17 tháng 4, 2008

Một số hạn chế của các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và xã hội


Một số hạn chế của các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và xã hội
Một trong các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo Lồng ghép giới trong các chính sách về lao động và xã hội do Bộ LĐ-TBXH phối hợp cùng Văn phòng ILO Việt Nam tổ chức tại TP. Hạ Long ( Quảng Ninh) vừa qua là "những điểm hạn chế của các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động- xã hội".
Nhìn chung, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, mặc dù Luật bình đẳng giới ra đời là cơ sở quan trọng nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, các quy định về quyền bình đẳng giới còn tản mạn, được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau, với nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều quy định còn chung chung, mang tính định hướng, tuyên ngôn, thiêú cụ thể, không mang tính quy phạm, chưa cụ thể hoá đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, nhiều quy định biện pháp chế tài thực hiện có tính cưỡng chế không cao, do đó nhiều hành vi vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ không bị xử lý, hoặc xử lý nhẹ, không có tính răn đe. Cùng với đó, cơ chế phối hợp bảo đảm thực hiện các quyền bình đẳng giới, cơ chế tài chính hỗ trợ đảm bảo các quyền bình đẳng giới còn hạn chế. Chưa "vươn tới" điều chỉnh được các quan hệ xã hội mới phát sinh do những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.
Riêng trong lĩnh vực lao động- xã hội, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ LĐ-TBXH Hà Đình Bốn trong phần tham luận của mình đã chỉ ra một số bất hợp lý, chưa được khắc phục trong Luật bình đẳng giới, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 37 của Bộ luật Lao động, thì người lao động nữ có thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu có giấy của thầy thuốc chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Quy định chấm dứt hợp đồng lao động như vậy đã làm hạn chế cơ hội được làm việc của lao động nữ sau khi sinh đẻ trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thai nhi.
+ Thứ hai, quy định khoản 3, Điều 115 của Bộ luật Lao động thì người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, mà vẫn hưởng đủ lương là không hợp lý và bất lợi cho người lao động trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là trong các trường hợp người lao động làm việc theo dây chuyền sản xuất.
+ Thứ ba, theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12 /2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 05/11/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức thì điều kiện về thời gian để được nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức phải là 5 năm; 03 năm hoặc 2 năm tuỳ theo từng ngạch công chức, tức là công chức, viên chức phải làm việc và hưởng lương ở bậc đó trong thời gian 5 năm; 03 năm hoặc 2 năm. Theo quy định này thì thời gian lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian giữ bậc lương để được nâng bậc lương. Trong khi đó, pháp luật về bảo hiểm xã hội lại quy định trong thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản thì tiền lương của người lao động do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả ( người sử dụng lao động không phải trả tiền lương này ) và được coi là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội.
Về các quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 về chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; tử tuất; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nói chung đã thể hiện được nguyên tắc bình đẳng nam, nữ. Tuy nhiên, về tuổi được hưởng lương hưu, mức lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu quy định tại Điều 50, khoản 1, Điều 52 và khoản 1, Điều 54 thì Luật bảo hiểm xã hội chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng về giới, hay nói cách khác là còn có sự phân biệt về tuổi được hưởng lương hưu, mức lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Có thể nói rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 13, Luật bình đẳng giới, thì nam, nữ bình đẳng về bảo hiểm xã hội tức là tuổi được hưởng lương hưu, mức lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của nam, nữ là như nhau; không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Đây là một điểm mới của Luật bình đẳng giới so với quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay với thị trường lao động mới được hình thành và phát triển; môi trường lao động; sức khoẻ của người lao động; sự già hoá dân số; đồng thời, để phát huy được nguồn nhân sự và trí sáng tạo của công chức, viên chức trong một số nghề thì tuổi nghỉ hưu của nam công chức, viên chức bằng tuổi nghỉ hưu của nữ công chức, viên chức. Về mức lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được điều chỉnh theo hướng tuổi nghỉ hưu như nhau thì mức lương hưu và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là như nhau.
Trên cơ sở đã tổng hợp các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới chưa được quy định bằng pháp luật mà lẽ ra phải phải điều chỉnh bằng pháp luật (hiện tại các quan hệ này đang được điều chỉnh bằng quan hệ đạo đức, phong tục tập quán điều chỉnh, ví dụ như: cha mẹ có quyền giáo dục con cái bằng roi vọt, con gái không cần học nhiều, con trai đương nhiên được thừa hưởng tài sản cha mẹ, con gái chỉ đựơc một ít của hồi môn, chồng có quyền dạy vợ, phụ nữ phải phục vụ chồng con... những quy định không thành văn trên tuy đã được pháp luật điều chỉnh song còn rất chung chung, thiếu cụ thể còn nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng, do đó hầu hết phụ nữ đều bị thiệt thòi. Vì vậy, trong thời gian tới, cần bổ sung các quy định này.
Tuấn Cường ( tổng hợp)

Không có nhận xét nào: