17 tháng 4, 2008

Hội thảo Lồng ghép giới trong các chính sách và chương trình về lao động và xã hội ở Việt Nam


Hội thảo Lồng ghép giới trong các chính sách và chương trình về lao động và xã hội ở Việt Nam Sáng 16/4/2008, tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Lồng ghép giới trong các chính sách và chương trình về lao động- xã hội. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs Kjeldgaard, lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH ); đại biểu đại diện các bộ, ngành, tổ chức hữu quan, các nhà quản lý, các chuyên gia của ILO cùng đại diện các sở, ngành liên quan đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn và Quảng Ninh.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Bạch Hồng đã khẳng định quan điểm về bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam được hình thành từ rất sớm, ngay từ Hiến pháp đầu tiên với nội dung: " Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện" đến Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ tháng 7/2007…Tuy nhiên, do lịch sử để lại, trên nhiều lĩnh vực của đời sống vẫn còn tồn tại bất bình đẳng giới, nhất là đối với phụ nữ. Do vậy, cùng với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, quan điểm, đường lối nêu trên đã và sẽ tiếp tục được khẳng định đồng thời Việt Nam cũng đang nỗ lực cố gắng trong việc cụ thể hóa luật và thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới cũng như đối với quyền con người nói chung.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới thì " Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là một trong những nước tiến bộ hàng đầu về bình đẳng giới…". Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, song Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cũng cho rằng, việc lồng ghép giới trong các chính sách về lao động và xã hội vẫn còn nhiều thách thức: các phương pháp tiếp cận theo nguyên tắc giới, công cụ kỹ thuật hỗ trợ trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách còn hạn chế đang làm cho quá trình lồng ghép giới trong các chính sách về xã hội và lao động còn gặp nhiều khó khăn và chưa đồng bộ…Do vậy, với nhiệm vụ mới được Chính phủ phân công là quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Lao động quốc tế ILO trong việc triển khai các chương trình, dự án trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.
Cùng với việc giới thiệu nội dung của cuộc hội thảo ( bao gồm: tổng quan về hệ thống pháp luật của Việt Nam về lao động- xã hội và về bình đẳng giới; Bộ công cụ về lồng ghép giới của ILO và ứng dụng để thử nghiệm và rà soát các văn bản pháp luật làm cơ sở trong việc xây dựng, hoạch định chính sách), Thứ trưởng Lê Bạch Hồng khẳng định, Hội thảo là cơ hội tốt để tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về lồng ghép giới giữa các bộ, ngành, tổ chức hữu quan, giữa các cấp từ Trung ương đến địa phương đồng thời cũng là dịp để các đại biểu tham dự có được thêm đầy đủ các thông tin, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực về phân tích và lồng ghép giới trong các chính sách và chương trình quốc gia có liên quan đến bình đẳng giới ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs Kjeldgaard nhận định, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã theo đuổi những mục tiêu xã hội nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phần lớn người dân. Trong bối cảnh đó, Luật Bình đẳng giới được ban hành với mục tiêu đẩy mạnh việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới; tạo những cơ hội bình đẳng cả về kinh tế và xã hội cho cả nam giới và nữ giới và hỗ trợ sự hợp tác tốt hơn giữa nam giới và nữ giới trong mọi mặt của đời sống xã hội…đã phản ánh được đầy đủ cũng như có sự lồng ghép tài tình những tiêu chuẩn và các công ước lao động quốc tế quan trọng vào luật và trong cả các chính sách và chương trình quốc gia. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là việc thúc đẩy bình đẳng giới trong thị trường lao động và các dịch vụ và an sinh xã hội. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam rất cần có một chính sách và khung pháp lý chi tiết và toàn diện nhằm đảm bảo rằng, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người nói chung và giới nói riêng…
Tiếp đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe về kế hoạch triển khai Luật Bình đẳng giới và các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành do Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Nguyên Cường trình bày; Quan điểm luật pháp quốc tế về Luật Bình đẳng giới và lồng ghép giới tại các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam do chuyên gia về luật pháp quốc tế của ILO Tim De Meyer trình bày; Quan điểm quốc tế về phương pháp và công cụ lồng ghép giới, giới thiệu Bộ công cụ của ILO do Chuyên gia về giới cuả ILO Ayma Matsuura trình bày…
Theo dự kiến, Hội thảo sẽ kéo dài 3 ngày từ 16-19/4 với nhiều phiên trình bày, thảo luận, hỏi đáp với mục đích ứng dụng thử nghiệm các công cụ mới trong đánh giá, rà soát chính sách về giới ở Việt Nam hiện nay để đưa ra được các kết luận làm cơ sở xây dựng các chương trình hành động nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách về giới ở Việt Nam hiện nay./.
Tuấn Cường ( Tạp chí LĐXH)

Không có nhận xét nào: