5 tháng 4, 2008

Behavorial Approaches - TIẾP CẬN HÀNH VI


Behavorial Approaches
TIẾP CẬN HÀNH VI

Thuyết hành vi cổ điển
Tiếp cận hành vi là một trong những cố gắng rất lớn của tâm lí học thế giới đầu thế kỉ XX, nhằm khắc phục tính chủ quan trong nghiên cứu các hiện tượng tâm lí người thời đó. Kết quả đã hình thành một trường phái có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của tâm lí học Mỹ và thế giới thế kỷ XX, mà đại biểu xuất sắc là các nhà tâm lí học kiệt xuất: J Watson (1878 – 1958), E.Tolmen (1886 – 1959), E.L.Toocđai (1874 – 1949), B.Ph.Skinnơ (1904 – 1990)… Các nhà tâm lí học theo hướng tiếp cận hành vi phủ nhận việc nghiên cứu ý thức con người.

Theo họ, ý thức không đóng vai trò gì trong việc điều chỉnh hoạt động của con người và tâm lí học không thể nghiên cứu nó bằng phương pháp khách quan. Vì vậy, tâm lí học chỉ nghiên cứu hành vi con người mà thôi. Tâm lí (của cả người và động vật) chỉ là các dạng hành vi khác nhau. Hành vi là tập hợp các phản ứng của cơ thể đáp lại các kích thích từ môi trường bên ngoài. Nhiệm vụ của nhà tâm lí học là mô tả và lượng hoá các hành vi đó, đúng như nó diễn ra trong tình huống xác định. Phương pháp của nhà tâm lí học là quan sát khách quan và thực nghiệm các phản ứng của cơ thể khi có tác nhân kích thích, nhằm mục đích xác định tương quan giữa kích thích và phản ứng.

Hầu hết các thực nghiệm của trường phái hành vi được thực hiện trên động vật (chuột, chim bồ câu…), sau đó, các kết quả này được ứng dụng trên con người. Cơ sở sinh lí thần kinh được quan tâm trong các thực nghiệm là phản xạ có điều kiện. Cơ chế hình thành các hành vi là sự mò mẫm của chủ thể, theo nguyên tắc”thử và sai”, qua nhiều lần, cho tới khi xác lập được các phản ứng phù hợp, luyện tập và củng cố nó.

Các nhà hành vi chủ nghĩa coi nhẹ tính tích cực của chủ thể, đề cao vai trò của kích thích bên ngoài trong việc tạo ra các phản ứng. Vì vậy, nghiên cứu và điều khiển việc hình thành hành vi trí tuệ (cho cả động vật và con người) được quy về việc nghiên cứu tạo ra môi trường các kích thích, được sắp xếp theo logic cho phép hình thành các phản ứng mong muốn, tức là quá trình “điều kiện hoá hành vi”.

Theo các nhà tâm lí học hành vi, hành vi trí tuệ (của cả người và động vật) là các phản ứng có hiệu quả mà cá thể (chủ thể) học được, nhằm đáp lại các kích thích của môi trường sống. Trong các công trình của J. Watson, hành vi trí tuệ được đồng nhất với ngôn ngữ bên trong.

Từ đó, ông chia tư duy thành 3 dạng: thứ nhất, là các thói quen, kĩ xảo ngôn ngữ đơn giản (đọc 1 đoạn thơ hay đoạn văn ngắn mà không làm thay đổi trật tự từ); dạng thứ hai giải quyết các nhiệm vụ tuy không mới, nhưng ít gặp và phải có hành vi ngôn ngữ kèm theo (nhớ lại một đoạn thơ hay một sự kiện đã thoảng qua trong kí ức); dạng thứ ba: giải quyết các nhiệm vụ mới; buộc cơ thể lâm vào hoàn cảnh phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết bằng ngôn ngữ trước khi thực hiện một hành động cụ thể.

Như vậy, vấn đề học tập và kĩ xảo đạt được là trung tâm của tâm lí học hành vi. Theo các nhà hành vi, tư duy giống như kĩ xảo, nó được hình thành theo cơ chế phản xạ và luyện tập chúng.

Các học thuyết hành vi mới

Sự phát triển tiếp theo của hướng tiếp cận hành vi sau J. Watson đã dẫn đến phân hoá trường phái tâm lí học này thành 3 nhánh: 1. Tâm lí học hành vi bảo thủ, trung thành với các luận điểm ban đầu, có tính cơ giới về hành vi trí tuệ con người của J. Watson (Thuyết kích thích - phản ứng: S – R), đại biểu là Skinnơ; 2. Tâm lí học hành vi mới, có ý đồ nghiên cứu cả các yếu tố trung gian của chủ thể trong sơ đồ S - R, yếu đố đó chính là quá trình nhận thức (Thuyết S – S), đại biểu là E.Tolmen; 3. Tâm lí học hành vi chủ quan (Thuyết “TOTE” - chữ đầu của các từ tiếng Anh. T: Test, O: Operate; T: Test, E: Exit, tức là thuyết thử - thao tác - thử - thoát ra). Đại diện thuyết TOTE là O. Milơ, Galanter, Priham. Sự khác nhau giữa các thuyết trên tập trung vào 3 điểm sau:

Thứ nhất, nhân tố phát động 1 hành vi. Thuyết hành vi cổ điển cho rằng các phản ứng bên ngoài là nhân tố phát động hành vi của con người và con vật. Theo TOTE, nhân tố phát động hành vi của con người và con vật là quá trình ở trung ương thần kinh, trí nhớ, tâm thế, sự mong đợi…

Thứ hai, kết quả học tập. Thuyết (S – R) quan niệm kết quả học tập là kĩ xảo (trật tự nào đó của các cử động). Còn theo thuyết (S – S), kết quả học tập là “các cấu trúc nhận thức” (hay là sự phản ánh một tình huống nào đó).

Thứ ba: phương pháp ứng xử. Thuyết (S – R) cho rằng phương thức thích ứng là “thử và sai”, còn theo thuyết (S – S), tính chất và thành công của các hành vi phụ thuộc vào cấu trúc của tình huống khách quan quy định. Vì vậy, tổ chức (cấu trúc) tình huống quy định sự hoạt hoá của cá thể, nó quy định sự nắm bắt các quan hệ bản chất của tình huống. Ngược lại, thuyết TOTE, đề cao hình ảnh, kế hoạch của các phản ứng. Nói các khác, theo TOTE, những kinh nghiệm, tri thức đã có về hành vi, sự chỉ dẫn quá trình tiến hành hành vi đó sẽ quy định chất lượng của hành vi ứng xử.

Ngày nay, nhiều luận điểm của các nhà nghiên cứu trí tuệ theo hướng tiếp cận hành vi không còn phù hợp với sự phát triển của tâm lí học hiện đại. Tuy nhiên công lao không thể phủ nhận của các tiếp cận này là đã đưa tính chặt chẽ khoa học, khách quan vào việc nghiên cứu trí tuệ con người. Rõ ràng là, muốn nghiên cứu khách quan tâm lí cá nhân phải nghiên cứu hành vi của nó.

Muốn huấn luyện 1 chức năng tâm lí nào đó phải đưa chủ thể vào trong các điều kiện xác định, tức là phải tường minh hoá nội dung dạy học theo một quy trình chặt chẽ để qua đó có thể quan sát và kiểm soát được quá trình hình thành các hành vi tâm lí của người học. Tuy nhiên, sự cực đoan hoá yếu tố môi trường kích thích, coi nhẹ vai trò chủ thể người học sẽ dẫn đến sự "định mệnh xã hội” trong dạy học và phát triển.

Trích: Tâm lý học trí tuệ - Phan Trọng Ngọ (Chủ biên)

Không có nhận xét nào: