9 tháng 5, 2008

CHÂN DUNG CỦA MỘT SỐ NHÂN VIÊN XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP



CHÂN DUNG CỦA MỘT SỐ NHÂN VIÊN XÃ HỘI CHUYÊN NGHIỆP
Đây là kết quả cuộc khảo sát nhỏ về 30 nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo trong nước và nước ngoài. Họ nghĩ về họ như thế nào? Họ mong muốn gì về ngành công tác xã hội trong tương lai? Những khó khăn mà họ gặp phải khi thực hành CTXH?

1. LÝ DO CHỌN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
Có 11 người (52%) đã chọn ngành này vì yêu thích làm việc với người nghèo, muốn phục vụ con người, vì chứng kiến cảnh nghèo và muốn làm gì đó. Hai người nói là do bạn rủ rê đi học, hai người khác là do cơ quan phân công. Số còn lại thì cho là do:
• Thích những giá trị của công tác xã hội.
• Công tác xã hội phù hợp với công việc đang làm lúc đó (lúc chưa học) như là giáo viên dạy học sinh nghèo vùng xa, cán bộ Đoàn Thanh niên.
• Muốn trở thành nhân viên xã hội vì ngành này giúp cho chính mình và cho người khác.
• Muốn công bằng xã hội, mọi người có cơ hội để phát triển.

2. NHÂN VIÊN XÃ HỘI TỰ MÔ TẢ VỀ MÌNH

Khi định nghĩa nhân viên xã hội chuyên nghiệp là gì, đa số họ cho rằng nhân viên xã hội chuyên nghiệp là người có trình độ kiến thức chuyên môn vững vàng về phát triển xã hội và có kỹ năng chuyên nghiệp (13 ý kiến). Những ý kiến khác nhấn mạnh các điểm như sau:
a. Là người có tấm lòng và công việc đạt hiệu quả cao.
b. Là người thực thi đạo đức chuyên nghiệp trong đời sống, công tác và có quan điểm phát triển lấy con người làm trọng tâm.
c. Là tác nhân thay đổi về nhận thức và hành vi.
d. Là người vận động sự tham gia của mọi người.
e. Là người có tầm nhìn xa, sáng tạo, biết tôn trọng, thấu cảm, biết làm việc với nhóm và có thái độ cởi mở.
f. Là người có nhân cách tốt, có vai trò mang lại cơ hội phát triển cho cá nhân, nhóm và cộng đồng.
g. Là người chăm lo cho người nghèo, thiệt thòi bằng những phương cách chuyên môn khoa học.
h. Có thể là người làm mọi việc, mọi lãnh vực, lúc nào cũng tất bật, có khi “đứng 2-3 chân”, ăn mặc không diện, không mốt.
i. Là người giản dị, hài hòa trong cuộc sống, quan tâm đến các vấn đề xã hội, giúp thân chủ vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống.
j. Là người nhiệt tình, dấn thân, cầu tiến, tu rèn đạo đức.
k. Là người ý thức về mình, hòa đồng với môi trường xung quanh, vì lợi ích xã hội.
l. Là người đề xuất các chính sách xã hội, người thực hiện chính sách, cung cấp dịch vụ xã hội.
m. Là người luôn sẵn sàng, có tâm huyết.
n. Là người hòa giải, kết nối, gan dạ, tiên phong và bị xã hội xem là “mát”.
o. Là người hiểu rõ tính chất liên ngành trong phát triển, có thái độ tác phong phù hợp.
p. Là người góp phần xây dựng nền an sinh xã hội, xóa bỏ bất công.

3. VAI TRÒ QUAN TRỌNG NHẤT CỦA NHÂN VIÊN XÃ HỘI HIỆN NAY

Nói đến vai trò quan trọng nhất của nhân viên xã hội trong bối cảnh hiện nay, có 9 ý kiến nêu vai trò xúc tác viên để gây ý thức, thu hút sự quan tâm của xã hội, tác động ở 3 cấp (cá nhân, cộng đồng, xã hội) vì nhận thức của xã hội về ngành chưa đúng, còn lệch lạc và vai trò đào tạo vì bối cảnh hiện nay là sự khởi đầu thay đổi và nhu cầu phát triển đội ngũ nhân viên xã hội. 3 ý kiến khác chú trọng đến vai trò chứng minh và khẳng định nghề nghiệp để được công nhận. Các ý kiến còn lại nêu các vai trò :
a. Tham gia xây dựng chính sách xã hội, giảm tệ nạn xã hội và chấn hưng đạo đức xã hội.
b. Xóa khoảng cách giàu - nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo.
c. Tham mưu, cải tiến tổ chức và chính sách.
d. Nối kết nhu cầu với tài nguyên sẵn có trong cộng đồng.
e. Ngoài ra, có một ý kiến cho rằng vì ngành công tác xã hội chuyên nghiệp mới bắt đầu nên chưa có vai trò nào quan trọng cả.

Khi được hỏi họ có thỏa mãn vai trò của mình hiện nay không thì có 15 người (74%) thỏa mãn, 01 người tạm thời hài lòng và 05 người (23,8%) không hài lòng. Các lý do hài lòng về vai trò của mình là: phù hợp với công việc, môi trường làm việc thích hợp, làm đúng chuyên môn, công việc hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, có điều kiện phát huy các tiềm năng trong các lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, làm được cái mình mong muốn.

Những người không hài lòng cho rằng còn nhiều khó khăn khi thực hành công tác xã hội, trình độ, năng lực chưa đáp ứng so với yêu cầu của tình hình xã hội ngày càng phát triển và nhiều vấn đề xã hội phát sinh, môi trường hoạt động còn gò bó, chưa có nghiệp đoàn và công tác xã hội chưa được công nhận như là một nghề chuyên môn.

4. ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC HIỆN NAY CỦA NHÂN VIÊN XÃ HỘI

Tất cả 21 nhân viên xã hội (100%) đều khẳng định là hiện nay các điều kiện làm việc đáp ứng được cho việc thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp. Các lý do được nêu ra: các nhân viên xã hội có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, thực hành đúng chuyên môn của mình, được lãnh đạo tạo điều kiện, tự sắp xếp và quyết định trong công việc và làm việc có hiệu quả, đưa được quan điểm con người vào tiến trình quyết định. Hơn nữa, có người cảm thấy thích thú khi thực tế thực hành giúp họ tự bổ sung kiến thức đã học được ở trường, xã hội có nhu cầu rất lớn tạo điều kiện cho việc thực hành công tác xã hội, nhất là trong lãnh vực đào tạo, nghiên cứu, tư vấn cho các dự án phát triển cộng đồng.

4.1. Trong điều kiện làm việc hiện nay, phần lớn nhân viên xã hội thể hiện mối quan tâm của mình về vấn đề đào tạo, đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao, có uy tín trong xã hội, về tư cách pháp nhân, về sự hình thành nghiệp đoàn công tác xã hội. Các quan tâm khác là:
a. Tình trạng thiếu nhân viên xã hội chuyên nghiệp tại các tổ chức xã hội, vì thế hiện nay có một số tổ chức xã hội hoạt động mang tính hình thức hơn là tính chuyên môn.
b. Tình trạng mạnh ai nấy làm.
c. Nhân viên xã hội chưa đủ thế để làm việc, chưa có cơ quan chức năng giám sát nhân viên xã hội nên có người lạm dụng ngành công tác xã hội.
d. Nhân viên xã hội dễ bị hiểu lầm khi họ tiếp xúc với các thân chủ của mình.
e. Xã hội hiểu không đúng về người làm công tác xã hội (theo nghĩa từ thiện nhiều hơn) và ai cũng tưởng mình là người làm công tác xã hội.
f. Thái độ, tác phong của nhân viên xã hội phải đồng hành bên cạnh các ngành khác, cùng thúc đẩy sự phát triển chứ không phải là sự độc tôn do mình có chuyên môn.
g. Tính bền vững của ngành công tác xã hội.
h. Vấn đề gây ý thức cho mọi người, nhất là giới trẻ.
i. Người nghèo thiếu hiểu biết nên chưa được hưởng hết các phúc lợi của nhà nước.
4.2. Trong điều kiện làm việc hiện nay của nhân viên xã hội, nhiều người cảm thấy hài lòng vì đã giúp người khác thay đổi nhận thức và hành vi do sự tác động của họ, cải thiện được cuộc sống của một bộ phận người nghèo, thấy được sự thay đổi từng bước của thân chủ và cộng đồng, người nghèo được quan tâm và có nhiều cơ hội tham gia nhiều hơn vào tiến trình giải quyết các vấn đề của chính họ. Họ đã tạo được mối quan hệ tốt với các bên đối tác, một số địa phương đã công nhận tính hiệu quả của phương pháp phát triển cộng đồng, là phương cách tốt nhất trong xóa đói giảm nghèo. Một số nhân viên xã hội khác nhấn mạnh đến việc mình được quý mến, được trân trọng từ người mình phục vụ, giá trị của công tác xã hội đã mang lại lợi ích về sự thay đổi tích cực của bản thân đồng thời cho cả hai phía nhân viên xã hội và thân chủ, về sự hiểu biết con người và cơ cấu xã hội với các mối tương tác của nó.

Có 14 nhân viên xã hội cảm thấy có nhiều thuận lợi khi hợp tác với các ngành khác, lý do đưa ra là khi các ngành ấy có cùng mục tiêu, cùng lãnh vực hoạt động và cùng mối quan tâm, có sự tham gia hợp tác của các đoàn thể địa phương, các ngành khác ngày càng hiểu về công tác xã hội chuyên nghiệp và có nhu cầu tuyển dụng nhân viên xã hội. Hơn nữa, sự thuận lợi trong thực hành công tác xã hội cũng như trong hợp tác cũng nhờ vào tính khiêm tốn, ý thức về mình, tính tôn trọng và chấp nhận của nhân viên xã hội.

4.3. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều mà họ chưa hài lòng, thậm chí bực mình vì trong tập thể nhân viên xã hội chuyên nghiệp vẫn còn người quá máy móc, cứng ngắt, gây ảnh hưởng hoặc làm người khác ngộ nhận về ngành, làm việc chung với đồng nghiệp thì hay bị chê, nhân viên xã hội “lắm chuyện”, có người thiếu phẩm chất đạo đức. Có ý kiến cho rằng lúc học ở trường thì lý tưởng rất đẹp, nhưng khi ra thực hành, làm việc thì gặp nhiều trở ngại nơi chính đồng nghiệp của mình, cũng có ý kiến tự đánh giá về mình là chưa đủ kiến thức khi tiếp cận với thân chủ.

Trong môi trường làm việc, có nhân viên xã hội buộc phải đội nhiều “mũ“ khác nhau vì ngành chưa được công nhận, có lúc bị hiểu lầm là người phát chẩn, thân chủ trông chờ để rồi vỡ mộng. Quan điểm, cách nhìn của một số lãnh đạo địa phương và một số ngành có khác với quan điểm và giá trị của ngành công tác xã hội, vấn đề này thường dẫn đến sự chậm trễ và trục trặc ở một số dự án phát triển (ví dụ như nam giới lãnh đạo còn xem thường phụ nữ). Có nơi còn e dè, nghi ngờ, thiếu linh hoạt, chưa chấp nhận phương thức tham gia (có thể do nhân viên xã hội tác động chưa tốt), sự phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương còn nhiều khó khăn, nhân viên xã hội bị đòi hỏi quá nhiều gây thiệt thòi cho người dân nghèo. Có ý kiến cho rằng phần lớn các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp còn tùy thuộc nhiều vào các dự án đối tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Cuối cùng có ý kiến không hài lòng là hiện nay công tác đào tạo còn chú trọng nhiều vào số lượng.

Những khó khăn lớn nhất mà các nhân viên xã hội gặp phải là ngành công tác xã hội chưa có tiếng nói chính thức, quan điểm còn bất đồng khi tiếp cận một số lãnh đạo địa phương, cán bộ cơ sở chưa nhiệt tình hợp tác, cơ chế tổ chức và quản lý nhà nước còn nặng nề, thiếu linh hoạt, thay đổi chậm, cơ cấu nhân sự thiếu ổn định. Một khó khăn có ảnh hưởng không ít là lương nhân viên xã hội còn rất thấp và họ không đủ sống so với công sức bỏ ra.

Thông thường, để khắc phục những khó khăn nêu trên, các nhân viên xã hội phải kiên trì thương lượng, phát huy các kỹ năng thuyết phục, phải làm việc trên nhiều cấp độ, ở nhiều mô hình nhằm để chứng minh bằng hiệu quả công việc, vận động, tổ chức nhiều khóa tập huấn, giải thích, tác động đến giới lãnh đạo.

Trong một môi trường làm việc như thế, trong số 21 nhân viên xã hội được thăm dò ý kiến, chỉ có 03 người là không bị “stress” do áp lực của công việc quá tải, do nôn nóng hoàn thành công việc hoặc do các mâu thuẫn nảy sinh, phải suy nghĩ rất nhiều. Những người bị “stress” cũng do nghe nhiều, bị đeo đẳng những tâm tư về thân phận con người, cảm thấy bất lực, bị người khác nghĩ sai về mình, do chưa biết sắp xếp công việc một cách khoa học.

Tự xét về thân phận của mình, có 10 nhân viên xã hội (47,6%) tự cảm thấy cô đơn trong công việc vì theo họ là chưa có nhiều đồng nghiệp giỏi, làm nhiều nhưng không thấy thay đổi nhiều, có ngành khác không cần người chuyên môn về công tác xã hội, ít người hiểu về mình, nhất là người thân trong gia đình, không có đồng nghiệp để tâm sự khi gặp khó khăn, thiếu chia sẻ thông tin trong đội ngũ nhân viên xã hội. Trong khi đó có 11 nhân viên xã hội (52,4%) không tự cảm thấy cô đơn vì quanh mình có những đồng nghiệp tốt, dễ thương, được chia sẻ kinh nghiệm, có cộng đồng bên cạnh và nhất là vợ chồng cùng quan tâm.

4.4. Tuy nhiên, có điểm lạc quan ghi nhận được qua kết quả thăm dò này là 100% nhân viên xã hội cho biết họ vẫn tuân thủ được các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp dù làm việc trong môi trường có nhiều mâu thuẫn về giá trị ở các cấp độ khác nhau trong quan hệ công tác. Lý do họ đưa ra là:
- Do trách nhiệm, tự giác, cố gắng rèn luyện, ý thức về mình, làm việc với tinh thần con người đến với con người, thành thói quen, do là mục tiêu phấn đấu của mình hoặc phù hợp với các nguyên tắc sống của bản thân.
- Do tuân thủ vì lợi ích của thân chủ.
- Do làm việc với đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, mặt giới hạn của việc tuân thủ này có thể có khi nhân viên xã hội bị áp lực về thời gian trong các giai đoạn thực thi kế hoạch.

100% nhân viên xã hội được thăm dò đều khẳng định mình vẫn thích thú trong công việc vì yêu nghề, có ích cho xã hội, làm chỗ dựa, mang lại niềm tin cho người dân nghèo, có niềm vui là được làm việc, thậm chí làm những việc xưa nay chưa từng làm. Đối với họ, thực hành công tác xã hội là những dịp họ nhìn lại chính họ, họ cảm thấy “hạnh phúc trong tầm tay”, học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống.

Đánh giá về mối quan hệ giữa các nhân viên xã hội với nhau, có nhiều ý kiến phân tán : 07 người (33%) cho là tốt vì có sự gắn bó và hỗ trợ cho nhau qua nhóm nhỏ, hiểu nhau, vì được đào tạo cùng trường, suy nghĩ giống nhau. 11 người (52,4%) cho là bình thường vì chưa có chiến lược giao lưu, trao đổi. Theo những người này thì nhân viên xã hội cũng là con người, đôi lúc cũng sống theo phe nhóm, ít có dịp gần gũi, ít khen nhau, ai cũng cho mình đúng, đố kỵ nhau giữa dự án này với dự án khác. 04 người (19%) cho rằng nó có thể tốt và không tốt, lý do không tốt được nêu là thiếu một đầu mối để tập hợp, quan hệ với nhau chưa hài hòa, thiếu liên kết, còn ganh tỵ tranh đua quyền lực. Cuối cùng có một nhân viên xã hội khẳng định mối quan hệ giữa các nhân viên xã hội với nhau không tốt, nhưng không đưa ra lý do.

5. CÁC NHÂN VIÊN XÃ HỘI TỰ ĐÁNH GIÁ VỀ MÌNH QUA PHẢN HỒI CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG VÀ CÁC NGÀNH HOẠT ĐỘNG KHÁC

5.1. Theo các nhân viên xã hội, các đối tượng thụ hưởng nói họ dễ gần, như là người bạn, có hiểu biết, cởi mở, thân thiện, biết quan tâm đến những khó khăn và sự phát triển của họ và họ cảm thấy an tâm, thích trò chuyện khi tiếp xúc với các nhân viên xã hội. Các nhân viên xã hội còn được cho là nhạy bén, sáng tạo, biết tranh thủ sự ủng hộ của mọi người, người giúp người khác mở ra những cách nhìn khác nhau và đem lại cho họ những nhận biết rất thiết thực. Ở những cộng đồng nghèo vùng sâu và xa, người dân có khi xem nhân viên xã hội là thần tượng.

5.2. Riêng về cách nhìn của các ngành hoạt động khác về nhân viên xã hội, có 11 nhân viên xã hội (52,4%) cho biết là họ được đánh giá là rất tốt: vì họ làm được những gì mà người khác không làm được (ví dụ như giáo dục trẻ em đường phố) vì thế mà có ý kiến cho rằng các nhân viên xã hội là những người “ kỳ quặc”, có thể hoạt động ở nhiều lãnh vực khác nhau, người biết phát huy khả năng của người khác, nhiệt tình trong công việc, không kể giờ giấc, có đạo đức tốt, có kỹ năng giao tiếp và có tinh thần hợp tác. 8 nhân viên xã hội khác chỉ cho rằng được đánh ở mức độ tốt thôi vì là người làm việc có kế hoạch, có tấm lòng vì con người, có óc tổ chức, linh hoạt, biết huấn luyện theo phương pháp có sự tham gia. Ngoài ra có 2 nhân viên xã hội chưa thấy rõ mình được đánh giá như thế nào bởi thân chủ và các ngành khác.

5.3. Khi đặt câu hỏi họ có hãnh diện là nhân viên xã hội không thì đa số (19 người) nhân viên xã hội nhận thấy mình hãnh diện vì là nhân viên xã hội với các lý do: góp phần mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác, góp phần cho sự phát triển đất nước, làm được những gì xã hội cần, vì là một nghề hữu dụng như bao nghề khác, vì khi người khác hiểu rõ nhân viên xã hội là người như thế nào thì họ rất kính nể và khâm phục, vì đạt được ước vọng từ nhỏ, vì chờ đợi sự tái hình thành của ngành hơn 10 năm qua và càng làm thì lại càng tin vào con người hơn. Chỉ có một người cho đó là một công việc bình thường để kiếm cơm thôi. Một người còn lại thì lưỡng lự không có ý kiến vì cho rằng mọi người chưa biết đến công tác xã hội là gì.

6. TÁC ĐỘNG HỖ TƯƠNG GIỮA CON NGƯỜI NHÂN VIÊN XÃ HỘI VÀ MÔI
TRƯỜNG LÀM VIỆC

6.1. Khi thực hành chuyên môn và qua tương tác với môi trường xung quanh, nhân viên xã hội có hoặc không có sự thay đổi nào đó về con người của mình. Có 19 nhân viên xã hội (90%) tự nhận thấy có những thay đổi như: vững vàng hơn, ít nghỉ đến mình hơn để làm gương trước thân chủ, mong muốn nâng cao năng lực, vui vẻ hơn, bớt thực dụng, thắm nhuần hơn triết lý và các nguyên tắc công tác xã hội, càng xác tín về việc mọi người đều có khả năng vươn lên nếu họ tiếp cận được cơ hội. Họ nhận thấy họ có cái nhìn tích cực về người khác hơn, luôn nhìn về mình, hiểu nhiều hơn về các quan điểm của giới trẻ. Có người thay đổi nhận thức là trước đây ít quan tâm đến sự cần thiết có nhân viên xã hội ở cấp vĩ mô, có người thấy mình sống thiết thực hơn, hoàn thiện hơn, linh hoạt hơn và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, có 02 người cảm thấy con người mình vẫn thế, chẳng có sự thay đổi nào cả.

6.2. Về việc tác động của nhân viên xã hội vào môi trường công tác của mình, có 17 nhân viên xã hội (81%) cho rằng đã tạo được nhiều thay đổi: thân chủ đã chứng minh ý thức tích cực của họ, lãnh đạo cơ quan có quan tâm hơn, có cái nhìn cởi mở hơn về nhân viên xã hội, người giàu đến giúp đỡ người nghèo nhiều hơn, địa phương có thay đổi thái độ khi tiếp xúc với dân, có trách nhiệm hơn đối với công việc. Nói chung, theo họ, môi trường làm việc có “công tác xã hội” hơn. Số nhân viên xã hội còn lại (04 người) không có ý kiến.

6.3. Trong vấn đề cập nhật hóa kiến thức chuyên môn, có 15 nhân viên xã hội (72%) đã có sự cố gắng thường xuyên bằng cách đọc sách báo, tư liệu, vào mạng internet, dự tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước, trao đổi với bạn bè, nghiên cứu, dịch sách, và đi thực tế ở các dự án. Có 5 người (23%) chỉ thỉnh thoảng dự hội thảo, tập huấn, đọc lại các giáo trình cũ, so lại lý thuyết với thực hành. Riêng người còn lại không có ý kiến.

7. MONG MUỐN CỦA NHÂN VIÊN XÃ HỘI TRONG TƯƠNG LAI

7.1. Về tương lai gần, 100% nhân viên xã hội đều mong muốn ngành công tác xã hội được công nhận chính thức và Đoàn hay Hội chuyên nghiệp công tác xã hội được hình thành. Họ mong muốn luôn được cập nhật hóa kiến thức, nắm vững thực trạng xã hội để có những đóng góp thực tế cho xã hội tốt hơn.

7.2. Về tương lai xa, có 15 nhân viên xã hội (72%) mong muốn ngành công tác xã hội được phát triển mạnh hơn về chất và lượng, nhân viên xã hội được tham gia vào các ngành, tham gia hoạch định chính sách, xã hội ý thức rõ về vai trò của họ. Họ cũng mong muốn tính chuyên nghiệp của công tác xã hội tại Việt Nam có cách đi riêng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nét đặc thù riêng đóng góp cho phát triển xã hội Việt Nam và thế giới, tham gia nghiệp đoàn công tác xã hội thế giới, sẽ có đào tạo và đào tạo lại qui mô hơn, và đào tạo ở cấp bậc cao học.

Không có nhận xét nào: