9 tháng 4, 2008

Vấn đề phân loại và đánh giá các mô hình giảm nghèo ở nước ta hiện nay


Vấn đề phân loại và đánh giá các mô hình giảm nghèo ở nước ta hiện nay
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, xoá đói giảm nghèo đã thực sự trở thành sự nghiệp cách mạng cao quý của toàn dân, được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình xoá đói giảm nghèo có hiệu quả trong cả nước cũng như từng địa phương. Tuy vậy, cho đến nay nhiều địa phương đã và vẫn đang trăn trở làm sao để tìm ra hướng đi, mô hình giảm nghèo bền vững, phù hợp với người dân trên địa bàn.
Một trong những bài học rút ra từ thực tiễn thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, đó là: Trên cơ sở chủ trương của Đảng và chỉ đạo Nhà nước, từng địa phương, từng hộ nghèo phải căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của mình để có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện, có như vậy, kết quả xoá đói giảm nghèo đạt được mới vững chắc. Cùng với đó, đối với từng vùng, từng khu vực, cần phải căn cứ vào đặc điểm, tiềm năng thế mạnh tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để tổ chức và nhân rộng những mô hình, cách làm hay trên cơ sở bám vào những nguyên nhân nghèo đói trực tiếp tại địa bàn.
Sau đây, xin giới thiệu một số loại mô hình giảm nghèo chung mang tính tổng quát, đồng thời đưa ra một số gợi ý trong việc tìm ra mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở một số vùng đặc thù để bạn đọc tham khảo.
Một số loại mô hình xoá đói giảm nghèo phổ biến
Đầu tiên, phải kể đến các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội đã được các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể lồng ghép để xây dựng mô hình giảm nghèo như: thực hiện dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, đã xây dựng nhiều mô hình về chuyển giao khoa học kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc bảo vệ cây trồng vật nuôi. Dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề đã hình thành mô hình về bảo quản, chế biến nông lâm hải thủy sản; phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn theo quy mô hộ và nhóm hộ. Những xã xây dựng được mô hình giảm nghèo đã có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 4-5%/năm, đặc biệt xã có mô hình liên kết với doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu thì tỷ lệ giảm hộ nghèo cao từ 8-10% năm, mô hình XĐGN vùng đặc thù giảm từ 6- 8%/năm.
Đối với các tổ chức hội, đoàn thể, phải kể đến Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Trong những năm qua, MTTQ các cấp đã phát động cuộc vận động “ngày vì người nghèo’’ trên phạm vi toàn quốc. Nội dung cuộc vận động được thực hiện đa dạng, giúp người nghèo ngày công, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm, hỗ trợ cây con giống,... Hình thức phổ biến nhất là đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo’’ ở 4 cấp, tạo ra nguồn vốn tập trung giúp đỡ người nghèo. Kết quả đã huy động được trên 600 tỷ đồng, giúp cho gần 100 ngàn hộ có nhà tình thương, đồng thời hỗ trợ về vật tư kỹ thuật, giống, cây con cho hàng trăm ngàn hộ nghèo và học sinh, sinh viên con hộ nghèo,...
Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng được nhiều mô hình XĐGN, huy động được 100 tỷ đồng, trên cơ sở huy động cộng đồng và lồng ghép nguồn vốn của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có ngân hàng phục vụ người nghèo, nay là ngân hàng chính sách xã hội và các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Kết quả đã giúp cho 5 triệu lượt hộ được vay vốn, thành lập 250 ngàn tổ vay vốn. Mô hình hộ nông dân sản xuất giỏi giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, XĐGN; mô hình câu lạc bộ nông dân ở một số xã đặc biệt khó khăn, giúp hộ nghèo cách làm ăn XĐGN.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ với nội dung ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm XĐGN. Kết quả đã khai hoang được hàng 100 ngàn ha đất, trong đó có hàng vạn ha đất ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi để nuôi trồng thủy sản; cải tạo hàng vạn ha đất vườn tạp thành vườn chuyên canh và thực hiện việc dồn điền đổi thửa để hình thành 87.321 mô hình kinh tế trang trại; 2.387 hội viên cựu chiến binh là chủ doanh nghiệp, 322 tổ hợp tác xã sản xuất với gần 19.600 thành viên tham gia. Tính đến năm 2005 kết quả XĐGN của Hội cựu Chiến binh đã giảm số hội viên nghèo từ 32% năm 1992 xuống còn trên 4%, có 3.044 xã phường và 100 quận huyện không còn hội cựu chiến binh nghèo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp lồng ghép các chương trình dự án của Hội và các Bộ, ngành để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN và việc làm đồng thời với việc phát triển Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thực tế cho thấy phong trào phụ nữ giúp đỡ nhau làm ăn phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước đã xây dựng được nhiều mô hình “tín dụng tiết kiệm”, với hình thức tự nguyện góp vốn và lồng ghép với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, ưu tiên cho hộ phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất XĐGN... Phong trào “ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đã xây dựng được mô hình “cá nhân giúp cá nhân, nhóm tổ chi hội đăng ký giúp đỡ cho hộ phụ nữ nghèo vượt nghèo”. Kết quả là từ năm 2001- 2005, mô hình đã giúp cho ba triệu hội viên được hỗ trợ về vốn và kiến thức làm ăn, trong đó hơn 50% là hộ phụ nữ nghèo, hàng năm có khoảng 7% số hội viên nghèo tham gia mô hình thoát nghèo.
Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh với phong trào thanh niên tình nguyện và phong trào thanh niên lập nghiệp đã hình thành nhiều mô hình XĐGN, như mô hình trang trại trẻ, doanh nghiệp trẻ, làng thanh niên, đội thanh niên xung phong tình nguyện tập trung xây dựng kinh tế ở vùng khó khăn. Đặc biệt vào dịp hè hàng năm, đội thanh niên sinh viên tình nguyện về vùng sâu, vùng xa giúp xã nghèo, người nghèo về ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và các hoạt động văn hóa, xóa đói giảm nghèo.
Kết quả của các mô hình đã thu hút hàng triệu thanh niên tham gia: Mô hình tiết kiệm tích lũy của Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Nông thôn đã huy động hơn 250 tỷ đồng với 300 ngàn thanh niên tham gia; mô hình phối hợp dạy nghề cho thanh niên nông thôn phát triển việc làm XĐGN, đã huy động được các doanh nghiệp cho vay không lãi để dạy nghề cho thanh niên nông thôn, chuyển giao kỹ thuật với số vốn 562 tỷ đồng, bình quân dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 250 ngàn lao động thanh niên ở nông thôn; mô hình trang trại trẻ có 12 ngàn trang trại, tạo việc làm cho 90 ngàn lao động; Mô hình thanh niên tình nguyện đã thu hút gần 1 vạn thanh niên trí thức về vùng sâu, vùng xa, giúp người nghèo phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, XĐGN ở nhiều vùng của Việt nam.
Phân loại các mô hình xoá đói giảm nghèo
Thực tiễn sinh động XĐGN trong những thập kỷ qua của đất nước đã xuất hiện nhiều cách làm mới, xây dựng nhiều mô hình XĐGN, đưa chủ trương, đường lối, chính sách XĐGN của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi của mọi người dân và đã tạo ra được bước đột phá huy động mọi nguồn lực để XĐGN một cách bền vững. Có thể phân loại các mô hình theo hai khía cạnh lớn bao gồm các mô hình hướng đến giải quyết vấn đề kinh tế và các mô hình hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội.
Về lĩnh vựcphát triển kinh tế, các mô hình XĐGN có thể khái quát theo 10 nhóm chủ yếu như sau:
Mô hình phát triển kinh tế hộ từ mục tiêu tạo việc làm tăng thu nhập, an ninh lương thực XĐGN đến phát triển sản xuất theo hệ sinh thái (VAC, VACR... mang tính sản xuất hàng hóa), mô hình được thực hiện và nhân rộng phổ biến với nhiều hình thức phong phú về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo mở việc làm phi nông nghiệp ở nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình kinh tế trang trại phát triển theo hệ sinh thái trên cơ sở phát triển theo thế mạnh sản phẩm hàng hóa đã được xây dựng và ngày càng phát triển, tạo ra những vùng chuyên canh, sản phẩm hàng hóa đặc sản, truyền thống. Mô hình đóng góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập XĐGN và khả năng vươn lên làm giàu nhanh, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Mô hình phát triển kinh tế tập thể XĐGN, trên cơ sở hình thành các tổ, nhóm hộ giúp đỡ nhau làm ăn phát triển sản xuất, giúp nhau lúc khó khăn “lá lành đùm lá rách’’ XĐGN, như tổ tín dụng tiết kiệm, tổ hỗ trợ vay vốn, tổ người nghèo giúp nhau làm ăn, mô hình được các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng và phát triển rộng rãi với hàng chục triệu hội viên tham gia.
 Mô hình phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng việc làm, tăng thu nhập, XĐGN và làm giàu, như mô hình liên hoàn nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở các xã bãi ngang ven biển, làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề khu ven đô, khu công nghiệp,...
Mô hình phát triển cộng đồng XĐGN bền vững (mô hình lan tỏa), giải quyết nguyên nhân bức xúc nhất của tình trạng nghèo đói của hộ nghèo, xã nghèo về nhận thức, kiến thức làm ăn để tạo bước đột phá mở đường thực hiện tiếp các giải pháp giải quyết nguyên nhân nghèo đói khác để XĐGN bền vững theo phương thức tự cứu.
Mô hình XĐGN ở các xã có đặc điểm đặc thù ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, XĐGN ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, bãi ngang ven biển, vùng sâu vùng xa ngập sâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long. Với nhiều hình thức thực hiện giải pháp hỗ trợ XĐGN, như hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc vùng cao một mái nhà, một bể nước, một con bò,…; Phát triển ruộng bậc thang an ninh lương thực XĐGN cho đồng bào dân tộc vùng cao; Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến XĐGN xã bãi ngang ven biển; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với cụm tuyến dân cư vùng ngập sâu mùa nước nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ, xã phát triển vùng nguyên liệu, với nội dung giúp hộ nghèo về vốn, trợ giúp kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, giúp xã nghèo về cơ sở hạ tầng nhỏ phát triển vùng nguyên liệu để XĐGN.
Mô hình trao quyền sở hữu bền vững các công trình cơ sở hạ tầng, với hình thức giao cho hộ đồng bào dân tộc nhận duy tu bảo dưỡng đường bộ ở các tỉnh miền núi góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Mô hình xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên cộng đồng, cán bộ làm công tác XĐGN kiêm khuyến nông viên thôn bản “cầm tay chỉ việc” giúp hộ nghèo thoát nghèo.
Mô hình khuyến khích hộ nghèo thoát nghèo với hình thức hỗ trợ một phần lãi suất để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người nghèo và tiếp tục cho hộ thoát nghèo được hưởng các chính sách: tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục nhằm đảm bảo tính bền vững xóa đói giảm nghèo.
Về lĩnh vực xã hội , các mô hình XĐGN thể hiện ở 4 nhóm, bao gồm: Mô hình hỗ trợ người nghèo về nhà ở; Mô hình hỗ trợ người nghèo về y tế; Mô hình hỗ trợ con hộ nghèo về giáo dục; Mô hình bạn giúp bạn, hội giúp hội viên vượt lên số phận, khắc phục khó khăn XĐGN.
Một số loại mô hình giảm nghèo có hiệu quả đã và đang được triển khai
Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, các Chương trình giảm nghèo quốc gia đều được thiết kế cùng với một hệ thống cơ chế chính sách xóa đói giảm nghèo khá đồng bộ với nhiều chương trình, dự án thành phần trong đó có dự án xây dựng mô hình XĐGN. Mục tiêu chung của dự án là: Xây dựng được nhóm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ, xã phát triển vùng nguyên liệu và nhóm mô hình XĐGN xã đặc thù thuộc các vùng sinh thái, đồng thời rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình thành công .
Nhóm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ, xã, phát triển vùng nguyên liệu -XĐGN (gọi là mô hình liên kết)
Mô hình xây dựng nhằm tạo được sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp từ khi bắt đầu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Nội dung và phương thức thực hiện thông qua việc doanh nghiệp hỗ trợ người dân từ khâu cung cấp các yếu tố đầu vào (ứng trước về giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất), sơ chế bảo quản đến bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nội vùng (đường giao thông, thuỷ lợi nhỏ...).
Ngoài ra mô hình liên kết còn còn nhằm mục tiêu tìm giải pháp hợp lý để xây dựng, củng cố, hoàn thiện mối quan hệ giữa người sản xuất với thị trường tín dụng, thị trường công nghệ, thị trường lao động, thị trường hàng hoá, đồng thời tạo điều kiện giúp các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh việc quy hoạch với sản xuất, đưa vùng có tiềm năng cây nguyên liệu thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá tập trung, góp phần XĐGN nhanh cho vùng, miền có lợi thế.
Nhóm mô hình XĐGN ở xã đặc thù thuộc các vùng sinh thái (gọi là mô hình xã đặc thù).
Mục tiêu chung của nhóm mô hình là nhằm giúp hộ nghèo, xã nghèo lựa chọn được giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao phù hợp với điều kiện thực tế của hộ dân và địa phương để phát triển sản xuất, đồng thời tận dụng được những lợi thế phát triển ngành nghề, mở rộng việc làm, tăng thu nhập, XĐGN bền vững. Nhóm mô hình này được chia nhỏ thành loại mô hình sau:
Đối với miền núi, biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập quán sản xuất lạc hậu, địa hình chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc trưng nghèo đói đa dạng, nên cần xây dựng những mô hình XĐGN phù hợp, cụ thể: Đối với các xã chưa đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, cần tập trung hỗ trợ khai thác ruộng bậc thang, chuyển đổi cách thức canh tác nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với phương pháp canh tác lúa nước; phát huy được tiềm năng đất đai hiện có; chuyển cây trồng từ 1 vụ lên 2 vụ để chủ động bảo đảm được lương thực tại chỗ; Đối với các xã có lợi thế về đồng cỏ, tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển chăn nuôi đại gia súc với phương pháp chăn dắt, quy mô tập trung để tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ, xã; Đối với các xã biên giới, cùng với chủ chương đưa dân ra biên giới để giữ đất, cần có giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, chống tình trạng di dân tự do vào các tỉnh phía Nam, tập trung xây dựng mô hình XĐGN gắn với an ninh quốc phòng.
Đối với các xã ven biển, có lợi thế nuôi trồng và khai thác thuỷ, hải sản, cần hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với chế biến, đồng thời tận dụng vùng đất cát để phát triển cây trồng vật nuôi phù hợp nhằm đa dạng việc làm, đa dạng thu nhập cho hộ nghèo và nhân dân ở xã bãi ngang ven biển.
Cuối cùng, đối với các xã vùng ngập sâu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cần hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm giúp dân thay đổi được giống cây, con mới phù hợp với vùng ngập lũ, hạn chế hậu quả thiên tai; giải quyết việc làm cho hộ nghèo thiếu đất và không có đát sản xuất thay đổi tập quán sống phân tán vào sống trong các cụm tuyến dân cư, ổn định sản xuất và cuộc sống./.

Ngô Trường Thi

Không có nhận xét nào: