29 tháng 5, 2008
Đề án hậu cai nghiện: Tốn kém, không căn cơ
Đề án hậu cai nghiện: Tốn kém, không căn cơ - "Chỉ cần trích 10 tỷ đồng từ ngân sách cho đề án hậu cai nghiện để đào tạo và trả lương (1.000.000đ/người/tháng) cho 500 lao động trong 7 năm có thể tạo ra 2 nhân viên công tác xã hội cho các phường - xã của TP.HCM. Các nhân viên này có thể giúp người sau cai nghiện trở lại với cộng đồng hiệu quả hơn thực hiện đề án trên", Thạc sỹ Phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh khẳng định.
Bà Oanh còn cho rằng: "Nếu cứ gom người nghiện ma túy vào một chỗ trong tình trạng không có chuyên gia tâm lý như hiện nay, họ chỉ thay đổi bên ngoài, và nếu không là ma túy thì tệ nạn khác đến với họ. Nếu cứ tiếp tục xây dựng trường trại mà không có giải pháp căn cơ thì tương lai cần xây dựng cơ sở không chỉ cho vài vạn mà cho vài trăm ngàn học viên, câu chuyện không có điểm dừng".
Trích phần nhỏ chi phí đề án là có đội ngũ nhân viên công tác xã hội
ThS Nguyễn Thị Oanh. (Ảnh: PC)
- Thưa bà, bà có thể phân tích rõ hơn giải pháp căn cơ: đào tạo các nhân viên công tác xã hội?
- Cũng là thanh niên thành phố, cũng sự hiện diện của ma tuý mà tại sao em này sa ngã, em kia tái nghiện, còn các em khác lại không? Câu trả lời là yếu tố chủ quan (hoàn cảnh gia đình và nhân cách) chiếm ít nhất là 50% trong các nhân tố thúc đẩy.
Gia đình không quan tâm, hoặc quá khắt khe với con cái, người lớn không biết cách làm cha mẹ là yếu tố dẫn tới những hành vi sai trái của tuổi trẻ. Một em đã kết thúc giai đoạn cai nghiện, trở về với gia đình, nhưng bị người cha mắng chửi, rất dễ tái nghiện.
Nếu cộng đồng coi người nghiện ma túy là tội phạm, thì rất dễ khiến họ dấn sâu vào con đường này. Hãy coi họ là nạn nhân, còn người bán ma túy là tội phạm. Cộng đồng rất dễ lạnh nhạt với người cai nghiện trở về. Đây cũng là tác nhân dẫn tới tái nghiện.
Ở trường trại, các em đã cắt cơn, nhưng không có nghĩa là đã chấm dứt, nguy cơ tái nghiện rất cao, bởi vì các em không được xây dựng nội lực tâm lý để chống trả với cám dỗ.
Người giúp các em xây dựng nội lực tâm lý, tác động vào cộng đồng, gia đình để tạo cách nhìn, cách hành xử đúng với các em là những chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản.
Ở cộng đồng, nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp có nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ các cá nhân và gia đình có vấn đề, tổ chức vui chơi giải trí lành mạnh để giáo dục trẻ em và phòng ngừa tệ nạn xã hội; tổ chức tập huấn, vận động người dân trong cộng đồng để họ được trang bị kiến thức và kỹ năng.
Đối với trường hợp cụ thể người tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, nhân viên công tác xã hội với các hoạt động trên, là cầu nối giữa họ và cộng đồng, tạo điều kiện để họ hòa mình với cộng đồng, gia đình, tạo trạng thái tâm lý bình thường, xây dựng nội lực tâm lý để kháng cự ma túy.
Ngay cả khi uống Methadone (thuốc thay thế ma túy) cũng cần được trợ giúp tâm lý.
Ở các nước trên thế giới, các trung tâm xã hội hay trung tâm cộng đồng trên địa bàn dân cư có chức năng tổng hợp, vừa giải quyết vừa phòng ngừa các vấn đề xã hội. Hiệu quả thực tế đã được chứng minh.
Giải pháp tập trung số đông người sau cai nghiện vào một chỗ là tốn kém. Chỉ cần chích một phần nhỏ chi phí của đề án hậu cai nghiện là có thể tạo ra một đội ngũ nhân viên công tác xã hội có trình độ.
Tập trung phải khoa học
Gom người nghiện ma túy vào một chỗ trong tình trạng không có chuyên gia tâm lý như hiện nay, họ chỉ thay đổi bên ngoài? (Ảnh: Phan Công)
- Tuy vậy, vẫn có ý kiến lập luận rằng, hình thức cai nghiện, chuẩn bị cho tái hòa nhập cộng đồng rất phong phú, tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi nước, mỗi địa phương, TP.HCM có thể có cách làm riêng, ít ra để tức thời giải quyết an ninh, trật tự?
- Dù hoàn cảnh mỗi nước khác nhau nhưng đều theo quy luật chung. Dù cai nghiện tập trung hay tại gia đình, yếu tố tâm lý xã hội vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Đối với trường hợp nghiện quá nặng, quậy phá, các nước cũng áp dụng biện pháp tập trung, nhưng tập trung thành nhóm nhỏ, có chuyên gia tâm lý sống cùng như một gia đình, chứ không tập trung số đông, nhiều đối tượng sống lẫn nhau, chỉ có giám thị quản lý.
Tập trung lại mà không giải quyết một cách khoa học thì giống như đưa đến một chỗ cho rảnh mắt, đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Vai trò của nhân viên công tác xã hội đã được nhiều nước khẳng định từ rất lâu. Tại VN đã có những ý kiến đề xuất xúc tiến phát triển đội ngũ này, nhưng hầu như chưa xuất hiện. Theo bà, đâu là vướng mắc?
- Vấn đề là nhận thức. Ở nước ta, khi tiếp cận các vấn đề xã hội, người ta chưa đi theo hướng tâm lý, trong khi đây là tác nhân rất quan trọng.
Ở Singapore, các khu chung cư đều có một văn phòng xã hội. Khi thấy một đứa bé quậy phá, buồn bã, nhân viên công tác xã hội tới thăm gia đình, tìm nguyên nhân và giúp cha mẹ điều chỉnh cách giáo dục con cái. Sự can thiệp sớm này có thể ngăn chặn trường hợp trẻ lang thang, nghiện ngập.
Ở VN, sau thời gian nhiều người lên tiếng vận động, đến năm 2004, Nhà nước mới cấp mã số cho ngành đào tạo nhân viên công tác xã hội. Đại học Mở bán công TP.HCM đã có trên 300 sinh viên tốt nghiệp. Trường Lao động xã hội Trung ương và chi nhánh 2 ở TP.HCM đã có vài khoá đào tạo. Hội chữ thập đỏ từ Trung ương đến địa phương đã chuyên môn hoá nhân sự bằng phương pháp công tác xã hội.
Một số mô hình như mô hình công tác xã hội trợ giúp cai nghiện tại phường Cầu Kho, quận 1, đã chứng tỏ những thành công ban đầu.
Phạm Cường (thực hiện)
Nguồn:Tinmoi.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét