6 tháng 4, 2008

Để học tốt ngành công tác xã hội


LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC TỐT NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI?

Để học tốt ngành công tác xã hội (CTXH), điều quan trọng đầu tiên là bạn cần biết sau khi học ra trường bạn sẽ phải làm gì và làm ở đâu? Hiện có nhiều sinh viên đang học năm 2 hoặc năm 3 rồi vẫn còn thắc mắc về đầu ra của ngành CTXH này. Kế đến bạn phải là người như thế nào và cần trang bị những gì để có thể thàng công trong một nghề rất khó trong thực hành.

I. Sau khi ra trường mình sẽ làm gì?

Sau khi ra trường, bạn sẽ:

1. Được gọi là Nhân viên xã hội chuyên nghiệp (Social worker)
2. Học tiếp lên Cao học nếu bạn có điều kiện (trong nước hoặc ở nước ngoài) để tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng có mở ngành này (hiện còn rất thiếu giảng viên có chuyên môn về ngành này).
3. Làm việc tại các cơ sở xã hội hỗ trợ chăm sóc các thân chủ trong hoàn cảnh khó khăn. bị thiệt thòi như trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em đường phố, người già neo đơn, các trung tâm cai nghiện ma túy…
4. Làm việc tại các tổ chức chính trị và xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn…
5. Làm việc tại các bệnh viện hỗ trợ, tư vấn cho các bệnh nhân thiếu người chăm sóc, các phụ sản nghèo có khuynh hướng bỏ còn, các trường hợp nạo phá thai…
6. Làm việc tại các trường học phổ thông hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học kém, bị coi là cá biệt trong công tác CTXH học đường, tạo môi trường học tập thân thiện.
7. Tham gia vào các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển cộng đồng hỗ trợ người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống, dự án cải thiện môi trường dân sinh…
8. Làm việc tại các xí nghiệp lớn hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, cải thiện mối quan hệ trong môi trường làm việc.
9. Tham gia nghiên cứu các đề tài xã hội, xây dựng dự án phát triển
10. Làm việc tại các trung tâm tư vấn tâm lý xã hội.
11. Làm việc tại các tổ chức xã hội quốc tế (cần thông thạo Anh ngữ)

Có thể nói đầu ra của ngành CTXH rất rộng sau khi ngành nghề này được Chính phủ chính thức công nhận và có một hành lang pháp lý chuẩn mực để thực thi nghề nghiệp.

II. Bạn phải là người như thế nào để có thể phù hợp với ngành CTXH này?

Ngành CTXH là một ngành của mối quan hệ giữa người và người, lấy con người làm trọng tâm, hỗ trợ con người trong hoàn cảnh khó khăn bằng cách phục hồi và tăng cường năng lực xã hội cho họ để họ có điều kiện và cơ hội hòa nhập vào cuộc sống bình thường và phát triển. Ngành CTXH cũng là một ngành khoa học mang tính chất liên ngành đòi hỏi người học phải có kiến thức rộng vế các lãnh vực khoa học khác như Xã hội học, Tâm lý học, khoa học Hành vi con người, Kinh tế học, Luật học, Y học, Giáo dục học, Nhân chủng học vv…vì trong thực thi nghề nghiệp bạn phải biết vận dụng tài nguyên xã hội và phối hợp với các ngành khác để thực hiện tố vai trò và mục tiêu của ngành.
Vì thê bạn phải là:
1. Người lạc quan trong cuộc sống, yêu cuộc sống, tin tưởng nơi con người dù họ là người như thế nào.
2. Người biết lấy con người làm trọng tâm, quan tâm đến ý kiến và sự tham gia của người khác
3. Người tự hiểu mình, luôn luôn tự điều chỉnh mình để hiểu rõ người khác trong bối cảnh sống của họ ( hành vi con người trong môi trường sinh thái)
4. Người có cái nhìn khách quan, không méo mó bới những thành kiến, biết tôn trọng giá trị của người khác khác với giá trị của chính mình.
5. Người cởi mở, dễ hòa nhập, nhiệt tình, giao tiếp tốt, thái độ thân thiện, rộng lượng và khiêm tốn.
6. Người biết làm việc theo nhóm, biết phối hợp với người khác trong công việc
7. Người có kiến thức rộng, luôn muốn học hỏi để nâng cao nghề nghiệp.
8. Người yêu nghề và tha thiết với công việc chuyên môn
9. Người biết tôn trọng người khác, không phê phán nguời khác

III. Bạn cần học như thế nào?
Để có được những điều nêu trên, trong học tập, bạn cần:

1. Có động lực học tập tốt vì tha thiết với nghề này
2. Luôn thắc mắc về các vấn đề được trình bày tại lớp cũng như khi tham khảo thêm tài liệu
3. Tham gia tích cực trong quá trình học, trao đổi với các thầy cô
4. Thực hành tốt các phương pháp trong CTXH và các kỹ năng nghề nghiệp
5. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp và truyền thông
6. Rèn luyện kỹ năng phân tích vấn đề
7. Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm
8. Rèn luyện kỹ năng phát hiện tài nguyên cộng đồng
9. Rèn luyện kỹ năng phối hợp với người khác

Rất mong các bạn rà soát lại bản thân mình xem mình có phù hợp với ngành này hay không, nếu thấy không phù hợp thì nên sớm chuyển qua ngành khác, nếu không bạn phí thời gian vô ích. Còn nếu thấy phù hợp thì cứ thế mà xông lên phía trước. Chúc các bạn thành công trong sự nghiệp.

Người trong nghề

Không có nhận xét nào: