3 tháng 4, 2008

Một số nội dung cơ bản của Đề án Phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam


Một số nội dung cơ bản của Đề án Phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam
Viết bởi ThS Bùi Thị Xuân Mai

Con người là tổng thể của 3 yếu tố: Sinh lý - Tâm lý - Xã hội. Nếu gặp phải những bệnh tật sinh lý, con người cần sự can thiệp và chữa trị của các bác sỹ có chuyên môn của nghề Y. Nếu có những khủng hoảng về tâm lý, con người cần tới can thiệp của các nhà tâm thần với chuyên môn của nghề tâm lý. Vậy khi con người gặp phải các vấn đề về xã hội như mối quan hệ xã hội không cân bằng, thiếu việc làm, thất học, khó khăn về kinh tế, sự già cả hay khuyết tật… và vì lẽ đó, họ không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, khó hòa nhập cộng đồng thì ai và nghề nào có trách nhiệm giúp đỡ họ? Không ai khác đó là các cán bộ xã hội (hay còn gọi là nhân viên xã hội) có chuyên môn công tác xã hội (CTXH).

Như bao nghề khác, CTXH có chức năng riêng của mình trong xã hội đó là giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng chữa trị (can thiệp, giải quyết) phòng ngừa các vấn đề xã hội và phát triển. Với những đóng góp to lớn của ngành Công tác xã hội trong nhiều thập kỷ qua, tại Đại hội liên đoàn CTXH chuyên nghiệp quốc tế ở Canada vào 2004 người ta lại khẳng định một lần nữa rằng, Công tác xã hội là hoạt động chuyên nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi (phát triển) của xã hội bằng việc tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội (vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ xã hội) cũng như tăng năng lực và giải phóng tiềm năng cho sự phát triển đầy đủ và hài hoà của con người. Công tác xã hội đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân.

Những người thực hiện, triển khai các hoạt động của nghề CTXH được gọi là cán bộ xã hội có nhiệm vụ: Trợ giúp con người trong việc giải quyết và đối phó với vấn đề khó khăn trong cuộc sống; nối kết con người với hệ thống dịch vụ và nguồn lực trong xã hội; thúc đẩy các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ và nguồn lực giúp con người hoạt động có hiệu quả; phát triển và cải thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội. Họ làm việc ở nhiều lĩnh vực trong xã hội như: các cơ quan an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bệnh viện, trường học, tòa án, nhà tù... từ cấp cơ sở (cộng đồng) tới trung ương. Một tập hợp đông đảo của 470.000 cán bộ xã hội chuyên nghiệp từ 84 quốc gia trên thế giới đã tạo nên một nghiệp đoàn cán bộ xã hội chuyên nghiệp quốc tế có tên là International Federation of Social Workers viết tắt là IFSW. Nghiệp đoàn này cũng như bao tổ chức nghề nghiệp khác đã và đang phát triển mạnh mẽ từ hàng thập kỷ qua kể từ khi được manh nha vào năm 1928 và chính thức thành lập vào vào năm 1956 tại thành phố Munich Cộng hoà Liên bang Đức. Các cán bộ xã hội được đào tạo ở các trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ, với “bí quyết”, kỹ năng, kỹ thuật của nghề nghiệp CTXH, họ đã đem lại những dịch vụ xã hội, các chương trình an sinh xã hội có chất lượng, đã vận hành các chính sách xã một cách hiệu quả. Điều này thể hiện rõ nét qua khả năng phòng ngừa đối với các vấn đề xã hội, sự huy động tối đa của các nguồn lực từ mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, sự phát triển bền vững và giảm tải ngân sách nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác.

Trong quá trình phát triển, Việt Nam đang từng bước xây dựng nền tảng cho sự hội nhập mang tính toàn diện và vững chắc hơn. Hiện nay, không chỉ hội nhập về kỹ thuật, công nghệ thông tin, về kinh tế tài chính - ngân hàng mà chúng ta cũng đang nỗ lực để hoà nhập những lĩnh vực xã hội. Được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, năm 2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và sự trợ giúp kỹ thuật của UNICEF cũng như các Tổ chức quốc tế khác xây dựng Đề án “Phát triển công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng và ban hành thể chế pháp lý cho sự ra đời của nghề công tác xã hội cùng với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp tiến tới thiết lập mạng lưới cán bộ xã hội chuyên nghiệp có trình độ trên phạm vi toàn quốc và từng bước gia nhập Hiệp hội cán bộ xã hội chuyên nghiệp trong khu vực và toàn thế giới.

Đề án được xây dựng và tổ chức thực hiện từ năm 2007 tới năm 2015 với những kết quả mong đợi sau:

- Xây dựng và ban hành văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý hình thành mã nghề với những tiêu chuẩn chức danh cùng với thang bảng lương phù hợp (đến cuối năm 2008).

- Phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển đào tạo CTXH chuyên nghiệp ở các bậc học từ sơ cấp tới trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học.

- Phát triển mạng lưới các tổ chức sử dụng cán bộ xã hội được đào tạo chuyên nghiệp rộng rãi ở các ngành, lĩnh vực như: lao động - thương binh và xã hội, dân số - gia đình, trẻ em, giáo dục, y tế trường học… ở các cấp từ xã/ phường, thị trấn, quận, huyện.

- Hình thành Hiệp hội cán bộ xã hội chuyên nghiệp và các trường đào tạo CTXH ở Việt Nam và từng bước trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội cán bộ xã hội chuyên nghiệp quốc tế cũng như hiệp hội các trường đào tạo Công tác xã hội thế giới.

Để đạt được các mục tiêu trên, các hoạt động đã được đưa ra trong đề án gồm:

1. Truyền thông nâng cao nhận thức về công tác xã hội chuyên nghiệp.

Đối tượng tác động của truyền thông được hướng tới tất cả các cấp, các ngành, các nhà lãnh đạo, những người sử dụng cũng như những người dân trong xã hội. Truyền thông sẽ được thực hiện bằng nhiều hình thức: từ tập huấn tới hội thảo, hội nghị, từ báo chí tới truyền thanh, truyền hình... Thông qua đó, mục đích ý nghĩa cũng như nội dung hoạt động của CTXH chuyên nghiệp sẽ được xã hội nhận thức rõ hơn làm nền tảng cho việc tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và triển khai các chính sách xã hội có hiệu quả hơn.

2. Xây dựng hành lang pháp lý

- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh

Nghiên cứu xây dựng và ban hành mã nghề CTXH với tiêu chuẩn chức danh nghiệp theo thang bậc A, B, C, D; bậc A tương ứng với Nhân viên cao cấp, bậc B tương ứng với Nhân viên chính; bậc C tương ứng với Nhân viên và bậc D tương ứng với Bán chuyên nghiệp. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay khi chưa có đủ cán bộ xã hội chuyên nghiệp có trình độ cao đẳng hay đại học làm việc tại cấp cơ sở thì việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã hội có trình độ trung cấp, hay bồi dưỡng nâng cao cho những người làm công tác tình nguyện để có trình độ sơ cấp là rất cần thiết.

Mỗi cán bộ xã hội dù ở trình độ nào cũng đều phải có những tiêu chuẩn về thái độ, kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ CTXH tương ứng.

- Xây dựng hệ thống ngạch bậc thang bảng lương

Với những khuyến cáo và tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, chúng ta có thể áp dụng ngạch công chức, viên chức cho các cán bộ xã hội có trình độ đại học trở lên và thường làm việc từ cấp trung ương tới tỉnh, huyện, các cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm tham vấn/tư vấn. Đối với cán bộ xã hội làm việc trực tiếp tại xã, phường, cộng đồng có trình độ trung cấp, sơ cấp có thể áp dụng ngạch lương như các điều dưỡng viên có trình độ trung cấp hay các y tá, y sỹ. Việc xem xét hệ thống thang lương của ngành giáo dục cho thang lương của CTXH cũng là một phương án đang được nghiên cứu. Việc tính phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ xã hội cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm và cần nghiên cứu đề xuất.



3. Nghiên cứu việc sử dụng cán bộ xã hội

Việc sử dụng CBXH sẽ từng bước được xem xét trong công tác tuyển dụng ở tất cả lĩnh vực, cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ, đoàn thể, các khu vực tư nhân có liên quan.

Trước mắt, có thể nghiên cứu việc sử dụng tuyển dụng cán bộ xã hội chuyên nghiệp trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, dân số -gia đình và trẻ em ở tất cả các cấp từ trung ương tới địa phương (xã/phường); từng bước mở rộng việc sử dụng loại hình cán bộ này tới các lĩnh vực như giáo dục, y tế, tư pháp như trong trường học, bệnh viện, toà án…

Việc sử dụng các cán bộ xã hội cũng được nghiên cứu trong các lĩnh vực đoàn thể như Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Chữ Thập đỏ, các hội như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em…

4. Nghiên cứu thành lập Hiệp hội cán bộ xã hội chuyên nghiệp quốc gia.

Việc hình thành Hiệp hội này một mặt nhằm bảo vệ tính chuyên nghiệp của loại hình nghề nghiệp này ở Việt Nam, mặt khác nhằm bảo vệ quyền lợi của những người làm CTXH cũng như lợi ích của đối tượng được phục vụ trong lĩnh vực CTXH. Bên cạnh đó, nó còn là cầu nối giữa giới chuyên nghiệp của Việt Nam với của các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới nhằm tạo một môi trường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và tăng cường sự chuyên nghiệp.

5. Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực cán bộ xã hội chuyên nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2015 phổ cập trình độ sơ cấp và 2020 phổ cập trình độ trung cấp cho đội ngũ CBXH làm việc tại cơ sở xã, phường và nghiên cứu tạo điều kiện để họ được học tập nâng cao trình độ ở bậc cao hơn như cao đẳng, đại học bằng nhiều hình thức tích luỹ chứng chỉ, liên thông.

Đào tạo nguồn nhân lực sau đại học cũng là một vấn đề cấp thiết cần được nghiên cứu triển khai nhằm cung cấp đội ngũ giảng viên có chất lượng cho các trường đại học cũng như đội ngũ CBXH có trình độ cao cho công tác nghiên cứu và triển khai các chính sách an sinh, dịch vụ xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 có một số trường trong đó có trường Đại học Lao động - Xã hội có thể đảm đương được trách nhiệm này.

6. Mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển CTXH

Phát huy nội lực đi cùng với việc thu hút sự ủng hộ và giúp đỡ của các tổ chức quốc tế là một phương sách rất được chú trọng trong bối cảnh chúng ta còn tụt hậu khá xa so với nhiều nước trong khu vực về hoạt động nghề nghiệp này.

Để tổ chức thực hiện các hoạt động trên, Ban chỉ đạo xây dựng và chỉ đạo thực hiện đã được thành lập bao gồm các đại diện lãnh đạo chuyên gia từ 10 Bộ, Ngành như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ..

Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới 12/11 của Việt Nam năm nay tại Đà Lạt có những nét mới bởi nó không chỉ do các cán bộ xã hội tâm huyết của Việt Nam tổ chức mà còn là sự phối hợp với ban chỉ đạo đề án. Điều này thể hiện sự cam kết bước đầu của đề án với việc thúc đẩy CTXCH là một nghề chuyên môn ở Việt Nam. Đặc biệt, tại buổi lễ còn có sự hiển diện của lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Bà Trương Thị Mai - Uỷ viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bà Huỳnh Thị Nhân - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Thường trực Đảng bộ, lãnh đạo các Vụ Bảo trợ xã hội, Vụ Kế hoạch và Tài chính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới sự nghiệp của CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam. Sự có mặt của lãnh đạo Hiệp hội CTXH quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại buổi lễ cũng cho thấy, chúng ta đang từng bước tiến tới con đường hội nhập quốc tế và phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp trên thế giới.

(theo www.ulsa.edu.vn)

Không có nhận xét nào: