là khách hàng của họ) thay vì giúp họ đối phó với các hệ thống áp bức đó. Tôi thích chuyển biến xã hội hơn là thích nghi xã hội vì người dân phải được tự định hướng và được tăng quyền lực để lấy quyết định vì lợi ích của chính họ. Tôi biết tại Việt Nam công tác xã hội đã được phát triển bằng cách núp bóng ngành tâm lý, nhưng để trở thành một “nghề nghiệp” trong tự chủ cần phải là một nghề đứng riêng một mình, quan tâm đến sự phát triển khối kiến thức của nó, chương trình đào tạo và cách cư xử theo đạo đức nghề nghiệp. Nhà tâm lý Eric Erickson, người đã viết về lứa tuổi và các giai đoạn trong chu kỳ cuộc sống, đã nói “sự thích nghi đúng nghĩa… có được qua sự đấu tranh kiên quyết từ chối tự điều chỉnh theo “những điều kiện” và con người vẫn nuôi dưỡng sự bất mãn ngay cả khi được đáp ứng đầy đủ, nếu không thì chẳng có sự tiến hóa tâm lý xã hội nào cả và tất cả các định chế của nó cũng chẳng còn tác dụng” (1964, 156 ).
Để kết luận, tại các nước phát triển (và cũng tại các nước đang phát triển) các nhân viên xã hội cần luôn có cái nhìn về vấn đề rộng hơn như toàn cầu hóa và bầu khí kinh tế xã hội, quốc tế và quốc gia, trong lúc họ xem xét mục đích, sứ mệnh, đạo đức nghề nghiệp và các phương pháp của giáo dục và thực hành công tác xã hội. Khi nghề chuyên môn trở nên thể chế hóa hơn (chuyên môn hơn) các nhân viên xã hội phải luôn hiểu người dân và các nhu cầu của họ (dù họ là thân chủ, người thụ hưởng, người tham gia, công dân, hay cư dân) như là trọng tâm của công tác xã hội, chứ không chỉ những quy định của cơ quan hay nghề nghiệp hoặc nhóm làm việc. Công tác xã hội là một phương cách mà chúng ta có thể làm việc cho sự công bằng xã hội, công lý xã hội, và bình đẳng rộng lớn hơn trên thế giới chúng ta. Trong các xã hội của chúng ta, chúng ta đang mất ý nghĩa của an sinh xã hội như là lợi ích chung và sự đoàn kết giữa người dân. Chúng ta cần nghĩ đến việc tăng cường cái mà Marshall (1965) gọi là quyền công dân, quyền chúng ta có như là công dân của một quốc gia, quyền cho mọi người và không loại trừ bất cứ ai.
Cuối cùng, các giá trị và các nguyên tắc công tác xã hội (như bình đẳng, tiếp cận được và công bằng, tăng quyền lực, tham gia) có thể giúp chúng ta hình thành các phương thức và chiến lược giúp đỡ. Để giúp người khác, chúng ta cần có nhiều hơn những ý định tốt. Chúng ta cần hiểu ý thức hệ, các giả thiết và các giá trị của chính mình, và chúng ta cũng cần có khả năng sử dụng các chiến lược một cách phù hợp và phát triển các kế hoạch hành động với người dân.Vậy không có ai tốt hơn ngoài nhân viên xã hội Việt Nam trong việc xây dựng một chương trình hành động phục vụ mọi người dân, một chương trình hướng về cộng đồng và mang tính hòa nhập.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Adams, Robert, Lena Dominelli and Malcolm Payne eds. (1998). Social Work: Themes, Issues and Critical Debates. London: Macmillan.
Carniol, Ben. (1995). Future Issues for Social Practice: Challenging Social Services in Canada. Toronto, Between the Lines.
Dominelli, Lena and E. McLeod (1989). Feminist Social Work. London: MacMillan.
Dominelli, Lena (1988). Anti-Racist Social Work. London: MacMillan.
Erickson, Eric (1964). Insight and Responsibility. New York, Norton.
Fook, Jan. (1993). Radical Casework: A Theory of Practice. Sydney, Allyn & Unwin.
Ife, Jim (1997). Rethinking Social Work: Towards Critical Practice. Melbourne, Longman.
Marshall, T.H. (1965). Social Policy. London, Hutchinson.
Mullaly, Bob (1997, second edition). Structural Social Work: Ideology, Theory and Practice. Toronto: McClelland & Stewart.
Payne, Malcolm (1997). Modern Social Work Theory, Second Edition. London, Macmillan.
Pease, Bob and Jan Fook eds. (1999). Transforming Social Work Practice: Postmodern critical perspectives. Sydney: Allen & Unwin.
Rein, Martin (1983), From Social Policy to Practice, New York: MacMillan.
Rothman, Jack (1968), Social Work Practice 1968, New York: Columbia University Press.
Specht, Harry and Mark Courtney (1994). Unfaithful Angels: How Social Work has Abandoned its Mission. New York, Free Press.
Warren, Roland (1977), Social Change and Human Purpose: Toward Understanding and Action. Chicago, Free Press.

Không có nhận xét nào: