1 tháng 4, 2008

NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI : KHÔNG DỄ DẠY HỌC MÀ CŨNG KHÔNG DỄ HỌC


NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI : KHÔNG DỄ DẠY HỌC MÀ CŨNG KHÔNG DỄ HỌC

Hiện nay tứ Nam ra Bắc ngành Công tác xã hội được đào tạo tại các trường Đại học. Âu cũng là một bước phát triển mạnh của ngành vì nó phải thế do sự đòi hỏi của xã hội và của toàn cầu hoá. Điều cần quan tâm là nó phát triển quá nhanh về số lượng hơn là chất lượng và hình như ngành này có những yếu tố nào đó thu hút nhiều nhà khoa học, nhiều nhà trí thứcvà quản lý nhào vô mà không cần phải đợi có đầy đủ điều kiện để tổ chức giảng dạy theo đúng ngành nghề của nó. Đây là một ngành nghề làm việc với con người với những vấn đề phức tạp của môi trường sống của họ, đòi hỏi người thực hành nó không chỉ có tấm lòng tha nhân mà còn nhiều điều sâu sắc hơn như kiến thức rộng, kỹ năng, thái độ, nhân cách, hiểu rõ bản thân, biết tự điều chỉnh mình, biết lắng nghe và tôn trọng người khác, hiểu người khác vv….để hoàn thành vai trò của một nhân viên xã hội với đầy đủ trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Vì thế mà công tác đào tạo cho sinh viên để trở thành một nhân viên xã hội thực thụ phải như thế nào đó và nó không dễ trong giảng dạy, mà giảng dạy không dễ chút nào thì học cũng không dễ dàng gì. Trước hết xin nói về công tác giảng dạy vì giảng dạy là tiền đề của công tác học tập, học tốt hay không tuỳ vào giảng dạy.

Trong công tác giảng dạy, điều đầu tiên là giảng viên phải là người trong nghề vì đây là chúng ta dạy nghề, truyền nghề chứ không phải dạy hàm lâm, người dạy phải thật sự yêu nghề, gắn bó với nghề thì mới truyền được tinh thần của nghề cho người học và người học mới thấm được cái tinh thần nghề đó. Khi nói nghề thì như mọi nghề khác, hành nghề đòi hỏi sự thông thạo kiến thức về nghề, thông thạo kỹ năng thực thi nghề và cần có thái độ thích hợp để duy trì và phát triển nghề nghiệp. Đó là một chuổi đào tạo và tự đào tạo trong thực tế thực hành nghề và trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp. Dạy đòi hỏi ở người thầy có những điều đó, người thầy phải trải qua ít nhất một hai năm hành nghề, học hỏi nhiều kinh nghiệm trong cách tiếp cận thân chủ (cá nhân, nhóm và cộng đồng), phân tích vần đề và giúp thân chủ đươc tăng năng lực giải quyết vấn đề, đã phải lặn lội trong khu xóm nghèo nàn, ổ chuột, ở vùng sâu vùng xa, tìm hiểu các vấn đề của họ và giúp họ biết liên kết nhau đề xoá đói giảm nghèo, để cùng nhau phát triển, phải trải qua bầm dập vì những cản trở, áp lực nghề nghiệp thì mới thấm thía được cái hay, cái tinh tuý của nghề. Có như vậy người thầy mới có thể giúp sinh viên hiểu sâu về nghề, những mắc mứu của nghề, cho sinh viên thục hành rèn luyện tại lớp và tại hiện trường, cho sinh viên biết rõ cái khó của nghề trong hoàn cảnh hiện nay khi nghề chưa được chính thức công nhận, đừng để sinh viên ảo tưởng về nghề, cho họ biết rõ nghề công tác xã hội cũng như mọi nghề bình thường khác, đừng để họ tưởng rằng họ là sẽ là người của một nghề cao cả, một nghề mang lại hạnh phúc cho người khác rồi tự phụ tự cao tự đại coi người ngoài nghề không ra gì, tham quyền lực, áp đặt, thiếu hợp tác với người khác, để rồi từ từ xa rời cái cốt lõi của nghề là giúp người để họ tự giúp, để họ tự thay đổi qua sự tác động của mình chứ không phải do chính mình mang lại cho họ. Thầy chỉ dạy người khác thông qua cái gì mình thề hiện, người học sẽ học ở thầy sự khiêm tốn học hỏi của thầy, sự ân cần trong cách hỗ trợ nâng đỡ người bị thiệt thòi, học ở thầy khi thầy nhận ra những mặt yếu của chính mình trong cách nhìn vấn đề, học ở sự hy sinh của thầy vì nghề, những kinh nghiệm của nghề, tạo cho họ động lực yêu nghề để tăng động lực học tập và rèn luyện thực chất của nghề. Người thầy phải giúp người học hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ quá khứ của mình, điều gì hiện nay họ còn đang bị ảnh hưởng về quan điểm, giá trị trong cuộc sống, họ đang bị chi phối như thế nào trong môi trường sống của họ vì mỗi khi họ hiểu rõ bản thân thì họ mới có thể hiểu được người khác. Nói như thế thì lấy đâu ra nhiều người thầy như vậy để mà giảng dạy, nhưng mà phải như thế thôi vì nghề phải đòi hỏi như vậy.

Thế còn người học? Học không dễ phải không? Điều kiện đầu tiên là phải có động lực họ, động lực có trước khi vào học qua tìm hiểu nghề trong xã hội, qua người đang hành nghề hoặc động lực được tạo ra trong qua trình học do người thầy kích thích. Vấn đề hiện nay là có nhiều sinh viên vào học ngành này với lý do là không còn học được ở các ngành khác do điều kiện tuyển sinh quốc gia hiện nay nên việc thiếu động lực trong học tập là lẽ đương nhiên và như vậy sẽ là những nhân viên xã hội hành nghề như rô bốt, thiếu cảm xúc nghề nghiệp và có thể làm hại người khác. Một lớp học quá động từ 70- hơn 100 người thì không thể tạo động lực cho người học được và cũng không thể tạo được sự tham gia vào quá trình giảng dạy được, họ chỉ học lướt qua cái vỏ bọc bên ngoài của nghề thôi chứ khó có thể đi vào bên trong cái nhân của nghề được. Một số sẽ không học và rèn được các kỹ năng cần thiết cho nghề, họ rất yếu trong kỹ năng lắng nghe, kỹ năng vấn đàm, kỹ năng phân tích vấn đề của thân chủ trong bối cảnh môi trường sinh thái của họ, kỹ năng phối hợp với các ngành khác vì công tác xã hội mang tính liên ngành, kỹ năng viết báo cáo…Người thầy cũng cảm thấy bất lực. Cái khó hiện nay của người học là môi trường thực tập, thiếu những cơ sở xã hội, thiếu những nhân viên xã hội tâm huyết với nghề làm đúng chuyên môn hướng dẫn để sinh viên thực hành cái đúng của nghề mà chỉ học cái sai của nghề hoặc được hướng dẫn qua loa để rồi sinh viên bị méo mó, hiểu sai vấn đề, hiểu sai về nghề nghiệp sau khi ra trường. Chương trình đào tạo và thời gian thực tập cho sinh viên cũng là một vấn đề nan giải cho các cấp quản lý Khoa. Học nhiều thứ nhưng học về nghề thì không nhiều. Thời gian thực tập chưa đủ liều lượng để giúp sinh viên hình thành tính chất chuyên nghiệp. Một lớp học với không hơn 40 người là lớp học lý tưởng cho đào tạo nghề và người học được lựa chọn kỹ qua tuyển sinh của riêng ngành nghề với những tiêu chuẩn riêng của ngành đòi hỏi.

Một vài suy nghĩ về tình hình giảng dạy và học tập trong ngành nghề công tác xã hội. Số người đang được đào tạo sẽ ra trường, Họ cần phải học thêm ở môi trường thực thi nghề nghiệp những gi chưa được giảng dạy tại trường lớp. Rồi sẽ có bao nhiêu người theo được nghề, bao nhiêu người bỏ cuộc vì mưu sinh. Tương lai phát triển của nghề công tác xã hội còn đang tuỳ thuộc vào cấp quản lý vĩ mô và các thầy cô quản lý và giảng dạy ở các trường đại học hiện nay và còn nhiều thử thách.

Người trong nghề ( 02/04/2008)

Không có nhận xét nào: