10 tháng 5, 2008

Liệu pháp thân chủ trọng tâm - Phần 3


Liệu pháp thân chủ trọng tâm - Phần 3
BS Nguyễn Minh Tiến (Dịch từ: “Reference: Essential Psychotherapies”)

Cái ngã trong bối cảnh, Tính tự chủ và Chủ nghĩa cá nhân (Self-in-context, Autonomy & Individualization)

Đối với Carl Rogers, việc đạt đến sự tự chủ là một mục đích rất quan trọng trong sự phát triển của con người, cũng như đối với hầu hết các học thuyết về nhân cách ở phương Tây. Rogers cho rằng một con người có chức năng sống đầy đủ là người có khả năng tự kiểm soát và hành động dựa trên các giá trị mà bản thân đã lựa chọn chứ không cứng nhắc tuân thủ theo các uy lực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, một số các tác giả thuộc trường phái thân chủ trọng tâm ngày nay đã phê phán việc Rogers đã quá nhấn mạnh đến sự tự chủ và chủ nghĩa cá nhân, và cả kiểu tư duy như thế ở phương Tây nói chung (Holstock, 1990; O’Hara, 1992). Họ cho rằng các giá trị này có tính đặc hiệu của nền văn hóa phương Tây, thậm chí còn đặc trưng nhiều cho nam giới, và các tác giả này nhấn mạnh hơn đến một khái niệm khác (cũng rất phương Tây) đó là khái niệm “đồng phụ thuộc” (codependency) (Bishop, 1992). Những tác giả này cho rằng trong một số nền văn hóa khác, đường biên giới phân định cái ngã của mỗi người không chỉ dừng lại ở lớp da của người đó, mà còn có thể trải rộng sang cả gia đình và những tập thể rộng lớn hơn. Họ nhấn mạnh đến những đường biên giới uyển chuyển hơn là những đường biên giới cứng nhắc của cái ngã theo kiểu tâm lý học phương Tây. Những yếu tố xác định hành vi của con người nằm trong một “trường” gồm nhiều lực tác động, bao gồm cả cái ngã, điều đó trái ngược với tâm lý học phương Tây trong đó những yếu tố nguyên nhân được xem là định vị bên trong cá nhân mỗi người.

O’Hara (1992) đưa ra khái niệm về một “cái-ngã-trong-bối-cảnh”, qua đó ông nhấn mạnh đến bản chất của con người là có tính liên kết lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Barrett Lennard (1993) cũng cho rằng “cái ngã của một cá nhân chỉ là một trong những hình thức thể hiện của đời sống lòai người; các hình thức khác có thể kể ra bao gồm các mối quan hệ, gia đình và cộng đồng xã hội”. O’Hara và Wood (1993) cho rằng “Cá nhân không mất đi bản sắc của mình khi ở bên trong tập thể. Họ chỉ làm cho tương hợp giữa cái Tôi và cái Chúng Ta”.

Arthur Bohart (1995) tin rằng yếu tố chính vận hành xuyên suốt trong khái niệm về tính tự chủ của Rogers chính là một sự cảm nhận về tính hiệu quả (agency): Một thứ cảm nhận khi con người đương đầu với các thách thức. Tính tự chủ hay tự lập không hàm ý là một cảm nhận về sự tự thỏa mãn, mà quan trọng hơn đó là cảm nhận về khả năng và tính hiệu quả của bản thân mình. Bởi vì sự thử thách luôn là phần cố hữu hiện diện bất cứ khi nào con người làm một việc gì đó trong cuộc sống (nghề nghiệp, quan hệ, chăm sóc con cái...). Cho nên khi có được cảm nhận về khả năng của bản thân, con người sẽ có thể đối mặt và đương đầu tốt với các thách thức, và đó cũng chính là nền tảng của chức năng sống hiệu quả (Dweck & Leggert, 1988). Một định hướng nhắm đến việc đương đầu với các thử thách sẽ dẫn chúng ta tập trung vào tiến trình thực hiện một công việc hơn là chú trọng đến kết quả của nó, và thất bại được xem là loại thông tin được học tập để rút kinh nghiệm hơn là thông tin cho thấy sự kém hiệu quả của một ai đó.

Thực tế khác nhau giữa các nền văn hóa dẫn đến các khái niệm khác nhau về cái ngã. Nhà tâm lý trị liệu phải tôn trọng tiềm năng tăng trưởng sẵn có bên trong thế giới nhận thức của từng cá nhân con người hơn là sử dụng những phương thức “khách quan”, “đúng đắn” để áp dụng đối với họ.

Giao tiếp
Thúc đẩy sự giao tiếp giữa những cá nhân có thế giới nhận thức khác nhau (ví dụ, giữa thân chủ và nhà trị liệu) là điều quan trọng hơn việc phán xét về quan điểm ai đúng, ai sai. Việc cởi mở chia sẻ những cảm xúc và quan điểm theo cách thức tôn trọng lẫn nhau, trong một bầu không khí có tính chấp nhận sẽ thúc đẩy mối quan hệ hướng đến sự hòa hợp giữa những đối tác và huy động được “sự thông thái của cả hai bên hoặc của cả nhóm”. Đây cũng là điều quan trọng cho các cặp vợ chồng, các gia đình, cơ quan, giữa các dân tộc và các quốc gia.

Mối quan hệ hài hòa giữa hai cái ngã
Đó là một tiến trình giao tiếp mà trong đó tất cả các khía cạnh của cái ngã được tôn trọng, được lắng nghe đều quan trọng ngang nhau từ hai phía đối tác. Khi được lắng nghe một cách thân hữu, cởi mở, tất cả những khía cạnh của cái ngã như ý nghĩ, cảm xúc và những trải nghiệm (bao gồm cả những “lời nói bên trong” được nhập tâm từ cha mẹ và xã hội), thì khả năng bên trong của mỗi người sẽ vận hành hướng đến sự tổng hợp đầy sáng tạo. Tất cả những “tiếng nói bên trong” cũng có thể tham gia góp phần vào.

Sự hài hòa (congruence) chính thực là một tiến trình nội tại (Lietaer, 1991). Sự hài hòa không luôn luôn có nghĩa là sự hài hòa trong nội tâm (inner harmony). Một cảm nhận về sự hài hòa nội tâm có thể xuất hiện rồi mất đi. Tuy nhiên, nếu một người nào đó có tính hài hòa – cởi mở và chấp nhận tất cả những “tiếng nói bên trong” – thì tiến trình tổng hợp một cách sáng tạo sẽ vận hành đi tới.

Trải nghiệm, Cảm xúc và Tình cảm
Nhà trị liệu thân chủ trọng tâm vừa đánh giá cao những suy nghĩ thông minh, hợp lý, vừa xem trọng những cảm xúc và trải nghiệm; tất cả đều là những nguồn thông tin quan trọng về cách thức mà con người đương đầu một cách sáng tạo với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, những trải nghiệm thì không giống với các suy nghĩ hợp lý, nhưng chúng lại là cách thức căn cơ hơn giúp con người hiểu được bản thân và thế giới bên ngoài. Trải nghiệm cũng khác với tình cảm (Bohart, 1993). Trải nghiệm là mô hình nhận biết một cách trực tiếp, không dùng lời, các cách thức vận hành và các mối quan hệ trong thế giới, giữa cái ngã và thế giới bên ngòai, và giữa cả những thành tố bên trong cái ngã. Trải nghiệm bao gồm cả điều thường được gọi là sự “trực giác”. Tuy nhiên, chẳng có gì là huyền bí ở đây cả. Chúng ta vẫn thường cảm nhận và nhận biết được các mối liên hệ mà chúng khó có thể diễn tả ra thành lời. Ví dụ, chúng ta có thể cảm nhận được ngay một người đang “xịu mặt”, trước khi dùng suy nghĩ phát hiện rằng có điều gì đó không ổn đang xảy ra nơi người ấy (Lewicki, 1986).

Các ý nghĩa có được thông qua sự trải nghiệm trực tiếp thường mạnh hơn rất nhiều so với các ý nghĩa có được qua tư duy nhận thức. Trong một mối quan hệ, trải nghiệm được yêu thương là một cảm nhận rất phức tạp mà các suy nghĩ hợp lý hoặc các phát biểu thành lời khó có thể chuyển tải được hết ý nghĩa. Thông qua sự tương tác với mẹ, đứa trẻ nhũ nhi có thể thông báo cho mẹ nó biết rằng người mẹ đã thấu hiểu nó hay không. Điều này không có nghĩa là đứa trẻ đã có được một “khái niệm” về sự thấu hiểu. Thay vào đó, đứa trẻ đã cảm nhận trực tiếp cái cách thức tương tác hài hòa, hiểu nhau giữa nó và mẹ nó. (Stern, 1985)

Gendlin (1964; 1969) tin rằng trải nghiệm có tính phức tạp hơn tư duy hợp lý và sự diễn đạt bằng lời. Chính trải nghiệm mới là nguồn lực cho sự sáng tạo. Eistein đã có được cảm nhận về thuyết tương đối trước khi ông có thể phát biểu lý thuyết ấy bằng lời nói. Chúng ta cũng có thể cảm nhận được có gì đó không ổn trong một mối quan hệ trước khi có thể dùng lời để nói rõ đó là điều gì.

Trong nội tâm, chúng ta cũng có một trực cảm (felt sense) về cách thức mà cuộc sống của chúng ta đang diễn ra và cách thức mà các tình huống sống đã xảy đến với chúng ta. Cũng theo Gendlin, chính ở bình diện các cảm thức mà những thay đổi có tính trị liệu mới có thể xảy ra. Việc trị liệu tâm lý phải dẫn đến một sự chuyển đổi về cách thức mà chúng ta liên hệ với thế giới bên ngoài, sao cho sự biến đổi ấy có thể được cảm nhận trực tiếp thay vì chỉ là sự thay đổi về mặt lý trì.

Cảm xúc (feelings)

Nhà trị liệu thân chủ trọng tâm được biết đến như những người thường hay khuyến khích thân chủ hãy “tin tưởng vào cảm xúc”, hoặc hãy “chạm đến cảm xúc”... Cảm xúc, theo quan điểm thân chủ trọng tâm, còn nhiều hơn cả tình cảm. Trong khi ta cảm thấy giận hoặc buồn, thì thực sự ta đang cảm nhận những khuôn mẫu ý nghĩa phức tạp hơn thế. Để nhận biết được những cảm xúc, cùng lúc ta phải nhận biết được những tình cảm nào mà ta đang có, đồng thời nhận biết được kiểu cách liên hệ giữa ta và thế giới bên ngòai đang xảy ra như thế nào. Ví dụ ta có thể “cảm thấy có điều gì đó bất ổn trong cuộc sống” và “cảm thấy cuộc sống của ta đang bị mất thăng bằng”. Khi nói “hãy tin tưởng vào cuộc sống của bạn” thì có nghĩa là hãy lắng nghe cảm xúc như một nguồn thông tin quan trọng, chứ không có nghĩa là hãy làm theo những gì chúng bảo.

Một nữ thân chủ nói với nhà trị liệu rằng cô “cảm thấy” chồng cô không yêu thương cô nữa. Về mặt tâm lý, khi cô nghĩ và nói ra điều này, cô đã không thể dẫn ra một lý lẽ nào để giải thích được cảm xúc ấy. Người chồng nói anh ta vẫn yêu cô, nhà trị liệu thì kết luận rằng cô đã nhận định sai hoàn cảnh hiện tại do bởi cô đã có những vấn đề trong mối quan hệ với cha cô hồi còn bé. Sau đó, người nữ thân chủ này đã tìm đến một nhà trị liệu khác, và chỉ sau hơn một tháng, chồng cô tuyên bố rời bỏ cô. Anh ta thừa nhận trong nhiều tháng qua đã ngoại tình và yêu một phụ nữ khác. Rõ ràng những cảm xúc của thân chủ trong trường hợp này chủ yếu đã dựa vào những thay đổi trong cách thức cư xử của người chồng đối với cô, những thay đổi tinh tế đến mức nếu chỉ sử dụng lý trí cô khó có thể nhận dạng được.

Tuy nhiên, cảm xúc không luôn luôn lúc nào cũng đúng và đôi khi có thể dẫn đến việc thấy một điều gì đó “có vẻ đúng” dù thực tế không đúng như vậy. Như trường hợp thân chủ nêu trên, cảm nhận không ổn về người chồng cũng có thể là đã không đúng. Tuy nhiên, nếu cô vẫn tin vào cảm xúc của mình thì cô có thể tiếp tục kiểm định lại dựa trên những trải nghiệm mà cô đã có được từ trong cuộc sống chung với chồng mình.

Nhà trị liệu thân chủ trọng tâm tin rằng những người có chức năng sống đầy đủ có thể sử dụng tất cả những gì mình có. Họ có thể vận dụng cả khả năng tư duy hợp lý và giải quyết vấn đề, lẫn khả năng sử dụng những cảm nhận theo kinh nghiệm về những gì có ý nghĩa riêng đối với bản ngã của họ. Cả hai nguồn thông tin đều có thể sai lầm: việc thực hiện chức năng sống đầy đủ cần phải xem xét cả hai nguồn thông tin ấy.

Cái ngã như một tiến trình (Self as Process)

Đối với học thuyết thân chủ trọng tâm, cái ngã không phải là một sự vật hoặc một tác nhân ở bên trong con người, mà là “một trải nghiệm về cính mình như một con người trọn vẹn ở một thời khắc nhất định nào đó”. Cùng lúc ấy, chúng ta định hình nên những ý niệm về chính chúng ta nhằm giúp chúng ta tổ chức lại những gì mình hiểu biết về thực tế cuộc sống, theo cùng một cách thức mà ta dùng để tạo nên những ý niệm về những sự vật khác. Cái “ý niệm về bản thân” này (self-concept) là một cấu trúc trong sự hiểu biết mà chúng ta sử dụng như một “tấm bản đồ” để giúp chúng ta “lèo lái” thực tế (Shlien, 1970). Nó có tính chất đa chiều kích, nhưng có hai khía cạnh quan trọng là “cái ngã thực” và “cái ngã lý tưởng”. Cái ngã thực (real self-concept) là hình ảnh của chúng ta về một con người mà ta nghĩ ta thực sự đang là; còn cái ngã lý tưởng (ideal self-concept) là hình ảnh của chúng ta về một con người mà ta nghĩ ta nên là. Một người có chức năng sống đầy đủ sẽ giữ lấy hai khía cạnh trên của cái ngã một cách chừng mực. Sẽ là không lành mạnh nếu chấp giữ vào một cái ngã quá cứng nhắc, vì cái ngã sẽ luôn trưởng thành và thay đổi. Chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại ý niệm về cái ngã của mình để phù hợp với những trải nghiệm sống mới, cũng như chúng ta cũng phải sửa đổi các ý niệm khác sao cho phù hợp với những trải nghiệm sống của bản thân.

(Còn tiếp)
Trích từ Tamlytrilieu.com

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi là BS Nguyễn Minh Tiến, dịch giả của bài này, tác giả trang web tamlytrilieu.com. Rất mong quý anh chị trao đổi ý kiến trước khi sử dụng các bài dịch này. Hồn Việt là một công ty kinh doanh và không có quan hệ hợp tác với chúng tôi. Việc họ sử dụng bài dịch của chúng tôi cũng không được thông báo trước cho chúng tôi. Rất mong quý anh chị tôn trọng ý kiến của dịch giả khi sử dụng thông tin này.

BS Nguyễn Minh Tiến
dr_ngmtien@yahoo.com.vn
trangnonclb@yahoo.com