8 tháng 5, 2008

KỸ NĂNG THAM VẤN PHÒNG NGỪA HIV/AIDS




KỸ NĂNG THAM VẤN PHÒNG NGỪA HIV/AIDS
Th.S.Nguyễn Ngọc Lâm, biên sọan theo tài liệu của Edward Wolf
BUILDING QUALITY HIV PREVENTION COUNSELING SKILLS

I. CÁC NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT TRONG THAM VẤN HIV/AIDS.

1. Tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm : với mục tiêu rộng lớn của phòng ngừa HIV, tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm chú trọng đến các mối quan tâm và lợi ích của cá nhân thân chủ. Các kỹ thuật này nhằm tìm hiểu thân chủ suy nghĩ gì về các vấn đề được thảo luận.

2. Bối cảnh : Tác động của tham vấn sẽ tốt hơn khi nhà tham vấn có thể khai phá và tìm hiểu những tình huống cảm xúc và thể trạng đã có trong cuộc sống của thân chủ và hậu quả là hành vi nguy cơ HIV.

3. Các buổi tham vấn cá nhân hóa : Tác động của tham vấn sẽ tốt hơn khi nhà tham vấn đáp ứng được các buổi tham vấn dựa trên các nhu cầu riêng biệt và tình hình của mỗi cá nhân thân chủ.

4. Chỉ có thông tin thôi không thể đưa đến thay đổi hành vi : Thay đổi hành vi là một tiến trình phức tạp đòi hỏi những can thiệp dựa trên các tình huống cá nhân thân chủ. Chỉ đơn thuần hoặc chủ yếu là cung cấp thông tin, sự can thiệp không thể giúp một người thay đổi hành vi.

5. Thái độ khách quan : Nhà tham vấn cần phải có thái độ khách quan khi trao đổi thông tin khó hiểu với thân chủ và duy trì thái độ không phê phán khi thảo luận về thực hành tình dục, sử dụng ma túy, hoặc hành vi cá nhân.

6. Vai trò giới hạn : điều quan trọng cho nhà tham vấn HIV là nhận biết các giới hạn của vai trò tham vấn.

II. THAM VẤN LẤY THÂN CHỦ LÀM TRỌNG TÂM.

Tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm chú trọng đến các mối quan tâm và các lợi ích của thân chủ. Các kỹ thuật tham vấn được sử dụng để tìm hiểu thân chủ suy nghĩ gì về các vấn đề được thảo luận.

Nếu các sự kiện đã được trình bày, nhà tham vấn khám phá xem những sự kiện đó đưa đến điều gì trong cuộc sống của thân chủ. Nếu có gợi ý, những gợi ý này phải phù hợp với quan điểm, cách sống và tài nguyên của thân chủ.
Tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm chú trọng đến những chọn lựa cá nhân khả thi làm giảm hay phòng ngừa việc lây lan HIV. Tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm hiệu quả có thể :

• Cải thiện khái niệm bản thân của thân chủ về nguy cơ.
• Giúp thân chủ xác định ưu tiên các nhu cầu.
• Hỗ trợ thay đổi hành vi đã thực hiện hay đang cố gắng thực hiện.
• Thương lượng về một kế hoạch khả thi giảm nguy cơ.
• Hỗ trợ quyết định có đi xét nghiệm hay không.
• Giúp thân chủ khi có kết quả xét nghiệm và chọn những bước thích hợp để bảo vệ sức khỏe của họ trong tương lai.

III. GIẢM SỰ TỔN HẠI

Giảm sự tổn hại là một tập hợp các chiến lược khuyến khích thân chủ giảm sự tổn hại cho chính họ và cho cộng đồng của họ, ngay cả nếu họ không thể loại bỏ sự tổn hại bằng cách kềm chế hành vi nguy cơ. Khi sự tiết chế là hình thức cao của sự gia giảm tổn hại, điều này giúp cải thiện sức khỏe cho cá nhân và cho cộng đồng.

Nguyên tắc hướng dẫn giảm tổn hại là nguyên tắc thay đổi tích cực trong đời sống của thân chủ. Điều quan trọng là bắt đầu từ thân chủ như thế nào và đưa họ bước đi từng bước theo cách riêng của họ.

IV. CÁC TIÊU CHUẨN THAM VẤN PHÒNG NGỪA HIV.

Thiết lập hoặc cải thiện khái niệm bản thân của thân chủ về nguy cơ.
Giúp thân chủ đánh giá và nhận lấy “ trách nhiệm” về sự lây lan HIV của mình. Đánh giá nguy cơ không phải là đánh giá thụ động của nhà tham vấn về hành vi của thân chủ, như kiểm lại các nguy cơ từ một danh sách đã liệt kê mà là một tiến trình tương tác giữa nhà tham vấn và thân chủ.

Nhận diện và hỗ trợ thay đổi hành vi mà thân chủ đã cố gắng.
Nhận diện và thảo luận những thất bại phòng ngừa đã qua va thực tế những thành công giúp bảo đảm kế hoạch giảm nguy cơ, chú ý đến các nhu cầu phòng ngừa của thân chủ, và các cản trở hiện nay để thực hiện những hành vi an toàn. Nhận diện những thành công phòng ngừa trước đây ( ví dụ, thương lượng thành công về việc sử dụng bao cao-su với bạn tình mới ) giúp cho nhà tham vấn có cơ hội tăng cường và hỗ trợ những chọn lựa phòng ngừa tích cực.

Thương lượng một kế hoạch hành động khả thi để giảm nguy cơ.
Kế hoạch phải dựa trên các kỹ năng của thân chủ, các nhu cầu và tình huống, và phải phù hợp với các ý định thay đổi hành vi được bộc lộ hoặc ngụ ý. Nhà tham vấn phải xác định với thân chủ là kế hoạch giảm nguy cơ là thực tế và khả thi – nếu không thì dễ thất bại.

V. CÁC KHÁI NIỆM CHÍNH TRONG THAM VẤN HIV.

QUAN HỆ ĐỐI TÁC

Tham vấn HIV thành công là một quan hệ đối tác giữa nhà tham vấn và thân chủ. Thân chủ là chuyên gia trong các vấn đề, kinh nghiệm, động lực và cảm nhận của chính họ. Vai trò của nhà tham vấn là làm sáng tỏ con đường có lợi cho thân chủ.

CÁC BUỔI THAM VẤN CÁ NHÂN HÓA

Mỗi thân chủ đều khác nhau. Các nhà tham vấn có kỹ năng sử dụng những vấn đề và tính chất riêng biệt để làm cho từng buổi tham vấn được hiệu quả hơn.

TÍNH KHÁCH QUAN CỦA NHÀ THAM VẤN.

Công việc chỉ hiệu quả nhất khi nhà tham vấn thể hiện thái độ khách quan, không phê phán các vấn đề và kinh nghiệm của thân chủ.

ĐƯA RA NHỮNG CHỌN LỰA

Nhà tham vấn hiệu quả là người đưa ra những chọn lựa cho thân chủ, chứ không đưa ra những hướng dẫn.

CẢM NHẬN LÀ SỨC MẠNH – VÀ LAN TRUYỀN

Cảm nhận là một phần sức mạnh của kinh nghiệm của mọi người. Nhà tham vấn không được làm mất hoặc “ áp đặt” cảm nhận của thân chủ. Cái gì mà nhà tham vấn cảm nhận được trong lần tham vấn ( lo âu, sợ hãi, sự khuây khỏa, sợ chết, tức giận, u buồn, bị lấn áp ) đôi khi cũng là cảm nhận của thân chủ.

BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỤC ĐÍCH

Thân chủ đến với các buổi tham vấn mang theo một câu chuyện dài của các vấn đề, những cảm nhận và kinh nghiệm. Khi thân chủ đối đầu với nhà tham vần với những thể hiện thách thức ( như tức giận, sợ, hoặc nghi ngờ ), đó là do kinh nghiệm của quá khứ.

VI. CÁC VẤN ĐỀ QUYỀN LỰC VÀ KIỂM SOÁT TRONG THAM VẤN HIV.

NÓI VỀ CÁC HÀNH VI NGUY CƠ.

Nói về các hành vi nguy cơ tất nhiên làm nảy sinh các vấn đề cơ bản của quyền lực và kiểm soát trong mối quan hệ tham vấn. Thân chủ được mong đợi tiết lộ các nguy cơ của mình, có thể bao gồm các hành vi làm nổi rõ tính cách không tốt hoặc các hành vi bị xã hội đánh giá là tiêu cực. Thân chủ tiết lộ các hành vi này cho nhà tham vấn nếu họ tin rằng những điều đó sẽ được giử bí mật.

QUYỀN LỰC TỔ CHỨC.

Theo tính chất tổ chức như thế nào trong xét nghiệm HIV va của các tổ chức xã hội, các nhà tham vấn thường bắt đầu với nhiều quyền lực hơn thân chủ. Một vài ví dụ của quyền lực này là :

1. Cơ quan kiểm soát các lần hẹn và thân chủ phải theo lịch hẹn cũng như các kết quả.
2. Thân chủ phải tuân theo các quy định của một số cơ quan để thụ hưởng các dịch vụ.
3. Cơ quan chỉ nghe theo chuyên môn của nhà tham vấn chứ không theo thân chủ.
4. Nhà tham vấn hoặc cơ quan biết kết quả trước thân chủ.
5. Nhà tham vấn hoặc cơ quan có thể tiếp cận những thông tin khác về cá nhân thân chủ.

VỊ THẾ LÀ MỘT THÂN CHỦ CÓ THỂ LÀM GIẢM Ý NGHĨA CỦA SỰ KIỂM SOÁT HAY QUYỀN LỰC CÁ NHÂN CỦA HỌ.

o Con người có nhu cầu về quyền lực để kiểm soát cuộc sống của mình và thực hiện những thay đổi. Nếu hoàn cảnh tham vấn làm cho thân chủ cảm thấy mất quyền lực, họ không cảm thấy là họ có thể thay đổi được.
o Nếu thực chất thân chủ cảm thấy ít quyền lực hơn nhà tham vấn, họ sẽ không thể nhận thức được những giá trị từ buổi tham vấn, hoặc sử dụng sự hỗ trợ và tài nguyên của dịch vụ.

THAM VẤN LẤY THÂN CHỦ LÀM TRỌNG TÂM CÓ THỂ GIẢI QUYẾT VÀ CÂN BẰNG CÁC VẤN ĐỀ QUYỀN LỰC VÀ KIỂM SOÁT TRONG THAM VẤN HIV.

o Các nhà tham vấn có thể nhận biết các ức chế của thân chủ nếu nó nảy sinh, thể hiện mối quan tâm chân thật trong các hoàn cảnh và kinh nghiệm của thân chủ, nhấn mạnh đến các vấn đề cần quan tâm với thân chủ, và công nhận sự hiểu biết của thân chủ về cuộc sống của chính họ, các hành vi và cách thay đổi hành vi.
o Chú trọng đến tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm là giúp giải quyết và cân bằng quyền lực và kiểm soát trong tham vấn HIV.

o Điều quan trọng là đưa khái niệm quyền lực và kiểm soát vào tham vấn HIV vì các học viên tham gia tập huấn có thể không biết rằng các nhà tham vấn có quyền lực trong buổi tham vấn. Điều quan trọng là họ nhận biết là trong bối cảnh tham vấn HIV, thân chủ coi nhà tham vấn là người có quyền lực.

VII. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA THAY ĐỔI HÀNH VI.

GIAI ĐOẠN TIỀN DỰ ĐỊNH

Ở giai doạn này, thân chủ chưa nghĩ đến sự thay đổi. Họ chưa nhận thức về nguy cơ hoặc biết nhưng quyết định không thay đổi hành vi. Họ không muốn được giúp đỡ tìm kiếm giải pháp vì họ thật sự không thấy rõ vấn đề.

Cách giải quyết : Giúp họ nhìn rõ vấn đề, không buộc họ phải thay đổi, lắng nghe họ một cách có phản hồi, tìm hiểu quan điểm của thân chủ.

GIAI ĐOẠN DỰ ĐỊNH.

Thân chủ có ý nghĩ thay đổi, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể riêng biệt để thay đổi trong tương lai gần. Họ còn cân nhắc cái được và cái mất trong sự thay đổi. Giai đoạn này có thể là giai đoạn lâu dài.

Cách giải quyết : Gíup họ suy nghĩ và tìm ra những điều nào có lợi và bất lợi khi họ thay đổi hoặc khi họ không thay đổi.

GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ HÀNH ĐỘNG ( giai đoạn quyết định ).

Thân chủ có kế hoạch thay đổi hành vi trong tương lai gần và có thể đã có vài hành động ban đầu.

Cách giải quyết : thúc đẫy sự thay đổi, cùng thân chủ bàn về kế hoạch thay đổi và cung cấp cho họ những lựa chọn.

GIAI ĐOẠN HÀNH ĐỘNG.

Thân chủ ở giai đoạn bắt đầu thay đổi hành vi, nhưng thay đổi hành vi chỉ mới mẽ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất và thấy rõ sự thay đổi nhất. Thường là hay quay trở lại giai đoạn trước.

Cách giải quyết : Giúp thực hiện hành động và hỗ trợ các mặt mạnh của họ, theo dõi để giúp họ vượt qua những khó khăn.

GIAI ĐOẠN DUY TRÌ.

Thân chủ đã duy trì thay đổi hành vi thích hợp trong một thời gian dài và hành vi mới có được trở thành một phần của cuộc sống của họ.

Cách giải quyết : Giúp họ những kỹ năng từ chối không trở lại hành vi cũ, giúp họ giải quyết những vấn đề phát sinh khi thay đổi.

GIAI ĐOẠN TRỞ LẠI.

Đặc điểm của giai đoạn này là tái hiện những hành vi cũ, tức là quay lại các giai đoạn trước. Cần lưu ý là con đường thay đổi không bao giờ là con đường thẳng và những thay đổi thành công không chỉ tái lập mẫu hành vi mới mà còn tái lập những suy nghĩ mới về mình và về các hành động.

Cách giải quyết : Nên cảm thông họ, xem có điều gì liên quan đến hành động đó và cho họ thấy họ phải làm gì và cho họ biết thay đổi là một công việc rất khó khăn.

VIII. CÁC KỸ THUẬT LẮNG NGHE TÍCH CỰC

Các kỹ thuật tham vấn dựa trên những gì mà thân chủ bộc lộ – các từ, hành động, thái độ. Đó là :

NHỮNG CÂU HỎI MỞ

Những câu hỏi không thể trả lời bằng “ vâng” hoặc “không”, có thể giúp thân chủ bộc lộ sâu hơn các vấn đề cá nhân riêng tư, tạo thuận lợi cho tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm và thân chủ tích cực hơn lúc tham vấn.

LẬP LẠI

Lập lại chính xác các từ của thân chủ nói có thể làm cho thân chủ cảm thấy được lắng nghe.

Thân chủ : “ Tôi biết tôi phải dùng bao cao-su với bạn tình, nhưng đôi khi tôi không làm và không biết tại sao thế, nó làm tôi băn khoăn.”
Nhà tham vấn : “ Nó làm cho anh lo lắng à ?”.

DIỄN GIẢI

Nói lại những gì thân chủ vừa nói, nhưng với những từ khác, không mở rộng đề tài, là cách giúp thân chủ cảm thấy được lắng nghe và nhận thức hơn về chính mình.

Thân chủ : “ Tôi biết tôi phải dùng bao cao-su với bạn tình, nhưng đôi khi tôi không làm và không biết tại sao thế, nó làm tôi băn khoăn.”
Nhà tham vấn : “ Hình như anh có khái niệm việc gì anh cần phải làm và khi anh không làm thì anh cảm thấy bối rối và không ổn. “

PHẢN HỒI

Mở rộng đề tài, công nhận, thăm dò các cảm nhận, hoặc những suy nghĩ chưa được nói ra. Nhà tham vấn thường nắm bắt tín hiệu từ truyền thông không lời của thân chủ như nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, âm tiếng. Đi sâu vào nội dung của buổi tham vấn bằng cách khuyến khích thân chủ thăm dò cảm nhận của họ, suy nghĩ, giá trị và động lực một cách chi tiết hơn.

Thân chủ : “ Tôi biết tôi phải dùng bao cao-su với bạn tình, nhưng đôi khi tôi không làm và không biết tại sao thế, nó làm tôi băn khoăn.”
Nhà tham vấn : “ Hình như bạn đang bối rối ? đôi khi bạn không chắc điều gì xảy ra cho bạn, cũng sợ lắm phải không ?”

TÒ MÒ

Thể hiện sự tò mò chân thật và quan tâm trong các tình huống của thân chủ và mời gọi bộc lộ thêm. Dùng kỹ năng trong tò mò như là một kỹ thuật là ở nơi sức diễn cảm của chính nhà tham vấn. Các từ phải được lập lại bằng sự tò mò chân thật và chú ý đến âm tiếng và thái độ.

Thân chủ : “ Tôi biết tôi phải dùng bao cao-su với bạn tình, nhưng đôi khi tôi không làm và không biết tại sao thế, nó làm tôi băn khoăn.”
Nhà tham vấn : “ Tôi tự hỏi nếu chúng ta có thể thử xem điều gì xảy ra ? Có thể cho tôi biết nhiều hơn về những gì anh biết khi dùng và khi không dùng bao cao-su ?”.

HỆ THỐNG LẠI


Cung cấp một cách có lựa chọn khi xem xét một hoàn cảnh, thường một cách xây dựng và tích cực hơn.

Thân chủ : “ Tôi biết tôi phải dùng bao cao-su với bạn tình, nhưng đôi khi tôi không làm và không biết tại sao thế, nó làm tôi băn khoăn.”
Nhà tham vấn : “ Vâng, tôi hiểu điều đó. Đôi khi bạn có sử dụng bao cao-su là điều tốt – Không phải ai cũng làm được điều đó. Và khi bạn lo lắng về những lúc mà bạn không sử dụng là dấu hiệu tốt – đó có nghĩa là phản ứng của bản năng lo lắng về mình.”

IX. HƯỚNG DẪN DÀNH CHO NHÀ THAM VẤN : THAM VẤN TÌM HIỂU NGUY CƠ

Cá nhân hóa và thiết lập buổi tham vấn.

Chào thân chủ, tự giới thiệu về mình, và giúp cho thân chủ có chổ ngồi thoải mái và mô tả sơ qua những gì sẽ diễn ra trong buổi tham vấn.

Điều quan trọng : lắng nghe chăm chú và chân thật.

Làm sáng tỏ các vấn đề của riêng tư và có tính chất nặc danh.

Giải thích ý nghĩa của xét nghiệm riêng tư và nặc danh.

Hỏi thân chủ về nguy cơ.

Hỏi thân chủ về sự tìm hiểu nguy cơ của chính họ.

Ví dụ :
Nặc danh : “ Điều gì thúc đẫy bạn đi xét nghiệm ?”
Riêng tư : “ Từ trước đến nay, bạn có nghĩ đến việc đi xét nghiệm HIV hay không ?”

Chăm chỉ lắng nghe. Hỏi thêm thông tin nếu cần thiết.

Giúp thân chủ ý thức về những nguy cơ tình dục hiện thời, nguy cơ khi dùng chung ống tiêm chích, về sử dụng rượu và ma túy. Giúp thân chủ hiểu các nguy cơ khi thích hợp.

Điều quan trọng : Thường dùng các câu hỏi mở. Giử giọng nói chân thành, thể hiện sụ quan tâm mà không tỏ ra thâm nhập mạnh.

Ví dụ :
Thân chủ có hành vi nguy cơ : “ HIV có thể lây lan từ người nay qua người khác thông qua quan hệ tình dục không an toàn – âm đạo, miệng hoặc hậu môn không có bao cao-su hoặc dùng chung ống tiêm chích ma túy. Khi biết điều này thì bạn có quan tâm gì về các hành vi tình dục hiện nay cũng như trong thời gian qua?”
Các vấn đề liên quan đến HIV/ nguy cơ : “ Nếu bạn đến đây để trị liệu về bệnh lây lan qua đường tình dục, hình như bạn không sử dụng bao cao-su khi bạn quan hệ tình dục. Bạn có biết hay không cách bạn bị bệnh hoa liễu giống như cách bạn bị nhiểm HIV, bệnh lây lan qua đường tình dục không thể trị liệu được ?”

Rượu hoặc sử dụng ma túy : “ Chúng ta đã biết là dùng rượu hoặc ma túy thường liên quan đến các hành vi không an toàn. Khi người ta nổi hứng thì khó mà áp dụng tình dục an toàn hoặc sử dụng ống tiêm chích theo hướng dẫn. Bạn có thể giúp tôi nói về cách sử dụng của bạn, đặc biệt lúc bạn uống rược cũng như lúc quan hệ tình dục ?”
“ Từ khi bạn chích ma túy, tôi mong muốn được biết thêm việc sử dụng ống tiêm của bạn. Bạn có thể cho tôi biết các bước nào bạn áp dụng để bảo vệ bạn khỏi bị nhiểm HIV ? Có được ống tiêm chích sạch dễ dàng không và như vậy có tốt không ?”.

Giảm nguy cơ : “ Một chiến lược quan trọng cho việc phòng ngừa HIV là sử dụng bao cao –su trong quan hệ tình dục qua miệng, âm đạo và hậu môn. Ngoài ra, nhiều người không nghĩ rằng bao cao su thật sự tăng cường kinh nghiệm tình dục. Bạn có thể cho tôi biết kinh nghiệm nào của chính bạn về bao cao su ?”

Những mối quan tâm về sinh sản : “ HIV có thể lây lan từ một người phụ nữ mang thai qua bào thai. Bạn đang có thai không ? ( Bạn tình của bạn có mang thai không ?) hoặc bạn suy nghĩ gì khi mang thai ?”

Tìm hiểu các nhu cầu của thân chủ.

Dựa trên những gì bạn nghe được, bắt đầu có vài quyết định về các nhu cầu của thân chủ, trong thời gian ngắn cần thiết của buổi tham vấn.

Điều quan trọng : Vì mỗi thân chủ đều khác nhau, các nhu cầu của mỗi thân chủ cũng khác nhau nhiều.

Ví dụ :
Cung cấp thông tin
Giúp thân chủ thêm sức mạnh
Những ví dụ về các hoạt động phòng ngừa thực hiện bởi các nhóm đồng đẳng hoặc các mô hình vai trò.
Lòng tự trọng hoặc sự quyết đoán.
Tăng cường tích cực cho sự thay đổi thành công.
Đối đầu xây dựng.
Phát triển mạng lưới hỗ trợ xã hội rộng lớn.
Hướng dẫn cải thiện kiểm soát.

Tìm hiểu khả năng của thân chủ nói về bạn tình của mình và thương lượng về sự an toàn của họ.

Hỏi thân chủ có nói cho bạn tình của mình về sự lây lan HIV hay không.

Ví dụ :
“ Bạn tình của bạn có biết ngày hôm nay bạn đang ở đây không?”
“ Bạn tình của bạn đã đi xét nghiệm chưa ?”
“ Bạn có thể nói với bạn tình của bạn về mối quan tâm của bạn về HIV hay không?”
Tìm hiểu xem có mối quan tâm về bạo lực gia đình.

Ví dụ :
“ Bạn có quan hệ với một người đe dọa bạn hoặc làm hại bạn về mặt thể chất dưới mọi hình thức không ?’
“ Bạn tình của bạn có làm tổn thương bạn hoặc con của bạn dưới mọi hình thức nào hay không ?”

Tham vấn bạn tình và quản lý các dịch vụ. Cho thân chủ biết là mọi người đã xét nghiệm với kết quả dương tính sẽ được khuyến khích cho bạn tình biết và sự hỗ trợ này là cần thiết.

Thông tin cho thân chủ là bất cứ ai đã xét nghiệm dương tính sẽ được khuyến khích khai báo cho những bạn tình đã có quan hệ tình dục với mình hoặc người đã dùng chung ống tiêm chích để được biết.

Trong lúc thân chủ chờ kết quả, khuyến khích thân chủ suy nghĩ về người mà họ phải thông tin và theo cách nào. Báo cho họ biết là cơ sở y tế địa phương có thể giúp họ khai báo cho bạn tình.

Tìm hiểu các mối quan tâm của thân chủ và những cản trở làm hạn chế tham vấn phù hợp và giới thiệu về bạn tình có nguy cơ.

Thu thập thêm thông tin.

Bổ sung những câu hỏi, nếu cần thiết.
Lên kế hoạch cho buổi tham vấn. Chọn một hoặc hai lãnh vực trọng tâm.

Hãy nghĩ về những thứ cần thiết và đặt ưu tiên. Chọn một hoặc hai lãnh vực trọng tâm. Bao gồm cả việc giới thiệu như là thành phần của kế hoạch này. Cần cho thân chủ biết nếu bạn vội và không thể đi sâu vào chi tiết được như mong muốn. Nếu thân chủ là người phải xét nghiệm lại, thử lên kế hoạch cho buổi tham vấn khác với cái đã dự trù.

Điều quan trọng : Biết quản lý thời gian.

Thu thập thêm thông tin nếu cần thiết.

Nếu bạn cảm thấy khó xác định ưu tiên, hãy hỏi thêm và thu thập thông tin đầy đủ.

Thực hiện sự can thiệp của mình. Chọn một hoặc hai lãnh vực trọng tâm.

Thực hiện can thiệp giới hạn, đặc biệt nhắm đến các nhu cầu cá nhân của thân chủ. Chọn một hoặc hai lãnh vực trọng tâm. Sử dụng tài liệu viết như tạp chí và sổ tay để tăng cường nội dung của buổi tham vấn.

Tóm lược và thỏa thuận các chiến lược giảm nguy cơ.

Xem xét lại các chiến lược giảm nguy cơ riêng biệt. Thiết lập thỏa thuận kế hoạch giảm nguy cơ nếu có thể được.

Xác nhận thỏa thuận đã được am hiểu tường tận.

Các chiến lược khắc phục khó khăn.

Hỏi thân chủ về thời gian chờ đợi kết quả sẽ như thế nào.

Ví dụ :
“ Bạn suy nghĩ gì về thời gian chờ đợi kết quả sẽ như thế nào cho bạn ?”
“ Bạn xử lý những hoàn cảnh căng thẳng như thế nào trong quá khứ ?”
“Loại hình mạng lưới hỗ trợ xã hội nào mà bạn đang thụ hưởng ? Có ai mà bạn cảm thấy có thể tâm sự một cách riêng tư và được hỗ trợ không ?”

Đưa ra những lý do khuyến khích thân chủ quay lại vì cần có kết quả.

Nhận thức rằng đôi khi người ta do dự quay trở lại vì kết quả xét nghiệm. Nhấn mạnh lợi ích khi nhận kết quả.

Ví dụ :
Biết được ai bị nhiễm HIV dương tính giúp có những can thiệp ban đầu.
Tăng cường dấn thân vào thực hành những hành vi an toàn.
Biết về việc tăng quyền lực
Theo dõi hướng của những người trách nhiệm khác trong cộng đồng
Làm giảm mối lo âu của “người không biết”, thường bị căng thẳng hơn người biết.
Tạo cơ hội cung cấp thông tin quan trọng cho các bạn tình trong quá khứ, hiện nay hoặc tương lai hoặc người sử dụng chung ống tiêm chích.

Giới thiệu thân chủ đến những nơi cần thiết trong mạng lưới liên kết.

Cung cấp những giới thiệu riêng biệt, phù hợp với sự liên kết đầy đủ. Chọn giới thiệu phải dựa trên những khảo sát của bạn, nên nhớ nhận diện các nhu cầu của thân chủ và mối quan tâm về những tương đồng hoặc khác biệt về văn hóa giữa thân chủ và nơi được giới thiệu.

X. HIV VÀ BỆNH LÂY LAN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC : 4 ĐIỀU VÀ 4 NGUYÊN TẮC.

Có 4 điều cần ghi nhớ :

1. HIV là một bệnh lây lan qua đường tình dục.

2. Cùng những hành vi đưa đẩy một người đến nguy cơ lây lan bệnh qua đường tình dục cũng đưa họ đến nguy cơ nhiễm HIV. Tuy nhiên, một người được chẩn đoán có bệnh lây lan qua đường tình dục tất nhiên có nguy cơ nhiễm HIV, và một người được chẩn đoán bị nhiễm HIV thì tất nhiên có nguy cơ bị lây lan bệnh qua đường tình dục.
3. Việc bị nhiễm một bệnh lây lan qua đường tình dục có thể làm cho cơ thể dễ bị nhiễm HIV hơn. Nếu bị nhiễm thêm một bệnh lây lan qua đường tình dục khác nữa thì HIV sẽ tăng sự lây lan hơn.

4. Khi một người bị nhiễm HIV lại bị nhiễm một bệnh lây lan qua đường tình dục khác, bệnh này sẽ phát triển trầm trọng hơn và trị liệu sẽ khó khăn hơn.

Những điều này cũng đưa đến 4 nguyên tắc quan trọng cho tham vấn HIV :

1. Vì nhiều người tìm đến xét nghiệm HIV cũng cơ bản là có nguy cơ bị nhiễm bệnh lây lan qua đường tình dục khác, giới thiệu họ đến các bệnh viện chuyên về các bệnh lây lan qua đường tình dục là cần thiết trong tham vấn HIV.

2. Vì nhiều người đến được trị liệu về bệnh lây lan qua đường tình dục cũng là cơ bản có nguy cơ nhiễm HIV, giới thiệu đến chương trình xét nghiệm HIV là cần thiết cho các bệnh nhân này.

3. Vì khi bị nhiễm bệnh lây lan qua đường tình dục có thể làm người đó dễ bị nhiễm HIV hơn nên phòng ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục là một chiến lược quan trọng trong mọi cố gắng phòng ngừa HIV.

4. Vì khi bị nhiễm bệnh lây lan qua đường tình dục có thể làm tổn hại nặng đến sức khỏe cho người bị nhiễm HIV, người có kết quả dương tính sau khi xét nghiệm HIV phải được chẩn đoán về các bệnh lây lan qua đường tình dục như là một phần trong tiến trình công tác y tế.

XI. MÔ HÌNH AWARE : TRUYỀN THÔNG XUYÊN VĂN HÓA

ACCEPT : Chấp nhận hành vi của người khác mà không phê phán, căn cứ trên hành vi đó có ý nghĩa gì trong nền văn hóa của bạn.
Tính khách quan của nhà tham vấn.

WONDER : Tự hỏi hành vi của người khác có ý nghĩa gì trong nền văn hóa của họ, hơn là có ý nghĩa gì trong nền văn hóa của bạn.
Mối quan tâm chân thành hoặc tò mò.

ASK : Hỏi người khác giải thích, chứng tỏ thái độ tôn trọng.
Tham vấn HIV như là mối quan hệ đối tác giữa nhà tham vấn và thân chủ; thân chủ là chuyên gia về các vấn đề, động lực và cảm nhận của họ.

RESEARCH : Nghiên cứu và đọc về nền văn hóa của người khác để bạn có thể đặt định hành vi của họ trong bối cảnh của thế giới nhãn quan văn hóa của họ.
Đối với các nhà tham vấn giỏi, học là một tiến trình liên tục. Chúng ta không bao giờ học “xong”.

EXPLAIN : Giải thích hành vi của họ có ý nghĩa gì trong văn hóa của bạn. Chứng minh hoặc mô tả các hành vi trong văn hóa của bạn có thể hiện cùng cảm nhận hay cùng ý nghĩa không.

Văn hóa của nhà tham vấn HIV đánh giá nhận thức về các nguy cơ HIV và sự dấn thân để giảm các nguy cơ. Trong tham vấn HIV, cải thiện khái niệm bản thân của thân chủ về nguy cơ; thương lượng một kế hoạch giảm nguy cơ khả thi; giúp thân chủ thực hiện các bước phù hợp để bảo vệ sức khỏe của mình.

XII. GIÚP THÂN CHỦ NÓI VỀ NGƯỜI BẠN TÌNH.

1. Tìm hiểu hành vi nguy cơ của thân chủ
2. Tìm hiểu mối quan tâm của thân chủ về nguy cơ.
3. Tìm hiểu sự sẵn sàng của thân chủ và /hoặc khả năng nói với người bạn tình, tỏ sự chú ý riêng biệt về các giá trị hay cảm nhận về tình dục và mối quan hệ và các vấn đề của sự tồn tại về kinh tế hay an toàn cá mhân.

• Tìm hiểu thân chủ muốn nói gì khi họ nói “tin ở người bạn tình”, hoặc “ Tôi quan hệ một vợ một chồng”.
• Lắng nghe những ý kiến cho rằng, ví như “ Co ta/anh ta không bao giờ làm thế đâu.”
• Đừng ngại hỏi thân chủ họ đã thỏa thuận những gì.
• Hỏi họ có bao giờ thảo luận với người bạn tình về “ cái gì, nếu “.
• Ghi nhận những mối quan tâm mà họ có được khi thảo luận những vấn đề này.
• Lắng nghe và ghi nhận những vấn đề về an toàn cá nhân hay sự sống còn của họ.
• Đưa ra những chọn lựa.
• Giúp phát triển các kỹ năng, ví dụ như sắm vai.
• Hỏi thân chủ nghĩ gì khi người bạn tình đề cập đến đề tài này.
• Hỏi thân chủ là người bạn tình có nói về vấn đề này như thế nào ? Những từ mà họ đã sử dụng ?
• Hỏi thân chủ “ Bây giờ bạn cảm thấy như thế nào, nói với tôi về cuộc nói chuyện của bạn với người bạn tình ? ( Đây có thể là một chỉ báo tốt của ý muốn của thân chủ, sự xoay xở và dấn thân của thân chủ.)
• Nếu thích hợp, nêu những mâu thuẩn : “ Bạn nói bạn yêu người bạn tình của bạn ( và ngược lại ). Bạn có thể cho tôi biết cái gì trong mối quan hệ mà bạn chưa nói về hậu quả đe dọa cuộc sống của HIV ?”
• Nêu ra những thành công trong quá khứ : “ Bạn nói bạn duy trì mối quan hệ này lâu dài. Bạn đã đạt thành công gì trong quá khứ ? ( ví dụ như ăn chậm thức ăn có dầu mỡ, cai thuốc lá… )
• Nên nhớ là hành vi thay đổi nho nhỏ, từng bước một.

XIII. HƯỚNG DẪN THAM VẤN THÂN CHỦ BỊ BẠO LỰC.
Tất cả các thân chủ đến với tham vấn phòng ngừa phải được xem xét về nguy cơ bị bạo lực gia đình và bị cưỡng hiếp

Đề tìm hiểu, nên hỏi :

Bạn có quan hệ với một người gây tổn thương cho bạn về mặt thể xác không ?”
Bạn tình của bạn có đánh bạn hay lạm dụng bạn không ?
Trong năm vừa qua, có ai thúc ép bạn vào các hoạt động tình dục không?
Trong năm vừa qua, bạn có bị ai đánh đập không ?
Nếu thân chủ mang thai, hoặc đang không có người bạn tình, bạn hỏi : “ Từ khi bạn mang thai, bạn có bị ai đánh đập không ?”

Kế đó, nếu thân chủ nói “có” :

Bạn có thể cho tôi biết điều gì xảy ra với bạn ? ( nếu thân chủ nói “ không”, họ cảm thấy chưa sẳn sàng, hoặc chưa cảm thấy an toàn ).
Khi nơi chốn nguy cơ lạm dụng đã được xác định, thân chủ phải cung cấp thông tin tham khảo và nhà tham vấn phải tìm hiểu về sự lạm dụng đó. Nếu cuộc sống của thân chủ có thể bị nguy hiểm, nên hỏi họ về một kế hoạch cho sự an toàn ( đặc biệt nếu xét nghiệm HIV dương tính ) :
Về nhà có an toàn không ?
Các con/ người phụ thuộc khác có an tòan không ?
Có cần một nơi an toàn không ? Có thể ở nhờ ở người bạn hay người thân không ?
Có cần gấp tham vấn khủng hoảng không ? ( tìm hiểu khả năng có thể gây chết người ). Giới thiệu đến đường dây nóng về bạo lực và tổ chức xã hội có thể cung cấp tham vấn về bạo lực .

TÌM HIỂU MỐI NGUY HIỂM CÓ THỂ GÂY CHẾT NGƯỜI.

Người bạn tình của bạn có đe dọa giết bạn, con bạn, người thân của bạn hoặc chính họ ?
Có vũ khí ở nhà không ?
Người bạn tình của bạn có nghiện rượu hay sử dụng ma túy không ?
Người bạn tình của bạn co gây bạo lực ở bên ngoài gia đình không ?
Người bạn tình của bạn có gây bạo lực với vật nuôi trong nhà không ?
Mức độ bạo lực có gia tăng so với năm trước không ?

NHỮNG CÂU HỎI DÀNH CHO KẺ BẠO LỰC

Bạn có cảm thấy là bạn tức giận vì phiền muộn không ?
Bạn có bao giờ làm gì không khi bạn tức giận mà sau đó bạn hối tiếc ?
Bạn có bao giờ ân hận về cơn giận của bạn không ?
Bạn có bao giờ nghĩ là bạn làm gì đó về cơn giận của bạn không ?

MÔ HÌNH TRỌNG TÂM ( CORE ) VỀ THƯƠNG LƯỢNG TÌNH DỤC AN TOÀN
CLARIFY INTENTIONS – LÀM RÕ Ý ĐỊNH

Làm rõ cả ý định của chính bạn và ý định của người bạn tình của bạn.
Biết cái gì bạn muốn.
Đừng nghĩ rằng người bạn tình của bạn muốn điều như bạn làm.
Hãy cụ thể. Chung chung có thể đưa đến hiểu lầm.

Ví dụ : “ Tình dục an toàn “ là chung chung, nó có nghĩa khác ở những người khác nhau. “ Tôi muốn bạn sử dụng bao cao su khi chúng ta quan hệ tình dục” là rất cụ thể, có ý nghĩa giống nhau cho mọi người.
Hãy đặt vấn đề trước. Làm như thế, bạn quan tâm đến chính bạn hơn là phó mặc bạn vào nguy hiểm.
Sử dụng “ Tôi “. “ Tôi muốn đi xem xi-nê”; “Cái gì tôi làm hôm nay là …”
Tập nói về cái gì bạn muốn mọi ngày, với những người khác nhau, không chỉ với một người bạn tình của bạn khi quan hệ tình dục.
Tập sử dụng “ Tôi” và lời nói khác trước tấm gương.

OPTIONS – CHỌN LỰA

Tìm hiểu mọi thứ về người bạn tình của bạn. Lấy thông tin. Đừng vội kết luận.
Tìm hiểu nhiều chọn lựa. Có rất nhiều hoạt động an toàn để lựa chọn. Đừng thu hẹp thương lượng chỉ rồi đi đến hoạt động tình dục.
Nói về những hoạt động mà bạn muốn thực hiện, những hoạt động mà bạn quyết tâm thực hiện, và những hoạt động mà bạn không muốn làm.

REACH FOR AGREEMENT – ĐI ĐẾN SỰ THỎA THUẬN

Bắt đầu thương lượng. Bắt đầu với những phần dễ hơn. Bạn có sẵn sàng theo đuổi vài chọn lựa quan trọng đối với người bạn tình của bạn, nhưng lại không quan trọng đối với bạn ? Người bạn tình của bạn có sẵn sàng theo đuổi vài chọn lựa quan trọng đối với bạn, nhưng lại không quan trọng đối với người bạn tình của bạn.

Ví dụ, Hương muốn đi xem phim, và Tân nói cái đó chán lắm. Tân muốn Hương xem phim sex và Hương thì ngại xem loại phim này. Nếu Tân và Hương sẵn sàng làm cái người khác muốn trong những trường hợp cá biệt đó, họ đi vào thực hành kỹ năng có ích cho việc thương lượng các vấn đề thử thách hơn – như sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục.
Hãy thỏa thuận, hoặc thỏa thuận cái không thỏa thuận.

ENJOY OR EXIT – VUI THÍCH HAY THÔI ĐI

Nếu thỏa thuận đạt được thì cứ VUI THÍCH.
Nếu thỏa thuận không đạt được, đó là thời gian tốt để bỏ đi. Nói “ không” với quan hệ tình dục và thử thương lượng lại sau này.

XIV. HƯỚNG DẪN CHO NHÀ THAM VẤN: BUỔI CÔNG KHAI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM ÂM TÍNH ( phòng ngừa ban đầu )

HỘI NHẬP KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

Mục tiêu chính của buổi tham vấn này là giúp thân chủ hội nhập kết quả xét nghiệm âm tính này một cách có ý nghĩa và lợi ích. Thân chủ sẽ chuẩn bị tốt hơn để tự bảo vệ mình không bị nhiểm HIV trong tương lai. Nhà tham vấn sẽ sử dụng một số kỹ thuật và kỹ năng từ đầu đến cuối buổi tham vấn.

Điều quan trọng : Hãy lắng nghe và chân thành; dấn thân vào việc tìm hiểu cảm nhận của thân chủ và khả năng hòa nhập thông tin. Vài thân chủ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng, có người lo lắng. Đừng cho rằng bạn biết rõ họ sẽ phản ứng như thế nào.
Nhớ rằng, mỗi thân chủ sẽ khác nhau, và bạn sẽ có khả năng hoàn thành những công việc khác nhau với những thân chủ khác nhau.

1.CHUẨN BỊ KẾ HOẠCH

Lên kế hoạch cho buổi tham vấn trước khi bắt đầu. Giử kế hoạch linh hoạt, tùy theo sự bộc lộ nhu cầu và mối quan tâm của thân chủ.

2. CÁ NHÂN HÓA BUỔI THAM VẤN

Chào thân chủ, tự giới thiệu về mình và mời thân chủ ngồi ở một nơi thoải mái. Điều quan trọng là lắng nghe và chân thành.

3.PHỔ BIẾN KẾT QUẢ.

Hỏi thân chủ xem có câu hỏi gì không.

Ví dụ : “ Bạn có hỏi gì không trước khi chúng ta bắt đầu ?”
Thông thường, thân chủ tỏ ra lo lắng, ít chủ động. Bạn tiến hành vào đề, nhưng không đột ngột.
Cho biết kết quả trực tiếp, giọng đều.
Ví như : “ Kết quả xét nghiệm của bạn là âm tính.”
Chờ sự phản ứng của thân chủ trước khi bắt đầu.
Bạn có thể cần chờ từ 15 đến 30 giây trước khi nói. Đừng vội. Cứ để thân chủ phản ứng trước kết quả theo cách của họ.

4. TÌM HIỂU TÂM TRẠNG CẢM XÚC CỦA THÂN CHỦ VÀ NHU CẦU THAM VẤN.

Dựa trên phản ứng của thân chủ sau khi nghe kết quả xét nghiệm, bạn quyết định về nhu cầu của thân chủ. Nên nhớ thời gian có giới hạn, giúp thân chủ hòa nhập kết quả xét nghiệm vào 4 lãnh vực chính yếu : thông tin và suy nghĩ; cảm nhận, hành vi và các vấn đề quan hệ con người với nhau.

1. TÌM HIỂU THÔNG TIN VÀ SUY NGHĨ

Tìm hiểu sự hiểu biết của thân chủ về kết quả xét nghiệm, và làm rõ những khái niệm sai nếu cần thiết.
Mô tả ý nghĩa của kết quả xét nghiệm.
Tìm hiểu nhu cầu tái xét nghiệm dựa trên giai đoạn cửa sổ và nguy cơ hiện thời.
Cung cấp thông tin khác.

Ví dụ : “Kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì đối với bạn ?”
“ Ý nghĩa của kết quả này tùy thuộc một phần vào việc gần đây bạn có nguy cơ nhiểm HIV. Bạn có thể cho tôi biết khi bạn có khả năng nhiểm HIV vừa qua bạn không được bảo vệ khi quan hệ tình dục qua miệng, hay âm đạo, hay hậu môn hoặc dùng chung ống tiêm chích ?”.

2. TÌM HIỂU CẢM NHẬN.

Tìm hiểu và nhận biết các cảm nhận của thân chủ phản ứng trước kết quả âm tính.
Cung cấp sự hỗ trợ.
Tìm hiểu sự cam kết để giử âm tính.
Đối với thân chủ tỏ ra lo lắng về kết quả âm tính, tìm hiểu điều mà thân chủ nghĩ là sai quấy và các vấn đề khác.

Ví dụ : “Bạn nghĩ điều gì sẽ tác động đến tương lai của bạn ?”
Hoặc
“ Bạn tự nhận thấy cần có những bước nào trong tương lai để bảo vệ chính bạn khỏi nguy cơ HIV ?”

3. TÌM HIỂU HÀNH VI

Tìm hiểu sự hiểu biết của và sự cam kết của thân chủ để hướng dẫn giảm nguy cơ.
Đánh giá các quy tắc của nhóm đồng đẳng.
Cung cấp sự tăng cường tích cực để có sự thay đổi.
Cung cấp các kỹ năng để tăng cường cải thiện sự kiểm soát.
Xây dựng các kỹ năng thương lượng.
Đối đầu xây dựng.

Ví dụ : “ Kết quả này có ảnh hưởng gì đến hành vi tình dục của bạn ?”

4. TÌM HIỂU CÁC VẤN ĐỀ TRONG QUAN HỆ

Tìm hiểu mạng lưới hỗ trợ xã hội của thân chủ, kế hoạch công khai kết quả và tác động của việc công khai này.
Nhận diện và tăng cường mạng lưới hỡ trợ xã hội.
Tìm hiểu các vấn đề của việc công khai : nói với ai, khi nào, như thế nào.
Xây dựng kế hoạch để tăng tối đa sự hỗ trợ và giảm tối thiểu các hậu quả tiêu cực của việc công khai.

Ví dụ : “ Bạn có nghĩ là ai sẽ thảo luận kết quả với bạn ? Kết quả xét nghiệm sẽ có ảnh hưởng gì trên mối quan hệ đó ?”.

5. ĐÁNH GIÁ CÁ NHÂN THEO NGUY CƠ CAO HAY THẤP

NGUY CƠ CAO :

Nếu có nguy cơ, đánh giá các chiến lược để có sự hỗ trợ theo chiều sâu hơn.
Tham vấn hoặc các dịch vụ hỗ trợ nhóm đặc biệt.
Giải thích những giới hạn của buổi tham vấn, thể hiện sự quan tâm chân thành.

Ví dụ : “ Có một số lý do phức tạp mà người ta tự lao vào nguy cơ HIV, và tôi biết chúng ta không có thời gian trong buổi này để làm trọn vẹn cho bạn. Nhưng tôi rất quan tâm về các hành vi mà bạn mô tả, và tôi muốn bạn biết sự cần thiết phải tham gia chương trình nhóm hỗ trợ này. Bạn cần quan tâm nhiều hơn vì một nhóm hỗ trợ có thể tạo sự quan tâm này.”

NGUY CƠ THẤP HOẶC KHÔNG CÓ NGUY CƠ :

Xem xét lại các yếu tố nguy cơ và nhấn mạnh nhu cầu đi xét nghiệm nếu có sự cố nguy cơ.

6. THÔNG HOẠT TĂNG NĂNG LỰC CHO THÂN CHỦ.

Tăng năng lực thân chủ để theo đuổi kế hoạch ngắn và dài hạn.
Khuyến khích thân chủ tham gia tích cực trong kế hoạch phòng ngừa.
Xây dựng kỹ năng trong việc lấy quyết định.

Ví dụ : “ Hãy nói về những quyết định mà bạn cần có bây giờ khi bạn đã có kết quả xét nghiệm HIV âm tính.”

7. GIỚI THIỆU THÂN CHỦ

Giới thiệu thân chủ đến nơi cần thiết trong mạng lưới liên kết.

XV. HƯỚNG DẪN NHÀ THAM VẤN : BUỔI CÔNG KHAI KẾT QUẢ DƯƠNG TÍNH.

HỘI NHẬP KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM.

Mục đích của buổi này là giúp thân chủ hội nhập với kết quả xét nghiệm theo một cách có ý nghĩa và có lợi ích. Một thân chủ có thể có những bước thích hợp để tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội và sự chăm sóc y tế, và chuẩn bị tốt hơn cho việc phòng tránh lây lan HIV cho người khác. Nhà tham vấn sẽ sử dụng các kỹ thuật và kỹ năng khác nhau từ đầu đến cuối buổi.
Điều quan trọng : Phải lắng nghe và chân thành; sử dụng các kỹ thuật để xây dựng niềm hy vọng, kỹ năng tự biện hộ và tăng năng lực; công nhận và bình thường hóa các cảm nhận và kinh nghiệm của thân chủ; luôn tìm hiểu các cảm nhận của thân chủ và khả năng hội nhập thông tin.

Nên nhớ là mỗi thân chủ sẽ khác nhau và bạn sẽ có thể hoàn thành những d0iều khác nhau với những thân chủ khác nhau.

1.CHUẨN BỊ KẾ HOẠCH

Lên kế hoạch cho buổi tham vấn trước khi bắt đầu. Giử kế hoạch linh hoạt, tùy theo sự bộc lộ nhu cầu và mối quan tâm của thân chủ.

2. CÁ NHÂN HÓA BUỔI THAM VẤN

Chào thân chủ, tự giới thiệu về mình và mời thân chủ ngồi ở một nơi thoải mái. Điều quan trọng là lắng nghe và chân thành.

3.PHỔ BIẾN KẾT QUẢ.

Hỏi thân chủ xem có câu hỏi gì không.

Ví dụ : “ Bạn có hỏi gì không trước khi chúng ta bắt đầu ?”
Thông thường, thân chủ tỏ ra lo lắng, ít chủ động. Bạn tiến hành vào đề, nhưng không đột ngột.
Cho biết kết quả trực tiếp, giọng đều.

Ví như : “ Kết quả xét nghiệm của bạn là dương tính.”
Chờ sự phản ứng của thân chủ trước khi bắt đầu.
Bạn có thể cần chờ từ 15 đến 30 giây trước khi nói. Đừng vội. Cú để thân chủ phản ứng trước kết quả theo cách của họ.

4. TÌM HIỂU TÂM TRẠNG CẢM XÚC CỦA THÂN CHỦ VÀ NHU CẦU THAM VẤN.

Dựa trên phản ứng của thân chủ sau khi nghe kết quả xét nghiệm, bạn quyết định về nhu cầu của thân chủ. Nên nhớ thời gian có giới hạn, giúp thân chủ hòa nhập kết quả xét nghiệm vào 4 lãnh vực chính yếu : thông tin và suy nghĩ; cảm nhận, hành vi và các vấn đề quan hệ con người với nhau.

5. TÌM HIỂU THÔNG TIN VÀ SUY NGHĨ

Tìm hiểu sự hiểu biết của thân chủ về kết quả xét nghiệm, và làm rõ những khái niệm sai nếu cần thiết.
Mô tả ý nghĩa của kết quả xét nghiệm về mặt y tế.
Cung cấp thông tin khác.

Ví dụ : “ Kết quả xét nghiệm này có ý nghĩa gì đối với bạn ?”

6. TÌM HIỂU CẢM NHẬN.

Tìm hiểu và nhận biết các cảm nhận của thân chủ phản ứng trước kết quả dương tính.
Cung cấp sự hỗ trợ.
Xây dựng lòng tự trọng và tính khẳng định.
Giúp khắc phục lo âu hay thất vọng.
Bình thường hóa các cảm nhận.

Ví dụ : “Bạn nghĩ điều gì sẽ tác động đến cuộc sống của bạn ?”
“ Hình như là kinh khủng, phải không ?”.
“ Nhiều người tiếp xúc với tôi cũng thể hiện cảm nhận như vậy khi họ biết mình bị nhiễm HIV.”
“ Tôi có thể cảm nhận giây phút này thật khó cho bạn. Bạn có thể nghĩ đến điều gì mà bạn có thể làm để tự chăm sóc cho mình ngay bây giờ không ? – sau buổi này, sau khi bạn đi, sau ngày hôm nay ?”

7.TÌM HIỂU HÀNH VI

Tìm hiểu sự hiểu biết của và sự cam kết của thân chủ để hướng dẫn giảm nguy cơ.
Đánh giá các quy tắc của nhóm đồng đẳng.
Cung cấp sự tăng cường tích cực để có sự thay đổi.
Cung cấp các kỹ năng để tăng cường cải thiện sự kiểm soát.
Xây dựng các kỹ năng thương lượng.
Đối đầu xây dựng.

Ví dụ : “ Kết quả này có ảnh hưởng gì đến hành vi tình dục của bạn ?”

8.TÌM HIỂU CÁC VẤN ĐỀ TRONG QUAN HỆ

Tìm hiểu mạng lưới hỗ trợ xã hội của thân chủ, kế hoạch công khai kết quả và tác động của việc công khai này.
Nhận diện và tăng cường mạng lưới hỡ trợ xã hội.
Tìm hiểu các vấn đề của việc công khai : nói với ai, khi nào, như thế nào.
Đánh giá mối quan tâm của thân chủ.
Xây dựng kế hoạch để tăng tối đa sự hỗ trợ và giảm tối thiểu các hậu quả tiêu cực của việc công khai.

Ví dụ : “ Bạn có nghĩ là ai sẽ thảo luận kết quả với bạn ?
“ Điều quan trọng là người bạn tình của bạn hiểu các nguy cơ HIV. Bạn có nghĩ là sẽ báo kết quả cho họ biết không ?”
“ Bạn có thảo luận với người bạn tình về vấn đề nếu kết quả xét nghiệm dương tính ? Bạn nghĩ họ sẽ phản ứng như thế nào ?”

9. THẢO LUẬN NHU CẦU THEO DÕI VỀ MẶT Y TẾ

Giải thích tầm quan trọng của sự theo dõi y tế, kể cả khi người ta cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh hay khi bị suy xụp vì biết mình bị nhiễm HIV.
Mô tả những lợi ích khi đến gặp nhân viên y tế.
Mô tả các tiêu chuẩn can thiệp cho người bị nhiễm HIV.
Mô tả ngắn gọn và cung cấp các tài liệu viết để thân chủ tham khảo.

10.THÔNG HOẠT TĂNG NĂNG LỰC CHO THÂN CHỦ.

Tăng năng lực thân chủ để theo đuổi kế hoạch ngắn và dài hạn.
Khuyến khích thân chủ tham gia tích cực trong kế hoạch phòng ngừa.
Xây dựng kỹ năng trong việc lấy quyết định.

Ví dụ : “ Bạn sẽ làm gì sau buổi này ? Bạn sẽ làm gì tối nay ? Bạn sẽ nói với ai về buổi này ?”
Hoặc
“ Bạn dự trù gặp ai để được chăm sóc về mặt y tế ? Bạn mong đợi gì ở lần gặp đầu tiên ?”
hoặc
“ Tôi biết nghe tin xấu là rất nặng nề và bạn suy xụp vì nó. Tôi muốn bạn biết là có nhiều lý do để hy vọng.”
Hoặc
“ Xin hãy cho tôi biết những quyết định mà bạn sẽ cần có khi bạn biết bạn bị nhiễm HIV ?”

11. GIỚI THIỆU THÂN CHỦ

Giới thiệu thân chủ đến nơi cần thiết trong mạng lưới liên kết.

XVI. TÓM LƯỢC TÌM HIỂU NHANH NGUY CƠ ĐỐI VỚI CÁC THÂN CHỦ KHÔNG CÓ NGUY CƠ VÀ NGUY CƠ THẤP

Thăm dò, thăm dò, thăm dò. Đặt những câu hỏi mở. Phải tò mò và thể hiện sự quan tâm. Có thân chủ do dự tiết lộ các hành vi nguy cơ và phải cần có thời gian. Đặt những câu hỏi theo cách khác nhau để đưa ra mọi thông tin.

Công nhận các cảm nhận, đặc biệt những sợ hãi và các mối quan tâm.

Lập lại sự hiểu biết của bạn về các hành vi nguy cơ của thân chủ và nắm chắc rằng sự hiểu biết của bạn là đúng.

Sửa lại mọi thông tin sai – sau đó thăm dò những sợ hãi và cảm nhận một lần nữa.

Giải thích những hướng dẫn cho người thực hành các loại hành vi nguy cơ mà họ đã mô tả cho bạn, việc xét nghiệm HIV lại là chỉ cần thiết nếu một người cảm thấy có điều gì đó có thể bị lây nhiểm HIV.

Hỏi thân chủ là họ suy nghĩ gì hay cảm nhận điều gì về những gì mà bạn đã nói với họ, chú ý riêng biệt các ý định của họ khi làm theo các hướng dẫn này. Nếu thân chủ cam đoan một lần nữa, cho họ ghi nhớ là “ cánh cửa lúc nào cũng mở”.

Nếu thân chủ không cảm thấy họ có thể hoặc muốn làm theo các hướng dẫn, tìm hiểu các lý do và làm rõ mọi thông tin sai. Tìm hiểu sợ hãi hay cảm nhận bằng các kỹ năng lắng nghe tích cực.

Nếu thân chủ tiếp tục hiểu sai hay sợ hãi, nhớ là vai trò của bạn bị giới hạn. Bạn biết là bạn không thể thay đổi vị trí của họ trong buổi này và giới thiệu họ đến nguồn tài nguyên khác để được giúp đỡ.

XVII. HƯỚNG DẪN THAM VẤN CHO CÁC THÂN CHỦ KHÔNG CÓ NGUY CƠ – NGUY CƠ THẤP

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HIỂU MỘT NGƯỜI NÓI VỚI CHÚNG TA MỌI THỨ ?

Chúng ta không thể nào biết. Chúng ta chỉ có thể sử dụng các kỹ năng tham vấn lấy thân chủ làm trọng tâm để có thông tin tối đa có thể được. Chúng ta cũng có thể hy vọng là nếu thân chủ có kinh nghiệm xây dựng với chúng ta, họ nhận rõ các nguy cơ và có những bước để giảm thiểu sự tổn hại cho họ.

ĐIỀU GÌ VỀ TÌNH DỤC QUA MIỆNG ?

Tình dục qua miệng vẫn còn được xem là một nguy cơ, dù được mô tả là “ nguy cơ thấp nhất”. Một người thực hành tình dục qua miệng mà không được bảo vệ vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV. Xét nghiệm HIVchỉ có thể là cách bảo đảm là họ không bị lây nhiểm HIV. Điều này khác với việc một người không dính vào hoạt động nào cũng có thể bị lây nhiễm.

VẤN ĐỀ GÌ KHI THÂN CHỦ THẤY RẰNG XÉT NGHIỆM NHƯ LÀ ĐIỀU PHẢI LÀM ?

Xét nghiệm là quan trọng cho ai dính vào một hoạt động ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống và có thể bị lây nhiễm HIV.Một lần khi xét nghiệm có kết quả âm tính, họ chỉ cần xét nghiệm lại nếu họ có hoạt động có thể làm cho họ bị lây nhiễm HIV sáu tháng trước khi xét nghiệm hoặc sau khi xét nghiệm.

XVIII. CÁC YẾU TỐ CỦA MỘT BUỔI KẾT THÚC THAM VẤN HIỆU QUẢ

1. TÓM TẮT NỘI DUNG

Lập lại nội dung tổng quát của buổi tham vấn : thân chủ đã ở đâu ? bây giờ đang ở đâu ?

Ví dụ : “ Trong năm vừa qua, bạn đã giảm tốt các hành vi nguy cơ nhiễm HIV. Bạn có vẻ rất muốn giảm nguy cơ đó hơn nữa bây giờ và trong tương lai.”

Xem lại thông tin mới chính yếu và cung cấp tài liệu viết để tham khảo.
( Thông tin mới là đối với thân chủ và giúp cho kế hoạch phòng ngừa của thân chủ. Đừng mất thời gian dành cho thông tin mà thân chủ đã quen thuộc )

2. XÁC ĐỊNH CÁC BƯỚC TIẾP THEO

Kế hoạch giảm nguy cơ
Ngắn hạn
Dài hạn
Các bước hành động và hành vi riêng biệt.
Ví dụ : “ Bạn hãy có những bước mà bạn tự nhận thấy để giảm hành vi nguy cơ nhiễm HIV của bạn trong các tuần lễ tới, và trong thời gian dài bao lâu – ví dụ một năm kể từ bây giờ.”

Các vấn đề hỗ trợ rộng hơn
Ví dụ :” Bạn cần sự hỗ trợ nào để bạn có thể theo suốt các kế hoạch này ?”

3. GIỚI THIỆU HIỆU QUẢ

Thân trọng trong chọn lựa và phù hợp
Giới hạn số lượng
Viết
Cho tên cá nhân và tham khảo khi cần thiết.

4. THĂM DÒ VÀ ĐÁP ỨNG CÁC CẢN TRỞ CÓ THỂ CÓ CHO VIỆC THỰC HIỆN

Tiến hành các bước tiếp theo
Tiến hành việc giới thiệu

5. KẾT THÚC BUỔI THAM VẤN, NHƯNG KHÔNG PHẢI ĐÓNG CỬA

Các vấn đề của mọi thân chủ sẽ không được giải quyết hết. Tuy nhiên, thân chủ rời khỏi với tâm trạng có những bước hành động riêng biệt và phù hợp cần có hiên nay, và những chọn lựa cần theo đuổi trong tương lai ( tại cơ quan của bạn hay ở các tài nguyên khác )

XIX. CÁC NHÀ THAM VẤN CẦN LƯU Ý

NÓI NHIỀU HƠN VỀ SỬ DỤNG BAO CAO SU

Điều nguy hiểm chung là định nghĩa can thiệp như là tham vấn một thân chủ về việc sử dụng bao cao su. Điều này chưa đầy đủ.

Nhận biết những phức tạp của động cơ con người và thay đổi hành vi. Phát triển kỹ năng giúp bạn nói với thân chủ về những vấn đề phức tạp. Sẵn sàng và có khả năng thảo luận về các lựa chọn giảm nguy cơ, bao gồm giảm sự tổn hại ( giảm nhưng không loại nguy cơ ).

ĐỪNG BAO GIỜ NGƯNG HỎI VỀ BẠN, “ TÔI CÓ CUNG CẤP THÔNG TIN MÀ THÂN CHỦ CẦN KHÔNG ?”

Cần xem lại bản ghi lại tiến trình tham vấn và đánh giá sự thành công của bạn với mọi thân chủ.

BIẾT NỘI DUNG VÀ CẤU TRÚC CỦA BẢN GHI LẠI CUỘC THAM VẤN

Biết nội dung của bản này và ý nghĩa của từng câu hỏi. Học đặt câu hỏi mà người khác chấp nhận và rõ ràng đối với bạn và đối với thân chủ, và theo phương cách duy trì tiến trình thân chủ là trọng tâm. Một cuộc đối thoại tự nhiên về các vấn đề nguy cơ phải được quan tâm trong tham vấn, hơn là “ khảo sát “ ( hỏi những câu hỏi riêng biệt để có thể ghi lại đầy đủ) hoặc thông tin đã được đưa ra.

CẦN CÓ SỰ PHẢN HỒI TỪ NHỮNG NGƯỜI HƯỚNG DẪN, ĐỒNG NGHIỆP CÓ KINH NGHIỆM HƠN

Nên thường xuyên có cơ hội đánh giá công việc đang làm và nói về những thân chủ mà mình đã gặp. Cần có tài nguyên để nhờ tới khi gặp khó khăn.

CẦN CÓ SỰ PHẢN HỒI TỪ CÁC THÂN CHỦ

Hỏi thân chủ là họ cảm thấy như thế nào về sự can thiệp của bạn. Các gợi ý có hợp lý không ? Thông tin có giúp ích gì không ? Cuộc tham vấn có giúp thân chủ suy nghĩ về việc giảm nguy cơ theo những cách mới và có lợi không ?

SỬ DỤNG TOÀN THỜI GIAN ĐƯỢC GIAO

Những buổi tham vấn ngắn ( ít thời gian hơn theo cơ quan phòng chống AIDS quy định là ít nhất phải 20 phút cho tham vấn về tìm hiểu nguy cơ và 20 đến 40 phút cho tham vấn công khai kết quả xét nghiệm ) có nghĩa là tham vấn không đầy đủ và không hiệu quả. Tình hình này phải được xem xét cẩn thận. Những nhà tham vấn có khó khăn “ suy nghĩ về những điều phải nói” trong thời gian được giao phó cần có sự phản hồi và sự hỗ trợ từ các người hướng dẫn, cố vấn hay đồng nghiệp.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU THAM VẤN

1.
2.
3.
4.
5.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH XÂY DỰNG KỸ NĂNG

1.
2.
3.
4.
5.

Không có nhận xét nào: