3 tháng 4, 2008
Phát triển nghề công tác xã hội - Một yêu cầu cấp thiết
Phát triển nghề công tác xã hội - Một yêu cầu cấp thiết
Ngày 27/3/2008, tại Ninh Bình, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển nghề công tác xã hội (CTXH). Tham dự, có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Sở Nội vụ các tỉnh, thành phía Bắc. Đây là một trong nhiều hội thảo được tổ chức thời gian qua nhằm nâng cao nhận thức về công tác xã hội và hướng tới phát triển đây là một nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và UNICEF đã trình bày về khái niệm, nhiệm vụ, vai trò, sự cần thiết của nghề công tác xã hội cũng như làm thế nào để đưa công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em thuộc UNICEF, nghề công tác xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết do những biến đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội và những tác động của quá trình đổi mới, dẫn đến những vấn đề và nhu cầu xã hội bắt nguồn từ những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng, tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa, sự chênh lệch và phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền, di cư từ nông thôn ra đô thị. Thêm vào đó là sự gia tăng của số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội ... Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa con người và con người, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại. Bà Loan cũng khuyến nghị, trong thời gian trước mắt, việc đào tạo nguồn nhân lực CTXH cần tập trung vào các lĩnh vực như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo trợ xã hội, người tàn tật và người cao tuổi, phòng chống tệ nạn xã hội và phát triển xã hội. Trong giai đoạn trung hạn, nhân viên xã hội cần được các bệnh viện và phòng khám tuyển dụng, có sự kết hợp cả các nhân viên xã hội chuyên trách và bán chuyên trách. Về số lượng, theo tính toán của UNICEF, để đạt được tỷ lệ 1 cán sự xã hội chuyên nghiệp/10.000 người dân, Việt Nam sẽ cần đội ngũ khoảng 8500 người trong các cơ quan Nhà nước trong vòng 5 năm tới, còn trong 10 năm nữa cần tăng lên 15.000 người; số lượng cán bộ bán chuyên nghiệp trong 5 năm tới là khoảng 25,000; và sẽ tăng lên 50.000 người trong 10 năm; cùng với đó là khoảng 150.000 cộng tác viên cấp xã. Thách thức của Việt Nam hiện nay là trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một đội ngũ cán bộ như vậy để đáp ứng được yêu cầu hay không?
Do vậy, cần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có, duy trì hệ thống đội ngũ cộng tác viên dân số trước đây.
Theo Dự thảo khung đề án phát triền nghề công tác xã hội ở Việt Nam do TS. Vũ Thị Lan, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trình bày,
tính đến năm 2007, nước ta có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ giúp xã hội; hàng vạn xã đặc biệt khó khăn và có các vấn đề xã hội; hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chỉ có đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội bán chuyên nghiệp (khoảng 15-20 nghìn người), những người làm việc theo bản năng và trực giác, thiếu nhận thức, hiểu biết và những kỹ năng cần thiết về công tác xã hội, do vậy hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội không cao và thiếu bền vững.
Sự thiếu hụt về nghề công tác xã hội ở Việt Nam thể hiện trên các lĩnh vực như: Nhận thức về nghề công tác xã hội còn rất mới mẻ và chưa đầy đủ; nước ta cũng chưa có một định hướng cụ thể nào về phát triển công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp, do vậy cơ sở pháp lý cho sự phát triển và đào tạo cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Mạng lưới nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp. Thêm vào đó, vì chưa có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ, nhân viên công tác xã hội nên chất lượng đội ngũ này hiện còn hạn chế.
Theo TS. Vũ Thị Lan, đây là dự thảo Đề án lần thứ 2 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 8 tới. Mục tiêu tổng thể của Đề án là từng bước phát triển CTXH thành nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam để đến năm 2015 có thể áp dụng phổ biến trong các lĩnh vực xã hội, góp phần giúp đỡ các đối tượng khó khăn, giải quyết các vấn đề xã hội.
Các hợp phần chính của đề án sẽ bao gồm:
+ Xây dựng hệ thống văn bản mang tính pháp lý cho phát triển và hoạt động của CTXH, trong đó sẽ quy định quyền hạn của CBXH, các cơ sở cho cán bộ xã hội hành nghề, trước hết là bộ tiêu chuẩn chức danh nghề, hệ thống thang bảng lương, quy định đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên xã hội;
+ Xây dựng đội ngũ CBXH có trình độ đào tạo từ bậc trung cấp đến thạc sĩ với chương trình liên thông và chuyên ngành đa dạng;
+ Phát triển mạng lưới các tổ chức sử dụng cán bộ xã hội trong cung cấp các dịch vụ xã hội;
+ Xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội, xúc tiến thành lập Hiệp hội của những người làm CTXH, các trường đào tạo CBXH; tham gia Hiệp hội khu vực;
+Truyền thông, nâng cao hiểu biết và nhận thức về CTXH
+ Mở rộng hợp tác quốc tế trong phát triển CTXH.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận về các vấn đề liên quan đến nghề công tác xã hội như: kinh nghiệm quốc tế về hiệp hội cán bộ xã hội; xây dựng hệ thống chức danh tiêu chuẩn nghề công tác xã hội.
Đức Tùng
Nguồn:Molisa.gov.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét