10 tháng 4, 2008
Nhìn lại đề án cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh
Nhìn lại đề án cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh
nghịch lí
(CATP) Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 16/203/QH11 về việc thực hiện đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vừa diễn ra cuối tháng 11-2007. Theo những tài liệu được trình bày tại hội nghị, đề án này đã “ngốn” hết 1.797,135 tỷ trong vòng bốn năm qua. Trước sự tốn kém quá lớn, nhiều người đã đặt vấn đề về hiệu quả của đề án.
THÀNH PHỐ CÓ 36 NGÀN CON NGHIỆN
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBNDTP - đến thăm một cơ sở cai nghiện
Thành phố Hồ Chí Minh có số dân cao nhất cả nước, với trên 6,2 triệu người và gần 2 triệu người nhập cư, vãng lai. Toàn thành phố có hàng ngàn cơ sở kinh doanh nhạy cảm như: karaoke, massage, bia ôm, nhà hàng, khách sạn, hớt tóc thanh nữ và rất nhiều địa bàn đã nổi tiếng phức tạp từ trước năm 1975. Cũng theo báo cáo, toàn thành phố đang tồn tại khoảng 36.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Đa số còn đang trong độ tuổi thanh niên, có trình độ học vấn và nhận thức rất thấp, phần lớn thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định. Khi chưa vào các trung tâm cai nghiện, rất đông trong số đó chuyên đi trộm cắp, cướp giật. Có 38% số con nghiện có tiền án tiền sự. Qua một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên tại các trung tâm cai nghiện, người ta không khỏi bàng hoàng vì con số 60 - 70% tỷ lệ người nghiện ma túy đã bị nhiễm HIV hoặc AIDS. Con số người chết vì ma túy, vì AIDS cũng được tăng lên mỗi năm. Bệnh viện Bình Triệu (nơi chuyên tiếp nhận các bệnh nhân AIDS từ các cơ sở chuyển về) lúc cao điểm đã phải chứa tới gần 1.000 người.
Điều đáng buồn là tỷ lệ người nghiện vẫn cứ tăng cao hàng năm. Nếu như năm 2000, thành phố có 16.216 người nghiện có hồ sơ quản lý, thì con số này là 36.000 vào năm 2007. Nữ giới nghiện ma túy cũng đang có xu hướng tăng. Trong số con nghiện là nữ, trên 60% thường xuyên hoạt động mại dâm, 50% đã nhiễm HIV. Tỷ lệ người nghiện sử dụng đường tiêm chích là 86,3%, so với 46,4% năm 2001.
NHỮNG NỖ LỰC...
“Một thực trạng rất đau lòng”! Đó là nhận xét rất thật của một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH. Con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn sự “lây lan” của đại dịch ma túy hiện nay là chiến đấu quyết liệt với nó, trước tiên là triệt bỏ các băng nhóm, tổ chức buôn bán ma túy đang ngày càng tinh vi. Vì mức siêu lợi nhuận mà ma túy mang lại, chúng bất chấp mọi thủ đoạn, sẵn sàng chống trả quyết liệt với cơ quan chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Đặc biệt, với con buôn là dân nghiện thì chúng càng thêm liều lĩnh. Trong năm 2006 và 8 tháng đầu năm 2007, CATPHCM phối hợp với các ngành chức năng khám phá 1.670 vụ buôn bán ma túy, bắt giữ 3.623 đối tượng, thu 6,396kg heroin, cũng rất nhiều các loại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện. Cũng trong khoảng thời gian đó, Cục Hải quan thành phố phát hiện 391 vụ nhập khẩu tân dược gây nghiện và một số lượng heroin. Trong đó có 3 vụ đối tượng là người nước ngoài (2 đối tượng mang quốc tịch Úc, 1 Đài Loan) đã vận chuyển trái phép vào VN 2.880 gram heroin. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2007, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội đã tổ chức kiểm tra hơn 24 ngàn cơ sở kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm trên khắp các quận, huyện như: quán bar, vũ trường, cơ sở massage, hớt tóc thanh nữ..., và đã phải đình chỉ kinh doanh 874 cơ sở, thu hồi giấy phép kinh doanh của 29 cơ sở, truy cứu trách nhiệm hình sự 36 cơ sở... vì có liên quan đến hoạt động ma túy và mại dâm.
Được hướng dẫn nghề thợ mộc ...và được học nghề Ảnh: T.T.S
Triệt phá các đường dây cung cấp ma túy cần phải gắn với công tác chuyển hóa địa bàn. Điều này cũng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Qua nắm bắt tình hình, có 32 địa bàn được xác định là tụ điểm phức tạp về ma túy tồn tại từ nhiều năm qua, như: công viên 23-9, 2 tụ điểm tại P3, P4 - quận Bình Thạnh, P15 - Q.Gò Vấp... Đầu năm 2007, chiến dịch chuyển hóa quyết liệt các địa bàn nóng được thực hiện một cách đồng bộ, nhiều địa bàn vốn được mệnh danh là “lãnh địa riêng” của ma túy một thời như: khu Mả Lạng, Cầu Kho - Q1, Tôn Đản - Q4, khu vực Nguyễn Ảnh Thủ - huyện Hóc Môn... nay cũng đã có những chuyển biến không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, thành phố còn đầu tư nâng cấp và xây mới 20 trường - trung tâm cai nghiện với nhiều tiện nghi hiện đại, có sức chứa cùng lúc trên 30 ngàn học viên cai nghiện. Rồi Khu công nghiệp Nhị Xuân với vốn đầu tư ban đầu lên đến 193 tỷ đồng, với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và khu lưu trú nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Hiện đã có 11 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với 1.200 công nhân, trong đó có 605 người sau cai nghiện. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp bên ngoài như: Công ty may Đại Việt, Mỹ Sơn, Hà Phương... cũng sẵn lòng chung vai san sẻ trách nhiệm bằng cách nhận số học viên tái hòa nhập về làm việc tại đây với mức lương từ 500 đến 1.500.000 đồng/tháng... Tất cả những chuẩn bị đó đều phục vụ cho việc tái hòa nhập cộng đồng của những người nghiện sau cai.
HIỆU QUẢ ĐẸP NHƯ TRONG MƠ!
Cũng theo báo cáo trên, đã có 31.000 lượt người được đưa đi cai nghiện, 11.099 người tái hòa nhập cộng đồng, trong đó 9.325 người trở lại thành phố, 409 người về các tỉnh, 769 người vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Nhị Xuân, 506 người tái định cư hoặc ở lại làm việc tại các trung tâm, có 7.087 người làm việc sau cai nghiện (tỷ lệ là 76%), 530 người tái hòa nhập được vay vốn làm ăn... Đó là tất cả những thành tựu bề nổi được thống kê lại sau 4 năm “đề án gần 1.800 tỷ” đi vào hoạt động (2003-2007).
Không thể phủ nhận được hiệu quả mà đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” đã đem lại sau bốn năm triển khai. Nếu lấy tỷ lệ tái nghiện từ 95 - 97% ở những năm 1996 - 2000 (theo thống kê từ hội nghị) với tỷ lệ 4,7% người tái nghiện như hiện nay (khi đề án bắt đầu triển khai), thì đây quả là một thành tựu như trong mơ. Cũng từ đề án này, hàng vạn người nghiện chìm đắm trong ma túy, sống tuyệt vọng, nay có cơ hội được thay đổi cuộc đời, được học văn hóa, học nghề. Nhiều người trong số đó, sau cai nghiện đã phấn đấu trở thành chủ doanh nghiệp, nhà quản lý hay kỹ thuật viên... và quay trở lại tiếp tục giúp đỡ người nghiện khác. Một số khác tích cực tham gia các công tác xã hội, góp phần tích cực phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự cho địa phương mình.
Hơn nữa, việc tập trung số lượng lớn người nghiện vào một nơi để quản lý, đã kéo giảm đáng kể nguồn cầu về ma túy, giảm đi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm trong việc sử dụng ma túy. Nếu tính bình quân một người sử dụng ma túy chi 50 ngàn đồng/ngày, thì tổng số tiền mà trên 30.000 con nghiện sẽ đốt trong bốn năm qua lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Mặt khác, nhờ được giáo dục, học nghề tại trung tâm mà hàng vạn người nghiện trong nhiều năm qua đã có việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Nhờ đó, tình hình an ninh xã hội cũng thêm phần ổn định, hàng vạn gia đình vơi đi nỗi khổ của người có con nghiện hút, vấn đề lây lan bệnh HIV cũng được kiểm soát trong khuôn khổ nhất định. Đây là một chủ trương đúng đắn, đầy tính nhân đạo.
CÒN ĐÓ NHỮNG CÂU HỎI
Thành tựu được báo cáo khả quan là vậy, nhưng nếu đem con số người nghiện có hồ sơ quản lý vào năm 2000 trên địa bàn thành phố (khi chưa có sự ra đời của đề án) là 16.216 người, 30.000 người vào năm 2003, 26.050 người vào năm 2005 và 36.000 người nghiện hút năm 2007 thì mới thấy ái ngại về hiệu quả của đề án.
Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, bình quân mỗi năm cả nước đầu tư khoảng 320 tỷ đồng cho cai nghiện (60% xây dựng cơ bản, 30% tiền ăn, tiền thuốc, 10% là cho việc tuyên truyền...). Với số tiền đó, 129.054 người nghiện có hồ sơ quản lý trên cả nước đã được cai nghiện. Điều đó cho thấy đề án gần 1.800 tỷ của thành phố mà chỉ cai nghiện được cho 31.000 lượt người trong vòng bốn năm là quá ít và TPHCM cũng rất mạnh tay đầu tư cho công tác cai nghiện. Đó là chưa kể đến những đóng góp về sức người, trang thiết bị, tiền của các tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cho đề án này lên đến 6,5 triệu USD. Nếu lấy gần 1.800 tỷ đồng chia cho 31.000 lượt người cai nghiện trong bốn năm qua thì Nhà nước đã bỏ ra gần 60 triệu đồng mới cai nghiện được cho một người. Nếu đem chia cho 11.099 người tái hòa nhập cộng đồng (coi như đã cai nghiện thành công, chưa tính đến trường hợp sẽ tái nghiện), thì số tiền sẽ là hơn 100 triệu đồng/người. Quả là sự đầu tư quá tốn kém mà hiệu quả cũng rất mong manh.
Trong khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra thống kê tỷ lệ tái nghiện từ 90 - 100% vào thời kỳ 1996 - 2000, nay (hết năm 2006) giảm xuống còn 70 - 80%, thì đề án của thành phố lại vượt kỷ lục với thành tích từ 95-97% từ năm 1996 - 2000 xuống còn 4,7% vào năm 2007.
Đây là con số dễ gây ra thắc mắc, nhất là khi nó có “khoảng cách quá xa” so với số liệu của ngành LĐ-TB&XH. Cơ sở thứ hai để đánh giá hiệu quả của đề án này là “vấn đề ngoại vi” của nó. Tình hình phạm pháp hình sự do người nghiện gây ra trong những năm gần đây dường như không giảm. Số đối tượng nghiện hiện hữu trong thành phố cũng chỉ tăng chứ không hề giảm. Nhiều phường tuyên bố đã “sạch” ma túy bây giờ xuất hiện trở lại... Tất cả những điều đó cho thấy, thật sự còn nhiều vấn đề cần đánh giá lại đúng mức của đề án này.
TUYẾN CHI
Nguồn: My.opera.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét