23 tháng 4, 2008
Nghề công tác xã hội với bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Vương quốc Anh
Nghề công tác xã hội với bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Vương quốc Anh
Lịch sử hình thành nghề công tác xã hội hướng đến bảo vệ trẻ em Lịch sử phát triển công tác xã hội ở nước Anh được xuất phát từ ý tưởng đầu tiên là lòng từ thiện. Để làm việc thiện, các giáo phái và nhóm người đã trợ giúp cho người nghèo trực tiếp tiền, thực phẩm, quần áo.... Cho đến thế kỷ thứ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ thì cũng là lúc các hoạt động từ thiện đã bắt đầu chuyển thành một nghề chuyên nghiệp gọi là nghề công tác xã hội ( CTXH) có mục tiêu nhằm giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế, các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh ngày càng nhiều, CTXH ngày càng phát triển nhằm đối phó với các vấn đề lớn như: điều kiện sống của người di cư từ nông thôn ra thành thị, tệ nạn xã hội, tình trạng trẻ em lang thang, kiếm sống trên đường phố, tệ bóc lột lao động và lạm dụng tình dục trẻ em....Từ đó, Chính phủ Anh bắt đầu nghiên cứu và ban hành các chính sách, pháp luật để chỉ rõ trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực này.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Chính phủ Anh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em bị lạm dụng. Đến những năm 1970-1980, đã có những điều luật cấp cơ sở, có các uỷ ban và các văn phòng bảo vệ trẻ em.... Sau đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm, Chính phủ đã cơ cấu lại và quy định trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan như hội đồng dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, cảnh sát, toà án, cũng như trách nhiệm làm việc theo đội liên ngành, đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử trẻ em “nhạy cảm” trong đó chứa đựng các thông tin chi tiết của từng trẻ (11 triệu trẻ em) nhằm giúp cho các cơ quan điều phối công việc với gia đình tốt hơn, hoàn thiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngày nay, dịch vụ chăm sóc xã hội trẻ em ở Anh được tập trung vào việc thúc đẩy hạnh phúc của trẻ em. Đó là những trẻ em có nhu cầu bảo vệ “in need” hoặc trẻ em trong danh sách chăm sóc “looked after”, đó là những trẻ được nhận nuôi, làm con nuôi hoặc trẻ em trong các nhà chăm sóc trẻ em (residential care), bao gồm cả cha mẹ và trẻ em khuyết tật cần sự giúp đỡ. Hiện tại, con số trẻ cần bảo vệ là khoảng 400.000 em, trong đó số nằm trong danh sách chăm sóc là 300.000 em. Các công việc chăm sóc xã hội trẻ em thường bao gồm: Bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bị sao nhãng; Cung cấp gia đình nhận nuôi, nhà chăm sóc trẻ em và con nuôi; Hỗ trợ các gia đình trẻ và trợ giúp các gia đình có trẻ khuyết tật trong thời gian nghỉ ngơi. Và 5 định hướng ưu tiên cho trẻ là: Nơi ở an toàn, Sức khoẻ, ước mơ và hiện thực hoá, Huy động sự đóng góp và Hướng tới sự thành đạt.
Khuôn khổ pháp luật và bộ máy phát triển công tác xã hội
ở nước Anh đã có một khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh liên quan đến quản lý, tác nghiệp và giám sát các hoạt động nghề CTXH, được thể hiện trong 3 văn bản quan trọng. Đó là Luật tác nghiệp cho nhân viên chăm sóc xã hội; Luật tác nghiệp cho chủ thuê nhân viên chăm sóc xã hội và Bộ tiêu chuẩn nghề CTXH. Bộ luật Tác nghiệp cho chủ thuê nhân viên chăm sóc xã hội quy định trách nhiệm của chủ thuê trong việc điều hành nhân viên chăm sóc xã hội. Theo đó, các chủ thuê phải tuân thủ các tiêu chuẩn được thể hiện trong bộ luật, giúp các nhân viên chăm sóc xã hội đáp ứng được và được phép thực hiện một số hành động cần thiết khi các nhân viên không đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức như bộ luật quy định. Bộ luật Tác nghiệp cho Nhân viên chăm sóc xã hội là một danh mục các tiêu chuẩn đạo đức và thực hành nghề nghiệp quy định cho các nhân viên khi họ thực hiện các công việc hàng ngày.
Hai bộ luật tác nghiệp được Quốc hội Anh phê chuẩn vào tháng 9/2002 được thiết kế theo hướng bổ sung cho nhau và quy định các trách nhiệm chung của chủ thuê và nhân viên chăm sóc xã hội trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ xã hội cao. Cùng với Bộ tiêu chuẩn nghề CTXH, ba văn bản nói trên tạo thành một hệ thống các quy định cho việc hành nghề chăm sóc xã hội được áp dụng trong phạm vi 4 quốc gia thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh.
Nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em, vị thành niên ở Anh đã hình thành được một hệ thống chính sách chuẩn đóng vai trò là khuôn khổ dịch vụ quốc gia cho trẻ em, người trẻ tuổi và những dịch vụ cho sản phụ
Khuôn khổ dịch vụ quốc gia cho trẻ em bao gồm các tiêu chuẩn y tế và chăm sóc xã hội cho trẻ em; các dịch vụ giải trí, dịch vụ cá nhân và các dịch vụ hoà nhập; từ lọt lòng đến tuổi trưởng thành; Khuôn khổ dịch vụ quốc gia là có tính bắt buộc và các dịch vụ được thanh tra định kỳ.
Những tiêu chuẩn chính của khuôn khổ này bao gồm: Sức khoẻ và hạnh phúc, xác định các nhu cầu và phát hiện sớm; Hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc; Các dịch vụ trẻ em, người trẻ tuổi và gia đình; Trưởng thành; An toàn và thúc đẩy phúc lợi cho trẻ em và người trẻ tuổi.
Cùng với đó còn có các tiêu chuẩn chi tiết khác nhằm hỗ trợ thực hiện và hướng dẫn, làm rõ các vấn đề như:Trẻ em và người trẻ bị bệnh; Trẻ em và người trẻ trong bệnh viện; Trẻ em khuyết tật, người trẻ tuổi và nhu cầu y tế; Sức khoẻ tâm thần và tâm lý hạnh phúc của trẻ em và người trẻ và việc quản lý thuốc cho trẻ em.
Để thực hiện các hoạt động gần như quản lý Nhà nước về công tác xã hội, Chính phủ Anh đã thành lập cơ quan gọi là Tổng hội đồng chăm sóc xã hội (GSCC). Cơ quan này hoạt động theo các quy định của 3 bộ: Giáo dục, Bộ Đại học và Bộ Y tế, nhưng Tổng hội đồng lại trực thuộc Thủ tướng; phối hợp với các bộ, ngành để thực thi các chỉ đạo của Thủ tướng và hoạt động mang tính chính sách, chiến lược chứ không chịu trách nhiệm. Tổng hội đồng có trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn nghề CTXH như: Định nghĩa hành nghề theo các cấp độ năng lực khác nhau (kỹ năng, hiểu biết, các giá trị và tình huống); Đánh giá, giám sát đội ngũ nhân viên chăm sóc xã hội; Cung cấp cơ sở cho đào tạo ở các cấp độ khác nhau...
Tổng hội đồng cũng quy định các tiêu chuẩn cho khung đào tạo CTXH và công nhận các trường đạt chuẩn đào tạo CTXH; giám sát và thanh tra các trường đại học đào tạo CTXH và nếu ai đó đăng ký hành nghề với Tổng hội đồng (GSCC) thì có nghĩa là phải tuân thủ Luật hành nghề. Điều kiện để đăng ký là trình độ nghề nghiệp phù hợp và không có tiền án, tiền sự hình sự, đặc biệt liên quan đến trẻ em. Sau khi đăng ký thì được Tổng hội đồng cấp giấy phép hành nghề.
Hiện nay ở Anh có 1,2 triệu người làm trong lĩnh vực chăm sóc xã hội (social care), trong đó có 77.000 nhân viên CTXH làm việc trong lĩnh vực công cộng, tư nhân và tình nguyện viên. ít nhất 2/3 số người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc xã hội là tình nguyện viên và làm việc trong khu vực tư nhân. Những người làm công việc chăm sóc xã hội và các nhân viên CTXH làm việc theo đội, vì vậy họ có thể cung cấp dịch vụ đa ngành cho trẻ em.
Về trình độ của nhân viên chăm sóc xã hội và nhân viên CTXH: 75 % tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 25% trình độ sau đại học; 50% thời gian đào tạo lý thuyết khoa học và 50% thực hành; Chuẩn đào tạo dựa vào yêu cầu của Bộ Y tế, chuẩn nghề CTXH và Luật tác nghiệp. Nếu tốt nghiệp CTXH cơ bản thì có thể làm việc trong tất cả các lĩnh vực người già, người tàn tật, trẻ em và gia đình.
Các sinh viên theo học chuyên ngành CTXH ở Anh được cấp học bổng 3000 bảng Anh/năm và được miễn học phí. Đồng thời, phải qua phỏng vấn, đáp ứng các yêu cầu của chuẩn tuyển dụng; Số sinh viên nữ theo học ngành này là chính, số nam chỉ là 15%; Sinh viên đại học CTXH phải có 200 ngày thực hành ở cấp cộng đồng với tối thiểu là 2 nhóm công việc khác nhau, ví dụ lĩnh vực trẻ em hoặc sức khoẻ tâm thần. Nơi thực tập có thể là bệnh viện, toà án, trường học... Các chuyên ngành CTXH trong đào tạo được chia ra theo lĩnh vực chuyên sâu là:Trẻ em, người trẻ, gia đình và người chăm sóc; Sức khoẻ tâm thần; Làm việc với người lớn; Lãnh đạo và quản lý và Hướng dẫn thực hành.
Một điều đặc biệt hơn nữa là tại thủ đô nước Anh có hẳn một cơ quan chuyên trách công tác chăm sóc trẻ em gọi là Uỷ ban bảo vệ trẻ em Luân Đôn. Đây là cơ quan riêng có của thành phố này ( các tỉnh, thành phố khác không có). Mục tiêu của Uỷ ban này là tăng cường tính nhất quán của các tổ chức thành viên trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ em; tạo động lực; xác định và tìm các biện pháp ứng phó thích hợp đối với các nhân tố ảnh hưởng; xây dựng quy trình bảo vệ trẻ em liên ngành; xây dựng chiến lược truyền thông; tạo ảnh hưởng và cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách liên quan đến BVTE. Uỷ ban này bao gồm các thành viên: Giám đốc điều hành; Đại diện của các chính quyền địa phương ( gồm 32 quận) thuộc TP.Luân Đôn; Cảnh sát trẻ em Luân Đôn....
ở thủ đô còn có một lực lượng cảnh sát duy nhất làm các nhiệm vụ từ chống khủng bố đến điều tra các vụ việc ở cộng đồng, trong đó có một Phòng điều tra xâm hại trẻ em... Trong đơn vị này có 2 bộ phận: Điều tra các vụ trẻ em chết do bị người chăm sóc giết hại và điều tra những người ham mê tình dục trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em qua Internet. Lực lượng cảnh sát này có nhiều cách để tiếp nhận thông tin, có thể do gia đình báo, trường học, cán bộ xã hội, đường dây nóng, người dân và trinh sát; Tỷ lệ điều tra, phá án thành công là 90%.
Trung tâm chăm sóc ban ngày Akwaaba và dịch vụ chăm sóc trẻ em ở quận Hackney
Trung tâm Akwaaba là một trung tâm chăm sóc ban ngày của tổ chức phi chính phủ Barnardos. Tổ chức Barnardos được thành lập từ năm 1867, đến nay, đã có tới 383 cơ sở tương tự như vậy trên toàn nước Anh. Các dịch vụ chủ yếu được thực hiện tại các trung tâm bao gồm: tham vấn cho trẻ em bị xâm hại, các trung tâm dành cho các gia đình, các dịch vụ chăm sóc thay thế và con nuôi và trợ giúp trẻ em bị bóc lột tình dục. Quy trình chăm sóc của các Trung tâm này hoạt động theo hướng dẫn và theo các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu do Chính phủ quy định. Tuy nhiên các trung tâm khác nhau có thể có những lý thuyết giáo dục khác nhau.
Akwaaba hỗ trợ cho trẻ em dưới 5 tuổi và gia đình của chúng và thực hiện việc chăm sóc ban ngày cho những trẻ em dưới 5 tuổi. Đối tượng được trợ giúp bao gồm phần lớn là con em của những người nhập cư và cha mẹ của các cháu - những người cần có nhu cầu trợ giúp đặc biệt về sức khoẻ tâm thần, hoặc là những người không có việc làm. Các hoạt động trợ giúp cho cha mẹ chủ yếu là dạy các kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc dinh dưỡng và học tiếng Anh; những kỹ năng làm việc, máy tính văn phòng để giúp họ tìm việc làm.
Trước khi đưa trẻ vào trung tâm, các nhân viên của trung tâm phải đến thăm gia đình trẻ, đồng thời làm một đánh giá CTXH để xem xét các nhu cầu cần trợ giúp để xác lập mối quan hệ với gia đình.
Tất cả trẻ em đến Trung tâm Akwaaba đều thông qua các nhân viên công tác xã hội phát hiện và giới thiệu vào. Trong trung tâm, các nhân viên làm việc theo nhóm và từng người chịu trách nhiệm chăm sóc từ 3 đến 5 trẻ, mỗi trẻ có một chế độ chăm sóc cá nhân riêng. Các nhân viên của nhóm có thể thảo luận về những ca phức tạp để tìm cách giải quyết. Mối quan hệ đó giống như giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ trách các chuyên môn như giáo viên thể dục ngoài trời, tổ chức các sự kiện để thu hút các em vui trơi giải trí, hoặc giáo viên dạy vẽ, .... Vấn đề ở từng môn được quan sát, ghi chép, giúp các giáo viên trong nhóm nghiên cứu, thảo luận để có giải pháp trợ giúp phù hợp. Trung tâm này cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc gia đình và chăm sóc thay thế cho những trẻ cách ly khỏi sự chăm sóc của cha mẹ, những em bị xâm hại hoặc bị lạm dụng hoặc bị sao nhãng từ những thành viên trong gia đình.
Về kinh phí hoạt động, Sở Giáo dục cung cấp 55 % ngân sách của Trung tâm Akwaaba và Tổ chức Barnados trả 45% còn lại. Giáo viên phụ trách trẻ phải có kế hoạch giáo dục cho từng tuần, từng ngày cho từng trẻ. Sau 3 tháng có đánh giá đầu tiên, sau đó xây dựng kế hoạch dài hạn hơn. Và cứ sau 3 tháng lại có đánh giá lại để điều chỉnh cho phù hợp. Khi trẻ đến 5 tuổi thì phải có báo cáo chi tiết để gửi đến trường tiểu học, trực tiếp gặp nhà trường để thông báo về tình hình của trẻ để họ có kế hoạch trợ giúp phù hợp. Trường hợp đặc biệt thì có cuộc họp tay 3 (gia đình, giáo dục viên của Trung tâm và nhà trường) để có kế hoạch giúp trẻ phù hợp. Các chuyên gia của Trung tâm có thể tiếp tục hỗ trợ cho trẻ đến hết cấp 1.
Ngoài ra, một mô hình khác cần được đề cập tới là dịch vụ chăm sóc trẻ em ở quận Hackney, một quận nghèo của thủ đô. Quận có 207 ngàn người trong đó có tới 1/4 dân số là người dưới 19 tuổi, bao gồm 55.261 trẻ em, trong đó có 200 em đăng ký danh sách chăm sóc trong tổng số 450 em có nhu cầu cần trợ giúp, 90 em do Toà án quyết định phải chăm sóc đặc biệt. Điều đáng chú ý đây là quận có đông người Việt sinh sống nhất ở Luân Đôn (có đến 2000 người).
Tại đây, chính quyền địa phương rất có trách nhiệm trong việc cung cấp các dịch vụ cho người dân, bao gồm dịch vụ giáo dục và dịch vụ xã hội. Trung bình quận Hackney trợ giúp cho 2000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, với đội ngũ khoảng 400 nhân viên, trong đó 138 nhân viên CTXH, 42 cán bộ quản lý còn lại là cán bộ hành chính và nhân viên hỗ trợ. Đã từ lâu, bảo vệ trẻ em là sự chia sẻ trách nhiệm và làm việc cùng nhau của các ngành và các đối tác trong quận, bao gồm: y tế, giáo dục, cảnh sát, nhà ở, các tình nguyện viên ở cộng đồng cùng các đối tác liên quan ở cấp thành phố Luân Đôn và các khu vực khác../.
TS. Nguyễn Hải Hữu &Ths. Nguyễn Văn Hồi
Vụ Bảo trợ xã hội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét