8 tháng 4, 2008

KẾT QUẢ ĐIỀU TRA VỀ NHÂN CÁCH NGƯỜI THEO PHƯƠNG PHÁP NEO PI_R


KẾT QUẢ ĐIỀU TRA VỀ NHÂN CÁCH NGƯỜI THEO PHƯƠNG PHÁP NEO PI_R 04
Các cuộc điều tra giá trị này cho thấy một loạt các giá trị và thái độ có liên quan đến chính trị, lao động, nghề nghiệp, tôn giáo và chuẩn mực giới tính, giáo dục và nuôi dậy trẻ đều có sự chuyển đổi theo chiều hướng có thể tiên đoán được đó là sự chuyển đổi từ chỗ mang tính duy vật và hiện đại sang hậu duy vật và hậu hiện đại.

I - Khái niệm giá trị

1. Về khái niệm giá trị

Đây là một khái niệm công cụ quan trọng của đề tài. Vì vậy cần xem giá trị nói trong khoa học là gì? Chữ “giá trị” có nhiều nghĩa thường trong đời sống hàng ngày ta hay gặp thuật ngữ này để nói lên giá cả ở nơi mua bán, giá thành ở nơi sản xuất. Kinh tế học thường đề cập đến giá tri sử dụng và giá tri trao đổi. Người ta cũng hay nói: "Cái gì cũng có cái giá của nó” với ý là muốn được một cát gì đó thì phải mất một cái gì đó, như công sức, tiền tài hay một sự chịu đựng thậm chí đến tổn thương tinh thần.

Nói một cách tổng quát toàn bộ sự tồn tại ở loài người trên thế giới này bao gồm các giá trị vật chất và giá trị tinh thẩn - các giá trị bảo đảm sự tồn tại, cuộc sống của con người. cộng đồng. Giá trị như là đối tượng của khoa học về giá trị là các giá trị tinh thần, không nghiên cứu các giá trị vật chất. Các giá trị vật chất nằm ngay trong sự vật, hàng hoá... Còn giá trị tinh thần nói lên ý nghĩa của sự vật, hàng hoá đối với từng người. nhóm người. cộng đồng, dân tộc nhân loại. Có các giá trị vật chất có sẵn trong thiên nhiên như sông, núi, đất, nước...

Ví dụ, cái hoa có giá trị vật chất, được con người đánh giá là đẹp nó lại có giá trị tinh thần, và như một cái đẹp tự nhiên được đánh giá chi tiết hơn nói lên ý nghĩa với từng trường hợp cụ thể như: đẹp duyên dáng, đẹp kinh hồn, đẹp trang trọng, đẹp lộng lẫy, đẹp hấp dẫn, đẹp khôi hài... Đó là các giá trị tinh thần do con người tạo ra. Cũng có giá trị vật chất do lao động của con người làm ra như các sản vật thoả mãn các nhu cầu ăn, ở đi lại.

Bản thân các vật thể này chứa đựng giá trị nội tại có thể dùng vào việc này hay việc khác, ta gọi đó là các giá trị sử dụng. Khi các sản vật này trở thành hàng hoá, đem trao đổi giữa người này với người kia, lúc đó sản vật có giá trị trao đổi. Sở dĩ, các sản vật này trở thành giá trị vì nó thoả mãn nhu cầu này hay nhu cầu khác của con người. Và khi nào sự thoả mãn nhu cầu này được con người nhận ra ý nghĩa của vật thể hay sản phẩm đó đối với cuộc sống của bản thân, nhất là khi nhu cầu ấy trở thành ước muốn (động cơ của hoạt động), vật thể, sản phẩm trở thành mục đích của một hoạt động cụ thể, khi đó ta có các giá trị tinh thần, thúc đẩy con người phải làm cái này, không làm cái kia. Khoa học giá trị nghiên cứu các giá trị này. Ở đây ta thấy vấn đề nghiên cứu giá trị rất gắn bó với nghiên cứu hoạt động tâm lý con người. Cách hiểu khái niệm giá trị trong giá trị học có quan hệ chặt chẽ với khái niệm chủ thể: tính chủ thể. Tính chủ thể biểu hiện rõ nhất ở tính mục đích của hoạt động, mà mục đích của hoạt động bao giờ cũng là làm sao đạt tới cái mà mình coi nó là giá trị đối với bản thân.

Từ đó, có thể đi tới định nghĩa giá trị là cái quy đinh mục đích của hoạt động. Đó là vấn đề sống còn của từng con người, mà tổng hợp lại có thể nói rằng vấn đề giá trị đi theo suốt đời người: xác định hệ giá trị, thang giá trị, thước đo giá trị, định hướng giá trị (gọi tắt là xác định giá trị), rồi theo đuổi giá trị, biểu hiện giá trị, thực hiện giá trị.

Như vậy là, nói đến giá trị là nói đến đánh giá, tìm ra ý nghĩa của sự vật này, sản phẩm kia mà chủ thể quan tâm tới, có ước muốn đạt được để thực hiện một mục đích nào đấy. Đó là thái độ (hệ thống thái độ) của từng con người đối với xung quanh, cũng tức là một phần cực kỳ quan trọng trong lối sống cách sống. Hệ thống thái độ con người, đó là nhân cách của con người, cá tính của nó. Trong đó, có cả nhận thức, triết lý, tình cảm, tâm trạng, tâm thế và hành động. Tất cả những gì con người đã sống, đang sống và sẽ sống, ta gọi là vốn trải nghiệm. Theo lý thuyết hoạt động trong tâm lý học đời người là một dòng hoạt động. Dưới góc độ của giá trị học, đời người là tổng các giá trị do người đó tạo nên, tiếp thu, chấp nhận, lấy làm chuẩn mực bằng dòng hoạt động của bản thân.

Tổng các giá trị này là văn hoá của người đó. Trong đời sống hàng ngày con người có các phán đoán về các giá trị: thái độ ủng hộ giá trị này, phản đối giá trị kia, đánh giá giá trị này cao. coi giá trị kia thấp.... Cuộc điều tra giá trị ở đây là điều tra các phán đoán đó, các thái độ đó. Các cuộc điều tra giá trị trên thế giới, trong từng khu vực lâu nay cũng đã và đang làm như vậy. Mấy thập kỷ qua đã xác định cơ sở khoa học và thực tiên của các cuộc điều tra này, chứng minh tính khách quan, độ chính xác, độ tin cậy và tác dụng của chúng đối với quản lý cùng với các giá trị cá thể - có chỗ gọi là giá trị nhân cách - có các giá trị của cộng đồng mà ta gọi là các giá trị xã hội, ở đây trình bày kết quả điều tra các giá trị, xã hội tức là những yếu tố trong đời sống tinh thần được cả xã hội.

Cùng với các giá trị cá thể - có chỗ gọi là giá trị nhân cách - có các giá trị của cộng đồng mà ta gọi là các giá trị xã hội, ở đây trình bày kết quả điều tra các giá trị. xã hội tức là những yếu tố trong đời sống tinh thần được cả xã hội quan tâm, nói một cách chính xác hơn, từ các giá trị này (cùng với các giá trị khác), tạo dựng lên xã hội, như giá trị dân chủ, niềm tin xã hội của các cộng đồng từ các đơn vị cơ sở đến cộng đồng tộc người, cộng đồng các dân tộc cư trú trên lãnh thổ một đất nước như Việt Nam, cộng đồng các dân tộc một vùng như Đông Nam Á, Đông Ávà cộng đồng toàn thể loài người. Trong cộng đồng có các giai tầng, giai cấp, như công nhân, nông dân, trí thức mà cuộc điều tra NVS - 2003 trình bày ở đây đã tiến hành điều tra các giá trị ở các giai tảng này. Có thể tiến hành điều tra theo lứa tuổi học sinh, sinh viên, lao động trẻ...

Trong các cuộc điều tra giá trị giới thiệu ở đây, người ta đều tập trung vào tìm hiểu ý kiến phán đoán thái độ của những người được hỏi đối với một giá trị nào đấy, với các phương pháp khoa học được tính toán và rút kinh nghiệm qua thời gian hàng gần thế kỷ nay mở đầu từ R.Hartman đã toán học hoá, với công cụ thống kê hiện tại, bảo đảm độ chính xác tin cậy từ việc soạn các câu hỏi (được gọi là các giá trị), việc chọn mẫu, chọn người để hỏi theo phương pháp xác xuất mang tính đại diện cho cả một nhóm dân cư của từng vùng và cả nước. Từ chỗ tính toán các số liệu với sự mô tả trên các tư tưởng phương pháp luận nhất định, đánh giá, phân tích... đi đến các nhận định về một nét tình hình nào đó của xã hội tương ứng, như thái độ của người dân đối với giá trị dân chủ, giá trị thị trường, giá trị niềm tin...

Cao hơn nữa, có thể đi đến đưa ra giả định về xu thế của xã hội sẽ tiến tới, như xu thế từ truyền thống sang thế tục trong các quan niệm đạo đức, văn hoá... của trào lưu hiện đại hoá xã hội ngày nay.

Các giá trị nghiên cứu trong công trình này là các giá tri hiện hữu (có người gọi là giá trị bộc bạch), các giá trị đang tồn tại trong não được phát biểu ra bằng phán đoán (thái độ) đối với một giá trị nào đấy. Bên cạnh giá trị hiện hữu còn có giá trị tiềm tàng (có người gọi là giá trị ẩn dụ) là các giá trị cũng tồn tại trong não người nào đó, nhưng chưa phát biểu ra thành phán đoán, chưa bộc lộ thái độ đối với một giá trị nào đó.

Trong các giá trị này phổ biến nhất là các giá trị xã hội, trong đó các giá trị cốt yếu nhất đối với cuộc sống (đối với nhân loại) gọi là giá trị nhân loại như giá trị hòa bình hợp tác, khoan dung, dân chủ..., đối với dân tộc: độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. bản sắc.... đối với con người: phát triển con người. thu nhập. việc làm, quyền con người,...gọi là các giá trị cốt yếu (có khi còn gọi là giá tri khởi thuỷ) giá trị sống còn. Có người còn cho rằng loài người có cả giá trị vĩnh hằng (thiên đường, niết bàn…).
Căn cứ vào luận điểm, mỗi thế giới đều có 3 chiều kích: Nội tại, ngoại tại và hệ thống, R.Hartman ( 1910 - 1973 ) đã đưa ra 3 chiều kích của giá trị để đi đến các thước đo giá trị.

a) Giá trị nội tại là giá trị cá thể hay giá trị tinh thần, được xác định qua vô số các đặc điểm bằng vô số cách đo, được mô tả như là giá trị của bản thân sự vật hay bản thân cá thể người. Thước đo giá trị ở đây là sự đồng cảm, lòng tự tin, xác định giá trị của bản thân sự vật và của riêng cá thể người.

b) Giá trị ngoại tại là giá trị thực tiễn, gắn vào hoàn cảnh, được xác định qua một số thuộc tính nhất định, được mô tả qua các quan điểm trừu tượng, giá trị so sánh, nhóm lớp các sự vật họ hàng, cụ thể, giá trị tốt, tốt hơn, tốt nhất, các giá trị vật chất, thực tiễn. Thước đo giá trị là một phán đoán thực tiễn hay ý thức về vai trò. Xác định xem sự vật này có giống sự vật khác không, xếp vào lớp sự vật nào.

c) Giá trị hệ thống là quan điểm giá trị hay giá trị lý thuyết, được xác định qua một số thuộc tính hữu hạn, được mô tả qua kiến tạo của tâm trí hay ý tưởng, giá trị của sự hoàn thiện, vật trắng hay vật đen. tính phù hợp, thứ tự diễn dịch logic, tính kiên định. uy quyền, vận dụng vào mọi vật là bộ phận của hệ thống, Thước đo giá trị là hệ thống phán đoán và phương hướng của bản thân, xem sự vật này được đo đạc có thích hợp không.

2. Quan điểm biến đổi trong nghiên cứu giá trị

Từ những năm 1950 những nghiên cứu về giá trị bằng phương pháp thực nghiệm đã bắt đầu được tiến hành và phát triển. Những nghiên cứu thực nghiệm về giá trị trong giai đoạn đầu này triển khai trên cơ sở lý thuyết của Parsons nhằm đi tìm các "giá trị cơ bản" (basic values) là những giá trị được cho rằng một khi đã hình thành thì khó thay đổi, bất chấp những rối loạn tâm lý xã hội, do đó có thể trở thành cơ sở đáng tin cậy của kế hoạch hoá. Vào thời bấy giờ rất phổ biến cách suy nghĩ cho rằng giá trị là một đại lượng xác định quan niệm, hy vọng và khả năng hành động xã hội, đại lượng này ổn định và bền chắc khó biến đổi hoặc nếu có biến đổi cũng diễn ra trong khoảng thời gian rất dài.

Nhưng bước vào thập kỷ 70 suy nghĩ trên đã thay đổi đánh dấu bằng những nghiên cứu thực nghiệm về giá trị trên một quan điểm mới mang tính đối lập đó là những quan điểm coi giá trị có thể biến đổi hay những quan điểm về sự biến đổi lâu dài của giá trị được gọi là hệ khái niệm biến đổi giá trị. Những nghiên cứu trong giai đoạn này được tiến hành trên cơ sở các quan niệm tâm lý học với một nhân vật trung tâm là Ronald Inglehart.

Lần đầu tiên trong một bài viết vào năm 1971, Inglehart đã đưa ra một lập luận cho rằng có chuyển đổi về giá trị giữa các thế hệ từ giá trị duy vật (hay hiện đại) sang hậu duy vật hay (hậu hiện đại) đang diễn ra trong các xã hội công nghiệp tiên tiến. Luận điểm về sự chuyển đổi giá trị giữa các thế hệ này của Inglehart đã vấp phải một sự phản kháng mạnh mẽ của dư luận các nhà nghiên cứu thời bấy giờ khi họ cho rằng sự thay đổi chẳng qua chỉ là sự khác biệt về vòng đời, và sự khác biệt về vòng đời này sẽ mất đi khi thế hệ những người trẻ hơn sẽ già đi là lập luận về vòng đời này ngụ ý rằng không hề có sự biến đổi xã hội nào diễn ra cả.

Tuy nhiên bước vào thập kỷ 90 thì những người chống lại quan điểm Inglehart cũng bắt đầu phải đi đến chỗ công nhận rằng không còn nghi ngờ gì nữa ở các nước phương Tây định hướng giá trị đang chuyển dịch. Với kết quả của một nghiên cứu đồ sộ được sự tài trợ của Quỹ Khoa học Châu Âu với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học xã hội của nhiều nước trên thế giới, người ta đã đi đến kết luận rằng sự chuyển đổi hướng tới các giá trị hậu hiện đại đang thực sự diễn ra. Không những thế người ta còn cho rằng có những bằng chứng về sự tồn tại của mô hình biến đổi xã hội từ sự biến đổi giá trị, và từ sự biến đổi giá trị sang biến đổi thái độ và hành vi chính trị. Tuy nhiên lập luận của Inglehart về sự chuyển đổi của giá trị về cơ bản vẫn xuất phát từ giả thiết cho rằng những giá trị một khi đã hình thành sẽ ổn định cao độ suốt cuộc đời, vì vậy sự chuyển đổi giá trị trong lập luận của ông (từ duy vật sang hậu duy vật) thực ra là sự chuyển đổi lâu dài giữa các thế hệ mà chủ yếu là do lớp thanh niên thực hiện.

Đó là lớp người được sống trong điều kiện thịnh vượng về kinh tế vào những năm tháng của tuổi trưởng thành và với kinh nghiệm sâu sắc này giải toả được tâm lý chịu đựng sức ép của thiếu thốn đã hình thành một hệ thống giá trị hậu duy vật. Tuy vậy trong khi những người theo chủ nghĩa duy vật vẫn tiếp tục nắm giữ các vị trí quyền lực chủ chốt của xã hội thì những người theo chủ nghĩa hậu duy vật chỉ có thể dần dán ảnh hưởng, lấn át những người theo chủ nghĩa duy vật, và xuất phát từ những người duy vật quan điểm căng thẳng phản kháng xã hội và chính trị sẽ lan truyền rất.

Mặc dù không phải là không còn những phê phán gay gắt chống lại Inglehart nhưng có thể nói thuyết biến đổi giá trị của ông đã thu được thành công, được chấp nhận rộng rãi và thu hút được sự chú ý có lẽ bởi phương pháp thực nghiệm tiến hành trên quy mô thế giới về điều tra giá trị. Ông đã tiến hành điều tra về quan điểm giá trị ở rất nhiều vùng (gần 90 vùng) trên thế giới với cùng một bộ công cụ lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài hàng chục năm để chứng minh cho giả thuyết về sự biến đổi giá trị lâu dài qua các thế hệ. Kết quả các cuộc điều tra này đã cho thấy trong xã hội công nghiệp đã có sự biến đổi về hệ thống và quan điểm giá trị từ hiện đại chuyển sang hậu hiện đại, sự biến đổi này liên quan chặt chẽ với sự biến đổi ở tất cả các mặt văn hoá, kinh tế và xã hội cũng theo hướng từ hiện đại sang hậu hiện đại.

Các cuộc điều tra giá trị này cho thấy một loạt các giá trị và thái độ có liên quan đến chính trị, lao động, nghề nghiệp, tôn giáo và chuẩn mực giới tính, giáo dục và nuôi dậy trẻ đều có sự chuyển đổi theo chiều hướng có thể tiên đoán được đó là sự chuyển đổi từ chỗ mang tính duy vật và hiện đại sang hậu duy vật và hậu hiện đại. Sự biến đổi qua các thế hệ biểu hiện ở chỗ những ưu tiên giá trị của người già và người trẻ khác nhau, người già có thái độ tương tự như những người duy vật và người trẻ có thái độ tương tự như người hậu duy vật. Tuy nhiên không phải tất cả các nước tiến hành điều tra giá trị thế giới đều cho thấy những biểu hiện thay đổi giá trị theo chiều hướng giống nhau mà thực ra có sự khác nhau tuỳ theo nước. Ví dụ có những nước hầu như đã hoàn thành hiện đại hoá chuyển sang hậu hiện đại như Bỉ, Hà Lan, Pháp, ở đó có rất nhiều người theo khuynh hướng hậu hiện đại, hậu duy vật trong khi đó còn rất nhiều nước khác vẫn đang tiến hành hoặc mới bắt đầu công cuộc công nghiệp hoá ví dụ như Nam Phi là nước ít có khả năng nhất để vận động nhanh chóng tới các giá trị hậu hiện đại.

Nói chung, theo Inglehart, có thể phân biệt một cách khái quát giữa xã hội tiền công nghiệp, hiện đại đang chuyển sang công nghiệp hoá và hiện đại hoá với xã hội đã tiến hành xong công nghiệp hoá, hiện đại hoá chuyển sang hậu hiện đại hoá ở một tính cách cơ bản nhất là xã hội đầu có tình trạng sinh tồn bất an và xã hội sau có tình trạng sinh tồn an toàn, ổn đinh. Tương ứng với xã hội đầu là chủ nghĩa duy vật nhấn mạnh an toàn kinh tế/ và vật chất còn tương ứng với xã hội sau là chủ nghĩa hậu duy vật nhấn mạnh tự thể hiện mình và chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, tương ứng với hai xã hội này là hệ thống giá trị - thái độ tiền công nghiệp, hiện đại và hệ thống giá trị hậu hiện đại (công nghiệp và hậu công nghiệp) với những nét tương phản như sau:

Hai hệ thống giá trị tương phản

Sinh tồn bất ổn
(Tiền công nghiệp) Sinh tồn an toàn
(Công nghiệp và hậu công nghiệp)

1/ Chính trị:
Nhu cầu về một lãnh đạo mạnh
Mệnh lệnh tuân thủ
Bài ngoại/ Chủ nghĩa chính thống

Không nhấn mạnh quyền uy chính trị
Tự thể hiện, tham gia
Hấp dẫn trước sự mới lạ

2/ Kinh tế:
Ưu tiên phát triển kinh tế
Mục tiêu thành đạt
Sở hữu cá nhân VS (đối) Nhà nước

Ưu tiên hàng đầu cho chất lượng cuộc sống
Hạnh phúc cá nhân
Giảm uy quyền sở hữu tư nhân và Nhà nước

3/ Chuẩn giới tính gia đình:
Đẻ nhiều nhất nhưng chỉ trong gia đình quan hệ giới tính 2 bố mẹ

Thoả mãn giới tính cá nhân. Tự thể hiện cá nhân
4. Tôn giáo:
Nhấn mạnh đấng tối cao
Những nguyên tắc tuyệt đối
Nhấn mạnh vào định mệnh tiên tri

Giảm quyền uy tôn giáo
Nguyên tắc linh hoạt, luân lý tuỳ thời
Nhấn mạnh ý nghĩa và mục đích cuộc sống


3. Một số cuộc điều tra giá trị trên thế giới

Hiện nay trên thế giới có nhiều Tổng Công ty (TCT) đo đạc điều tra giá trị, trong đó có TCT Carpenter đặt trụ sở ở Nashville, bang Tennessee (Mỹ), có 500 Công ty con, là Công ty đo đạc giá trị lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới.

Khoa học về giá trị đã hình thành và hoạt động một cách tích cực, nhất là từ nửa sau thế kỷ XX. Trong đó, phải kể đến một số sau:

Từ những năm 80, (1) đã có một cuộc điều tra về giá trị ở Châu Âu. Trên cơ sở kết quả, tác dụng và kinh nghiệm của cuộc điều tra này, từ năm 1990 người ta đã tổ chức (2) những cuộc điều tra giá trị thế giới (WVS), và Việt Nam bắt đầu tham gia vào vòng 4 của WVS từ năm 2001. Dự án này (WVS) đang tích cực chuẩn bị tiến hành vòng 5 vào năm 2005 - 2006.
Từ kết quả, hiệu quả, kinh nghiệm của WVS, vào những năm cuối thế kỷ trước và đầu thế này đã có các dự án điều tra giá trị ở các châu lục, được gọi là Hàn thử biểu: (3) Hàn thử biểu Đông Á(4) Hàn thử biểu Nam Á, (5) Hàn thử biểu Châu Phi, (6) Hàn thử biểu Mỹ-latinh. Năm (2004), Hàn thử biểu Đông Á và Nam Á hợp lại thành (7) Hàn thử biểu Châu Á, chuẩn bị điều tra vòng II, sẽ tiến hành vào năm 2005 - 2006. Việt Nam đã được mời tham gia vào Hàn thử biểu Châu Á. Điều tra giá trị Châu Âu đi vào giai đoạn phát triển mới gọi là Điều tra mới về giá trị Châu Âu. Gần đây (2003), Viện Nghiên cứu con người cùng (8) Đại học Glasgow (Anh) tiến hành một cuộc điều tra giá trị.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên có cuộc điều tra giá trị tiến hành vào năm 1993 - 1994, tổ chức trong phạm vi chương trình khoa học công nghệ Nhà nước KX-07: Đầu thế kỷ mới KX.05-07 lại tổ chức cuộc điều tra giá trị xã hội và điều tra giá trị nhân cách. Tuy điều tra giá trị đối với chúng ta hãy còn mới mẻ vừa làm, vừa học, học từ những vấn đề cơ bản. như trong báo cáo này đã giới thiệu, phần nào hy vọng có chút ít đóng góp vào sự phát triển khoa học xã hội ở nước ta trong thời kỳ mới.

4. Mô hình lý thuyết về quan điểm giá trị

Nếu căn cứ vào vấn đề "con người đặt giá trị ở đâu? (mặt thứ hai của ý nghĩa giá trị) thì có hai mô hình lý thuyết nổi tiếng thế giới về quan điểm giá trị, đó là lý thuyết của E.Spranger và C.Morris. Spramger sử dụng phương pháp thấu hiểu để khảo sát một số lĩnh vực trong cuộc sống xã hội của con người, từ đó rút ra 6 mô hình phương hướng hay lĩnh vực liên quan đến giá trị như sau:

- Mô hình lý luận: trong đó quan điểm giá trị thống trị là nhận thức phổ biến và chân lý thoả đáng đối với đối tượng, trọng tâm cuộc sống của những người thuộc mô hình này có quan điểm giá trị được đặt vào việc truy tìm chân lý và nhận thức phổ biến.

- Mô hình kinh tế: trong đó quan điểm giá trị thống soái là tính hiệu quả, tính kinh tế như “được mất” đánh giá mọi sự vật trên quan điểm hiệu quả và kinh tế, nhìn nhận thời gian và không gian, hành động của con người cũng từ góc độ ấy

- Mô hình thẩm mỹ: trong đó quan điểm giá trị về cái đẹp thống trị toàn bộ cuộc sống của những người thuộc mô hình này, họ theo đuổi cái đẹp trên lập trường tự do vượt lên mọi giới hạn của hiện thực.

- Mô hình xã hội: trong đó tình yêu con người thống trị toàn bộ cuộc sống của những người thuộc mô hình xã hội, họ trải nghiệm qua sự thăng tiến của giá trị với những hành vi xã hội quên mình vì người khác.

- Mô hình quyền lực: trong đó ý chí quyền lực chi phối tất cả, giá trị trung tâm đặt vào việc làm thế nào để chi phối mọi sự vật và xã hội theo ý mình.

- Mô hình tôn giáo: trong đó toàn bộ cơ cấu tinh thần hướng vào việc liên tục sản sinh ra những kinh nghiệm giá trị thoả mãn cao nhất và đáy đủ nhất.

Những mô hình phương hướng này nói một cách khác chính là thang giá trị chi phối mọi hành vi, lối sống, ứng xử của cá nhân (ví dụ cá nhân theo mô hình kinh tế thường lấy tiêu chuẩn "được mất" để đánh giá và quyết định hành vi và phương tiện thực hiện hành vi...).

Còn Morris thì kiểm tra so sánh triết học nhân sinh chủ yếu trong lịch sử tư tưởng và rút ra ba loại hình cơ bản liên quan đến cách sống của con người (mô hình deonisos, mô hình promesius, mô hình buddha) để từ đó đưa ra 13 mô hình sống cơ bản là: kiểu trung dung, kiểu triệt để, kiểu yêu thương, kiểu thụ lạc, kiểu hợp tác, kiểu nỗ lực, kiểu đa sắc, kiểu an lạc, kiểu thụ nhận, kiểu kìm nén (chiến thắng bản thân), kiểu suy tưởng, kiểu hành động, kiểu phục vụ.

Nếu so sánh hai lý thuyết này với nhau thì có thể thấy rằng mô hình Spranger nhìn giá trị từ đặc tính thái độ, mô hình Morris mang màu sắc nhân sinh quan hơn. Nhưng dù đứng trên mô hình nào thì cũng cần có cơ sở giá trị là tôn trọng con người, sinh mạng con người - vấn đề gốc rễ của tồn tại người. Đó cũng cần trở thành nội dung giáo dục quan trọng nhất đối với lứa tuổi trẻ ngày nay.


Theo Cuốn Nghiên cứu giá trị nhân cách theo phương pháp NEO PI-R cải biên, Nxb Khoa học xã hội

Không có nhận xét nào: