10 tháng 5, 2008
Liệu Pháp Thân Chủ Trọng Tâm - Phần 4
Liệu Pháp Thân Chủ Trọng Tâm - Phần 4
BS Nguyễn Minh Tiến (Dịch từ: “Reference: Essential Psychotherapies”)
Trích từ tamlytrilieu.com
Lý thuyết về sự phát triển
Mặc dù Rogers có trình bày một số quan điểm về sự phát triển tâm lý, nói chung trường phái thân chủ trọng tâm vẫn không nhấn mạnh vào điều này, tuy nó vẫn hàm chứa một quan điểm về sự phát triển. Đầu tiên, một đứa trẻ được sinh ra đã là một sinh vật năng động, hiếu kỳ, thích khám phá, quan tâm đến việc học hỏi từ thế giới xung quanh và có một mối quan tâm nội tại về sự phát triển những khả năng của chính mình. Đứa trẻ sẽ lắng nghe và học hỏi từ tất cả những trải nghiệm sống của nó: từ cha mẹ, từ các trẻ đồng trang lứa, bà con, hàng xóm, thầy cô và từ những câu chuyện kể... Trẻ đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi từ kết quả của những hoạt động mà trẻ tự mình cố gắng thực hiện và khám phá.
Như một cơ thể đang tăng trưởng, đứa trẻ sẽ không “hoàn tất” con đường đi của mình trong vài năm đầu đời. Lý thuyết phân tâm xem những trải nghiệm sống trong những năm đầu đời là có tính “nền tảng”, có vai trò định hình ban đầu và ảnh hưởng đến tất cả các cấu trúc nhân cách về sau. Trường phái thân chủ trọng tâm lại xem con người vẫn liên tục phát triển. Và khi phát triển, con người mang những gì mà mình học được trước đó vận dụng vào việc hiểu chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Quan điểm này tương đồng với Piaget hơn là với Freud. Theo quan điểm của Piaget, sự phát triển là một tiến trình trải dài trong đó các giai đoạn sau sẽ phát huy và tổ chức lại những gì đã xảy ra trong các giai đoạn trước. Các ý tưởng và trải nghiệm ban đầu vẫn được bảo lưu nhưng được kết hợp với các cấu trúc thực tại mới hơn, tinh tế hơn, sao cho những dạng thức học tập lúc ban đầu sẽ bị đổi khác đi.
Freud xem sự phát triển có mô hình dưới dạng một kim tự tháp, trong đó những gì học tập được lúc đầu đời sẽ tập trung ở phần đáy, còn những gì đến sau sẽ ở những phần trên cao hơn. Học thuyết thân chủ trọng tâm xem sự phát triển giống như một bộ những “chiếc hộp Trung Hoa”, trong đó thuở ấu thơ được ví như chiếc hộp nhỏ nhất nằm ở bên trong cùng, các giai đoạn sau của đời sống thì giống như những chiếc hộp lớn hơn lần lượt lồng vào chiếc hộp ban đầu, và cứ thế, cứ thế... Mỗi một trải nghiệm sống mới tạo thêm một khung sườn rộng hơn, kiên cố hơn so với những trải nghiệm trước đó và giúp cho cá nhân đó thống hợp tốt hơn.
Ngòai ra, con người còn có khuynh hướng tìm đến sự khám phá và đối đầu với những thử thách hơn là tránh né những đau khổ và hụt hẫng. Các lý thuyết gia tâm động học cho rằng “con người có một khuynh hướng phổ biến là muốn tránh sự đau khổ” (Strupp & Binder, 1984), và trẻ em thường có khuynh hướng muốn chối bỏ, tránh né và dồn nén cảm xúc và những trải nghiệm đau thương. Trái lại, Bohart (1995) lại nhận thấy một cách đáng ngạc nhiên về sự cam đảm của các thân chủ của ông khi họ thường xuyên phải đối đầu với những nỗi đau, thách thức và luôn cố gắng làm chủ cuộc sống của họ. Ngay cả trẻ em cũng thường xuyên lập lại những cuộc đối đầu với các sự kiện đau thương và những trải nghiệm gây hụt hẫng để cố gắng làm chủ lấy chúng. Con người chỉ tránh né đau khổ và hụt hẫng khi họ cảm thấy mình đã mất hết năng lực để giải quyết chúng (Bandura, 1986), như trường hợp những trải nghiệm vượt quá sức chịu đựng ở những trẻ em bị xâm hại chẳng hạn.
Khi nào một người có “chức năng sống đầy đủ” (fully functioning)
Rogers và cs. đã phát triển một thang đo lường những thay đổi trong trị liệu, phân mức độ từ chỗ gọi là “rối loạn chức năng” (dysfunctional) cho đến “có chức năng sống đầy đủ” (fully functional). Theo Rogers, ở đầu thứ nhất của thang đo biểu thị một chức năng tâm lý cứng nhắc, kiên định, chuyên biệt hóa kém, vô cảm, lạnh lùng; còn ở đầu thứ hai của thang đo là biểu thị cho một chức năng tâm lý được đặc trưng bởi sự chấp nhận thử thách, uyển chuyển và các phản ứng có tính chuyên biệt hóa cao, bởi sự trải nghiệm tức thời những cảm xúc của bản thân và trong thâm sâu chấp nhận những cảm xúc ấy như là của chính mình (Rogers, 1961b). Khi con người có chức năng sống đầy đủ, họ sẽ có lối sống mềm dẻo, uyển chuyển: xử lý một cách cân nhắc các sơ cấu nhận thức, kiểm định chúng dựa trên các trải nghiệm, mở lòng chấp nhận các cảm xúc, lắng nghe và học hỏi từ các phản hồi, đối thoại với chính mình và với những người xung quanh, cảm thấy mình có thể tự định hướng cho cuộc đời mình. Ở giữa thang đo là biểu thị cho các chức năng sống ở nhiều mức độ khác nhau.
Chức năng sống đầy đủ có ý nghĩa đơn giản là một con người ở mỗi thời điểm đều vận hành như một quá trình đang tiến triển. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là người đó phải hài lòng, mãn nguyện và hạnh phúc (Rogers, 1961a). Một con người sống đầy đủ cũng không có nghĩa là phải luôn “vận hành một cách tối ưu”. Ngay cả khi có chức năng sống đầy đủ, con người vẫn có lúc cảm thấy bế tắc, mất năng lực, không hiệu quả và hụt hẫng. Tuy nhiên, ngay cả những lúc như thế, người ấy vẫn tiếp tục đấu tranh với vấn đề khó khăn của mình, cố gắng học hỏi và tiếp tục đi tới.
Mở rộng quan điểm “nhân vị trọng tâm” sang các lĩnh vực gia đình và nhóm
Quan điểm “nhân vị trọng tâm” đã được mở rộng và áp dụng sang cả lĩnh vực trị liệu gia đình (Lietaer, 1990; Levant & Shlien, 1984) và các nhóm (O’Hara & Wood, 1983). Các nguyên lý chung cũng vẫn tương tự như nhau: những gia đình và nhóm có chức năng sống đầy đủ là những tập thể người có sự giao tiếp cởi mở sao cho tất cả các tiếng nói đều được nghe thấy. Các quyết định được hình thành thông qua các quá trình thảo luận hơn là chỉ máy móc áp dụng các luật lệ, quan điểm hoặc những điều “nên, không nên”. Việc đối thọai và giao tiếp cởi mở có thể giúp huy động được “sự thông thái tập thể”. Trái lại, các nhóm và gia đình có sự trở ngại trong đối thọai thì các thành viên sẽ dễ duy trì một hệ thống các luật lệ, các quan điểm cứng nhắc và dễ có khuynh hướng dẫn đến rối lọan chức năng.
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét