28 tháng 4, 2008

Tiếp tục đấu tranh phòng chống mại dâm và tệ nạn ma tuý


Tiếp tục đấu tranh phòng chống mại dâm và tệ nạn ma tuý
Ngày 11/3/2008, tại Hà Nội, Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức toạ đàm báo chí về công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện phục hồi.
Báo cáo của Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, về công tác phòng, chống mại dâm, năm 2007, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chữa trị cho 5.104 đối tượng mại dâm , trong đó tại Trung tâm 2.597, tại cộng đồng 2.507 đối tượng. Số được dạy nghề, tạo việc làm là 3.714 đối tượng, đạt 102% kế hoạch. Nhiều địa phương, số gái mại dâm đưa vào Trung tâm giảm mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang…Tính đến hết tháng 12/2007, cả nước có 1715 xã, phường đăng ký xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội và có 8938 xã, phường (chiếm 80% tổng số xã, phường) không có tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, có 24/64 tỉnh, thành phố xây dựng được 1.152 Đội hoạt động xã hội tình nguyện với 10.039 tình nguyện viên hưởng phụ cấp hàng tháng phổ biến ở các mức 120.000 đồng, 100.000 đồng và 80.000 đồng, có tỉnh ở mức 250.000 đồng, 200.000 đồng và 120.000 đồng. Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp và tồn tại dưới nhiều hình thức, mại dâm nơi công cộng xảy ra ở nhiều địa phương, mặc dù đã được cơ quan chức năng đấu tranh xóa bỏ nhưng lại nhanh chóng tái diễn, hình thành các phố vẫy, tụ điểm đón khách bình dân. Các yếu tố môi trường dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm vẫn diễn biến. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc tạm ngừng cấp giấy phép đối với hoạt động vũ trường nhưng trên thực tế vẫn xuất hiện nhiều vũ trường hoạt động với hình thức, quy mô lớn. Năm 2005, cả nước có 104 cơ sở thì năm 2007 đã tăng 59% với 165 cơ sở. Công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn xử phạt vi phạm hành chính ở mức thấp, công tác triệt phá ổ nhóm mại dâm thường chỉ chú ý đến các tụ điểm ở khu vực trung tâm thành phố, không ít tụ điểm phức tạp ở nông thôn mặc dù đã được tố giác nhưng chậm được xử lý.
Về công tác cai nghiện phục hồi, đến hết năm 2007, cả nước có 134.157 người nghiện có hồ sơ quản lý và đã tổ chức cai nghiện cho 62565 lượt người, kể cả năm 2006 chuyển sang là 36.691 lượt người và số tiếp nhận mới trong năm 2007 là 25.874 lượt người; số được hỗ trợ vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện đạt 103% so với kế hoạch (25.874/25.000). Một số địa phương làm tốt công tác quản lý ssau cai nên tỷ lệ tái nghiện giảm rõ rệt như Tuyên Quang; Riêng Thành phố Hồ Chính Minh trong năm 2006-2007 có trên 11.000 người tái hòa nhập cộng đồng mới phát hiện tái nghiện 4,79%. Thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH của Quốc hội tại 7 tỉnh có đề án thí điểm quản lý, dạy nghề và giải quyết làm cho người sau cai nghiện, đến nay đã có trên 10.000 người đang thực hiện giai đoạn II của Đề án. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số đối tượng chuyển sang giai đoạn II để thực hiện Đề án sau cai là 7.758 người, 11.099 người hoàn thành giai đoạn sau cai đã được xét duyệt giải quyết tái hoà nhập cộng đồng, đặc biệt mới phát hiện khoảng 4,79% trong số này là tái nghiện. Tại Hà Nội, có 2 trung tâm được thành phố giao thực hiện thí điểm Đề án. Hiện 2 cơ sở này đang quản lý 743 người. Các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Bình Dương đang xây dựng và ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án.
Trong năm 2008, công tác phòng chống mại dâm, phấn đấu giảm 80% số tụ điểm mại dâm ở nơi công cộng, không phát sinh tụ điểm mới; đấu tranh, triệt phá, xử lý 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện; giảm 80% số cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường…) hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; Chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho 70% số người bán dâm có hồ sơ quản lý; giảm 59% tỷ lệ tái phạm; giữ vững số xã, phường, thị trấn hiện không có tệ nạn mại dâm, xây dựng mới ít nhất 10% xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm.
Về công tác cai nghiện phục hồi, phấn đấu cai nghiện mới cho từ 20-25% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý. Dạy nghề tạo việc làm cho 30-35% số người được cai nghiện ở cả trung tâm và cộng đồng. Cai nghiện phục hồi cho 50.000 người nghiện và dạy nghề, tạo việc làm cho 6.000 người. Hết năm 2008, bảo đảm từ 60-70% số người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện bằng hình thức này hoặc hình thức khác theo điều kiện từng địa phương./.
Mỹ Hạnh

Không có nhận xét nào: