10 tháng 5, 2008

Liệu Pháp Thân Chủ Trọng Tâm - Phần 1


Liệu Pháp Thân Chủ Trọng Tâm - Phần 1
Liệu pháp Thân chủ trọng tâm (client-centered psychotherapy), hoặc theo cách gọi tên với nghĩa rộng hơn như hiện nay là Nhân vị trọng tâm (person-centered psychotherapy), là thuật ngữ được chọn để gọi tên cho một nhóm những phương pháp trị liệu tâm lý dựa trên quan điểm lý thuyết về bản chất con người và các tương tác xã hội được phát triển bởi Carl Rogers vào hai thập niên 1940 và 1950 (Brodley; 1988)

BS Nguyễn Minh Tiến (Dịch từ: “Reference: Essential Psychotherapies”)

Rogers là người đầu tiên dùng tên gọi ấy để chỉ phương pháp trị liệu của mình. Sau đó, nhiều tác giả khác đã phát triển thêm các “phân nhánh” cho lọai liệu pháp này; trong đó phải kể đến Eugene Gendlin với “liệu pháp kinh nghiệm” (experiential psychotherapy; 1979) và các tác giả Leslie Greenberg, Laura Rice, Robert Eliott với “liệu pháp tiến trình-kinh nghiệm” (process-eperiential psychotherapy; 1993).

Lúc còn trẻ, C. Rogers đã dành phần lớn thời gian cho cuộc sống ở nông trại, nơi mà ông đặc biệt quan tâm đến công việc nghiên cứu các quá trình kích thích tăng trưởng cây trồng và làm các thực nghiệm về nông nghiệp. Công việc kích thích tăng trưởng và kiểm định các giả thuyết trong nghiên cứu đã giúp hình thành những thái độ trong cuộc sống cũng như sau đó trở thành những đặc trưng cơ bản trong quan điểm làm việc của Rogers.

Về sau, khi Rogers làm công việc của một chuyên viên tham vấn tại một trung tâm hướng dẫn trẻ em (child guidance clinic), ông đã tiếp xúc với các tư tưởng của Otto Rank – người đã có ảnh hưởng đến Rogers về một số quan điểm như: nhấn mạnh vào tiềm năng sáng tạo của con người, việc trị liệu có mục đích nhắm đến sự chấp nhận bản ngã như là một thực thể độc đáo và có khả năng tự lực, lòng tin vào thân chủ như là nhân vật trung tâm của tiến trình trị liệu, thân chủ là nhà trị liệu của chính mình, và việc trị liệu phải nhấn mạnh vào các trải nghiệm đang xảy ra trong hiện tại hơn là những gì đã xảy ra trong quá khứ... (Raskin & Rogers; 1989).

Rogers cũng chịu ảnh hưởng bởi trào lưu tư tưởng của Roosevelt vào thập niên 1930, từ đó hình thành nên quan điểm lạc quan của Rogers về bản chất con người và niềm tin rằng con người cần phải được đối xử một cách tôn trọng và có lý lẽ ngay cả khi hành vi của họ không phải lúc nào cũng hợp lý.

Tuy nhiên, đối với Rogers, ảnh hưởng lớn nhất mà ông có được là từ những trải nghiệm của những thân chủ mà ông đã tiếp xúc và làm việc. Theo Rogers, chính thân chủ là người biết rõ điều đau khổ của họ là gì, hướng đi của họ sẽ về đâu và vấn đề nào là cấp thiết.

Vào thập niên 1940, Rogers gọi liệu pháp của mình là “liệu pháp không hướng dẫn (non-directive therapy). Ông nhấn mạnh vào tính chất đặc trưng của nhà trị liệu là không hướng dẫn thân chủ của mình. Mục đích trị liệu là tạo ra một bầu không khí cởi mở và không can thiệp. Vào thập niên 1950, Rogers bắt đầu nhấn mạnh đến “sự thấu cảm” (empathic understanding) và sang thập niên 1960, những tính cách của nhà trị liệu được Rogers nhấn mạnh là “sự hài hòa” (congruence) và “tính trung thực” (genuineness).

Về sau, Rogers áp dụng quan điểm của mình một cách sâu rộng hơn ra ngoài các môi trường khác không thuộc tâm lý trị liệu và làm việc với các nhóm người không phải là thân chủ... Quan điểm thân chủ trọng tâm ảnh hưởng sang cả ngành giáo dục ở Hoa Kỳ, và điều đó khiến Rogers đặt lại tên cho phương pháp của mình là “nhân vị trọng tâm” (person-centred) để phản ảnh sự chuyển đổi đối tượng của phương pháp không chỉ bao gồm những thân chủ trong tâm lý trị liệu mà còn nhắm đến bản chất con người và các mối tương tác xã hội nói chung.

Liệu pháp thân chủ trọng tâm có thể áp dụng cho rất nhiều loại thân chủ/bệnh nhân ở nhiều lọai cơ sở trị liệu khác nhau. Carl Rogers khởi đầu việc trị liệu của mình như một nhà trị liệu theo định hướng phân tâm tại Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em ở New York, nơi ông làm việc với những trẻ em thiệt thòi và gia đình của chúng. Sau đó, ông làm việc tại Trung tâm Tư vấn thuộc Đại học Chicago, phục vụ cho các đối tượng trong cộng đồng cũng như cho các sinh viên đại học.

Những nhà trị liệu theo trường phái thân chủ trọng tâm có thể làm việc với thân chủ có đủ mọi loại vấn đề như trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách và cả các bệnh nhân loạn thần.

Theo Smith (1982), Carl Rogers được xếp hạng là nhà tâm lý trị liệu có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, vượt trên cả ảnh hưởng của Sigmund Freud, mặc dù trong thực tế chỉ có khoảng 9% trong tổng số các nhà trị liệu tự nhận mình theo trường phái thân chủ trọng tâm. Mặt khác, hầu hết các nhà trị liệu hiện nay có xu hướng đi theo quan điểm chiết trung (eclectic), và khỏang 1 phần 3 trong số này phối hợp liệu pháp thân chủ trọng tâm với các lọai liệu pháp nhân văn khác theo nhiều định hướng khác nhau (Norcross & Prochaska; 1988).

Khái niệm về nhân cách - Nhân cách như một tiến trình
Liệu nhân cách con người có tính kiên định, vững chắc, khó thay đổi như cấu trúc của một tòa nhà, hay là nó có thể thay đổi như các giai điệu của một ca khúc?

Học thuyết thân chủ trọng tâm cho rằng nhân cách con người có tính chất giống như các giai điệu của một bản nhạc mà người ta có thể “chơi” theo nhiều kiểu khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời mình. Điều đó có nghĩa là: con người những “cấu trúc đang diễn tiến” (structure-in-process). Trường phái thân chủ trọng tâm không phủ nhận các cấu trúc, ví dụ các nét tính cách vẫn có thể tồn tại, và cũng không phủ nhận tính hằng định liên tục của nhân cách theo thời gian. Nhưng điểu quan trọng là các cấu trúc nhân cách vẫn liên tục thay đổi dù đôi lúc chúng có vẻ bất biến và không đổi. Có thể so sánh sự thay đổi ấy với sự thay đổi trong hình thể của các cấu trúc trong tự nhiên như núi, sông, bờ biển... Trong khi nhìn bề ngoài các cấu trúc ấy không thay đổi nhưng các hiện tượng trong tự nhiên lại liên tục làm biến đổi chúng theo kiểu bồi đắp thêm hoặc hủy hoại, bào mòn...

Caspi và cs. nhận thấy những người có tính cách lệ thuộc khi còn thơ bé vẫn có thể giữ lại đôi nét những tính cách ấy khi lớn lên nhưng có thể biểu hiện chúng dưới những hình thức trưởng thành hơn như nương tựa lẫn nhau và duy trì những mối quan hệ hỗ trợ. Bản thân các học thuyết của Freud hay Rogers cũng là những “cấu trúc đang diễn tiến”: các quan điểm của họ cũng liên tục thay đổi và tăng trưởng dù cả hai lý thuyết đều có những quan điểm nền tảng khá kiên định.

Có thể nói quan điểm xem nhân cách như một tiến trình nhấn mạnh: các nét nhân cách (personality traits) không phải là những cấu trúc kiên định mà được xem là các “chiến lược hành động” (action strategies) (Cantor; 1990) và nói chung, trường phái thân chủ trọng tâm xem con người như một tiến trình sống.

(Còn tiếp)

Nguồn: Trích từ Tamlytrilieu.com

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Kg: Th.S. Lam. Rất cảm ơn anh đã có hồi âm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin mình có cho tất cả những người học và người có quan tâm đến chuyên ngành tâm lý trị liệu. Chỉ mong anh chỉnh sửa lại phần ghi chú nguồn gốc của bài dịch là "trích từ tamlytrilieu.com" chứ không phải là từ Hồn Việt như hiện nay. Xin trân trọng kính chào.
BS Nguyễn Minh Tiến. dr_ngmtien@yahoo.com.vn