16 tháng 5, 2008

Ý kiến của một cán bộ về dự án phát triển cộng đồng


DƯỢC SỸ: NGUYỄN THỊ TUYẾT LAN

Sở KHCN&MT Hải Phòng

Những năm gần đây, danh từ "Dự án phát triển cộng đồng" (PTCĐ) được dùng tương đối rộng rãi ở nước ta. Dự án PTCĐ là loại dự án hướng vào đối tượng là cộng đồng, với mục đích cuối cùng là tạo ra những sự chuyển biến xã hội tại cộng đồng. Đây là một kế hoạch hành động cụ thể có sự phối hợp đa phương của nhiều lực lượng xã hội bên trong và bên ngoài cộng đồng vì mục tiêu phát triển, huy động mọi nguồn lực, phân bổ chúng một cách hợp lý, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá và dịch vụ xã hội. Sự can thiệp của dự án chỉ mang tính xúc tác, không có ý nghĩa quyết định. Theo quan điểm PTCĐ, thực hiện một dự án là nhằm tạo ra những điều kiện cải thiện tình trạng kinh tế và xã hội của cộng đồng mà ta muốn giúp đỡ.

Hầu hết tại các nước đang phát triển trên thế giới, PTCĐ là một trong những chiến lược cơ bản để cải thiện điều kiện sống của người dân, đặc biệt là nhóm người bị thiệt thòi. Nỗ lực PTCĐ ở những nước này thường do các tổ chức có mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau khởi xướng, đỡ đầu hay khuyến khích, thuộc 4 nhóm chủ yếu sau:

* Các cơ quan thuộc Trung ương, tỉnh thành phố hoặc địa phương.

* Các tổ chức phát triển quốc tế hay các tổ chức tài trợ ở các nước phát triển.

* Các tổ chức từ thiện tư nhân địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ.

* Các tổ chức cộng đồng hoặc nhóm cộng đồng tại địa phương.

Hoạt động PTCĐ rất đa dạng về hình thức, có thể là các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hệ thống giao thông nông thôn, điện, thuỷ lợi chuyển giao công nghệ thích hợp; dự án phát triển hệ thống thiết chế xã hội cơ bản như giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nước sạch và vệ sinh môi trường, dự án phát triển năng lực quản lý, xây dựng hệ thống tín dụng nông thôn, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá... Với mục tiêu phát triển toàn diện, các chương trình PTCĐ đã chuyển sang mô hình lồng ghép các dự án có mục tiêu gần nhau. Tuy có sự đa dạng và có sự khác biệt nhưng các chương trình PTCĐ đều nhằm cải thiện hoặc nâng cao điều kiện sống của nhóm đối tượng.

Mục tiêu của dự án là tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và hành động tập thể của cộng đồng, nhờ đó, các lực lượng xã hội bên trong và bên ngoài cộng đồng quyết tâm thực hiện các kế hoạch hành động nhằm mang lại một sự thay đổi về điều kiện/môi trường sống. Thông qua sự can thiệp của dự án, nhận thức, năng lực và kỹ thuật tổ chức các hoạt động tập thể, năng lực quản lý được nâng cao, tạo cơ sở cho việc hình thành những dự án mới, từ đây tình trạng xã hội của cộng đồng được cải thiện ở mức cao hơn.

Tính bền vững của dự án được đo bằng kết quả là sau khi dự án kết thúc, cộng đồng có khả năng tự tổ chức và duy trì các hoạt động tiếp theo bằng nguồn lực tại chỗ. Khi nói đến dự án người ta thường nghĩ tới thuần tuý nhận một khoản viện trợ, tiến hành một vài hoạt động, còn việc dự án có mang lại hiệu quả xã hội thực sự nào hay không, thì cả bên "cho" và "nhận" đều không quan tâm. Trong thực tế, có rất nhiều dự án đang triển khai, các vấn đề của cộng đồng có thể được giải quyết, khi kết thúc dự án thì đâu lại vào đấy, thậm chí còn để lại những xung đột tiềm ẩn hay bộc lộ trong cộng đồng. Mang lại sự biến đổi xã hội là mục tiêu cao nhất của các dự án PTCĐ.

Tiếp thu tinh thần của nguyên lý PTCĐ, UBND thành phố Hải Phòng một mặt chú trọng đến việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Mặt khác thành phố tiếp nhận và triển khai nhiều chương trình, dự án về cải tạo môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các dự án "Thành phố lành mạnh", VIE 98-018, thoát nước và vệ sinh môi trường... tác động đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, góp phần làm thay đổi cung cách ứng xử của cộng đồng đối với môi trường, từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Một trong những chương trình cải tạo môi trường thành phố Hải Phòng đang triển khai, thu hút được đông đảo người dân tham gia là "Chương trình cải thiện môi trường đô thị (MEIP)" do Chính phủ Ôxtrâylia và Hà Lan tài trợ. Ngân hàng thế giới đóng vai trò điều hành. Sở KHCN&MT được UBND thành phố chỉ định là cơ quan thực hiện dự án.

Một trong những nội dung mà MEIP hỗ trợ thành phố là triển khai các dự án PTCĐ thử nghiệm tại phường (PEIP). Mục tiêu của PEIP là đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng và phát triển các dự án đầu tư. Sau hơn một năm triển khai thử nghiệm tại 10 phường, dự án thu được một số kết quả đáng khích lệ. Hai trong số 10 phường đã có công trình cải thiện môi trường bàn giao cho dân và đưa vào sử dụng, ý thức bảo vệ môi trường được nâng lên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đa số các phường được chọn làm dự án thí điểm đều là những phường nghèo, cơ sở vật chất thiếu thốn hoặc xuống cấp nghiêm trọng, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân trong phường, thu nhập bình quân đầu người thấp, trình độ quản lý của cán bộ phường còn yếu, có phường mới chỉ chuyển lên từ xã được 6 năm. Quan trọng hơn, nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.

Mặc dù nhu cầu cần dự án đầu tư cải tạo về môi trường ở các phường khác nhau, có phường xây dựng hệ thống thoát nước thải cho khu dân cư, có phường xây dựng nhà vệ sinh tự hoại công cộng. Nhưng nhìn chung, nhân dân tất cả các phường tham gia dự án thử nghiệm đều thực sự sở hữu dự án từ đầu đến cuối. Từ khâu xác định những vấn đề môi trường bức xúc (nhu cầu) cần dự án đầu tư đến tư vấn trong quá trình thiết kế, giám sát thực hiện và cuối cùng là đưa vào vận hành, bảo dưỡng duy tu công trình. Mục tiêu của dự án không phải là mang tiền bạc vật chất đến cho cộng đồng, mà thông qua hỗ trợ để phát huy sự tham gia đóng góp của người dân trong cộng đồng, giúp cộng đồng xác định những nhu cầu bức xúc cần giải quyết, giúp họ tự giải quyết các vấn đề của mình,... Nghĩa là mang lại cho họ quyền lực để giải quyết những vấn đề của cộng đồng.

Tại các phường tham gia dự án, nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, chia sẻ kinh phí với dự án, người nghèo có thể đóng góp bằng công lao động, bằng sự tư vấn thiết kế, cung cấp thông tin cho Ban chỉ đạo dự án của phường... Hầu hết phường, ngoài sự đóng góp của nhân dân nơi tiếp nhận dự án, UBND các phường còn huy động được nhiều tổ chức, cá nhân những nhà hảo tâm đóng trên địa bàn phường hỗ trợ vì mục tiêu phát triển chung của cả cộng đồng. Dự án thực sự đã giúp các phường tự lực giải quyết các vấn đề của họ, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước như thời bao cấp. Đây không phải là phương pháp mới nhưng là cái nhìn mới mẻ, cái nhìn vào sự phồn vinh thông qua sự giao quyền làm chủ cho cộng đồng.

Một số phường, ngoài những khu tiếp nhận dự án được xây dựng các công trình cải tạo môi trường, nhân dân các khu còn lại cũng nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Họ cùng nhau đóng góp tiền, ngày công lao động để tự xây dựng, giữ gìn, duy tu bảo dưỡng các công trình cải thiện môi trường tại khu họ đang sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là kết quả tất yếu của quá trình nhận thức của cộng đồng thông qua một loạt các hoạt động truyền thông về môi trường mà dự án đã và đang triển khai tại các phường và trên phạm vi toàn thành phố. Các cuộc thi viết, vẽ, sáng tác thơ, bài hát về môi trường được triển khai ở 20 trường tiểu học và trung học cơ sở, cuộc thi các tác phẩm báo chí, phát thanh và truyền hình, thi tuyên truyền viên giỏi... là cơ hội để tất cả các nhóm đối tượng tìm hiểu và nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường.

Không dừng lại với kết quả bước đầu đạt được, nhiều phường đã tự tìm thấy cơ hội phát triển các dự án thu hút đầu tư trong nước cũng như các tổ chức quốc tế. Phường Ngọc Hải thuộc thị xã Đồ Sơn là một trong những phường được dự án đánh giá là thành công nhất trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng ở giai đoạn thử nghiệm. Hiện nay, với sự nỗ lực của UBND phường, Ban quản lý dự án phường đã xây dựng được dự án đầu tư cải tạo hồ Nam Từ, diện tích 9.230 m2 với tổng số vốn là 905.000.000 đồng, trong đó phía địa phương đóng góp là 557.000.000 đồng (khoảng 62%) bao gồm cả thành phần tư nhân, UBND phường và các tổ chức khác, số còn lại 348.000.000 đồng (38%) đề xuất MEIP hỗ trợ tiếp. Khó khăn còn ở phía trước, nhưng với tất cả kinh nghiệm đã thu được từ thành công của dự án thử nghiệm tại phường và cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và quan trọng hơn tất cả đó là sự quyết tâm của nhân dân địa phương, phường Ngọc Hải hứa hẹn nhiều thành công trong dự án cải tạo hồ Nam Từ, khu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng thành khu vui chơi giải trí cho nhân dân toàn phường và khách du lịch. Dự án thành công sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, tăng thu nhập cho ngân sách phường, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Sự thành công của các dự án thử nghiệm tại 10 phường ở Hải Phòng sẽ là mô hình tốt để Ngân hàng thế giới tiếp tục mở rộng đến các thành phố khác ở Việt Nam.

Kết quả bước đầu thu được đã khẳng định bước đi đúng và vững chắc của UBND thành phố Hải Phòng, Sở KHCN&MT và UBND các phường trong việc lựa chọn và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc của cộng đồng.

Thước đo sự thành công của dự án không chỉ là việc hoàn thành các hoạt động có tính kỹ thuật (Đầu tư cái gì? Cho ai? Bao nhiêu? Như thế nào?) mà là nó góp phần tích cực vào quá trình chuyển biến xã hội tại cộng đồng. PEIP thực sự đã đem lại sự thay đổi về cách nghĩ cách làm và sự tự tin vào khả năng tự giải quyết các vấn đề bức xúc của cộng đồng.

Không có nhận xét nào: