8 tháng 4, 2008
"Xã hội giật mình trước diễn biến tội phạm!"
TS - luật sư Phan Trung Hoài:
"Xã hội giật mình trước diễn biến tội phạm!"
luật sư Phan Trung Hoài
TT - Vụ "cái ác lộng hành giữa phố" đêm 2-4 đến nay vẫn còn làm nhiều người bàng hoàng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ - luật sư Phan Trung Hoài bức xúc: "Tôi giật mình, và có lẽ xã hội cũng đang giật mình vì những biến tướng bất thường của tội phạm. Dưới góc độ tội phạm học, các cấu trúc thiết chế tư pháp hiện chưa đảm bảo an lành cho người dân!".
Luật sư Phan Trung Hoài nói:
- Ít người ngờ được tội phạm đã phát triển với yếu tố tổ chức đông đảo và phân công chặt chẽ như thế. Hình dung lại sự việc, ta thấy hình như chúng có quan sát, theo dõi diễn biến, giống như đã "quay phim" sự kiện để rồi đủ bình tĩnh quay lại, tìm chính xác và tổ chức trả thù người đã cản đường hay tấn công chúng. Điều đó chứng tỏ sự lì lợm của một dạng tội phạm có tổ chức, vượt qua ngưỡng sợ hãi truy đuổi mà tội phạm vốn có. Đó là điều đáng quan ngại về mặt xã hội, tội phạm đã tiến một bước không nhỏ, trong khi đó bộ máy phòng chống tội phạm và thiết chế tư pháp ít nhiều còn bị động.
Nên bình tĩnh xem xét dưới góc độ tội phạm học và tìm cách lý giải chính xác vấn đề. Dưới những biến đổi xã hội, các dạng tội phạm đang có những diễn tiến khó lường. Trong khi quan điểm của các cơ quan chức năng chưa nhìn nó như là hiện tượng pháp lý hình sự để ứng xử một cách thích hợp.
* Khái niệm hiện tượng pháp lý hình sự mà ông vừa nói cụ thể là gì?
- Tôi muốn nói đến các diện quan hệ và chiều quan hệ xã hội. Rõ ràng môi trường hiện nay phát triển nóng và đa dạng, tiền đề kinh tế vật chất cho phát triển đã ở mức độ cao hơn trước nhiều, sự du nhập các yếu tố mới sẽ kéo theo mầm mống tội phạm có tổ chức. Các hình thức giải trí, tâm lý ăn uống, sinh hoạt... của một bộ phận thanh niên chuyển theo hướng tiêu cực. Tâm lý bất cần đời, muốn làm anh chị, bắt chước phim ảnh nước ngoài... ngày một nhiều hơn. Theo thực tiễn hành nghề của tôi, phần lớn các bị cáo phạm trọng tội như giết người cướp của, trộm cắp, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản... phần lớn đều là người nghiện ma túy. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, chúng có hành vi vô cùng tàn bạo, táo tợn và mất hết lương tri. Hành vi tội phạm vừa xảy ra thể hiện rất rõ điều đó.
* Dưới góc độ của một người tham gia nghiên cứu tội phạm, ông thấy sự "chuyển động" của các cơ quan, tổ chức phòng ngừa tội phạm đã theo kịp những chuyển biến này chưa?
Bạn bè thăm hỏi anh Trịnh Xuân Tâm tại bệnh viện - Ảnh: T.T.D.
- Sở dĩ tội phạm có tổ chức ở góc độ nghiêm trọng như vừa rồi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Một là biến tướng đời sống xã hội, sự gia tăng bất bình đẳng về thụ hưởng kinh tế và phân chia lợi ích, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
Thứ hai, xét trong một chừng mực nào đó, việc áp dụng các biện pháp pháp luật, mức hình phạt của tòa án đối với loại tội phạm này còn những vấn đề cần được xem xét.
Ví dụ, ngành tòa án cũng đã xử phạt nghiêm khắc những kẻ thủ ác chủ mưu cầm đầu (chỉ riêng trong hai năm 2000-2001, tòa tuyên 189 án tử hình và 270 án chung thân về tội phạm giết người) nhưng việc tiến hành xử lý, trong thực tế, có phần vẫn chưa nghiêm. Quá trình tố tụng có nhiều sai sót dẫn đến tỉ lệ án điều tra về hình sự bị hủy, cải sửa bản án... còn rất cao.
Thứ ba, các thiết chế và biện pháp tổ chức phòng ngừa tội phạm hình sự còn những mặt hạn chế, dẫn đến có một tâm lý bàng quan, ngại va chạm... trong một bộ phận dân cư. Xã hội chưa xây dựng được sự hậu thuẫn để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kiểm tra giám sát, phát hiện và phòng ngừa tội phạm. Khi xảy ra những trường hợp, như vụ anh Tâm, anh Thanh và những người bị nạn khác, sẽ không tránh khỏi cảm giác về sự đơn độc, cá biệt khi mình có hành động nghĩa cử. Đây là hiện tượng xã hội đáng quan tâm.
Thứ tư, trong một số vụ án hình sự gần đây, công tác truy xét, điều tra gặp nhiều khó khăn trong thu thập các thông tin xác định đối tượng phạm tội. Giám định kỹ thuật hình sự, công tác thu thập chứng cứ, dấu vết tội phạm, khám nghiệm hiện trường... chưa đảm bảo cơ sở để khẩn trương tiến hành điều tra truy bắt những kẻ phạm tội. Và cuối cùng, theo tôi nghĩ, việc nhận diện chân dung tội phạm bằng các công tác thống kê tội phạm, thiết lập các thông số về tình trạng, động thái loại tội phạm này ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức.
* Theo ông, trước mắt cần phải làm gì để hạn chế tình trạng tội phạm?
- Theo tôi, trước hết Nhà nước cần hết sức quan tâm đến việc bình ổn điều kiện kinh tế - xã hội thông qua giải quyết tốt các mâu thuẫn trong thụ hưởng phúc lợi xã hội. Hạn chế bớt khiếu kiện, xây dựng môi trường giáo dục, hạn chế sự phân ly gia đình, xã hội. Các cơ quan công an có chiều sâu kinh nghiệm thực tiễn để có thể tổ chức kế hoạch phòng ngừa tội phạm từ cơ sở thông qua việc quản lý chặt chẽ đối tượng hình sự, truy nã những tội phạm còn lẩn trốn, tận lực áp dụng các biện pháp tối đa để kịp thời khẩn trương điều tra truy tố, xét xử kịp thời tội phạm, nhất là xét xử lưu động.
Lực lượng tinh nhuệ của công an cần được hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, khoa học hình sự để nhanh chóng phát hiện tội phạm. Phải có những biện pháp tạo sự đồng thuận xã hội để tôn vinh những người dũng cảm hi sinh thân mình trong việc phát hiện và đấu tranh tội phạm.
* Thưa ông, đây đó cũng có quan điểm cho rằng xã hội không nên "hô hào" người dân tham gia săn bắt cướp, việc đó nên là của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi nghĩ xã hội cần trân trọng và tôn vinh tấm lòng dũng cảm hi sinh của những công dân bình thường như anh Tâm, anh Thanh. Môi trường xã hội an sinh là mong ước và quyền lợi của người dân, nhưng cùng với nó là trách nhiệm pháp lý của mỗi người trong công tác phòng chống tội phạm như được qui định trong điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đó còn là một nghĩa vụ công dân, là cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự theo khoản 1 điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, trong một xã hội pháp quyền, người dân trông đợi các cơ quan nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và các thiết chế bổ trợ, giám sát khác thực thi hết trách nhiệm của mình, để biến quyền được hưởng sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân không còn chỉ là những khái niệm về pháp lý, mà trở thành thực tế hiển nhiên, để bớt đi những hình ảnh đau thương của những người như anh Tâm, anh Thanh... làm nhói đau cơ thể xã hội.
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện
Báo Tuổi Trẻ ngày 07/04/2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét