4 tháng 4, 2008

Mù mờ nghề công tác xã hội


Mù mờ nghề công tác xã hội
14:25' 03/04/2008 (GMT+7)
- Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Bạch Hồng cho rằng những nghề công tác xã hội (CTXH)cnhư nuôi dưỡng người già cô đơn, chăm sóc trẻ nhiễm HIV… đến lúc cần được chuyên nghiệp hóa gắn với hệ thống thang bảng lương.


Chỉ có người làm CTXH bán chuyên
Chăm sóc người già rất cần tính chuyên nghiệp (Ảnh minh họa)

Các cán sự xã hội tại các trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn, chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS hay phục hồi nhân phẩm (gọi chung là trung tâm bảo trợ xã hội) hiện nay thu nhập phụ thuộc hầu hết vào chính các trung tâm này.

Thực tế,nhiều người đã bỏ các trung tâm để xin chuyển sang các cơ sở y tế để có được một mức thu nhập nằm trong hệ thống ngạch bậc, thang bảng lương với lý giải: “Mức độ phơi nhiễm y tế nguy hiểm cũng như nhau, thì tìm nơi làm việc đãi ngộ tốt hơn, ổn định hơn”.

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), thì hiện nay cả nước có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ cấp, trợ giúp từ Nhà nước hàng tháng.

Bên cạnh đó, toàn quốc còn hàng vạn xã nghèo đặc biệt khó khăn, các vấn đề xã hội nảy sinh, bức xúc như tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ, vấn đề phát sinh trong nhóm gia đình tại các đô thị, làng quê chịu ảnh hưởng trong quá trình đất nước phát triển CNH-HĐH… Tất cả đều cần có sự trợ giúp từ những người làm công tác xã hội (CTXH).

Tuy nhiên trong khi có cả hàng chục triệu người cần sự hỗ trợ trên thì cả nước chỉ có gần 20.000 nhân viên làm CTXH bán chuyên nghiệp như lời ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội: “Họ làm việc theo bản năng và trực giác của chính họ, thiếu nhận thức, hiểu biết kỹ năng cần thiết về nghề CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết trợ giúp cá nhân, nhóm cộng đồng xã hội có nhu cầu cũng hạn chế....".

Đây là thực tế, ví dụ như chăm sóc sức khỏe một người già cần phải có chuyên môn về y tế thay vì những người giúp việc kiểu “ôsin”, đi lên từ đồng ruộng.

Cần 20.000 người có trình độ làm CTXH

Nghề CTXH ở Việt Nam hiện chưa thật rõ ràng. Thậm chí việc nhận dạng người CTXH là ai, làm việc gì, ở đâu, vai trò nhiệm vụ của công việc này như thế nào… còn khá mù mờ.

Tại hội thảo về “Phát triển nghề CTXH tại Việt Nam“ ngày 2/4, thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Bạch Hồng đặt câu hỏi: “Xây dựng, tiến tới ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý phát triển nghề CTXH như một nghề chuyên nghiệp cần như thế nào? Nghề CTXH cần được chuẩn hoá, đào tạo, ban hành tiêu chuẩn chức danh viên chức về CTXH, gắn với hệ thống thang bảng lương như thế nào trong thời gian tới…? Vai trò của nghề CTXH với các ngành nghề khác trong xã hội?”.

Được biết, Bộ LĐ,TB&XH đã trình khung đề án nghề này lên Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ cùng các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xây dựng đề án phát triển nghề công tác xã hội, lộ trình thực hiện giai đoạn 2009-2015.

Theo đó từ nay đến năm 2020, nước ta cần trên 20.000 cán bộ, nhân viên làm CTXH có trình độ cao đẳng, đại học.

Việc phát triển mạng lưới cán bộ nhân viên CTXH phải phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán sự xã hội đang hoạt động tại các trung tâm bảo trợ xã hội, công tác xã hội, các cơ sở xã, phường. Xã hội hoá các hoạt động CTXH, khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu, chú trọng đối tượng yếm thế trong xã hội.

Quá trình thực hiện sẽ tập trung xây dựng lực lượng cán bộ, nhân viên CTXH cốt cán ở 8 khu vực kinh tế (khoảng 8.000 người, mỗi huyện có ít nhất 2 người, mỗi trung tâm công tác xã hội có 10 người). Sau đó, tập huấn, nâng cao năng lực cho họ, hỗ trợ họ trở thành các tiểu giáo viên - làm lực lượng nòng cốt để xây dựng mạng lưới nhân viên làm CTXH ở cơ sở.


Đỗ Minh
Nguồn:VietNamnet

Không có nhận xét nào: