21 tháng 4, 2008
Tội phạm trẻ hóa - nạn nhân của một xã hội quản lý kém
“Những kẻ phạm pháp, nhưng chủ yếu lại là nạn nhân của xã hội được quản lý quá kém, bởi những người lớn thiếu trách nhiệm, nhất là thiếu hiểu biết…” – Thạc sĩ Phát triển cộng đồng, bà Nguyễn Thị Oanh nói về tình trạng tội phạm đang trẻ hoá.
Tội phạm trẻ hóa - nạn nhân của một xã hội quản lý kém
Trong hàng loạt các vụ cướp, đâm, chém… vừa qua, hầu hết hung thủ đều trong độ tuổi rất trẻ, dưới 25, thậm chí chỉ mới 16–17 tuổi. Như vụ “cướp chém người truy đuổi” ở quận Tân Bình, 4 đối tượng chém anh Thanh và Tâm tại hẻm 622 Cộng Hoà, bị bắt hôm 11/4 cho thấy, đối tượng cầm đầu, Đạt “trắng” chưa đầy 25 tuổi.
Bên cạnh đó, đa số đối tượng phạm tội hình sự, bị bắt trong thời gian qua là những thanh niên không có nghề nghiệp ổn định và đến từ các tỉnh, thành lân cận. Tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hoá đang làm đau đầu các nhà quản lý, cơ quan công quyền. PV TS đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Oanh, Thạc sĩ phát triển cộng đồng nhằm tìm hiểu nguyên nhân và thực trạng trên.
Thưa bà, thời gian gần đây, tình trạng côn đồ ngày càng lộng hành, đa số đối tượng phạm tội, đều nằm trong độ tuổi dưới 25, phải chăng, có hiện tượng tội phạm ngày càng trẻ hoá?
Hiện tượng trẻ hoá tội phạm cũng không có gì lạ. Đặc điểm tâm lý của tuổi mới lớn là hiếu động. Đặc điểm này không phải là xấu, nhưng nó cần được định hướng vào mục đích tốt, sáng tạo.
Tuổi này muốn làm điều gì đó lớn lao, to tát để tự khẳng định mình, nhưng lại không được chuẩn bị nên đành phải dùng nghị lực của mình vào cái xấu.
Càng bị ức chế các em càng “nổ tung”. Hiện tượng này không lạ với hiện trạng bất ổn tâm lý chung, thiếu niềm tin, nghèo đói ở một bộ phận dân chúng thất học, thất nghiệp...
Vì sao tình hình tội phạm lại diễn ra theo xu hướng này?
Đây là điều tất yếu trong quá trình đô thị hoá, nhất là ở nước ta khi việc quản lý đô thị và quản lý vĩ mô còn bất cập. Vấn đề phải được giải quyết từ cái gốc là đẩy mạnh phát triển nông thôn, xoá bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Tăng cường công nghiệp hoá nông thôn, dạy chữ và dạy nghề cho tuổi trẻ tại đây, để họ có công ăn việc làm tại chỗ. Đời sống nông thôn phải trở nên hấp dẫn hơn, với điều kiện sống được cải thiện, các dịch vụ vui chơi giải trí, và học hỏi thêm được tăng cường.
Nói cách khác, tạo thêm lực “hút” và giảm bớt sức “đẩy” của nông thôn. Đó cũng là lý tưởng của phát triển quốc gia. Tuy nhiên, cũng phải nỗ lực giải quyết cái ngọn, vì hiện tượng này gây thêm bất ổn xã hội.
Những khuôn mặt non choẹt như thế này đã sớm phạm tội hình sự.
Phần nhiều các băng nhóm tội phạm hình sự bị triệt phá thời gian qua tại TP.HCM, đối tượng tham gia các băng nhóm này thường là những thanh niên nhập cư, không có nghề nghiệp ổn định; bà nhìn nhận như thế nào trước thực trạng này?
Hiện tượng thanh thiếu niên phạm pháp, dù họ là người nhập cư hay tại chỗ là hậu quả không thể tránh của khủng hoảng gia đình và sự xuống cấp của nền giáo dục hiện nay. Các em là những kẻ phạm pháp, nhưng chủ yếu là nạn nhân của một xã hội được quản lý quá kém, bởi những người lớn thiếu trách nhiệm, nhất là thiếu hiểu biết (về con người và quy luật phát triển xã hội).
Giới trẻ đang rất cần những thần tượng ngay trong đời thường
Theo bà, cần phải làm gì để hạn chế hành vi phạm tội của những đối tượng này?
Ở các nước, nhất là ở các đô thị lớn, luôn có những trung tâm xã hội, trung tâm cộng đồng với những cán bộ được trang bị kiến thức và kỹ năng tâm lý xã hội để tiếp cận, tập hợp và thu hút các em vào những lớp học chữ, học nghề, các sinh hoạt văn hoá bổ ích mang tính giáo dục.
Những cán bộ này được đào tạo bài bản về khoa học công tác xã hội. Ngành này mới được công nhận năm 2004. Ở thành phố, qua sáng kiến tư nhân có những giáo dục viên đường phố, mà đóng góp của họ để tiếp cận trẻ lang thang không phải là nhỏ. Nhưng họ còn quá ít, chưa được tạo điều kiện để hoạt động hữu hiệu.
Lẽ ra, đó phải là chính sách chung của Nhà nước. Ờ nhiều thành phố lớn như New Dehli, Calcutta… họ góp phần không nhỏ vào việc ổn định trật tự đô thị.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, những đối tượng
phạm pháp còn là nạn nhân của xã hội được
quản lý kém! Trong ảnh, các thanh niên bị
bắt quả tang tại một "ổ" lắc.
Gần đây, lại nổi lên thêm tình trạng bạo lực học đường, học sinh không ngại dùng hung khí như mã tấu, dao găm để đâm, chém nhau ngay trước cổng trường. Theo bà, phải chăng tình trạng này xuất phát từ việc ảnh hưởng của phim ảnh, hay việc giáo dục ở nhà trường và gia đình có vấn đề?
“Bạo lực học đường” luôn hiện diện một cách ngấm ngầm, khi trẻ có xu hướng kết hợp với nhau để cô lập, ăn hiếp một trẻ khác. Bạo lực học đường bao gồm cả khi thầy đánh trò, và dùng tay học trò khác để trừng phạt các em. Đây là tấm gương xấu nhất vì qua đó các em xem chuyện đánh đập là bình thường và bắt chước.
Ở các nước, một người lớn bị bắt gặp đánh trẻ là phải ra toà. Bạo lực tăng cường về mức độ cũng do bầu không khí “bạo lực” chung của xã hội.
Bạo lực trẻ em ở đâu cũng có. Nếu cô thầy tâm lý hơn một chút cũng dễ phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tiếc rằng thầy cô chỉ được chuẩn bị để dạy chữ. Các phòng xã hội, phòng tham vấn tâm lý học đường đã góp phần không nhỏ vào việc làm giảm bớt nạn bỏ học và các vấn đề (tệ nạn) xã hội học đuờng. Tiếc rằng, những trường có cơ chế này còn quá ít. Chủ trương đã có, nhưng sự phát triển của cơ chế này còn quá chậm.
Thưa bà, như vậy thì phải chăng đạo đức xã hội của chúng ta đang đi xuống? Nếu vậy, cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
Điều này đã quá rõ, và nó là mảnh đất phì nhiêu cho đủ loại tệ nạn xã hội nở rộ. Đảng và Nhà Nước rất quan tâm nên có phong trào học hỏi làm theo gương Bác Hồ. Điều này rất tốt, nhưng với trẻ em, thanh thiếu niên cần ngay những tấm gương sống động bên cạnh chúng, xung quanh chúng. Chúng đang đói thần tượng trong đời thường, là cha mẹ, thầy cô, các nhà hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội, những bạn trẻ hiếu học, tài năng...
Nhưng các phương tiện truyền thông khiến cho trẻ chỉ muốn lớn lên làm người mẫu, hay ca sĩ. Các nhà xã hội học cho biết rằng, cuộc sống vật chất thừa thãi cũng kích thích lòng ham muốn của trẻ nghèo, và kích động chúng phạm tội để có các thứ đó. Nhất là khi xung quanh chúng có người làm giàu to, mà không phải cực nhọc chút nào.
Làm gì ư? Đơn giản nhất là mỗi chúng ta phải sống thế nào để bạn trẻ tin rằng “sống tốt có ý nghĩa và hạnh phúc” nữa.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét