8 tháng 4, 2008

PHÂN TẦNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


PHÂN TẦNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Công cuộc đổi mới gần 2 thập kỷ qua đã làm thay đổi căn bản diện mạo đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - sản phẩm của đổi mới đã phát huy hiệu quả của nó ở tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định cùng với việc nâng cao mức sống của hầu hết các tầng lớp dân cư. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường cũng làm nảy sinh ra không ít những hệ quả xã hội mà chúng ta đang phải tập trung giải quyết. Một trong các hệ quả như vậy là sự phân tầng xã hội (PTXH). Nghiên cứu về vấn đề này cho thấy bức tranh tổng thể về sự PTXH cũng như các yếu tố có liên quan. Qua đó, góp phần định hướng các mục tiêu và chiến lược giảm bất bình đẳng xã hội.

Về khái niệm PTXH, PTXH theo mức sống

PTXH là một trong những khái niệm cơ bản của xã hội học. Nó được định nghĩa là: “sự xếp hạng (ranking) một cách ổn định các vị trí trong xã hội xét từ góc độ quyền lực, uy tín hoặc các đặc quyền, đặc lợi không ngang nhau”. Trong sự PTXH, có các “tầng” (stratum), mỗi tầng là một tập hợp người (cá nhân) giống nhau về địa vị, bao gồm địa vị kinh tế (tài sản, thu nhập), địa vị chính trị (quyền lực) hay địa vị xã hội (như uy tín), từ đó mà họ có được những cơ hội thăng tiến, sự phong thưởng và những thứ bậc nhất định trong xã hội. Sự PTXH thường được mô tả dưới dạng các “tháp phân tầng” với những hình dáng khác nhau tuỳ thuộc vào đặc trưng của các loại xã hội. Về cơ bản, PTXH là một sự phân chia mang tính cấu trúc các tầng lớp, giai tầng xã hội dựa trên những đặc trưng về vị thế kinh tế - xã hội của các cá nhân. Vì vậy, khái niệm PTXH phân biệt với các khái niệm gần gũi như: phân hoá giai cấp, phân hoá giàu nghèo, phân cực xã hội. Các khái niệm sau này có thể xem như những biến thể, hay là trường hợp riêng của PTXH.

Trong lịch sử, tương ứng với các loại xã hội khác nhau, có những hệ thống PTXH khác nhau. Một số quốc gia có thể có sự bất bình đẳng về kinh tế rất cao, song quyền lực lại được phân bố một cách dân chủ, bình đẳng hơn. Trong khi ở một số quốc gia khác, bất bình đẳng về kinh tế có thể không lớn, nhưng quyền lực lại bị tập trung cao độ trong tay một nhóm cầm quyền, độc tài. Các nhà xã hội học thường dẫn ra những ví dụ điển hình như nước Anh trong lịch sử đã là một xã hội giai cấp, dựa trên cơ sở những khác biệt về sở hữu tài sản. Nước Đức quốc xã đã từng được phân tầng theo quyền lực. Xã hội Nam Phi trước đây là ví dụ về một xã hội phân tầng theo sự thống trị về chủng tộc.

Khái niệm PTXH vừa nêu trên, thực chất chỉ ở bình diện lý thuyết, vĩ mô. Để đưa vào phân tích những vấn đề thực tế, một cách thực nghiệm, cần phải tìm ra các phương pháp và các chỉ báo cần thiết để thực hiện việc đo lường này. Nhìn chung, người ta đều thừa nhận rằng, việc đo lường các khác biệt về kinh tế (tài sản và thu nhập) dễ hơn nhiều so với 2 lĩnh vực còn lại trong định nghĩa về PTXH. Việc xác định những khác biệt về kinh tế, vấn đề đo lường chính xác các khác biệt về tài sản và thu nhập cũng không dễ dàng, nhất là trong các xã hội đang phát triển. Vì vậy, có thể là hợp lý khi các nhà nghiên cứu tạm thời chấp nhận việc sử dụng các chỉ báo về thu nhập và mức sống để xem xét sự PTXH, tức là chỉ theo các dấu hiệu kinh tế. Bởi vì, sẽ cần rất nhiều thời gian để xử lý các vấn đề phương pháp luận và phương pháp cụ thể nếu muốn đo lường đồng thời cả 3 dấu hiệu này để xác định sự PTXH thực tế.

Thời gian qua ở nước ta, trong các tài liệu nghiên cứu và cả trên các phương tiện truyền thông, thường sử dụng thêm một khái niệm có nội hàm hẹp hơn - “phân hoá giàu - nghèo” - đi kèm theo khái niệm PTXH. Điều này là cần thiết (như đã nói trên) và nó cũng phản ánh một sự thật là hầu hết các nghiên cứu và các kết luận về PTXH ở nước ta gần đây thực chất mới chỉ đề cập tới sự phân hoá giàu nghèo chứ chưa phải sự PTXH với nghĩa chính xác của từ này. Chính vì thế, một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã thận trọng hơn bằng cách sử dụng khái niệm “PTXH theo thu nhập”, “PTXH theo mức sống” thay cho khái niệm PTXH nói chung.

Các chỉ báo được sử dụng trong nghiên cứu về PTXH theo thu nhập và mức sống

Với hướng tiếp cận nói trên, các nghiên cứu về PTXH vừa qua đã cố gắng sử dụng những hệ chỉ báo khá linh hoạt và đa dạng để đo lường và phân loại các nhóm, tầng xã hội theo thu nhập và mức sống. Trong cuộc nghiên cứu về những biến đổi xã hội trong thời kỳ Đổi mới tại Hà Nội vào năm 1992 (lần đầu tiên, khái niệm PTXH được sử dụng), các tác giả đã đề xuất ý tưởng sử dụng khái niệm PTXH theo mức sống, gồm 4 chỉ báo “khách quan” và 1 chỉ báo “chủ quan” để xét sự phân tầng các hộ gia đình theo mức sống:

Điều kiện nhà ở, bao gồm các yếu tố: sở hữu, diện tích và loại nhà, khu phụ, vị trí, hoạt động cải tạo nâng cấp trong 5 năm qua, chất lượng nhà và đánh giá.

Tiện nghi trong nhà, bao gồm 12 loại tiện nghi chủ yếu, đa số mới xuất hiện trong đời sống của các gia đình trong 5 năm vừa qua. Ví dụ: tivi màu, xe máy, đầu Video, máy giặt, máy điều hoà nhiệt độ...

Chi tiêu, bao gồm các yếu tố: thói quen dùng năng lượng đun nấu, tiền điện hàng tháng, thói quen ăn sáng, ăn trưa, chi cho việc học của con cái, các chi tiêu cho nhu cầu văn hoá...

Thu nhập, bao gồm các yếu tố: nguồn thu nhập, mức độ ổn định, bất ổn định của thu nhập, tổng thu nhập và thu nhập bình quân trong gia đình (theo kê khai của chủ hộ).

Chỉ báo chủ quan, bao gồm 2 loại đánh giá: tự đánh giá của chủ hộ về mức sống của gia đình hiện nay trên thang đo 5 bậc; đánh giá của điều tra viên qua phỏng vấn và quan sát cũng trên thang đo 5 bậc trên cơ sở các nhận xét về nhà ở, tiện nghi, gia phong, gia cảnh, trang trí nội thất, phong cách trả lời... hoặc một phần thông tin thu thập được từ bên ngoài (từ cán bộ tổ dân phố, phường, hàng xóm...).

Một công trình nghiên cứu khác của Viện Xã hội học thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học cấp nhà nước (KX.04) cũng đã tập trung cho chủ đề PTXH được thực hiện trong 3 năm 1992-1994. Trong công trình này, các tác giả chỉ sử dụng khái niệm PTXH, không nói cụ thể là PTXH theo mức sống. Tuy nhiên, xem xét hệ biến số được sử dụng khi thu thập thông tin cũng như khi phân tích kết quả thì về thực chất là nghiên cứu PTXH theo thu nhập và mức sống. Có thể dẫn ra cụ thể hơn các biến số đó gồm:

- Hai biến số phụ thuộc: 1) Sự tích tụ vật chất của các tầng lớp khác nhau. Thực chất vẫn bám sát mức thu nhập bình quân của cá nhân và hộ gia đình, được phân nhóm theo chính các mức thu nhập này hoặc chia theo “ngũ vị phân” 20% từ dưới lên. Biến số thu nhập được tính toán trên cơ sở hộ gia đình và cá nhân kê khai trong tháng với các khoản mục chính là: lương và các khoản phụ cấp của nghề chính, thu nhập do làm thêm có liên quan đến nghề chính, các loại lãi suất (nếu có), những khoản thu nhập khác; 2) Sự đầu tư và tiêu dùng văn hoá của các tầng lớp khác nhau. Các chỉ báo được sử dụng gồm: việc đầu tư cho học hành của con cái (kể cả việc tìm trường tốt, lớp tốt, học thêm), đầu tư thời gian chăm sóc việc học của con, mua sắm các loại sách báo, phương tiện nghe nhìn cho gia đình.

- Sáu biến số độc lập: 1) Truyền thống gia đình (nguồn gốc xuất thân của chồng, vợ); 2) Trình độ học vấn và chuyên môn có được qua các thời kỳ; 3) Nghề nghiệp và sự thăng tiến trong nghề có liên quan đến quyền lực có thể có; 4) Tính tích cực chính trị; 5) Môi trường và vị trí của chỗ ở hiện nay; 6) Tuổi của người được hỏi.

Như vậy, các nghiên cứu xã hội học những năm vừa qua đã hình thành nên nhiều nguồn số liệu về thực trạng PTXH ở nước ta hiện nay. Song về cơ bản, nghiên cứu và đo lường sự PTXH ở ta thời gian qua mới thực hiện ở một giác độ quy giản. Với thang đo 5 nhóm mức sống để phản ánh sự phân hoá giàu - nghèo ở các địa phương, các vùng, hay trong các nhóm xã hội nghề nghiệp. Các chỉ báo này nhiều khi được phân tích và rút ra kết luận như là sự PTXH. Nhiều nghiên cứu xã hội học sau đó lại thường sử dụng chỉ báo này như một biến số độc lập để phân tích và giải thích các biến số phụ thuộc khác. Sự PTXH theo quyền lực và uy tín hầu như không được đề cập đến. Thêm vào đó, các công trình nghiên cứu còn không thống nhất về chuẩn được sử dụng để phân hạng và tên gọi của các nhóm. Vì thế, rất khó so sánh cả theo không gian lẫn thời gian, ngoại trừ các phân tích trên nền số liệu của các cuộc điều tra mức sống dân cư toàn quốc năm 1993 và 1998.

Tháp phân tầng và vài kết quả điều tra thống kê

Để mô hình hoá cấu trúc phân tầng của một xã hội, người ta thường sử dụng các “tháp phân tầng”, tương tự như “tháp dân số”, tức là sắp xếp các “tầng” theo thứ tự từ dưới đáy là các tầng lớp nghèo khổ (hạ lưu) lên đến tầng lớp trung bình (trung lưu thấp và cao) và trên cùng là tầng lớp giàu có (thượng lưu), cùng với tỷ lệ phần trăm mà các tầng lớp này chiếm trong cơ cấu xã hội. Trong lịch sử, người ta đã “loại hình hoá” một số kiểu tháp phân tầng đặc trưng cho các xã hội. Có 5 kiểu thường gặp sau:

Tháp hình nón: phản ánh mức độ bất bình đẳng cao của các xã hội, nhóm người giàu, có quyền lực (phần đỉnh tháp) chiếm tỷ lệ rất thấp; trong khi đa số nghèo khổ (ở đáy tháp) lại chiếm tỷ lệ rất cao.

Tháp hình nón cụt: tầng lớp giàu có tăng lên, tầng lớp trung lưu chiếm tỷ trọng lớn hơn, mức độ bình đẳng cao hơn.

Tháp hình thoi (quả trám, con quay): cả 2 nhóm giàu và nghèo đều chiếm tỷ lệ nhỏ, nhóm trung lưu chiếm đa số nằm ở phần thân tháp. Tuy nhiên, khoảng cách của 2 nhóm đỉnh và đáy tháp còn khá xa.

Tháp hình trụ: tỷ lệ các nhóm giàu có, nghèo và trung lưu tương đối đồng đều. Tuỳ vào chiều cao của tháp để nói về mức độ bình đẳng xã hội.

Tháp hình “đĩa bay” (thấp dẹt): có thể có 2 trạng thái là bình quân nghèo khổ hoặc xã hội lý tưởng, thịnh vượng toàn dân, với tuyệt đại bộ phận các thành viên của xã hội có mức sống trung lưu và khá giả (xã hội trung lưu).

Về hình dáng, tháp có hình “con quay” với phần giữa thân (mức sống trung bình) phình rộng, phản ánh mức độ đồng đều, sản phẩm của chủ nghĩa bình quân thời bao cấp còn rất rõ. Đỉnh và đáy tháp (tỷ lệ hộ có mức sống giàu và mức sống nghèo) rất hẹp, phản ánh mức độ phân cực “giàu - nghèo” còn hạn chế. Tỷ lệ mức sống trung bình khá vượt tỷ lệ mức sống trung bình kém 2,5 lần. Đáng tiếc là không có một tháp phân tầng tương tự vào thời kỳ 1970-1980 để có thể so sánh. Song nếu được tái hiện, tháp phân tầng thời kỳ bao cấp sẽ còn phình rộng hơn ở mức sống trung bình và hẹp hơn ở cả 2 phía đỉnh và đáy tháp, phản ánh một thời kỳ điển hình với mức sống định lượng bình quân theo tem phiếu.

PTXH cũng được nghiên cứu theo hướng khác là xử lý và phân tích kết quả của các cuộc điều tra mức sống dân cư và hộ gia đình để từ đó rút ra các kết luận về thực trạng và xu hướng phân hoá giàu nghèo (PTXH theo thu nhập hoặc mức sống). Những phân tích dưới đây sẽ minh họa cho hướng nghiên cứu này trên cơ sở số liệu của các cuộc điều tra mức sống dân cư toàn quốc năm 1993, năm 1998 và cuộc điều tra hộ gia đình đa mục tiêu 1994-1997.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, mức sống của đại đa số dân cư nước ta đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức sống cũng ngày càng tăng, tạo nên một sự PTXH rõ nét hơn giữa và trong các nhóm xã hội. Chẳng hạn, chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm 20% giàu nhất và nhóm 20% nghèo nhất là khoảng 5,52 lần vào năm 1998 và 4,58 lần vào năm 1993. Còn chênh lệch theo thu nhập thì cao hơn. Năm 1998, chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và nhóm 20% nghèo nhất là 11,26 lần, giữa nhóm 10% giàu nhất và nhóm 10% nghèo nhất là hơn 20 lần, còn giữa nhóm 5% giàu nhất và nhóm 5% nghèo nhất là hơn 40 lần.

Sự phân tầng theo mức sống hiện nay cũng có liên quan với số nhân khẩu và tỷ lệ phụ thuộc của hộ gia đình (tỷ lệ người ngoài độ tuổi lao động so với người trong độ tuổi lao động). Tỷ lệ này của 20% hộ nghèo nhất là 1,13, cao gấp đôi so với nhóm 20% hộ giàu nhất (0,54).

Người có học vấn càng cao, càng có nhiều khả năng thuộc vào nhóm có mức sống cao. Trong những chủ hộ có học vấn đại học, cao đẳng trở lên thì 70% thuộc nhóm 20% giàu nhất, chỉ có 1,5% thuộc nhóm 20% nghèo nhất. Chi tiêu của hộ có chủ hộ học vấn đại học, cao đẳng trở lên cao gấp 2,33 lần (năm 1993) và 3,4 lần (năm 1998) so với hộ có chủ hộ chưa bao giờ đến trường.

Phân tầng mức sống cũng gắn liền với sự khác biệt theo khu vực và vùng kinh tế - xã hội. 97% dân số trong độ tuổi lao động thuộc nhóm 20% nghèo nhất là ở nông thôn và 65% dân số trong độ tuổi lao động thuộc nhóm 20% giàu nhất là ở đô thị. Sự chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn đóng góp phần chủ yếu (tới 96%) vào mức độ phân tầng mức sống nói chung trên quy mô toàn quốc. Phần lớn dân số trong độ tuổi lao động thuộc nhóm 20% giàu nhất sống ở các vùng: Đông Nam Bộ (37%), Đồng bằng sông Hồng (21%) và Đồng bằng sông Cửu Long (18%), trong khi ở vùng núi phía Bắc chỉ có gần 7% và ở Bắc Trung Bộ là 6%.

Phân tầng mức sống cũng liên quan rõ rệt theo các khu vực kinh tế. Phần lớn người làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước có mức sống thuộc nhóm 20% giàu nhất, hoặc rơi vào 2 nhóm trên cùng (75-80%). Tình hình cũng tương tự như vậy ở nhóm làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ có 1/3 lao động trong doanh nghiệp tư nhân và gần 1/5 lao động trong hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thuộc vào nhóm 20% giàu nhất. Khoảng 40% những người lao động thuộc hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và hộ sản xuất kinh doanh nhỏ thuộc vào nhóm có mức sống dưới trung bình. 3/4 người thuộc nhóm 20% nghèo nhất là lao động trong hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, trong khi 60% người thuộc nhóm 20% giàu nhất làm việc trong 3 khu vực của Nhà nước (kinh tế, hành chính - sự nghiệp, chính trị - xã hội). Như vậy, người có khả năng sẽ có mức sống cao hơn nếu gắn với khu vực nhà nước, khu vực chính quy (chẳng hạn, doanh nghiệp có đăng ký) và khu vực đầu tư nước ngoài. Ngược lại, mức sống thấp hơn thường gắn với những người làm việc trong khu vực ngoài nhà nước, khu vực phi chính quy (informal sector), hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, hợp tác xã.

PTXH cũng có biểu hiện trong lĩnh vực phúc lợi xã hội. Trợ cấp phúc lợi xã hội là công cụ mà nhà nước dùng để giảm bớt những chênh lệch quá lớn, bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, những trợ cấp này còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng thu nhập của dân cư (khoảng 4,4%). Dân cư Việt Nam chủ yếu có thu nhập từ lao động cá nhân và gia đình; thu nhập do phân phối lại, mang tính xã hội còn thấp. Trong việc phân phối phúc lợi xã hội, chiếm tỷ trọng cao nhất là chi cho bảo hiểm xã hội, bao gồm chi hưu trí và mất sức lao động (82,4%), tiếp theo là chi cho bảo trợ xã hội (16,0%), chi cho xoá đói giảm nghèo (1,1%). Tương quan giữa phúc lợi xã hội và PTXH chỉ ra rằng, hiện nay chủ yếu là nhóm có mức sống “trung bình” và “trên trung bình” được hưởng phúc lợi cao hơn các nhóm khác.

Qua phân tích ở trên, nhìn chung, hiện trạng PTXH ở nước ta khá đặc trưng cho thời kỳ đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường. Mức chênh lệch giữa các tầng lớp chưa lớn, tốc độ tăng chênh lệch chưa cao. Tuy nhiên, có một số đặc điểm cần lưu ý là: các tầng lớp trung lưu và trung lưu trên thường gắn với khu vực nhà nước, khu vực kinh tế chính quy. Hai nhóm này cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ việc phân phối phúc lợi xã hội so với các nhóm còn lại.

Kết luận

Thực chất cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu về PTXH ở Việt Nam trong thời gian qua mới chỉ là nghiên cứu về sự phân hoá giàu nghèo, khoảng cách giữa các nhóm theo chỉ báo kinh tế, thu nhập, mức sống. Các cuộc điều tra định lượng dựa trên các chỉ báo này đã được tiến hành để mô tả và xác định thực trạng và đặc trưng của vấn đề. Tuy nhiên, để tiếp cận và phân tích có cơ sở khoa học vững chắc về sự PTXH theo đúng nghĩa của từ này cần dựa trên nhiều thông tin và chỉ báo khác nữa, cũng như cần có thêm những cách tiếp cận thích hợp hơn. Nó ít nhiều sẽ mang tính lý thuyết và vĩ mô hơn.

Đương nhiên, các cuộc điều tra, nghiên cứu quy mô lớn và định lượng về sự phân hoá giàu nghèo, tương quan mức sống giữ các tầng dân cư cần được tiến hành thường xuyên là rất cần thiết để có cái nhìn tổng thể về xu hướng biến đổi bất bình đẳng xã hội. Mặt khác, cũng cần có các hướng tiếp cận mới, với thế mạnh của một số ngành khoa học xã hội để tìm hiểu sâu hơn động thái của các nhóm, tầng xã hội đáng chú ý trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ, giai tầng, nhóm xã hội nào đang là động lực của sự phát triển hoặc đang có triển vọng trở thành một lực lượng như vậy? Đã hình thành một tầng lớp trung lưu mới của xã hội Việt Nam chưa? Nếu có, thì ai là những thành viên và xu thế vận động, phát triển của nó như thế nào? Đóng góp của tầng lớp đó cho sự phát triển của đất nước trong tương lai sẽ ra sao?... Cần phân tích một số nhóm, giai tầng xã hội mới, đáng chú ý như giới doanh nhân, giới trí thức, đặc biệt là trí thức khoa học công nghệ; công nhân kỹ thuật tay nghề cao; giới quản lý và đội ngũ công chức. Đặc biệt, cần chỉ ra xu hướng biến đổi các nhóm này dưới tác động của của các nhân tố mới trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Việc khai thác triệt để nguồn dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội, các cuộc tổng điều tra dân số, điều tra mức sống dân cư, kết hợp với các nghiên cứu chọn mẫu, định tính và phân tích xã hội học sẽ là hướng có triển vọng để hiểu và nắm bắt được bản chất của sự PTXH ở nước ta hiện nay. Đó không chỉ là hướng nghiên cứu thích hợp về mặt xã hội mà còn là hướng nghiên cứu kinh tế - chính trị về cấu trúc xã hội và về mô hình xã hội tổng thể của đất nước trong giai đoạn mới.

Sau cùng, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, các nhà xã hội học cũng đã phát triển một số hướng phân tích về kết cấu giai tầng của xã hội Trung Quốc hiện nay. Theo Giáo sư Lục Học Nghệ, nghiên cứu này vận dụng một hướng tiếp cận mới, được gọi là “giai tầng luận”, thay thế cho quan điểm giai cấp cứng nhắc thời kỳ trước cải cách (trong XHCN chỉ còn 2 giai cấp là công nhân, nông dân và 1 tầng lớp trí thức XHCN). Quan điểm giai tầng là phù hợp với thực tế xã hội thời cải cách, khai phóng, mở cửa. Cũng theo tác giả quan điểm này, xã hội Trung Quốc đương đại có 10 tầng lớp xã hội được phân tầng theo 3 tiêu chí cơ bản là: nguồn lực tổ chức (chính trị), nguồn lực kinh tế và nguồn lực văn hoá. Sự phân hoá thành người giàu - người nghèo, tầng lớp có lợi thế - tầng lớp yếu thế, đều căn cứ ở việc họ không có, hoặc có 1, 2, hay cả 3 nguồn lực này với các mức độ khác nhau. Đây cũng là một cách tiếp cận mới, sáng tạo, đáng tham khảo.

Theo Vietnam Sociology

Không có nhận xét nào: