19 tháng 5, 2008

AN SINH NHI ĐỒNG VÀ GIA ĐÌNH


AN SINH NHI ĐỒNG VÀ GIA ĐÌNH

PHẦN 1 : CÁC KHÁI NIỆM VỀ AN SINH NHI ĐỒNG

1/. Khái niệm về trẻ em và tuổi thơ

-Trẻ em : theo Công Ước Quốc Tế về Quyền Trẻ Em thì trẻ em là những người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp của một quốc gia qui định tuổi trưởng thành thấp hơn. Còn theo Luật pháp VN thì những người dưới 16 tuổi được xem là trẻ em.

-Tuổi thơ : trong tiến trình phát triển, con người cần đi qua nhiều giai đoạn để tiến đến một người lớn trưởng thành. Sự phát triển của trẻ em trải qua nhiều giai đoạn liên tục mà sự trưởng thành của giai đoạn này tùy thuộc vào sự thành công của giai đoạn trước đó. Tuổi thơ là một giai đoạn mà con người phải đi qua trước khi trở thành người lớn.Khái niệm tuổi thơ gắn liền với bối cảnh văn hóa và xã hội mà nó được hình thành . Do vậy sẽ không có một tuổi thơ giống nhau cho tất cả mọi trẻ em ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tùy vào bối cảnh xã hội và văn hóa của nơi đó mà tuổi thơ của trẻ em dài hay ngắn.

2/. Khái niệm về An sinh nhi đồng.

-Theo nghĩa rộng An Sinh Nhi Đồng bao gồm những chính sách, luật pháp, chương trình, hoạt động có ảnh hưởng đến sự an sinh chung của trẻ em.
-An Sinh Nhi Đồng mà chúng ta đề cập ở đây là một lĩnh vực chuyên môn trong ngành Công tác xã hội được cộng đồng thừa nhận, an sinh nhi đồng chú trọng tới một nhóm dân số đặc biệt đang cần các dịch vụ để đáp ứng một số tình huống đặc biệt hoặc để giải quyết những vấn đề xã hội. Hệ thống an sinh nhi đồng có trách nhiệm ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc giữ không cho vấn đề hay tình huống trở nên tệ hại thêm làm ảnh hưởng đến trẻ em.
Nhằm mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em dịch vụ an sinh nhi đồng nhắm tới :
việc trợ giúp gia đình để có thể chăm sóc trẻ như hỗ trợ về tài chánh, học bổng, tín dụng …
hỗ trợ cha mẹ để đảm bảo và tăng cường khả năng chăm sóc trẻ như
cung cấp dịch vụ tham vấn, công tác xã hội cá nhân, tập huấn kỹ năng...
thay thế chức năng và vai trò của gia đình như lập con nuôi, nuôi hộ,
cơ sở nuôi tập trung.

3/. Khái niệm về Gia đình :

Gia đình là một nhóm người lựa chọn để cùng chung sống với nhau để thể hiện những chức năng cụ thể (Tower, 1996) :
- Sinh sản, duy trì nòi giống
- Xã hội hóa giúp trẻ học hỏi và liên hệ với các thành viên khác trong xã hội kể cả người lớn và trẻ em. Cha mẹ là những mẫu mực để trẻ em biết được cái gì là phù hợp với nền văn hoá các em sống.
- Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu cơ bản như ăn mặc, chỗ ở, sự yêu thương, các nhu cầu được giáo dục và chăm sóc về y tế.
Chỉ khi gia đình gặp khó khăn không làm tròn trách nhiệm của mình mới cần đến sự trợ giúp của xã hội để có thể thực hiện chức năng của mình.

PHẦN 2 : CHÍNH SÁCH AN SINH NHI ĐỒNG

- Trẻ em và nhu cầu phát triển.
Nhu cầu cơ bản : ăn mặc chỗ ở
Nhu cầu được yêu thương và an toàn
Nhu cầu được chấp nhận, được khen thưởng
Nhu cầu có những kinh nghiệm mới
Nhu cầu lãnh trách nhiệm
Nhu cầu được giáo dục, học tập

Bảo vệ trẻ em có một nguồn gốc khá lâu đời, tại NewYork vào năm 1784 bé Mary Ellen Wilson được nuôi dưỡng bởi mẹ ruột và cha ghẻ. Người ta thường thấy đứa trẻ 8 tuổi nầy bị cột và bỏ đói, lạnh run rẫy ở bên ngòai nhà vào mùa đông. Chính tiếng kêu la của em khi bị đánh đập bằng roi da đã đánh thức Etta Wheeler, một nhân viên làm việc cho nhà thờ trong khu phố. Sau khi không tìm được sự trợ giúp của cảnh sát, nhân viên nầy đã đến với Henry Burgh, Giám đốc Hội phòng chống thô bạo đối với súc vật (Society for the Prevention of Cruelty to Animals). Ông Burgh đã báo cáo lại trường hợp nầy với sự giúp sức của một người bạn thân là luật sư Elbridge Gerry. Sự thành công đã dẫn đến việc hình thành Hội phòng chống thô bạo đối với trẻ em (Society for the Preventy of Cruelty to Children) do ông Gerry điều hành vào đầu 1875. Từ Thành phố NewYork lan dần ra các thành phố chính khác như một cơ quan đầu tiên bảo vệ trẻ em bị ngược đãi và bỏ bê. Đến 1881 thì Hội nầy được thừa nhận và giao cho quyền điều tra và đưa ra tòa nhằm bảo vệ quyền của trẻ. Vào thời điểm đó mục đích của Hội không những là bảo vệ đứa trẻ mà còn kết tội cha mẹ nữa. Ngày nay người ta hiểu nhiều hơn về tâm lý của những cha mẹ ngược đãi nên khuynh hướng bây giờ là vừa bảo vệ trẻ vừa giúp phục hồi cho cha mẹ của trẻ.

A/. Chính sách và luật pháp.
1/. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.
- Công ước quốc tế về quyền trẻ em:

 Định nghĩa trẻ em : Trong phạm vi Công ước quốc tế về quyền trẻ em, rẻ em được định nghĩa là những người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp của một quốc gia qui định tuổi trưởng thành thấp hơn. (Thí dụ trường hợp Việt Nam).
Tất cả trẻ em đều phải được đối xử bình đẳng như nhau không phân biệt trai gái, dân tộc, màu da, tôn giáo, đất nước, nông thôn, thành thị …
 Công ước quốc tế về quyền trẻ em là những vấn đề mang tính chất quốc tế được thể hiện rõ ràng bằng văn bản, được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới, có sự phê chuẩn và cam kết thực hiện .

Lich sử ra đời của CƯQTVQTE.
Từ 1 ý tưởng đến Công ước về quyền trẻ em :
Năm 1923 Bà Eglantyne Jebb người sáng lập Quỹ cứu trợ trẻ em, đã viết “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đòi một số quyền cho trẻ em và phấn đấu cho sự thừa nhận rộng rãi các quyền nầy”.
Bà đã có 7 tuyên bố về quyền của trẻ em

 Công ước quyền trẻ em gồm 54 điều khoản trong đó có 41 điều khoản nói về các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em. Những quyền nầy được chia thành 4 nhóm : quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.

 Quyền được sống còn
Các quyền này bao gồm quyền được sống và quyền được chăm sóc sức khoẻ và y tế ở mức cao nhất có thể được.
Sự sống sòn theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em là nói đến một giai đoạn khi cuộc sống của trẻ em bị đe doạ bởi những nguy hiểm, khó khăn.
Tất cả trẻ em phải được quyền sống còn. Chúng ta không được coi trẻ em chỉ là những người chúng ta phục vụ. Chúng ta phải xem trẻ em là những thực thể, những con người có nhu cầu, suy nghĩ chính đáng và hoạt động đúng đắn như mọi người. Chúng ta phải có trách nhiệm làm tất cả những gì có thể để tăng cường các quyền được sống còn của trẻ em, hoặc với tư cách cá nhân hoặc với tư cách thành viên trong dự án.

 Quyền được bảo vệ
Các quyền này bao gồm việc bảo vệ trẻ em thoát khỏi mọi phân biệt đối xử, lạm dụng hay không được quan tâm, bảo vệ trẻ em không có gia đình cũng như bảo vệ trẻ em tị nạn.
Cơ sở lý luận : Tất cả trẻ em do tuổi thơ cũng như những đặc điểm phát triển của mình can được sự bảo vệ đặc biệt không tính đến giới tính, quốc tịch văn hóa và những yếu tố khác. Nhà nước, các tổ chức, các cá nhân và bản thân các trẻ em đều có trách nhiệm thực hiện và tôn trọng các quyền này.
Thực tế cho thấy trẻ em vẫn còn phải chịu đau khổ do các vi phạm phát xuất từ môi trường kinh tế, chính trị và xã hội nơi chúng sống. Tình hình này đã tạo ra một nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công ước đề ra những biện pháp đặc biệt để buộc các quốc gia phải :
• bảo vệ trẻ em thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng về thể xác và tình dục , những ảnh hưởng của ciến tranh, sự lơ là và bỏ rơi, sự đối xử tàn tệ và sự phân biệt đối xử; và
• tạo điều kiện chăm sóc đầy đủ và/hoặc phục hồi trong những trường hợp cần thiết.

 Quyền được phát triển.
Các quyền này bao gồm mọi hình thức giáo dục (chính thức và không chính thức) và quyền được có mức sống đầy đủ cho sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ em.

 Quyền được tham gia
Các quyền này bao gồm quyền của trẻ em được bày tỏ quan điểm của mình trong mọi vấn đề liên quan tới bản thân.
Cơ sở lý luận : Thừa nhận mỗi trẻ em là một cá thể phát triển với những tình cảm và ý kiến riêng của mình. Tin rằng trẻ em can có điều kiện tốt nhất để nói lên các nhu cầu của mình. Với sự giúp đỡ và tôn trọng đúng mực sẽ giúp trẻ em đưa ra những ý kiến và quyết định có ý nghĩa mang tính trách nhiệm.
Chúng ta biết rằng trẻ em có tính trung thực, có thái độ quan tâm, học hỏi đối với sự vật chung quanh và có trí tưởng tượng phong phú. Ý nghĩa của những đặc tính này là chất liệu để trẻ em có thể tự tranh luận về hạnh phúc và quyền lợi của mình.

Mức độ tham gia: có 10 mức độ
1. Người lớn điều khiển
Trẻ em làm hoặc nói những gì người lớn gợi ý, nhưng chúng thật sự không hiểu đó là những gì. Trẻ em chỉ được hỏi ý kiến lấy lệ.
2. Hình thức trang trí
Trẻ em tham gia vào một sự kiện do người lớn sắp đặt như để trang trí.
3. Hình thức tượng trưng
Trẻ em được nói lên những gì chúng suy nghĩ về một vấn đề nhưng có rất ít hoặc không có chọn lựa nào về cách tham gia hay diễn đạt các quan điểm của mình.
4. Trẻ em được giao nhiệm vụ và được thông báo.
Người lớn quyết định về công việc và trẻ em xung phong làm công việc đó. Trẻ em hiểu về công việc phải làm và tự quyết định về sự tham gia của mình.
5. Trẻ em được hỏi ý kiến và được thông báo.
Công việc do người lớn thiết kế và quản lý nhưng trẻ em được hỏi ý kiến. Trẻ em hiểu hoàn toàn quy trình công việc và ý kiến của các em được lắng nghe nghiêm túc
6. Người lớn khởi xướng, quyết định cùng với trẻ em.
Người lớn khởi xướng, trẻ em tham gia vào tất cả các khâu vạch kế hoạch và thực hiện. Không những quan điểm của trẻ em được quan tâm xem xét mà bản thân các em cũng tham gia vào việc quyết định.
7. Trẻ em khởi xướng và được sự chỉ dẫn
Ý kiến khởi xướng là của trẻ em và trẻ em là người quyết định công việc phải được thực hiện như thế nào. Người lớn luôn có mặt để chỉ dẫn nhưng không quản lý công việc.
8. Trẻ em khởi xướng và cùng người lớn quyết định
Trẻ em khởi xướng, công việc do trẻ em xây dựng nên và trẻ em cần ở người lớn lời khuyên, sự bàn luận và hỗ trợ. Người lớn không chỉ huy nhưng sẵn sàng chia sẻ để trẻ em cân nhắc và quyết định.
9. Trẻ em thiết kế và quản lý, người lớn sẵn sàng giúp đỡ.
10. Trẻ em điều khiển.

2/. Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đầu tiên đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12/8/1991 và có hiệu lực từ ngày16/8/1991.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh và được quốc hội thông qua ngày 15/6/2004. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2005, bộ luật mới nầy gồm có phần mở đầu, 6 chương và 60 điều.

3/. Luật phổ cập giáo dục

Luật phổ cập giáo dục đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12/8/1991 và có hiệu lực từ ngày 16/8/1991, gồm có 20 điều :
Chương I : Những quy định chung gồm 7 điều
Chương II : về học sinh, nhà trường , gia đình, xã hội trong giáo dục phổ cập tiểu học.

4/. Các chính sách về trẻ em

- Chính sách trợ cấp, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học.
- Chính sách đối với trẻ em lang thang
- Chính sách đối với trẻ mồ côi, trẻ em nhà quá nghèo
- Chính sách đối với trẻ em lao động, trẻ em nghiện ma túy
- Chính sách đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng
- Chính sách đối trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em vi phạm pháp luật
- Những quyết định và nghị định liên quan tới trẻ em làm con nuôi người nước ngòai
- Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đọan 2001 – 2010
Mục tiêu tổng quát :
Tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và quyền cơ bản của trẻ em, ngăn chận và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường an tòan và lành mạnh để trẻ em Việt Nam có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển tòan diện về mọi mặt, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Mục tiêu cụ thể :
- Sức khỏe dinh dưỡng cho tuổi thơ
- Nước sạch và vệ sinh mội trường
- Giáo dục cơ sở có chất lượng
- Bảo vệ trẻ em
- Văn hóa vui chơi cho trẻ em và sự tham gia tích cực của người chưa thành niên

B/. Hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Cơ chế bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa trên cơ chế môi trường xã hội tác động đến trẻ em:
Trẻ em là trọng tâm cần được đáp ứng các quyền. Gia đình có chức năng bảo vệ, chăm sóc gần gũi nhất về phạm vi huyết thống và phạm vi tiếp xúc. Xã hội : nhà trường, địa phương bảo vệ chăm sóc trẻ em bằng các chương trình hành động cụ thể.
Quốc gia : các cơ quan lãnh đạo, các bộ ngành, ủy ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng luật pháp, chính sách, biện pháp nghiệp vụ.
Quốc tế : bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng Công ước quuyền trẻ em; các tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ với sự chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến các phương pháp cấp tiến.

- Ủy ban dân số, gia đình trẻ em :
Được hình thành từ cấp trung ương đến cơ sở với chức năng phối hợp với các bộ ngành có liên quan để điều hành phối hợp và kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí dành cho trẻ em theo mục tiêu, kế họach của các bộ ngành và địa phương được duyệt. Tổng hợp, báo cáo chính phủ về tình hình thực hiện các mục tiêu trong chương trình hành động.

PHẦN 3 : CÁC NHU CẦU CẦN THIẾT CỦA CÁC GIAI ĐỌAN PHÁT TRIỂN TÂM SINH LÝ CỦA TRẺ
Sự phát triển của trẻ em là gì ?
- Thể chất
- Tình cảm
- Hành vi
- Trí tuệ
- Xã hội
Những lĩnh vực phát triển nầy được nối kết nhau, Thí dụ sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp tùy thuộc vào sự phát triển nhận thức, tìncảm và xã hội; sự khoẻ mạnh về thể chất và an sinh tình cảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng tâp trung vả gia tăng thành quả trí tuệ.

1/. Giai đoạn ban đầu : Năm đầu tiên của cuộc sống.
Nhiệm vụ cơ bản : Phát triển sự tin tưởng và cảm giác an toàn; hình thành sự gắn bó.

-Sự an sinh của người mẹ, kiêng ăn, sự chăm sóc trong thời gian thai ngén có ảnh hưởng đến đứa trẻ sắp sinh ra .
-Nghèo đói và sức khoẻ kém có thể có vấn đế trong khi có thai và khi sinh.
-Sử dụng nhầm thuốc
-Người mẹ uống nhiều rượu quá có thể gây triệu chứng nghiện rượu ở thai nhi, khi sinh ra có thể bị yếu tim, khó khăn trong học tâp, khả năng tập trung kém.
-Trẻ mới sinh – mấy ngày tuổi - có khả năng phân biệt mẹ chúng và những người khác bằng cảnh vật âm thanh và mùi vị, bày tỏ sự ưa thích hơn đối với mẹ chúng.
-Ngay từ đầu trẻ đã có khả năng hình thành những mối quan hệ đặc biệt.
-Sự hình thành mối quan hệ nầy không chỉ dựa vào khả năng của đứa bé mà còn nhờ vào sự đáp ứng của những người lớn có mặt.

2/. Giai đoạn tiền học đường

Nhiệm vụ cơ bản : chuyển từ lệ thuộc sang độc lập; trao đổi bằng ngôn ngữ; biết chơi; phát triển xã hội ban đầu.

-Từ 1 – 3 tuổi đứa trẻ chuyển từ lệ thuộc sang hình thành sự độc lập.
Độc lập ở đây không có nghĩa là tự chủ hoàn toàn mà có nghĩa là trẻ biết chọn lựa trong một giới hạn an toàn. Trẻ được đáp ứng tốt trong giai đoạn này sẽ cảm thấy mình có khả năng hơn.
Tiến trình khẳng định cái tôi của trẻ được tiếp diễn – người ta thường thấy đa số trẻ em 2, 3 tuổi nằn nì đòi hỏi hay làm những cái mà chúng không được phép làm – đây là một tiến trình tự nhiên và thích hợp để hình thành cái tôi như một nhười độc lập riêng biệt với những suy nghĩ của minh. Đây cũng là sụ thử thách những giới hạn mà người lớn đặt ra và trước tiên hết là cha mẹ của đứa trẻ.
-Phát triển ngôn ngữ
Ngôn ngữ là phần phát triển đáng chú ý ở giai đoạn nầy. Trẻ có khoảng tuổi rộng rãi để phát triển kỹ năng nầy. Có trẻ có thể sử dụng từ riêng rẻ ở 8 tháng tuổi, có trẻ tới 18 tháng….
Cha mẹ cần cung cấp môi trường kích thích ngôn ngữ để giúp trẻ phát triển bằng cách nói chuyện với trẻ, đọc truyện cho trẻ nghe, khơi gợi cho trẻ nói. Những trẻ lớn lên trong những gia đình lộn xộn mà ngôn ngữ hiếm khi được sử dụng với trẻ thì chúng sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.
Trẻ tập diễn đạt ngôn ngữ và thông qua ngôn ngữ để đòi hỏi được đáp ứng các nhu cầu. Nếu nỗ lực về ngôn ngữ không đáp ứng được thì các hình thức khác có thể xảy ra như la hét, giận dữ…
-Vui chơi và học hỏi về xã hội.
Khả năng vui chơi giúp trẻ tìm hiểu mối quan hệ về thể lý.
Kich xã hội qua đó trẻ học sắm vai làm cha, làm mẹ, cho con ăn, dắt con qua đường… bằng cách này trẻ tìm hiểu các tình huống xã hội một cách an toàn. Trẻ trong giai đoạn không những cần biết về mối quan hệ em có liên quan mà còn về tất cả các loại mối quan hệ giữa những người với nhau. Em cần phải biết người ta cảm nhận và suy nghĩ như thế nào, tại sao người ta cư xử như thế này. Em cần biết đọc những suy nghĩ không những của cha mẹ em mà còn của những người lớn khác, những trẻ em khác trong và ngoài gia đình để hiểu được điều gì đang diễn ra.
Trong những năm tiền học đường sự phát triển liên tục về độc lập và cá biệt được đặt vào bối cảnh của việc học tập về điều đúng và điều sai. Trẻ phát triển hơn sự hiểu biết cái gì nên làm và cái gì có thể được chấp nhận là hành vi phù hợp với xã hội.
Trẻ em trong giai đoạn này ý thức không những về những giá trị đặt lên chúng mà còn về những vai trò mà các em phải đóng để làm vừa lòng người lớn và đạt được sự tán thành của họ. Bất cứ điều gì em làm mà không nhận được sự tán thành của cha mẹ thì em sẽ không học được bài học về hành vi thích hợp, cần thiết để em ứng phó với bạn bè đồng trang lứa ở trường.
Nhóm bạn đồng trang lứa và quan hệ anh chị em cũng là yếu tố quan trọng trong độ tuổi này.

3/. Giai đoạn tuổi tiểu học
Nhiệm vụ cơ bản : hình thành ý nghĩ về bản thân trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài, học hỏi các nguyên tắc.
Ở lứa tuổi này đứa trẻ cần :
- sẵn sàng về mặt tình cảm để học tập
- có suy nghĩ rõ ràng về bản thân
- có khả năng quan hệ với trẻ khác
- có khả năng sử dụng sáng kiến để có được sự thoả mãn trong vui chơi và các hoạt động được xã hội chấp nhận
Trong độ tuổi nay có sự gia tăng tầm quan trọng của mối quan hệ đồng đẳng.
Ứng phó với lo âu và duy trì mối quan hệ gắn bó là điều quan trọng trong suốt giai đoạn nay.

4/. Giai đoạn tuổi thanh thiếu niên
Nhiệm vụ : bản sắc, tình dục, độc lập / lệ thuộc hỗ tương .
Mặc dù giai đoạn này có nhiều thay đổi và chuyển biến nhưng không nhất căng thẳng và xáo động tình cảm.
Những thay đổi về thể chất đi kèm với việc tha yđổi trông đợi trong gia đình, nhà trường, xã hội. Tuổi thanh niên đem lại nhiều tự do mà cũng tăng nhiều trách nhiệm đối với 1 người. Những thay đổi xã hội và sinh lý góp phần vào nhiệm vụ thường được thấy nhất – hình thành bản sắc – Theo Erikson một bản sắc mới được tìm thấy sẽ đặt người thanh niên vào vai trò của người lớn.
Erikson tin rằng thanh niên sẽ tìm kiếm 1 ý thức hệ vàtin rằng bản sắc người lớn được đặt nền tảng trên sự dấn thân đó. Ý thức hệ ở đây được hiểu theo nghĩa thanh niên tìm kiếm điều gì đó để tin tưởng.
Đối với 1 số thanh niên việc đạt được bản sắc phức tạp hơn 1 số khác. Đối với 1 người mẹ trẻ có con lúc tuổi còn đi học thì các nghiên cứu cho thấy rằng họ phải thương lượng cùng 1 lúc với nhiều bản sắc khác nhau về tuổi thơ, thanh niên và người lớn (Schofield 1994). Những bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa nghĩ đến bài làm ở trường hoặc gọi điện thoại cho sở nhà đất trong khi đang cải vả với em trai.

PHẦN 4 : TRẺ EM – GIA ĐÌNH – CỘNG ĐỒNG

Trẻ em và gia đình

Gia đình là nhóm sơ cấp trong đó các thành viên có trách nhiệm hỗ tương và sống chung với nhau. Tính chất sơ cấp của gia đình là sự gặp mặt đối diện nhau, cùng chia sẻ những nếp sống bình thường, những qui chế bình thường có liên hệ đến những hành vi mà xã hội mong đợi.
Gia đình là một tổ chức có chức năng xã hội hóa con người và chức năng kiểm sóat xã hội. Gia đình là một tế bào của xã hội nên gia đình diễn dịch văn hóa và xuyên qua gia đình văn hóa xã hội được truyền đến các thành viên trong gia đình.

Chức năng của gia đình :
Chức năng xã hội hóa là cách dạy cho trẻ con những vai trò, những giá trị hành vi. Gia đình xã hội hóa trẻ bằng cách dùng ngôn ngữ để dạy các luật lệ, phong cách, tập quán, dạy bằng cách uyển chuyển ngấm ngầm để đưa trẻ vào cuộc sống xã hội.
Chức năng bảo tồn sự sống còn của con người, giòng giống con người.
Gia đình giúp trẻ học hỏi và tương tác với người khác, gia đình dạy cho trẻ những hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không phù hợp. Gia đình dạy cho trẻ cách diễn đạt nhu cầu, mong muốn của mình cho người khác biết.
Gia đình cung cấp sự giáo dục, hỗ trợ, hướng dẫn, môi trường an tòan cho trẻ nương nhờ.

Qui chuẩn :
Gia đình giúp xã hội hóa xuyên qua qui chuẩn trong gia đình, đó chính là những luật lệ gia đình đặt ra là hành vi nào được chấp nhận, hành vi nào không được chấp nhận. Có những qui chuẩn rõ ràng bằng lời, có những qui chuẩn được hiểu ngầm. Đối với gia đình có chức năng bị xáo trộn, qui chuẩn trong gia đình này không giúp cho các thành viên trong gia đình ứng xử với nhau một cách có hiệu quả.
Thí dụ một gia đình có những qui chuẩn không thích ứng như người lớn được phép nói dối còn trẻ con thì không, người lớn có thể ăn hối lộ nhưng trẻ con thì không được.

Gia đình hòan thành trách nhiệm xã hội hóa bằng cách phân vai cho các thành viên để hành xử với nhau trong các nhiệm vụ của gia đình
Vai trò là tổng hợp các nhiệm vụ trong gia đình. Vai trò thay đổi theo tuổi, khả năng và nhu cầu theo từng giai đọan đời sống.Trong một gia đình có lối sống lành mạnh thì sự biến đổi có phần uyển chuyển tùy hòan cảnh tùy nhu cầu.
Vai trò là sự trao đổi, phát sinh từ mối liên hệ giữa ngững người trong gia đình, từ sự mong đợi giữa người nầy đối với người kia. Không có một vai trò nào hiện hữu một cách đơn độc không có sự hỗ trợ của gia đình. Vì vậy mỗi gia đình cần có sự phân vai để giữ sự quân bình trong gia đình. Những gia đình lộn xộn về vai trò là những gia đình khi có sự bất đồng ý kiến thì gia đình đó có nguy cơ và các vai trò thể hiện không hợp lý, không thích ứng.

Có ba cách làm cha mẹ thường được đề cập tới, đó là :
-Cha mẹ dễ dãi : cho phép trẻ tự lập, cha mẹ không hướng dẫn rõ ràng, cha mẹ tránh kkhông kiểm sóat con cái.
-Cha mẹ dùng quyền lực, độc đóan: cha mẹ có những ý tưởng rõ ràng, họ đặt ra những luật lệ và buộc trẻ phải làm theo, họ sử dụng quyền lực để dạy con cái.
-Cách trung gian : cha mẹ có sự kiểm sóat, có sự hỗ trợ một cách liên tục nhưng con cái được tham gia, cách nầy cha mẹ giúp con phát triển sự tự lập của mình.

Cơ cấu gia đình :
Gia đình là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều tiểu hệ thống : vợ chồng, cha mẹ, con cái. Gia đình thực hiện chức năng thông qua các tiểu hệ thống.
Để tạo nên một gia đình phải có ranh giới ở ba tiểu hệ thống, phải duy trì ranh giới của tiểu hệ thống để duy trì mối quan hệ.
Tiểu hệ thống cha mẹ qui định nghĩa vụ làm cha mẹ nuôi dưỡng và hướng dẫn con cái.
Ngòai ra gia đình còn có ranh giới được coi là lãnh thổ gia đình. Lãnh thổ gia đình là một ý thức về nơi chốn và sự phụ thuộc, gia đình là môi trường vừa cho cảm giác gắn bó vừa là nơi mình ở. Ranh giới gia đình tạo cho mọi người hiểu và phân bổ trách nhiệm ai làm việc gì.

Chu kỳ sống của gia đình:
Bắt đầu là cuộc hôn nhân củo1hai người, sau đó nới rộng ra dần và trở nên phức tạp hơn khi có con cái vì phải lao động, phải có trách nhiệm hơn về tài chính. Và gia đình sẽ trở lại tình trạng đơn giản khi con cái lớn lên và rời gia đình. Một gia đình đang lớn lên rồi sau đó teo dần lại, điều nầy xảy ra mỗi khi có một thành viên bước vào giai đọan chuyển tiếp.
Gia đình thường phải đối phó với sự căng thẳng khi gia đình lớn lên họăc teo lại. Khi hai vợchồng mới có đưa con đầu tiên họ cũng rất căng thẳng và khi con họ lớn lên họ cũng gặp không ít khó khăn. Cha mẹ già phải phụng dưỡng, chăm sóc hay bệnh tật phải chăm lo thì gia đình cần phải tăng cường khả năng để xử lý vấn đề đó. Có những gia đình cần được giúp đỡ để có thể tự mình vượt qua những khó khăn khủng hỏang nói trên.

Trẻ em và cộng đồng

Gia đình là một thành phần của cộng đồng. Gia đình và cộng đồng có sự lệ thuộc hỗ tương. Cộng đồng có trách nhiệm với gia đình để phát triển và tăng cường khả năng và sức mạnh của gia đình, đồng thời gia đình cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng màhọ sống.
Cộng đồng xã hội hóa gia đình và gia đình xã hội hóa trẻ em. Những hệ thống nầy tác động qua lại lẫn nhau.
Trong cộng đồng có những mạng lưới hỗ trợ gia đình và cá nhân trong gia đình một cách chính thức và phi chính thức.
Mạng lưới hỗ trợ chính thức gồm các thiết chế y tế để chăm sóc sức khỏe, thiết chế giáo dục cung cấp môi trường học tập, cơ quan chăm sóc trẻ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em …
Mạng lưới phi chính thức như bà con, hàng xóm, bạn bè thân, gia đình mở rộng(bên nội, bên ngọai), tôn giáo…Chính nhờ những mạng lưới nầy mà gia đình có thể tăng cường sức mạnh để hòan thành tốt các vai trò của mình và xử lý các vấn đề gia đình gặp phải.
Một gia đình vững mạnh có mối quan hệ gắn bó với cộng đồng, nhờ sự gắn bó nầy gia đình lại tăng cường khả năng của mình. Những gia đình có vấn đề, có nguy cơ thường sống cô lập trong cộng đồng. Họ không thiết lập được các mối quan hệ với các thiết chế khác vì nhiều lý do.
Khi thực hiện việc vẽ bản đồ sinh thái sẽ giúp ta thấy các mối quan hệ của gia đình trong cộng đồng, sự hỗ trợ của cộng đồng lúc gia đình gặp khó khăn, gia đình có thể sống tách biệt hay bị cô lập trong một cộng đồng thiếu sự hỗ trợ quan tâm.
Một cộng đồng tích cực và có hiệu quả có thể nâng đỡ, tăng cường sự vững mạnh cho gia đình và là một môi truờng an tòan để bảo vệ trẻ.
Trẻ em trong các cộng đồng tích cực có sự hỗ trợ , yêu thương , quan tâm và tương thân tương ái sẽ giúp trẻ phát triển một cách thuận lợi và trẻ lớn lên sẽ trở nên có trách nhiệm vơi cộng đồng mà các em sống. Một cộng đồng như thế sẽ có đủ sức mạnh để ứng phó và phòng ngừa được những nguy cơ có thể đẩy trẻ sa vào những tệ nạn xã hội.

Chăm sóc trẻ dựa vào CĐ là huy động tài nguyên sẵn có trong cộng đồng nhằm cung cấp các dịch vụ cho trẻ em. Lấy cộng đồng làm nền tảng để giải quyết các vấn đề của cộng đồng trong đó có vấn đề trẻ em. Điều nầy giúp tăng cường sức mạnh của cộng đồng cũng như sự vững mạnh của gia đình. Chăm sóc trẻ dựa vào cộng đồng thúc đẩy sự tham gia của người dân, các ban ngành , đòan thể, các chương trình, tổ chức có liên quan đảm bảo khả năng tiếp cận tốt hơn các nguồn lực địa phương của trẻ và gia đình trẻ.

Hình thành một mạng lưới cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho gia đình, trẻ em, sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ và gia đình trẻ, có thể tham vấn và hỗ trợ kịp thời khi trẻ và gia đình gặp khó khăn hay khủng hỏang. Tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em trong cộng đồng. Đảm bảo người lớn, trẻ em trong cộng đồng nhận thức rõ về quyền trẻ em và tạo thuận lợi cho việc thực thi quyền trẻ em tại cộng đồng.

Với chương trình chăm sóc trẻ dựa vào cộng đồng các vấn đề của trẻ sẽ được phát hiện sớm và từ đó có thể can thiệp sớm nhằm đảm bảo được những tai biến có hại không thể xảy đến với trẻ hoặc quá muộn để có thể giúp đỡ một đứa trẻ ở trong tình trạng khó khăn.

PHẦN 5 : CÁC VẤN ĐỀ CỦA TRẺ EM

Việc chăm sóc trẻ em phải nằm trong khuôn khổ gia đình. Đứa trẻ chỉ lớn lên bình thường, phát triển hài hoà trong bầu không khí gia đình ấm cúng. Muốn bảo vệ hạnh phúc của trẻ phải giúp cải thiện đời sống gia đình của trẻ.
Các cơ quan an sinh nhi đồng cần phải nhận ra rằng phần lớn các vấn đề của trẻ em nảy sinh thường thường là do gia đình gặp phải những khó khăn, khủng hỏang, thí dụ như cha mẹ không thực hiện được vai trò làm cha mẹ của mình do bị chết, ly hôn, bị tù, hay có con ngoài giá thú. Hoặc cha mẹ không thực hiện đủ vai trò làm cha mẹ của mình như trường hợp cha mẹ bị bệnh, bị tâm thần, hay lạm dụng thuốc; cũng có thể do cha mẹ chối bỏ vai trò làm cha mẹ của mình như trường hợp trẻ bị ngược đãi, bị bỏ bê. Hoặc có khi do xung đột hay mâu thuẫn trong khi cha mẹ thực hiện hai vai trò cùng một lúc, thí dụ vai trò làm cha, mẹ mâu thuẫn với vai trò là một nhân viên đi làm việc.
Vấn đề của trẻ em cũng có thể phát sinh từ những hành vi hay đặc điểm về thể chất, tâm thần hay cảm xúc nào đó của trẻ em làm cho trẻ khó đáp ứng được những mong đợi bình thường của cha mẹ và xã hội. Bên cạnh đó, những vấn đề về thu nhập, nhà ở, việc làm cũng góp phần vào những nguyên nhân gây ra vấn đề.
Do vậy, để có thể cải thiện tình trạng an sinh của trẻ em thì các cơ quan , tổ chức về an sinh nhi đồng, nhân viên làm việc với trẻ em cần hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ để cha mẹ biết cách chăm sóc và nuôi dạy con; cung cấp dịch vụ tham vấn cho trẻ em khi các em gặp khó khăn để thích ứng với xã hội, có những hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi, bị bỏ bê; cung cấp các dịch vụ giúp làm việc nhà đối với những gia đình có cha mẹ đau ốm không thể chăm sóc con; mở ra những trung tâm chăm sóc ban ngày tại cộng đồng để có thể giúp đỡ các gia đình lao động có khó khăn trong vấn đề làm việc và chăm sóc con cái; tổ chức những gia đình nuôi hộ, lập con nuôi, hay những nhà nuôi trẻ tại cộng đồng.

1/ Trẻ em bị bỏ rơi:
Trẻ em có thể bị bỏ rơi ngay từ khi còn nhỏ hay ở bất kỳ độ tuổi nào do cha mẹ và người thân không còn nữa hay do cha mẹ ly hôn, tái giá ...
2/ Trẻ em bị ngược đãi và thiếu chăm sóc:
2.1. Trẻ em thiếu chăm sóc:
Đó là những trẻ em không được chăm sóc đầy đủ về y tế, dinh dưỡng, chỗ ở, sự hướng dẫn, tình yêu thương và sự quan tâm. Trẻ có thể không có người chăm sóc hay không được chăm sóc đầy đủ.Trẻ sống lang thang không ai kiểm sóat, trẻ ăn mặc dơ bẩn, mất vệ sinh, những nhu cầu về sức khỏe, dinh dưỡng không dược đáp ứng. Từ đó có thể dẫn đến những hậu quả về thể chất chẳng hạn như xương không tăng trưởng hay quá trình phát triển của xương chậm lại; trẻ có thể không có khả năng để lớn hơn về mặt thể chất cũng như về mặt tâm lý xã hội. Trẻ có thể có khó khăn trong trò chuyện, giao tiếp.
Đặc điểm biểu hiện của những bậc cha mẹ bỏ bê con cái là cha mẹ bị sống cô đơn, cô lập, thiếu thốn tài nguyên, họ có thể là những người đã từng bị thiếu chăm sóc lúc nhỏ, họ tự đánh giá mình rất thấp; những bậc cha mẹ này rất khó khăn để nhìn thấy những nhu cầu của con cái; họ thường sống trong tình trạng trầm cảm, không đáp ứng được những nhu cầu của con cái.
2.2. Trẻ em bị ngược đãi:
Trẻ em có thể bị ngược đãi hay bị bạo hành về mặt tinh thần hay thể chất. Trẻ có thể thường xuyên bị chửi mắng, nhục mạ, đánh đập. Kết quả cũa việc đánh đập và hành hạ trẻ là những vết bầm trên thân thể, những lằn sướt trên trẻ, những dấu răng cắn, xương bị nứt, những vết thương trên đầu, những nội thương bên trong nội tạng của trẻ, trẻ có thể bị tổn thưong não, cổ...
Ngòai ra, những biểu hiện hành vi của đứa trẻ có thể :
-Quá sức tuân thủ ý kiến của cha mẹ, thí dụ đứa trẻ ngồi yên một chỗ, tránh mọi xung đột với cha mẹ, tránh không làm cha mẹ giận, lúc nào cũng quan sát canh chừng cha mẹ.
-Đứa trẻ có tính hay gây hấn, rất đòi hỏi, sống động và làm bất cứ điều gì để cha mẹ quan tâm đến nó.
-Đứa trẻ có những hành vi như cha mẹ lo lắng cho con cái
-Đứa trẻ có những hành vi rất là phụ thuộc cha mẹ để cha mẹ không có phản ứng gì cả.

Đặc điểm của những cha mẹ hay đánh đập hành hạ con cái:

-Những cha mẹ này có nhu cầu quan trọng là được chăm sóc vì họ chưa được chăm sóc.
-Họ tự đánh giá mình rất thấp, họ không có sự hỗ trợ nên càng thêm căng thẳng và họ trút những căng thẳng lên đầu con cái.
-Họ có thể là những người khó khăn nghiêm khắc, sử dụng kỷ luật sắt.
-Những cha mẹ nầy thường bị bạo hành lúc nhỏ nên không biết cách để chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của con cái.
-Họ có thể là những người nghiện ngập, sự nghiện ngập đã thu hút hết sự quan tâm của họ đối với con cái nên gây ra nạn bạo hành con cái.

Hậu quả của việc ngược đãi :

-Trẻ có thể bị thương hay chết, nguy hại nghiêm trọng về sức khỏe và phát triển.
-Trẻ suy sụp niềm tin (thường là chính người chăm sóc, bảo vệ trẻ lạam dụng trẻ
-Trẻ hòai nghi về chính mình, không cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương
2.3. Trẻ bị lạm dụng tình dục
Lạm dụng tình dục bao gồm sự tiếp xúc giữa đứa trẻ và người lớn, trong đó trẻ bị kích thích tình dục cho người khác. Lạm dụng tình dục xảy ra khi người lớn lớn hơn trẻ 5 tuổi trở lên và người đó có quyền lực trên đứa đứa trẻ, họ sử dụng quyền lức của họ để thỏa mãn tình dục và giúp người khác thỏa mãn tình dục.
Lọan luân là hình thức đặc biệt của lạm dụng tình dục, đó là sự tiếp xúc hay sự giao hợp giữa một đứa trẻ và một thành viên trong gia đình không phải là người phối ngẫu.
Lạm dụng tình dục cũng có thể là những hình ảnh khiêu dâm hay những cử chỉ mang tính tình dục, hay người lớn phô bày bộ phận sinh dục của mình, vuốt ve hay sờ mó bộ phận sinh dục, tình dục bằng miệng, giao hợp.

Nhìn chung tâm trạng của trẻ em trong hòan cảnh khó khăn:
Mất đi sự ham thích và sinh lực: trẻ đau khổ, lo lắng , sợ sệt, có thể ngồi yên một chỗ suốt ngày, không ham thích một họat động nào.
Ít tập trung và nhiều bứt rứt: Trẻ buồn, lo lắng thưiờng khó tập trung tư tưởng. Đôi khi căng thẳng quá trẻ trở nên quá hiếu động, bứt rứt, chạy nhảy khắp nơi, không thể ngồi yên, dễ bị kích động.
Hung hăng và phá phách:
Trẻ đâm ra hung hăng và phá phách khi có cảm xúc mạnh. Vì không thể diễn tả tâm trạng bằng lời nói, trẻ có thển đánh đập người khác khi em cảm thấy căng thẳng, tức giận hoặc sợ hãi. Trẻ bắt chước những hành vi hung hăng vì trẻ đã từng là nạn nhân của hành vi bạo lực
Không tin tưởng vào người lớn nếu trẻ đã từng bị người lớn đối xử thô bạo. Tuy nhiên trẻ mồ côi lại bám chặt người lớn như sợ bị bỏ rơi, có trẻ lại không muốn đem lòng thương mến ai.
Buồn bã khó tính và rát dễ nổi cáu.
Trẻ không phải lúc nào cũng có thể nói về tâm trạng của mình. Trẻ có thể vì quá bối rối hoặc sợ hãi nên không xác định được tâm trạng của mình hoặc không biết nói thế nào để tả tâm trạng của mình.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em :
- Trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi
- Trẻ em khuyêt tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học
- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS
- Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, trẻ em phải làm việc xa gia đình
- Trẻ em lang thang
- Trẻ em bị xâm hại tình dục
- Trẻ em nghiện ma túy
- Trẻ em vi phạm pháp luật

Khi gia đình cần sự trợ giúp.
Kadushin và Martin (1988) chia các dịch vụ trợ giúp thành 3 loại :
- Dich vụ hỗ trợ : nhằm giúp gia đình thực hiện vai trò chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng con cái của họ. Các dich vụ có thể là tham vấn, can thiệp sớm, và bảo vệ.
- Dich vụ bổ sung : khi mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái bắt đầu trục trặc hoặc có nhu cầu cần thêm sự trợ giúp thì các dich vụ như hỗ trợ tài chánh (cấp phát, học bổng, tín dụng…), trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày, dịch vụ giúp việc nhà được cung cấp .
- Dịch vụ thay thế
1/. Trẻ bị bỏ rơi
2/. Trẻ thiếu chăm sóc
3/. Trẻ bị ngược đãi, lạm dụng
4/. Trẻ khuyết tật
5/. Trẻ đưởng phố
6/. Trẻ mại dâm
7/. Trẻ nghiện ma túy
8/. Trẻ bị nhiễm HIV/AIDS
9/. Trẻ mồ côi
10/. Trẻ lao động

PHẦN 6 : PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC VỚI TRẺ

1/. Kỹ năng trao đổi với trẻ
2/. Kỹ năng đánh giá trẻ
3/. Phẩm chất cần có của người làm công tác trẻ em

Nguyễn Thị Nhẫn

Không có nhận xét nào: