19 tháng 4, 2008
Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội về “Đề án thí điểm tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai
Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội về “Đề án thí điểm tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”
Ngày 10/04/2008, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về “ tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An… cùng trên 500 đại biểu tham dự đến từ các trường, trung tâm cai nghiện ma túy.
Theo báo cáo, sau 5 năm thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố ( TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Bình Dương), Đề án đã đạt được những kết quả đáng kích lệ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 16 đã phần nào kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới, góp phần giảm tội phạm hình sự, tác động tích cực tới tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa bàn, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Trong 5 năm qua, Thành phố đã cai nghiện cho cho trên 36.224 lượt người, trong đó có 30.068 người đã được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện. Các cơ sở cai nghiện của thành phố cũng được đầu tư, nâng cấp mở rộng, đáp ứng được yêu cầu cho công tác. Đến nay, toàn thành phố có 20 trường, trung tâm cai nghiện; xây dựng 2 bệnh viện đặc biệt để chăm sóc, điều trị người bị nhiểm HIV chuyển sang gian đoạn AIDS, trong đó Bệnh viên Nhân Ái có sức chứa khoảng 800 giường, với tổng vốn đầu tư trên 1.222 tỷ đồng.
Thành phố cũng đã tổ chức cho 42.713 lượt người theo học các lớp văn hóa; 31.403 lượt người được dạy nghề và thông qua lao động sản xuất truyền nghề cho 6.570 lượt người; có 17.279 người hoàn thành khóa học được cấp giấy chứng nhận nghề, trong đó dạy nghề dài hạn tương đương bậc 3/7 cho 1.700 người. Tính đến ngày 31/03/2008, đã giải quyết việc làm cho 13.771 người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 11.556 người về sống với gia đình ở thành phố, 683 người được chuyển về các tỉnh khác, số còn lại 1.522 người về làm việc tại các Cụm Công nghiệp Nhị Xuân, tái định cư hoặc ở lại làm việc tại một số trung tâm, trường cai nghiện; số không còn khả năng lao động được chuyển sang cơ sở bảo trợ xã hội. Hầu hết người tái hòa nhập được các quận huyện quan tâm giúp đỡ giải quyết việc làm, với thu nhập bình quân đạt từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. Theo báo cáo của các cơ sở, toàn thành phố mới phát hiện được 687 người tái nghiện ( chiếm tỷ lệ 6% tổng số người tái hòa nhập cộng đồng ở thành phố Hồ Chí Minh). Đây thực sự là kết quả bước đầu khả quan đáng kích lệ. Hiện thành phố đang đẩy mạnh các biện pháp quản lý giám sát, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng để phòng chống tái nghiện có hiệu quả.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo từ các địa phương khác triển khai thực hiện Đề án sau cai muộn hơn, song cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Thành phố Hà Nội, chỉ sau 2 năm thực hiện cũng đã ban hành được nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết 16 có hiệu quả. Tính đến tháng 2/2008, Hà Nội đã tư vấn cho 1.800 gia đình có học viên sắp hết hạn cai nghiện bắt buộc; xét duyệt, chuyển 1.490 học viên đủ điều kiện tham gia Đề án sau cai giai đoạn 2; chuyển chức năng, nhiệm vụ của 2 Trung tâm cai nghiện sang làm cơ sở chuyên quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai với công suất trên 1.500 người. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã hỗ trợ từ 50% - 100% tiền ăn, thuốc chữa bệnh thông thường cho học viên, tiền điện nước, tiền học nghề cho học viên. Các địa phương còn lại như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An và Bình Dương cũng đã triển khai và thực hiện Đề án có hiệu quả, góp phần kéo giảm tình trạng tội phạm hình sự, tác động tích cực tới tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ LĐ –TBXH Lê Bạch Hồng cho rằng: Việc triển, khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 ở 7 địa phương đã góp phần xã hội hóa công tác cai nghiện. Trước hết, là nâng cao và làm chuyển biến được nhận thức, quan điểm và sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ. Từ đó, xác định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, đơn vị; động viên và lôi cuốn cả xã hội tham gia Đề án sau cai nghiện. Tại thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia Đề án sau cai để tạo việc làm cho hàng vạn lao động đang cai và sau cai mà còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức, xã hội, tôn giáo với nhiều hoạt động thiết thực có ý nghĩa. Như vậy, với các Đề án sau cai, nguồn lực từ nhân dân, từ xã hội nay đã được huy động và hỗ trợ tích cực cho nguồn ngân sách. Thứ trưởng cũng cho rằng, việc thí điểm Nghị quyết 16/2003/QH11 nói chung, các Đề án sau cai nói riêng đã mở ra một hướng đi mới trong công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy. Đó là quy trình cai nghiện bao gồm 2 giai đoạn chính là cai nghiện phục hồi và dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Trong đó, cần tiến hành các hoạt động trọng tâm, đồng bộ là: Chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, giáo dục, gọt dũa cho người cai nghiện trong môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, thuận lợi để từng bước tiến bộ tích cực và từ bỏ ma túy. Thời gian thích hợp để thực hiện Đề án nêu trên từ 1-3 năm tại các cơ sở cai nghiện tập trung. Đây cũng là dịp quan trọng để chúng ta xem xét sửa đổi và điều chỉnh Luật Phòng chống ma túy về lĩnh vực cai nghiện phục hồi.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong việc triển khai thực hiện Đề án sau cai ở các địa phương, song vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục và tháo gỡ như: Tại Quảng Ninh, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án chưa có thời gian thực hiện, thậm chí có nơi mới bắt đầu thực hiện. Các địa phương nêu trên cần có sự đánh giá nghiêm túc quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 để rút ra những bài học kinh nghiệm và có những giải pháp điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Mặt khác, chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh là đã có người hoàn thành tham gia Đề án sau cai, tái hòa nhập cộng đồng ( tuy nhiên đa số mới từ 3 đến 6 tháng) còn lại 6 địa phương chưa có người tái hòa nhập cộng đồng nên chưa có đủ căn cứ về mặt thời gian để đánh giá tỷ lệ tái nghiện cao hay thấp; về cơ sở vật chất, mới chỉ có thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là bảo đảm đủ điều kiện vật chất để triển khai.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết: Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội và các Đề án sau cai của Chính phủ là nhằm mục đích đánh giá lại hiệu quả, đồng thời tìm biện pháp, giải pháp tháo gỡ những vấn đề vướng mắc và đặc biệt là chuẩn bị các nhiệm vụ và phương hướng thực hiện Đề án trong điều kiện Nghị quyết 16/2003/QH11 sắp hết hiệu lực. Để triển khai phương án mới, cần có sự sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, chuyển đổi công năng một số cơ sở cần thiết; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy chế, chính sách cho phù hợp với phương thức và quy mô Đề án phù hợp từng địa phương, nhằm bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cai nghiện, phục hồi lâu dài cũng như công tác quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai tình nguyện ở lại theo tinh thần các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị điều kiện và phương án đưa người sau cai kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết 16 trở về tái hòa nhập cộng đồng được tham gia quy trình “ quản lý và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập, trong đó lưu lý 2 công việc trọng tâm là hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đưa họ vào tham gia các Câu lạc bộ sau cai để tiếp tục quản lý, giám sát, giúp đỡ./.
Hoàng Cảnh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét