14 tháng 4, 2008
Khi văn hóa làng xã vào đô thị
Qua sự kiện "hái hoa Anh đào"đã có nhiều chuyên gia giải thích nguồn gốc của hành vi này, sau đây là bài phỏng vấn TS Trần Ngọc Thêm. Đây là những ý kiến mà tôi tâm đắc nhất:
Nỗi buồn tại lễ hội hoa anh đào:
Khi văn hóa làng xã vào đô thị
TT - Tuần vừa qua, bạn đọc phản ứng với "Nỗi buồn từ lễ hội hoa anh đào" khá mạnh mẽ. Tất cả đều bày tỏ thái độ bức xúc trước một hành vi đáng xấu hổ tại một lễ hội văn hóa. Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra, từ thói quen ứng xử ngoài cộng đồng xã hội, tính ích kỷ, cá nhân... cho đến việc giáo dục hành vi văn hóa, lòng tự trọng ở mỗi bạn trẻ.
Một hiện tượng nhưng rõ ràng đã nói được rất nhiều suy nghĩ, nền tảng sâu xa khó có thể nói hết được trong một vài bài viết, ý kiến. Để tạm khép lại, từ góc nhìn văn hóa cộng đồng, giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, trưởng bộ môn văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), đã trao đổi:
- Tôi có thể dự đoán được chuyện này. Đó là phong cách của văn hóa nông nghiệp - văn hóa của những con người cực kỳ lịch sự, tế nhị trong cộng đồng làng xã, nơi tất cả mọi người quen biết nhau. Nhưng vẫn những con người ấy khi rơi vào cộng đồng không quen biết, họ sẽ chẳng cần giữ ý. Không chỉ ở VN, ở những nước có truyền thống Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có nét đó cả.
Điều xấu, nhưng nếu có một chút lợi và có nhiều người làm thì mình cũng sẽ làm theo. Xấu đều hơn tốt lỏi. Chân lý thuộc về số đông mà!
* Như vậy những bạn trẻ cư xử theo lối làng xã ấy đã không có suy nghĩ độc lập mà bị đám đông cuốn đi?
- Văn hóa nông nghiệp là như thế: làng xã cần sự ổn định, muốn ổn định phải đồng nhất, mà muốn đồng nhất thì cần liên kết chặt chẽ, cần lấy cộng đồng làm chuẩn mực. Người VN rất sợ khác người, nên thấy người ta làm sao thì mình làm như vậy. Huống hồ thấy việc đó là có lợi nên sẵn sàng hồ hởi làm theo. Những người khác thấy việc bẻ hoa là không tốt, nhưng chỉ đứng nhìn mà không dám phản đối vì đó là số đông. Người Việt thích "kỳ yên", tức là "cầu an".
* Chắc giáo sư không quên nỗi buồn tương tự - việc "cướp hoa" từng diễn ra ở đường hoa Nguyễn Huệ? Rồi những chuyện thường ngày như nhổ nước bọt khi chạy xe, vượt đèn đỏ, tiểu tiện ngoài đường... Có người cho rằng đã có sự đổ vỡ nền tảng văn hóa nào đó trong các hành vi cá nhân và đám đông, ít nhất là trong môi trường đô thị.
- Chuẩn so với cái gì? Chuẩn của thời đã qua là văn hóa nông nghiệp, còn chuẩn hiện tại theo nếp sống đô thị thì đang hình thành. Chưa có chuẩn mới sao gọi là lệch chuẩn? Ở nông thôn, đầu năm bẻ một cành non mang về gọi là mang tài lộc về nhà, đó là một việc làm có ý nghĩa thiêng liêng; đã trở thành một nếp sinh hoạt truyền thống của người Việt.
Ở nông thôn, "tè” ra đường là chuyện bình thường vì ở đó đất rộng, người thưa, cây cối cũng cần được tưới. Đó là cách ứng xử của văn hóa nông nghiệp. Trên 70% dân số đô thị hiện nay xuất thân từ nông thôn. Đa số quan chức trong bộ máy quản lý đô thị các cấp cũng đều xuất thân từ các tỉnh, không phải thị dân chính cống. Ngay những người tổ chức lễ hội hoa anh đào này có thể cũng có tiền thân là nông dân. Nếp sinh hoạt, nếp ăn, nếp nghĩ đều là mang từ nông thôn lên, chỉ có môi trường mới là đô thị nên không có sự phù hợp là đúng rồi.
* Nếu như vậy văn hóa nông thôn có nhiều nhược điểm quá?
- Không phải nhược điểm mà là văn hóa nông thôn chỉ phù hợp với môi trường làng xã. Trong môi trường đó nó không những không có nhược điểm mà còn rất tốt, rất hoàn chỉnh là đằng khác. Chính nhờ cái văn hóa nông thôn đó mà suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Trung Hoa mới không đồng hóa mình được.
Nhưng văn hóa nông thôn hoàn toàn ngược với văn hóa đô thị, nên cái tốt ở nơi này sẽ trở thành cái xấu ở nơi kia. Ở làng xã không thể có cái xấu được. Vì mọi người đều quen biết nhau cả, nên cái xấu (như tật ăn cắp) sẽ bị cộng đồng trừng trị đến nơi đến chốn. Còn cái gì tồn tại được, được cộng đồng chấp nhận thì đó là văn hóa. Tuy nhiên nếu đem văn hóa làng xã đó vào cuộc sống ở đô thị sẽ trở thành không đúng chỗ và nó bộc lộ hết nhược điểm của mình.
* Là một nhà văn hóa và lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là văn hóa VN. Vậy theo ông, muốn xây dựng lối sống đô thị ở VN cần phải làm gì?
- Ta xây dựng môi trường đô thị, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng lại không chú trọng đúng mức việc xây dựng môi trường nhân văn. Người Việt xưa sống ở nông thôn là chủ yếu, chỉ những người làm quan hoặc những người buôn bán, làm công nghiệp, thương nghiệp mới ra thành thị. Trước đây, đô thị ở VN vốn nhỏ, hiện nay các đô thị của chúng ta ngày càng lớn, quá lớn. Hằng năm lượng nông dân vào thành phố đi làm, đi học rất đông. Rồi dân thành phố nhỏ vào thành phố lớn. Chất nông thôn, làng xã không những không mất đi mà trái lại luôn luôn được bổ sung ở mức đậm đặc.
Ở các nước, ý thức tự giác cũng không phải tự nhiên mà có, người quản lý phải chăng dây để người dân theo đó mà xếp hàng, làm riết sẽ thành một thói quen, nếp nghĩ, nếp sống mới, để đến khi bỏ dây ra là người ta tự giác xếp hàng. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, người quản lý chăng dây theo lối hẹp nên ở đó đâu có chuyện chen lấn! Vẫn những con người như thế nhưng với cách thức tổ chức tốt sẽ hạn chế được lộn xộn.
Theo tôi, xây dựng lối sống đô thị phải bằng hai cách: một là từ trên xuống, hai là từ cộng đồng vào. Từ trên xuống là chuyện quản lý. Được dân giao cho trách nhiệm quản lý, ta không thể trách người dân thiếu ý thức mà phải biết rằng ý thức của dân ta vốn là như thế và phải tìm cách tổ chức quản lý xã hội cho phù hợp. Muốn quản lý phải có luật và hình phạt phải đủ sức răn đe.
Từ cộng đồng vào là chuyện giáo dục. Tuy tất cả người đi xe máy đã đội mũ bảo hiểm, nhưng vẫn có những người đội mũ chỉ để đối phó. Để hết đối phó, cần phải giáo dục để họ hiểu đội mũ có tác dụng bảo vệ an toàn cho mình. Tổ chức hội hoa anh đào không chỉ là quảng bá hình ảnh Nhật Bản, mà còn là một dịp giáo dục dân ta. Quanh các gốc cây anh đào, chỉ cần sợi dây chăng xung quanh gốc và một hai vệ sĩ đứng đó thì có lẽ sẽ chẳng xảy ra chuyện gì.
Nếu ta vừa quản lý tốt lại vừa chú trọng giáo dục chắc chắn sẽ hình thành một văn hóa đô thị, và chắc chắn "nỗi buồn tại lễ hội hoa anh đào" và các lễ hội khác sẽ được hạn chế rất nhiều.
ĐẶNG TƯƠI thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ CN ngày 13/04/2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét