23 tháng 4, 2008

Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên


Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên

Cộng đồng là một tập hợp công dân cư trú trong một khu vực địa lý, hợp tác với nhau về những lợi ích chung và chia sẻ những giá trị văn hoá chung.

Một số tổ chức chính trị - xã hội cũng có thể đại diện cho cộng đồng như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân...

Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường (BVMT) khác với sự tham gia của từng cá nhân, bởi vì trước hết cộng đồng là một tập hợp dân cư có lịch sử gắn bó lâu dài và chia sẻ nhiều đặc điểm chung. Chính vì vậy, cộng đồng là một tổng thể nên có những nét chung mà từng cá nhân tạo nên cộng đồng không có.
(Theo Bản tin Tài Nguyên và Môi Trường)

* Cộng đồng có vai trò gì trong công tác bảo vệ môi trường?

Những tính chất có sức mạnh nổi bật của cộng đồng là: tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung (sức mạnh tập thể bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh cá nhân); sự sáng tạo và duy trì các kiến thức bản địa (đây là một đặc trưng văn hoá phi vật thể, lan truyền và bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo ra sức sống của cộng đồng trong quá trình sản xuất và bảo vệ cuộc sống); lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, của quê hương gắn với tình yêu dân tộc, đó cũng chính là cuội nguồn lớn nhất của sức mạnh cộng đồng. Hiện nay công tác BVMT đang đứng trước thách thức to lớn, khi mà nhu cầu về một môi trường sống trong lành và an toàn luôn mâu thuẫn với nhu cầu hưởng thụ một đời sống vật chất sung túc. Nói cách khác, công tác BVMT đang phải đối mặt với các mẫu thuẫn trong suy nghĩ, thái độ, hành vi về môi trường giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội, giữa người này với người khác và ngay cả trong bản thân một con người. Để quản lý môi trường có hiệu quả, trước hết cần dựa vào các cộng đồng. Các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường phải là thể thống nhất, hài hoà và có sự tham gia của tất cả các cá nhân cũng như các tổ chức trong việc chăm sóc môi trường ở cơ sở để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. BVMT ở cơ sở xã, phường, thị trấn là một vấn đề còn mới mẻ, nhưng rất bức bách và gắn liền với lợi ích của cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng vào BVMT là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý, BVMT ở địa phương, vì qua các cấp quản lý hành chính (từ Trung ương đến cơ sở) thì càng xuống cấp thấp hơn vai trò của người dân càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của cộng đồng vào BVMT không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp BVMT, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện.

* Thế nào là sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên và BVMT?

Sự tham gia của cộng đồng là việc một cộng đồng được tham gia tư vấn ý kiến, tỏ thái độ và mối quan tâm của họ về một kế hoạch phát triển hay một qui hoạch phát triển kinh tế vùng, khu vực, hoặc kế hoạch sử dụng tài nguyên. Đây là cơ hội để người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình và bằng cách đó họ có thể làm ảnh hưởng đến sự ra quyết định của cấp có thẩm quyền. Điều này sẽ tác động rất lớn đến kế hoạch của một vùng rộng lớn, hoặc cũng có thể là một dự án nhỏ. Hình thức tham gia của cộng đồng có thể khác nhau: có thể là một chính sách về môi trường, qui hoạch vùng, xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp. Mức độ và loại hình tham gia của cộng đồng ở từng vùng mang tính đặc trưng riêng, đặc biệt còn tùy thuộc vào tâm lý, trình độ dân trí và khả năng nhận thức những vấn đề liên quan đến ý kiến tham vấn, đóng góp của cộng đồng.

Tham vấn của cộng đồng không phải luôn luôn được thỏa mãn, điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản như sau:

+ Nếu mục đích của các nhà đầu tư, nhà hoạch định kế hoạch là để tìm hiểu thái độ của cộng đồng đối với quá trình quy hoạch thì sự tham vấn của cộng đồng chỉ cần người đại diện; điều quan trọng là mọi ý kiến tư vấn đều phải được cởi mở, công khai và có tính xây dựng;

+ Những người ra quyết định, lập quy hoạch không nhất thiết phải đồng ý với những ý kiến của cộng đồng; tuy nhiên họ cần phải quan tâm đến cộng đồng một cách nghiêm túc và khi thấy cần thiết, hợp lý, họ phải có quyết định thay đổi quy hoạch, điều chỉnh quyết định.

* Tại sao cần có sự tham gia của cộng đồng?

Những quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng khu vực. Những người phải chịu tác động bao gồm những người sống, làm việc, học tập và người thường qua lại trong khu vực đó; do đó sự cần thiết phải có những ý kiến về những gì họ đang làm, những gì họ đang muốn, họ đang tìm hiểu.

Vai trò của cộng đồng trong quá trình giám sát và cưỡng chế tuân thủ Luật BVMT gồm: ngăn ngừa các hành vi vi phạm, phát hiện sự cố môi trường và các vi phạm, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Mô hình cộng đồng tham gia BVMT có ba nguyên tắc cơ bản, đó là: tăng quyền lực của cộng đồng, sự công bằng, tính hợp lý về sinh thái và sự phát triển bền vững.

Tăng quyền lực của cộng đồng là sự phát triển sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng mô hình BVMT thông qua việc các cơ quan quản lý khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và trao quyền lực chủ động cho cộng đồng trong những lĩnh vực cụ thể; tăng cường sự kiểm soát, sự tiếp cận của cộng đồng trong giải quyết một số vấn đề môi trường nào đó (như giải quyết một số vấn đề quản lý tài nguyên) sẽ tạo ra cơ hội tốt hơn cho lợi ích kinh tế của địa phương. Tăng quyền lực của cộng đồng có liên quan đến sự an toàn trong việc sử dụng tài nguyên; sự công bằng trong quản lý tài nguyên và triển khai các mô hình; quyền lợi tham gia các mô hình (như xác định các nhu cầu, thiết kế mô hình, thực thi và đánh giá kết quả cũng như tham gia vào các quyết định khác); xây dựng ý thức môi trường tự quản và xây dựng các mô hình tự quản về môi trường tại cộng đồng; việc giáo dục và huấn luyện về tài nguyên, môi trường, kiến thức về xây dựng mô hình.

Sự công bằng là sự bình đẳng giữa mọi cá nhân và tổ chức đối với cơ hội có được trong việc xây dựng các mô hình BVMT. Mọi người đều có quyền như nhau trong việc tiếp nhận thông tin, quyền được hưởng lợi ích trực tiếp và gián tiếp, lợi ích vật chất và chi phí vật chất, lợi ích trước mắt và lâu dài do việc triển khai các mô hình BVMT mang lại.

Sự tham gia của cộng đồng trong mô hình BVMT địa phương đòi hỏi cộng đồng nhận thức và tổ chức thực hiện các hoạt động của mình một cách hợp lý và bền vững về sinh thái. Những hoạt động được thực hiện cần phải tính đến ngưỡng chịu đựng của nguồn tài nguyên và sinh thái. Sự phát triển bền vững đòi hỏi phải cân nhắc, nghiên cứu trạng thái và bản chất của môi trường tự nhiên trong khi theo đuổi sự phát triển kinh tế mà không làm tổn hại đến lợi ích của thế hệ tương lai.

Có ba yếu tố hợp thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT, bao gồm: đáp ứng nhu cầu (đòi hỏi cộng đồng phải đủ khả năng duy trì, tạo ra hoặc thu được các sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho đời sống, sức khoẻ và phúc lợi của họ một cách bền vững), cải thiện và duy trì môi trường (gồm cả việc bảo tồn đất, tài nguyên nước, sử dụng tài nguyên sinh học, khống chế ô nhiễm, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường), tăng quyền lực của cộng đồng (là việc tạo thuận lợi cho các cộng đồng và cá nhân tự kiểm soát cuộc sống của mình, kể cả tạo ảnh hưởng đến các quyết định có tác động đến mình).

Mô hình BVMT có nhiều lợi ích đối với cộng đồng. Mô hình BVMT có thể tạo ra cơ hội mới về việc làm, huy động các nguồn lực và kỹ năng chưa được sử dụng của cộng đồng cho việc thực hiện các sáng kiến và sự đa dạng về nếp sống; nhiều mô hình BVMT dựa vào cộng đồng tuy kinh phí tư thấp, song lại có hiệu quả cao về sử dụng con người và tài nguyên vật chất. Trong cộng đồng đô thị cũng như nông thôn, các mô hình BVMT có tác dụng nâng cao trách nhiệm đối với môi trường địa phương. Với sự đảm bảo quyền sở hữu và quyền sử dụng sức mạnh của nhân dân có thể tạo lập phương hướng lâu dài và tổ hợp các mục tiêu kinh tế và BVMT tiến đến phát triển bền vững. Mô hình BVMT đem lại lợi ích đối với quốc gia như: giảm thiểu các mâu thuẫn xã hội do ô nhiễm môi trường gây ra; huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia BVMT trong qua trình phát triển các mô hình BVMT, tạo nên sự hợp tác liên ngành ở địa phương.

Không có nhận xét nào: