13 tháng 5, 2008
An sinh xã hội
An sinh xã hội
I. Khái niệm:
1. Sự nảy sinh các vấn đề xã hội và sự hình thành tổ chức an sinh xã hội ở một quốc gia:
Bất kỳ xã hội, hay một quốc gia nào cũng luôn có những người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Đó là những người bị ốm đau, bệnh tật hoặc gặp phải thiên tai mà trở thành nghèo đói, lại có người không thể tự nuôi sống bản thân như trẻ mồ côi, già yếu cô đơn, bị khuyết tật nặng v.v. Từ đây mà hình thành một nhóm người dễ bị tổn thương hay nhóm yếu thế cần sự giúp đỡ, cưu mang của cộng đồng. Chế độ xã hội nào cũng có vấn đề riêng của nó và từng quốc gia lại có những phương pháp giải quyết khác nhau nhưng đều nhằm thoả mãn những nhu cầu cơ bản nhất và giảm bớt khó khăn cho nhóm người dễ bị tổn thương. Toàn bộ những chủ trương, chính sách và các biện pháp tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu đó hình thành nên hệ thống an sinh xã hội.
ở các nước phương Tây thời kỳ phong kiến, những nông dân nghèo được sự ban phát của nhà thờ và bố thí của lãnh chúa mỗi khi mùa màng bị thất thu. Đến thời kỳ Tư bản chủ nghĩa phát triển, cùng với sức sản xuất và của cải vật chất dư thừa, là những vấn đề xã hội nảy sinh như: thất nghiệp, nông dân rời bỏ nông thôn về các đô thị tìm việc làm và phải sống trong các khu nhà ổ chuột, tệ nạn mại dâm, ma tuý, bóc lột sức lao động trẻ em . Năm 1601, nước Anh ban hành “Đạo luật cho người nghèo” nhằm tạo việc làm cho các thành phần thất nghiệp; mở các nhà dưỡng lão cho người già và những người khuyết tật không còn khả năng lao động; bảo trợ trẻ mồ côi bằng cách gửi chúng vào làm công, học nghề tại các gia đình hoặc các doanh nghiệp. Từ đó về sau, nhiều bộ luật khác mang tính xã hội và nhân văn lần lượt ra đời như: luật gia đình, luật lao động, luật bảo trợ trẻ em, luật bảo vệ người khuyết tật, luật con nuôi cùng với nhiều chính sách, chương trình dịch vụ đa dạng do các tổ chức khác cung cấp nhằm hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm xã hội có nhu cầu đặc biệt. Trên cơ sở ấy, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) cấp quốc gia được dần dần hình thành với một tổ chức nhà nước phụ trách các vấn đề xã hội tồn tại bên cạnh các cơ quan khác như y tế, giáo dục, nhà ở, giao thông vận tải.
ở Việt Nam, thời kỳ phong kiến cũng đã có những bộ luật khá tiến bộ của các triều Lê, Nguyễn qui định chính quyền địa phương phải dành một phần đất canh tác và hoa lợi để nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già cô đơn; quan lại phải có trách nhiệm chăm sóc các đối tượng khó khăn, bất hạnh và nếu không làm tròn trách nhiệm sẽ bị phạt tiền, phạt roi.
Trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn về mọi mặt đời sống kinh tế, thì những vấn đề xã hội bức xúc cũng nảy sinh như: tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và sự phân hoá giàu nghèo, vấn đề ô nhiễm môi trường, các tệ nạn ma tuý mại dâm, vấn đề phạm pháp, lạm dụng tình dục trẻ em v.v. Mặt khác, hậu quả của các cuộc chiến tranh đã để lại những người thương tật, những bố mẹ liệt sỹ neo đơn, những goá phụ và trẻ mồ côi, khuyết tật cần phải được giúp đỡ. Hàng năm, thiên tai xẩy ra khiến cho hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đói rét cần được xã hội đùm bọc. Trước những vấn đề xã hội bức xúc đó, Đảng và Nhà nước ta đã hình thành hệ thống các chính sách và bộ máy nhà nước để chăm lo cho người dân gặp khó khăn, bất hạnh. Đó là bộ máy làm công tác xã hội nhằm đảm bảo thực thi nền ASXH cho người dân mà mỗi nước có tên gọi khác nhau (Việt Nam có bộ Lao động - TBXH, Philippines có bộ An sinh và phát triển xã hội).
2. Định nghĩa: An sinh xã hội là một hệ thống bao gồm các chính sách, luật pháp và tổ chức bộ máy được các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, các tổ chức tự nguyện thực thi nhằm mục đích phòng ngừa, giảm nhẹ hay giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho cá nhân, nhóm và cộng đồng.
3. Cơ sở khoa học của an sinh xã hội:
Khi ngành ASXH được bắt đầu phổ biến trên thế giới cách đây hơn một thế kỷ, lúc đầu đối tượng nghèo được ban phát tiền của theo kiểu từ thiện. Trẻ mồ côi, người già tàn tật được đưa về các trại nuôi dưỡng. ở đó, họ được cho ăn cho mặc nhưng không có cuộc sống đích thực của một con người. Sau này, người ta thừa nhận những hoạt động nuôi trẻ và người già tập trung như trước đây đạt kết quả rất thấp, thậm chí gây những ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý. Những người khuyết tật lúc đầu cũng được coi là gánh nặng gia đình, thậm chí bị vứt bỏ đi, mãi về sau mới có nhận thức về quyền con người cũng như nhu cầu và tiềm năng phát triển của họ. Cách giải quyết vấn đề người già cũng được chuyển hướng từ việc nuôi dưỡng tập trung đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đình và cộng đồng.
Có được sự tiến bộ đó là nhờ sự đóng góp của các ngành khoa học như tâm lý học, tâm thần học, nhân chủng học, xã hội học, kinh tế và chính trị học... Trên cơ sở ứng dụng các khoa học bổ trợ này người ta nghiên cứu hành vi và nhu cầu con người, từ đó đề ra các chính sách xã hội phù hợp.
Ngày nay, ASXH đã có được cơ sở khoa học trong việc đề ra những chính sách phù hợp với nhu cầu con người và những bước đi để thực hiện các chính sách đó. Vấn đề quan trọng còn lại là người tổ chức thực hiện, tức là các nhân viên xã hội chuyên nghiệp (NVXH) hoặc những người tình nguyện (ví dụ tình nguyện viên Chữ thập đỏ), được đào tạo cơ bản về kiến thức và kỹ năng về công tác xã hội.
4. Mối quan hệ giữa An sinh xã hội và công tác xã hội:
1. Theo định nghĩa trên ta thấy ASXH là hình thức can thiệp vào xã hội nhằm bảo đảm và tăng cường phúc lợi cho cá nhân, nhóm và toàn xã hội. Để thực thi nhiệm vụ đó, cần một hệ thống các chính sách, pháp luật và hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước, nghĩa là cần có sự đóng góp của nhiều ngành nghề khác nhau (y tế, văn hoá, giáo dục, lao động v.v..). Mỗi ngành nghề thực hiện chính sách trong phạm vi chức năng của mình, trong đó ngành công tác xã hội chịu trách nhiệm chính.
2. Công tác xã hội là một ngành nghề chuyên môn nằm trong hệ thống ASXH sử dụng kiến thức kỹ năng chuyên môn để thực thi chính sách ASXH, biến các chính sách ASXH thành các dịch vụ xã hội cụ thể góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Đây là một nghề mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 . NVXH hoặc người tình nguyện phải được đào tạo qua lớp ngắn hoặc dài hạn để có những kiến thức và kỹ năng nhất định mới có thể tiếp cận để giải quyết các vấn đề xã hội.
Ngày nay, lực lượng nhân viên xã hội ngày càng lớn mạnh trên thế giới, có mặt ở hầu hết các nước và tập hợp trong một tổ chức quốc tế gọi là Hiệp Hội quốc tế các nhân viên xã hội. Họ làm việc và tuân thủ qui điều đạo đức nghề nghiệp riêng của từng quốc gia do chính họ xây dựng nên.
II. An sinh xã hội ở Việt Nam:
1. Bối cảnh xã hội Việt Nam :
1.1. Trước thời kỳ đổi mới (trước 1986), người dân về cơ bản được bảo đảm mọi chế độ về ăn ở, đi lại, học hành và chữa bệnh. Nhà nước bao cấp các dịch vụ ASXH cho người già, cán bộ hưu trí, các đối tượng chính sách và nhiều đối tượng khác. Nhưng đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, tiềm lực kinh tế rất hạn chế, nên không thể kéo dài sự bao cấp đó. Đây là thời kỳ mà các vấn đề xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội tuy có, nhưng chưa nổi cộm và bức xúc như hiện nay.
1.2. Từ khi đổi mới (sau 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội: Chế độ, chính sách ngày càng được hoàn thiện và được luật pháp hoá; ngân sách đầu tư cho phúc lợi và giải quyết các vấn đề xã hội được chú trọng hơn; hệ thống bộ máy thực thi chính sách ASXH được phát triển theo hướng huy động tiềm năng của toàn dân tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, do nội lực vẫn còn hạn chế, nhất là con người tổ chức thực hiện chưa được đào tạo, nên hiệu quả chưa cao. Nhận thức được vấn đề quyết định là ở khâu cán bộ, nên những năm gần đây, các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức xã hội (trong đó có Hội CTĐ Việt Nam) đã chú trọng hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên của mình, trong đó có kiến thức và kỹ năng về công tác xã hội.
Hiện nay, một trong các hoạt động tích cực và có hiệu quả của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thực hiện Chương trình công tác xã hội dựa vào cộng đồng với mục tiêu giúp đỡ những người dễ bị tổn thương bằng cách chuyển dần các hoạt động từ thiện hoặc cứu trợ sang các hoạt động có sự tham gia của người dân để giải quyết các vấn đề xã hội của chính họ. Việc đào tạo kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội (CTXH) cho đội ngũ cán bộ Chữ thập đỏ từ Trung ương đến cơ sở và triển khai thực hiện các dự án nhỏ về phát triển cộng đồng là những hoạt động cơ bản của Chương trình.
2. Bộ máy an sinh xã hội ở Việt Nam:
2.1. Cơ quan quản lý nhà nước về ASXH ở cấp trung ương là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ở cấp địa phương là sở Lao động-TBXH (đối với tỉnh, thành) và phòng Lao động-TBXH (đối với quận, huyện).
2.2. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện như: luật Lao động; luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em; luật Hôn nhân và Gia đình; luật Giáo dục; pháp lệnh về Người tàn tật v.v. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia mang tính phát triển xã hội (xoá đói giảm nghèo; phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi vùng sâu vùng xa; vay vốn giải quyết việc làm; trồng 5 triệu ha rừng; định canh định cư; phòng chống các tệ nạn xã hội v.v) và nhiều chương trình khác (hành động vì trẻ em; hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh niên, trí thức tình nguyện về phục vụ nông thôn). Đây chính là các cơ sở đảm bảo cho nền ASXH của nước ta ngày càng vững mạnh.
3. Các tổ chức an sinh xã hội ở Việt Nam:
Ngoài bộ máy quản lý nhà nước về ASXH là Bộ Lao động-TBXH, chúng ta còn nhiều tổ chức khác tham gia thực hiện ASXH như sau:
- Các tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức xã hội khác như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hội Người cao tuổi; Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật v.v. . Các tổ chức này đều có các chương trình hoạt động chăm lo cho đối tượng được phân công như tín dụng cho phụ nữ nghèo; thanh niên lập nghiệp; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, chăm sóc nạn nhân bị di chứng của chất độc da cam; giúp đỡ các nạn nhân thiên tai và các đối tượng của tệ nạn xã hội .
- Các tổ chức phi chính phủ trong nước: tổ chức tôn giáo, hội phụ nữ từ thiện, hội bảo trợ trẻ em v..v ở một số địa phương.
- Các tổ chức của Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác (ví dụ Hiệp Hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế).
4. Cần phát huy những thuận lợi và tiềm năng trong nước:
Trong quá trình tổ chức thực thi chính sách ASXH, thuận lợi của chúng ta là có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước đã đi trước . Nhưng thuận lợi cơ bản hơn là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh; tất cả vì hạnh phúc của con người; thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước theo hướng tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với sự tiến bộ và công bằng xã hội trong toàn bộ quá trình phát triển và trong từng giai đoạn cụ thể. Đây chính là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các chính sách an sinh xã hội ở đất nước ta.
Con người Việt Nam vốn thông minh, sáng tạo và giàu lòng nhân ái. Những hoạt động mang tính nhân đạo, “thương người như thể thương thân” như: tổ hoà giải, tổ phục vụ cháo và nước uống cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện, đội trợ táng v.v. là những ưu thế của ta mà nước khác không có được. Hơn nữa, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp của Việt Nam lại có một mạng lưới hội viên đến tận cơ sở. Nếu họ được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì sẽ là những lực lượng chủ yếu thực hiện chính sách ASXH.
5. Diễn biến của an sinh xã hội trên thế giới
5.1 Các nước phương Tây gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội tại nước họ.
Do nền kinh tế gặp khủng hoảng hay khó khăn nên các nước phương Tây và Mỹ phải cắt giảm các chương trình an sinh xã hội. Dân chúng các nước đó phản ứng gay gắt và quyết liệt nhưng không làm thay đổi quyết định của chính phủ. Các nước còn nhận thấy rằng có một số chính sách an sinh xã hội ở nước họ không còn phù hợp hoặc nếu thực hiện thì chỉ có tác dụng tiêu cực. Thí dụ : những người có sức khỏe không chịu đi làm mà ở nhà chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp là hết sức phi lý; trợ cấp cho các phụ nữ trẻ không lập gia đình mà có con là vì an sinh của đứa trẻ nhưng đôi khi lại khuyến khích cho lối sống buông thả, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.
Nhìn chung những người bị thiệt thòi trong việc cắt giảm các chương trình an sinh xã hội là những người nghèo khó, già cả, bệnh tật... Ngày nay, chính phủ các nước có xu hướng dựa vào cộng đồng để làm chính sách và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Điều đó là hợp lý vì không thể có ngân sách nào lớn đủ để trang trải, bao cấp hết mọi chi tiêu trong khu vực nầy mà cần phải có sự tiếp tay của các tổ chức và tư nhân trong xã hội. Mặt khác, những vấn đề xã hội của kinh tế thị trường rất khó giải quyết nếu không có sự tham gia của mọi người, mọi thành phần trong xã hội.
5.2 Một số khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc về định hướng an sinh xã hội.
• Gia đình cần được đáp ứng nhu cầu như một đơn vị, đồng thời nhu cầu của từng thành viên. Cần quan tâm đặc biệt đến gia đình đơn thân, một loại hình mới xuất hiện. Cần củng cố gia đình trong vai trò hỗ trợ các thành viên, quan tâm đến các thành viên đặc biệt như trẻ em, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người khuyết tật...
• Một nền an sinh xã hội và phát triển cộng đồng phải thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và tạo điều kiện đồng đều để phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội của đời sống. LHQ xem việc nam-nữ ngày càng chia sẻ trách nhiệm trong công việc nhà trong vai trò cha mẹ là một tiến bộ.
• Những nước có đông người cao tuổi thì phải hòan thiện hệ thống lương hưu và các dịch vụ phù hợp. Nhưng quan trọng nhất là phải làm sao cho người cao tuổi tích cực tham gia việc giải quyết nhu cầu của chính họ.
• Những nước có tỷ lệ người trẻ tuổi cao cần quan tâm giúp đỡ đối tượng nầy trên các lĩnh vực : học nghề, thành lập gia đình và trở thành những bậc cha mẹ có trách nhiệm, giáo dục ngăn ngừa hành vi tự hủy hoại (nghiện ngập, sống buông thả v.v..).
• Cần quan tâm hiện tượng di dân và tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn. Một mặt cải thiện điều kiện kinh tế xã hội ở nơi xuất phát, mặt khác giúp người di dân tại nơi đến của họ. Cải thiện hạ tầng cơ sở, môi trường, công ăn việc làm thông qua các dự án tự giúp ở cộng đồng.
• Đối với nghèo đói, không chỉ xoa dịu mà phải giải quyết tận gốc bằng : gia tăng việc làm, cơ hội đầu tư đồng đều cho cả nam lẫn nữ, ưu tiên cho các thành phần yếu kém nhất, giúp tuổi trẻ việc làm để tự lực và để họ giúp lại những thành phần yếu kém khác trong gia đình (người cao tuổi, khuyết tật v.v...).
• Sự chủ động và tích cực tham gia của đối tượng thụ hưởng dịch vụ an sinh xã hội là tối quan trọng. Đó không chỉ là phương tiện mà chính là mục tiêu của phát triển xã hội. Chính họ mới biết rõ nhu cầu của bản thân và quyết định về những dịch vụ, chương trình và lợi ích của họ.
• Mọi dịch vụ cần lấy gia đình làm đối tượng và dựa trên cộng đồng.
• Các chính sách an sinh xã hội cũng nhằm giải quyết các hậu quả xã hội tiêu cực của công cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật.
(Liên Hiệp Quốc, Các nguyên tắc hướng dẫn cho các chính sách và chương trình an sinh xã hội theo hướng phát triển cho một tương lai gần, 1988).
5.3 Xu hướng của các nước đang phát triển
Ngày nay các nước thuộc thế giới thứ ba đã có những nỗ lực tự thân tìm ra phương hướng phát triển đất nước mang bản sắc dân tộc mình nhiều hơn so với trước đây cái gì cũng bắt chước phương Tây. Lúc còn làm mưa làm gió ở các nước thuộc địa thuộc thế giới thứ ba, các nước đế quốc thường mong muốn đồng hóa các nước bị trị trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội. Trong an sinh xã hội, họ đưa các mô hình từ mẫu quốc đến thuộc địa như viện mồ côi, viện dưỡng lão... nuôi dưỡng tập trung các đối tượng nầy, đưa đến những tác hại như phần trên đã nói. Rồi hệ thống an sinh xã hội bao cấp, nặng tính cứu trợ làm ngân sách quốc gia các nước nghèo không thể nào kham nổi.
Từ thực tiễn ấy, các nước nghèo bắt đầu xem xét lại toàn bộ chính sách an sinh xã hội của mình có còn phù hợp với khả năng của quốc gia không. Các nước chủ trương dựa vào sức dân, dựa vào tiềm lực của cộng đồng quốc gia là chủ yếu để cải thiện dần điều kiện sống của toàn dân.
Nguyễn Thị Oanh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét