5 tháng 5, 2008
Phòng chống bạo lực gia đình:Biết mình, là chính mình
Phòng chống bạo lực gia đình:
Biết mình, là chính mình...
TT - Đã có Luật phòng chống bạo lực gia đình, mô hình "Ngôi nhà bình yên" đã xuất hiện ở Hà Nội. Tuy nhiên, bạo lực gia đình không thể giảm nếu bản thân các đối tượng có nguy cơ bị bạo lực không biết cách tự bảo vệ và nhận thức được giá trị chính mình...
Nhà giáo dục Trish Summerfield - giám đốc chương trình giá trị sống (TP.HCM) - chia sẻ với những nạn nhân bạo lực gia đình bằng câu chuyện của một bộ tộc da đỏ. Người ông nói với cháu: "Trong người ông có hai con sói, luôn đánh nhau. Sói đen nóng nảy, tiêu cực; sói trắng tích cực, dễ thương". Đứa cháu muốn biết con nào thắng nhưng không đoán ra.
"Chỉ khi bà vợ thay đổi thái độ sống của mình, ông chồng mới có thể thay đổi hành vi"
Người ông giải thích: "Ông cho con nào ăn no thì nó sẽ thắng". Thức ăn cho "sói" là những suy nghĩ. Một người chồng đánh vợ, kèm bạo lực thể chất là bạo lực cảm xúc bằng những lời nói nhằm làm giảm giá trị bà vợ: "Cô ngu ngốc, vô dụng, cô chẳng ra gì...". Nếu người vợ chấp nhận những lời nói này, nó sẽ trở thành tiếng nói nội tâm, rằng: "Cô đáng bị đánh đập, chửi mắng!".
Một phút, trung bình con người có khoảng 500 suy nghĩ. Nếu đến 80% suy nghĩ của các bà vợ là tiêu cực thì họ không thể thoát khỏi sự hành hạ của ông chồng. Vậy loại suy nghĩ nào đang điều khiển chúng ta? Tích cực hay tiêu cực là do chính chúng ta tạo ra, không ai có thể áp đặt được.
Theo Trish Summerfield, hành trình tự bảo vệ mình khỏi bạo lực gồm ba bước:
Bước 1: nhận thức nội tâm - biết mình. Hiểu rõ các giá trị nòng cốt, ưu điểm, khuyết điểm và mục đích sống chính mình. Lựa chọn suy nghĩ, thái độ nào làm mình mạnh mẽ. Biết cách kiểm soát và điều khiển tâm trí. Hãy là người bạn tốt nhất của chính mình.
Bước 2: là mình. Tạo dựng hệ thống niềm tin tích cực. Vượt qua suy nghĩ tiêu cực và bỏ qua quá khứ. Luôn nói những lời tự động viên. Phát huy tinh thần tích cực.
Bước cuối cùng: làm mạnh mình bằng cách thực hành hai bước trên. Khi bản thân mạnh mẽ, bạn dễ đưa ra quyết định sáng suốt để bảo vệ mình.
Bạn không thể thay đổi mà không rèn luyện và biết tận dụng mọi tình huống như một bài kiểm tra. Nhiều bà vợ đã rèn luyện một cách... kiên cường. Bởi thói quen cũ luôn đưa họ về nếp nghĩ và thái độ tiêu cực. Một điển hình "chống bạo lực", chị Quỳnh Phương, nhân viên ngành bưu điện, đưa ra kinh nghiệm: "Bây giờ, ông xã tôi đưa tay lên phải hạ tay xuống. Tôi không la lên, không van xin, không bỏ chạy mà chỉ nhìn thẳng vào mắt anh với đôi mắt dịu dàng, yêu thương. Đó là cái nhìn cảm thông với người chồng cảm thấy thua kém vợ, phải dùng nắm đấm để chứng minh: tôi là chồng cô”.
Vẫn yêu một người hành hạ mình bao nhiêu năm là một điều phải cố gắng. Nhưng với chị, sự cố gắng ấy không quá sức vì chị nhìn thấy được những điểm tốt của chồng và kích hoạt chúng lên bằng lời nói, thái độ mềm mỏng.
Hầu hết các bà vợ... chịu để chồng đánh đều lớn lên trong gia đình bạo hành. Họ chứng kiến bạo hành hoặc bị đánh đấm, bạt tai từ bé. Một số chị có bản lĩnh cứng cỏi, không để lặp lại hình ảnh đó. Song đáng tiếc, đa số lại chấp nhận "hoàn cảnh" như một sự tiếp tục đương nhiên. Các ông chồng bạo lực phần lớn cũng lớn lên từ "chiếc nôi bạo hành" và coi bạo hành như là cách giải quyết khi không hài lòng điều gì đó. Vì thế, sự thay đổi mạnh mẽ của bà vợ không chỉ có lợi cho bản thân nạn nhân mà còn để "trị liệu" cho các ông chồng.
PHƯỚC CHUNG
Tiến sĩ - bác sĩ Suzanne Summer, chuyên gia "phá vỡ chu kỳ bạo lực" suốt 20 năm nay tại Mỹ, đang là tình nguyện viên phòng khám đa khoa Tân Định, cho biết: ở Mỹ, một phụ nữ trẻ chết, mọi người nghĩ ngay đến bạo lực gia đình. Còn ở VN lại thường là nạn nhân của tai nạn giao thông. Bởi bạo lực gia đình ở VN rất khó phát hiện vì "quyền" được đánh vợ con của ông chồng, và vì "văn hóa xấu hổ" không "vạch áo cho người xem lưng" của các bà vợ.
Theo BS Summer, chu kỳ bạo lực gồm ba giai đoạn:
* Nảy sinh: bà vợ cố gắng thay đổi cách cư xử để làm hài lòng chồng, nhưng không hiệu quả.
* Bùng nổ: khi có yếu tố bên ngoài tác động, ông chồng mất kiểm soát, đổ thừa hành vi tồi tệ của mình là do bà vợ.
* Lắng xuống: khi chồng tỏ ra ăn năn, xoa dịu, hứa hẹn...
Vì chu kỳ này mà bà vợ không thể chia tay ông chồng vũ phu với những lý do: nghĩ mình có lỗi, sợ chồng bạo lực hơn nếu vợ bỏ đi, tội nghiệp con không có cha, xấu hổ khi phải thừa nhận chồng vũ phu...
Báo Tuổi Trẻ ngày 04/05/2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét