10 tháng 5, 2008

Liệu pháp thân chủ trọng tâm - Phần 2


Liệu pháp thân chủ trọng tâm - Phần 2
BS Nguyễn Minh Tiến (Dịch từ: “Reference: Essential Psychotherapies”)

Cuộc sống qua từng thời khắc (moment-by-moment living)

Trong khi các tác giả của “Giả thuyết tái hiện” (reappearance hypothesis) cho rằng “con người học tập và bảo lưu những khái niệm, hình ảnh, ký ức, và rồi hành động, đơn giản chỉ là tái hoạt lại những nhu cầu và đòi hỏi, chính xác như những bản sao của các sự kiện đã xảy ra trước đó” (Anderson, 1974); trường phái thân chủ trọng tâm cho rằng thực tế xảy ra trái ngược lại: “Hành vi của các loài sinh vật, mỗi cái đều xảy ra lần đầu tiên... và không có gì rõ ràng cho thấy rằng có một hành vi nào đó được lập lại vào lần thứ hai. Chúng ta liên tục làm nên những điều mới mẻ... Khi xem xét kỹ, chúng ta thấy những hành vi có vẻ như được lập lại thực sự lại thể hiện những sự khác lạ dưới một dạng thức nào đó... Bạn không bao giờ chải răng hai lần hoàn toàn giống nhau.” (Epstein, 1991).

Tiềm năng học tập (Learning potential)
Để có chức năng sống đầy đủ, con người phải học tập liên tục qua từng giây phút một. Con người tiếp nhận các phản hồi từ môi trường sống, rồi điều chỉnh ứng xử của mình khi tương tác với những người khác xung quanh. Con người sống tốt nhất khi họ hành động một cách thông minh, và liệu pháp thân chủ trọng tâm luôn nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng suy nghĩ rõ ràng và thông minh của thân chủ (Van Balen, 1990; Zimring, 1990). Việc học hỏi thường xuyên sẽ giúp bổ sung thêm các chi tiết và làm mới lại những niềm tin, các khái niệm, các sơ cấu, các cấu trúc và vận hành các nét nhân cách. Theo thời gian sự học tập giúp cho sự tiến triển dần dần các thuộc tính và, đến một lúc nào đó, dẫn đến sự biến đổi đang kể các đặc trưng của một con người.

Tiềm năng tăng trưởng (Growth potential)

Carl Rogers lúc đầu nói đến “khuynh hướng hiện thực hóa” (actualizing tendency) ở các lòai sinh vật và về sau ông mở rộng ý tưởng này bằng việc cho rằng: khuynh hướng hiện thực hóa chỉ là hình thức cá biệt của một khuynh hướng được định hình rộng lớn hơn của cả vũ trụ, được tìm thấy ở ở những sinh vật lẫn những vật thể vô tri, đó khuynh hướng nhắm đạt đến một trật tự tốt hơn, phức tạp hơn và có tương quan gắn kết hơn. Tiến trình này lại bao gồm hai tiến trình nhỏ hơn là thống hợp (integration) và biệt hóa (differentiation).

Ở mức độ cá nhân một con người, khuynh hướng hiện thực hóa nhắm đến phát triển cá nhân đó bằng cách tạo lập một cấu trúc sống vừa thống hợp hơn vừa biệt hóa hơn. Điều nhấn mạnh ở đây không phải là việc con người về cơ bản là tốt hay xấu, mà là con người về cơ bản có một “tiềm năng thay đổi” (Shlien & Levant, 1984). Nghiên cứu trên những trẻ em lớn lên và sống sót trong những hòan cảnh sống bất lợi cho thấy sự phát triển tâm lý của con người có những khả năng tự bảo vệ và tự điều chỉnh rất cao (Masten, Best, Garmazy, 1990).

Khả năng sáng tạo (creativity)

Để sống đầy đủ, con người phải sáng tạo trong cuộc sống hằng ngày, bởi mỗi tình huống khi xảy ra đều có sự khác biệt đôi chút so với trước đó, và hiện tại luôn đặt ra những thách thức cho sự vận dụng một cách sáng tạo những gì đã học vào những hoàn cảnh sống mới. Trong quá trình sống, con người thường xuyên khám phá và phát hiện những cách thức mới để tồn tại và ứng xử, dù rằng phần nhiều các cách thức mới này chỉ thể hiện những điều chỉnh sáng tạo tương đối nhỏ.

Khả năng định hướng tương lai (future orientation)

Một người luôn khám phá và học hỏi sẽ có thể tìm được sự định hướng cho tương lai và những khả năng còn để ngỏ của nó. Con người là sinh vật biết nhìn đến phía trước do những hành vi của con người được hướng dẫn bởi những gì mà họ tưởng tượng sẽ xảy ra trong những thời khắc sau đó hơn là bởi những gì mà họ thấy được trong hiện tại (Markus & Nurius, 1987). Chính bằng cách tiên liệu được những gì sẽ xảy đến, bằng cách nào việc ấy xảy ra và bản thân mình có khả năng gì để đạt đến việc ấy, mà con người xác định được hành vi của mình. Shlien (1988) đã khẳng định rằng: “Tương lai quan trọng hơn quá khứ trong việc xác định hiện tại”. Quá khứ ảnh hưởng đến chúng ta vì chúng ta sử dụng kinh nghiệm từ quá khứ để tiên liệu cho tương lai, chứ không phải vì quá khứ “kết dây nối” vào cuộc sống chúng ta rồi máy móc điều khiển hành vi của chúng ta.

Tương tác (interaction)

Con người có bản chất tương tác với nhau. Con người luôn luôn là “con-người-trong-bối-cảnh”. Hành vi của một người luôn xuất phát cả từ nhân cách của người ấy lẫn từ trong những mối quan hệ trong cuộc sống của người ấy. Môi trường sống của một con người bao gồm gia đình và các quan hệ liên cá nhân khác như hàng xóm, các mạng lưới hỗ trợ xã hội, các thông số và giá trị về văn hóa. Ngòai ra còn có các quan hệ trong nghề nghiệp, kinh tế, tôn giáo, chính trị... Có một giao diện động và liên tục giữa cái ngã và các tình huống bên ngòai. Chúng ta tự “định cấu hình” cho bản thân để phần nào đó đáp ứng lại với những gì được cho là quan trọng và đang hiện diện trong thời khắc hiện tại. Vì thế, một “bộ mặt” nào đó của chúng ta sẽ có thể xuất hiện trong tình huống này và một “bộ mặt” khác lại xuất hiện trong một tình huống khác. Đây là quan điểm về “trường” (field) trong hành vi con người và cũng tương thích với quan điểm hệ thống.

(Còn tiếp)
Trích từ Tamlytrilieu.com

Không có nhận xét nào: