23 tháng 4, 2008

Mạng lưới cộng đồng của Thái Lan


Mạng lưới cộng đồng của Thái LanPhần 1. Các vấn đề chính cho việc Giải Quyết Nghèo Đói Đô Thị
Câu hỏi làm thế nào để giải quyết một cách hiệu quả vấn đề nghèo đói ở khu vực nông thôn và thành thị đã là mối quan tâm hàng đầu của các chương trình kế hoạch quốc gia và quốc tế từ hàng thập kỷ đến nay. Chẳng hạn, các tổ chức chính phủ, cơ quan chuyên môn và các nhóm cộng đồng đã tìm kiếm những phương cách "làm thế nào" để giải quyết vấn đề nghèo đói trên quy mô vừa đủ, củng cố và tiếp tục tính hiệu quả.
Rõ ràng cho đến nay, các hệ thống hiện hữu về phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa tăng đã dẫn đến sự chênh lệch ngày càng tăng về thu nhập và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề tại các đô thị trừ khi vấn đề nghèo đói đô thị được giải quyết một cách thích hợp. Điều này đưa ra một số câu hỏi quan trọng như sau:
• Làm thế nào để tìm thấy được một tiến trình phát triển liên tục kéo dài, bền vững và hiệu quả; không chỉ đơn thuần giải quyết các triệu chứng mà là các nguyên nhận gốc rễ của vấn đề nghèo đói?
• Làm thế nào tìm kiếm và cải tiến các tiến trình như vậy trở thành các công cụ giúp phát triển sức mạnh, khả năng và sự hiểu biết trong các cộng đồng của người nghèo. Qua đó, họ trở thành các nhân tố chính của tiến trình thay đổi?

• Những cơ chế nào có thể hỗ trợ các tiến trình phát triển mới này và giúp liên kết rộng rãi nhiều nhóm khác nhau, hoạt động với nhiều mức độ năng lực khác nhau và với chính quyền ở nhiều cấp khác nhau?
Đây là một số điểm then chốt cần được xem xét và phát triển sâu hơn. Nó cũng đòi hỏi việc suy xét lại và thử nghiệm các phương thức thực hiện mới, thay vì chỉ làm theo các phương thức cổ điển trong các hệ thống tổ chức hiện hữu. Tạo ra những thay đổi nhỏ trong các hệ thống cũ, cách suy nghĩ cũ và cách làm cũ nó không thể giúp chúng ta theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội do sự toàn cầu hóa tạo ra, hay quy mô bùng nổ và và sự phức tạp của các vấn đề nghèo đói tại các thành phố.
Từ 1992, Văn Phòng Phát Triển Cộng Đồng Đô Thị Thái lan (UCDO)- Urban Community Development Office (UCDO) đã và đang thử nghiệm các tiến trình phát triển mới nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói đô thị tại Thái Lan. Sự thách đố là việc sử dụng Quỹ Phát Triển Người Nghèo Đô Thị - Urban Poor Development Fund (UPDF) để tạo ra sự phát triển cộng đồng đô thị thực sự của chính người dân nghèo - với quy mô quốc gia. Cho đến hôm nay, thông qua hoạt động rất cơ bản là tiết kiệm và tín dụng cộng đồng, hơn 600 nhóm tiết kiệm tín dụng của các cộng đồng nghèo trong 40 tỉnh của cả nước đã tự tổ chức thành mạng lưới cộng đồng tại mỗi thành phố. Các mạng lưới cộng đồng này đã trở thành một cơ chế phát triển hợp tác hoàn toàn của chính các cộng đồng, giúp họ phát triển các giải pháp cho những vấn đề mà họ phải đương đầu, thông qua một số các chương trình hoạt động như: giành quyền đất đai và các dự án nhà ở, doanh nghiệp cộng đồng, chiến lược phúc lợi cộng đồng, quỹ phát triển CĐ, các hoạt động cải thiện môi trường v.v....
Đồng thời, các mạng lưới cộng đồng đã củng cố khả năng thương lượng của các cộng đồng nghèo trong các thành phố, các sáng kiến nảy sinh và các mối quan hệ hợp tác hiệu quả với các nhân tố khác trong các dự án phát triển quy mô cấp thành phố có ảnh hưởng đến người nghèo đô thị. Các mạng lưới cộng đồng cũng đã góp thêm sức mạnh cùng các các nhóm dân sự khác trong thành phố tác động lên các xu hướng phát triển thành phố. Hình thức mạng lưới dân sự này có thể được sử dụng như một cơ chế phát triển quan trọng nhằm xóa bỏ những cách biệt về sự hiểu biết đang tồn tại giữa người nghèo đô thị và hệ thống chính quy, giúp cân bằng mối liên hệ chính trị quan trọng này.
Việc xây dựng các mạng lưới dân sự như vậy đã trở thành một xu hướng và đã chứng minh đây là một phương thức hiệu quả giải quyết vấn đề nghèo đói đô thị - do chính người nghèo thực hiện. Bên cạnh các thử nghiệm cùng UCDO ở Thái Lan, có rất nhiều các kinh nghiệm hay cho thấy tiềm năng to lớn của phương thức mới này ở một số quốc gia Châu Á. Đã đến lúc cần sử dụng kiến thức tổng hợp của thử nghiệm này nhằm thiết lập một xu hướng phát triển mới mạnh mẽ của khu vực hiện đang góp phần giải quyết vần đề nghèo đói đô thị trong các xã hội Châu Á hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây.
Phần 2. Các kinh nghiệm của UCDO Thailand
2.1 Nghèo đói đô thị ở Thái Lan
Thái Lan có hơn 2000 cộng đồng ổ chuột, với khoảng 2 triệu cư dân sinh sống, được xem là người nghèo đô thị. Thật ra con số người nghèo đô thị đông hơn nhiều, bởi vì có rất đông dân cư sống rải rác phía bên ngoài các cộng đồng ổ chuột chưa được tính vào con số trên. Tuy nhiên các cư dân khu ổ chuột và cư dân lấn chiếm số lượng đông nhất. 70% người nghèo đô thị Thái Lan kiếm sống trong khu vực phi chính thức - đa số họ có thu nhập hàng ngày và là người buôn bán nhỏ. Các khó khăn chủ yếu của họ là sự thiếu an toàn về đề đất đai và nhà ở, nghèo đói,quyền cư trú tại thành phố, tiếp cận hạ tầng cơ sở, sức khỏe và giáo dục.
2.2 Văn Phòng Phát Triển Cộng Đồng Đô Thị
UCDO được thành lập vào năm 1992 như một cố gắng của chính phủ Thái nhằm áp dụng một phương thức mới và phát triển một tiến trình mới để giải quyết vấn đề nghèo đói đô thị.
Chính phủ đã tài trợ một quỹ vốn quay vòng 1,250 triệu Baht (khoảng US$ 32 triệu) thông qua Bộ Nhà Ở - National Housing Authority* - nhằm thiết lập một chương trình đặc biệt và một tổ chức mới, văn phòng độc lập - Văn phòng Phát Triển Cộng Đồng - mục tiêu giải quyết nghèo đói đô thị với quy mô quốc gia.
Chương trình có mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện sống và tăng năng lực tổ chức cho các cộng đồng nghèo đô thị thông qua việc khuyến khích các nhóm tiết kiệm và tín dụng cộng đồng, đồng thời cung cấp các khoản vay tổng hợp với lãi suất thích hợp như những gói vay có quy mô lớn (wholesale loans) cho các tổ chức cộng đồng.
Quỹ Phát Triển Người Nghèo Đô Thị mới này tạo điều kiện để tất cả các nhóm nghèo đô thị một khi đã cùng nhau tập hợp lại đều có thể tiếp cận nguồn quỹ và đăng ký vay vốn cho các dự án phát triển của họ.
Đối với người nghèo đô thị, việc cùng nhau tổ chức nhóm tiết kiệm tín dụng là khá dễ dàng, là cách đơn giản và trực tiếp để giải quyết các nhu cầu khẩn cấp hàng ngày của mình. Các hoạt động tiết kiệm trở thành một công cụ nối kết người nghèo trong cộng đồng tìm kiếm phương cách cùng nhau làm việc, từ việc giải quyết các nhu cầu cơ bản đơn giản đến việc quản lý các hoạt động phát triển phức tạp tạo liên kết với hệ thống chính thức. Nhóm tiết kiệm và tín dụng trở thành điểm khởi đầu cho một tiến trình phát triển của chính cộng đồng, liên kết lại cùng nhau trong một cộng đồng và nối kết với các nguồn bên ngoài. Ở đây, Quỹ Phát Triển Người Nghèo Đô thị là một nguồn do chính người dân cộng đồng tự phát triển lên.
Tuy nhiên, ý tưởng ở đây không chỉ đơn giản nhằm cung cấp các món vay lãi suất thấp cho người nghèo. Các hoạt động tiết kiệm và tín dụng cộng đồng được xem như một phương tiện tạo ra sự phát triển thực sự của chính cộng đồng, nó có khả năng dần từng bước giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự đói nghèo. Cái quan trọng hơn các khoản vay rẻ chính là thúc đẩy phát triển khả năng quản lý cộng đồng và tăng cường sức mạnh của các tổ chức cộng đồng để có thể làm chủ các tiến trình phát triển cộng đồng khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là tiến trình phát triển bao gồm việc lập kế hoạch cộng đồng và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhân tố phát triển khác tại địa phương - đặc biệt là chính quyền các thành phố - và liên kết hợp tác cùng các hoạt động phát triển đa dạng khác của địa phương. Tiến trình cùng nhau tiếp tục học hỏi và phát triển giữa các cộng đồng nghèo cần được xem là một cơ chế phát triển chính nhằm giải quyết các vấn đề nghèo đói đô thị, do chính cộng đồng nghèo thực hiện thông qua việc sử dụng Quỹ Phát Triển Người Nghèo Đô thị như nguồn vốn cơ sở của chính họ.
2.3 Liên Kết Mạng Lưới Cộng Đồng là cơ chế hợp tác phát triển
Một trong các hoạt động đáng chú ý nhất của UCDO đó là tiến trình liên kết các nhóm tiết kiệm và tín dụng người nghèo đô thị trong cùng một thành phố và quận, hay trên cùng các vấn đề phát triển tương tự và các nhóm có chung mối quan tâm để hình thành các mạng lưới cộng đồng khác nhau. Mạng Lưới cũng được tổ chức tại các cấp khác nhau - từ quốc gia, vùng, thành phố, khu vực và cấp quận. Thật ra không có sẵn một hình thức mạng lưới cộng đồng được ấn định, các mạng lưới được phát triển tùy thuộc lợi ích của các nhóm tham gia, phụ thuộc vào hoàn cảnh thay đổi của chính họ.
Chúng tôi đã nhận ra rằng liên kết mạng lưới cộng đồng là một nền tảng đặc biệt vững chắc cho sự phát triển trên quy mô rộng - một nền tảng bao gồm khả năng tiềm tàng trong việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hay nâng cao sự phấn khích, khích lệ lẫn nhau. Các mạng lưới đã giúp các nhóm nghèo đô thị của Thái Lan tăng thêm sự tự tin. Mạng lưới cộng đồng đã nảy sinh ở nhiều cấp độ , nhiều hình thức khác nhau, và trở thành cơ chề phát triển chính do người dân tự thực hiện của UCDO. Công việc của họ nhằm thúc đẩy một tiến trình phát triển giải quyết vấn đề nghèo đói đô thị trên quy mô toàn quốc và liên kết các chương trình hiện hữu khác do chính cộng đồng thực hiện.


Phần 3. Các Hình Thức và Chức Năng của Mạng Lưới Cộng Đồng Giải Quyết Nghèo Đói Đô Thị
Việc khởi động một mạng lưới cộng đồng có thể được tiến hành dễ dàng với sự hiểu biết ít nhiều về nghèo đói đô thị và xu hướng phát triển tự lực của chính người dân. Việc tập hợp các nhóm cộng đồng để cùng nhau thảo luận về các vấn đề và hoạt động chung hẩu như luôn dẫn đến các hình thức hợp tác và mạng lưới, và luôn đưa đến các cuộc họp mặt và tập hợp tiếp theo sau, cuối cùng luôn có thể đem lại một số các hoạt động chung.
Một số mạng lưới khởi động một cách rất lỏng lẻo lúc ban đầu. Khi có các cuộc họp mặt thường xuyên, người dân của các cộng đồng khác nhau và đến từ khắp nơi của mọi miền đất nước tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau về thực trạng và các vấn đề của chính họ, cũng như các đặc điểm khác biệt của từng nơi trước khi đi vào hình thành các tổ chức cùng nhau. Các hình thức tổ chức này thường chỉ nhắm đến các mục tiêu hoạt động cụ thể trong tiến trình lập quyết định hay nhằm thực hiện các hoạt động chung.
Vì vậy, việc thành lập mạng lưới có thể được thúc đẩy bằng cách thử thiết lập các điều kiện cho cùng nhau lập quyết định và thực hiện các dự án chung.
Từ năm 1996, UCDO đã hợp tác với DANCED nhằm phát triển Các hoạt động Cải Thiện Môi Trường Cộng Đồng (UCEA), sử dụng Quỹ Môi Trường cho phép các mạng lưới cộng đồng lập các quyết định và tự thực hiện các dự án cải thiện môi trường cộng đồng trên cơ sở tổ chức có sẵn của họ cùng với cố vấn hợp tác của các tác nhân địa phương khác. Điều kiện của chương trình đã giúp tập hợp các nhóm cộng đồng lại cùng nhau làm việc như một mạng lưới chung cả cộng đồng một cách mạnh mẽ hơn để đưa ra các quyết định, khuyến khích, thực hiện và quản lý tất cả các hoạt động phát triển có liên quan đến bất kỳ một dự án cọng đồng trong mạng lưới. Vì vậy mỗi cộng đồng tham gia mạng lưới đều được tiếp cận trực tiếp với nguồn tài sản chung, đó là: kiến thức, kinh nghiệm của nhiều nhóm cộng đồng khác nhau và có cơ hội đạt được các lợi ích trong các hoạt động phát triển của chính mình. Với phương thức này, mọi hoạt động và thành công của tiến trình ở bất kỳ cộng đồng nào đều trở thành nguồn kiến thức học hỏi cho cả mạng lưới. Đồng thời khi có vần đề phát sinh, mạg lưới có thể trở thành một cơ chế hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề cho các thành viên.
3.2 Các hình thức khác nhau của Mạng Lưới Cộng đồng nghèo
Có rất nhiều hình thức Mạng Lưới Cộng Đồng khác nhau. Ý tưởng cơ bản của mạng lưới là làm thế nào tạo ra sự liên kết mà qua đó các cộng đồng nghèo đô thị có thể quản lý một cách tối đa. Ý tưởng về mạng lưới cộng đồng không phải là điều mới mẻ, thế nhưng các hình thức mạng lưới cộng đồng được quản lý rõ ràng và minh bạch do chính cộng đồng lại không có nhiều. Đa số các mạng lưới cộng đồng cổ điển do người bên ngoài điều khiển như một phần của chiến lược dành cho người nghèo được tổ chức và quản lý bởi các tổ chức chính phủ và cơ quan bên ngoài.
Do lịch sử của việc giám sát quản lý bên ngoài như vậy, điều quan trọng là các mạng lưới cộng đồng cần phải được tổ chức từ dưới lên - từ tổ chức nhỏ nhất và hoạt động như nền tảng để nối kết với các tổ chức rộng lớn hơn. Ở Thái Lan, mạng lưới cộng đồng bắt đầu bằng sự nối kết giữa các cộng đồng trong cùng một quận hay cùng một thành phố, xem như sự thiết lập mạng lưới cơ bản, sau đó nối kết cùng nhau ở cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Bên cạnh đó cũng tồn tại các mạng lưới cộng đồng liên kết cùng nhau với cùng chung các vấn đề phát triển, chẳng hạn mạng lưới các cộng đồng nằm dọc trên khu đất của Bộ Đường Sắt, các cộng đồng nằm dọc kênh rạch, hay các cộng đồng nối kết lại với nhau bởi các doanh nghiệp cổ phần hay các hoạt động phúc lợi. Mỗi loại hình mạng lưới cộng đồng cung cấp một khung thể chế chung cho các cộng đồng có cùng chung bối cảnh hay các mối quan tâm để cùng nhau thực hiện đạt các mục tiêu phát triển liên tục của mình. Đồng thời, họ cùng nhau, như một nhóm, thương lượng nhằm đạt cơ cấu liên quan hay sự thay đổi về chính sách.
3.3 Các chức năng Phát triển Tổng Hợp của Mạng Lưới Cộng Đồng trong việc Giải Quyết Nghèo Đói Đô Thị
Một khi các cộng đồng tự tổ chức vào các mạng lưới cộng đồng, một cơ chế phát triển cộng đồng rộng lớn hơn bắt đầu xuất hiện nhằm đương đầu với các vấn đề phát triển một cách triệt để hơn và với quy mô rộng lớn hơn, dần từng bước đi đến các nguyên nhân gốc rễ khác nhau của vấn đề nghèo đói. Một số ví dụ về tiến trình ở Thái Lan được tóm lược ở đây:
3.3.1 Mạng lưới cộng đồng giải quyết các vấn đề đất đai và nhà ở
Hầu hết các nhóm nghèo đô thị đều phải đương đầu với các vấn đề về đất và nhà ở. Sự không an toàn trong sở hữu đất và các vấn đề giải tỏa là hàng rào cản làm cho các nhóm nghèo đô thị không thể tiếp cận các quyền cơ bản và ổn định thực sự cuộc sống của họ tại thành phố. Đằng sau của tình trạng này là hàng loạt các vấn đề thuộc cơ cấu rộng lớn về phân phối đất và cách biệt trong thu nhập, như là một phần của hệ thống kinh tế hiện hành. Các vấn đề cơ cấu này quá rộng lớn, quá khó khăn phức tạp và đòi hỏi nhiều kinh phí cho bất kỳ một cá nhân nghèo nào hay thậm chí một cộng đồng đơn lẻ nào có thể tự giải quyết. Đây chính là điểm cơ cấu cho thấy vai trò quan trọng của mạng lưới cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề quá lớn đối với các cá nhân.
Tại Thái Lan, có một số hình thức mạng lưới cộng đồng đang giải quyết theo một số phương cách khác nhau cho vấn đề phát triển đất và nhà ở. Một vài trong số các mạng lưới này đang tiến hành giải quyết các vấn đề theo các cách như sau:
• Giải quyết vấn đề giải tỏa: Các mạng lưới cộng đồng có thể cùng nhau chia xẻ các kinh nghiệm làm thế nào thương lượng trong quá trình giải tỏa, cũng như giúp cùng nhau thương lượng như một mạng lưới cho các lựa chọn thích hợp hơn đối với người nghèo thay cho việc giải tỏa. Các tiến trình thương lượng hiệu quả có thể giúp tạo ra một hệ thống cân bằng và hợp lý hơn, với sự chia xẽ trách nhiệm một cách công bằng hơn cho cả hai phía. Việc giải tỏa không có sự chia xẻ đầy đủ trách nhiệm cho các bên tham gia, những người hưởng lợi trong việc giải tỏa sẽ gây ra sự tệ hại và phức tạp hơn cho các vấn đề nghèo đói đô thị.
• Nhằm nối kết các cộng đồng có cùng chủ đất hay các cộng đồng bị ảnh hưởng chung bởi một chính sách phát triển cùng nhau làm việc cho các chính sách tốt hơn, rõ ràng hơn và các lựa chọn thích hợp: Trong một số trường hợp, các cộng đồng đang tồn tại trên khu đất có cùng một chủ sở hữu (chẳng hạn mạng lưới cộng đồng trên đất Bộ Đường Sắt, các cộng đồng trên kênh rạch, các cộng đồng dưới gầm cầu xa lộ v.v...) liên kết cùng nhau để tìm kiếm các giải pháp cho chính họ và tạo ra một tư cách thương lượng hiệu quả hơn với các chủ sở hữu. Một số mạng lưới không chỉ làm giảm tốc độ của việc giải tỏa không cần thiết, mà còn cùng nhau làm việc với các chủ sở hữu để đưa ra các chính sách tốt hơn rõ ràng hơn trong việc tái phát triển các khu ổ chuột.
• Hợp tác cùng nhau trong cùng một thành phố cho các hoạt động giành quyền an toàn về đất đai và nhà ở cho tất cả các cộng đồng nghèo đô thị. Trước đây vấn đề an toàn đất đai và nhà ở luôn do một cá nhân hay một cộng đồng riêng lẻ đối phó - một cách đơn độc - Vì vậy rất khó có thể giải quyết được những vấn đề to lớn như vậy, chúng đòi hỏi sự cố gắng và điều hành đáng kể chỉ để đạt được một giải pháp mong đợi cho từng trường hợp. Với sự hiện diện của mạng lưới cộng đồng, nếu các cộng đồng có thể cùng nhau làm việc để nắm bắt các vấn đề về đat đai và nhà ở trên quy mô toàn thành phố và các chính sách quy hoạch có liên quan đến đất đai; đồng thời có thể xây lên cho chính họ một vị trí mới trong các cán cân lực lượng đô thị thông qua sự hợp tác điều hành và khả năng thương lượng của mình. Một điều thú vị là rất nhiều cộng đồng trong mạng lưới đã có thể cùng giải quyết các vấn đề đất đai và nhà ở - liên tục và thường xuyên. Một số các ví dụ ở Thái Lan cho thấy một khi các mạng lưới cộng đồng đô thị tiến hành các điều nghiên khảo sát cộng đồng ở quy mô thành phố nhằm hiểu rõ thực trạng khác nhau, các nhân tố có liên quan tham gia, qua đó lập một kế hoạch những gì cần tiến hành cho tất cả các cộng đồng trong mạng lưới của họ và họ bắt đầu các thương lượng với các cơ quan khác như một nhóm. Xu hướng phát triển mới này rất quan trọng trong sự phát triển nhà và đất trong tuơng lai đối với người nghèo đô thị.
• Thiết lập mạng lưới của các Hợp Tác Xã Nhà Ở Cộng Đồng: Một loại hình mạng lưới cộng đồng khác nhằm nối kết các cộng đồng tham gia trong các hoạt động phát triển nhà ở mới hay tái định cư đến một nơi mới. Loại hình mạng lưới này có thể hỗ trợ các cộng đồng thành viên việc thương thuyết đóng góp sửa đổi bổ sung một số các quy định, điều lệ có liên quan hay việc miễn giảm thuế, bởi vì việc phát triển nhà ở cho người nghèo đô thị cần có sự hỗ trợ của chính phủ và được xem như một tiến trình phát triển nhà ở xã hội phi lợi nhuận. Hơn nữa Mạng Lưới Cộng Đồng Hợp Tác Xã cung cấp một khung thể chế cho việc học hỏi trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về việc thực hiện, các khó khăn của các hoạt động phát triển nhà ở chính thức.
3.3.2 Mạng Lưới Cộng đồng nhằm phát triển các hoạt động Tiết Kiệm và Tín Dụng cũng như Quỹ Hợp Tác Phát Triển
Các hoạt động Tiết Kiệm và Tín Dụng Cộng Đồng là một cơ chế nền tảng phát triển quan trọng và là một nguồn tài chính cơ sở của cộng đồng cho việc phát triển nghèo đói tự quản của các cộng đồng nghèo. Nếu các hoạt động tiết kiệm và tín dụng được phát triển và nối kết thích hợp với các tiến trình bên ngoài, chúng trở thành sự liên kết với các nguồn khác và góp phần củng cố khả năng của cộng đồng trong việc tạo thu nhập và công ăn việc làm. Nó cũng giúp các nhóm nghèo đô thị cải thiện vai trò vị trí về tài chính của họ và hỗ trợ họ trong thương lượng với các tổ chức thương trường khác nhằm tăng khả năng lợi tức. Tại Thái Lan, có một số phát triển nổi bật trong mạng lưới cộng đồng trong các lĩnh vực này như sau:
• Mạng lưới cộng đồng hỗ trợ chất lượng của các nhóm tiết kiệm và tín dụng cho các cộng đồng thành viên: Các cộng đồng thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt để báo cáo về tình hình hoạt động tiết kiệm và tín dụng trong cộng đồng. Họ chia xẻ các kinh nghiệm và học hỏi làm thế nào hoạt động một cách hiệu quả, làm thế nào giải quyết các vấn đề không trả nợ, hoạt động kế toán v.v...Một số mạng lưới cũng đã cố gắng tập hợp nhiều nhóm vào mạng lưới bằng cách cùng nhau thiết lập các nhóm tiết kiệm mới trong khu vực của họ. Có rất nhiều các hoạt động trao đổi tham quan học hỏi lẫn nhau giữa các mạng lưới.
• Phát triển Quỹ Mạng Lưới: Phát triển Quỹ Mạng Lưới đã trở thành một sự liên kết và cơ chế hỗ trợ tài chính giữa các hoạt động tiết kiệm và tín dụng cộng đồng cho các thành viên của mạng lưới. Gần đây, UCDO đã bắt đầu cung cấp các hoản vay cho các mạng lưới cộng đồng, cho phép các mạng lưới này phát triển các Quỹ Mạng Lưới của chính họ nhằm hỗ trợ tín dụng cho các cộng đồng thành viên cũng như thỗ trợ kinh phí cho các hoạt động mạng lưới cộng đồng.
3.3.3 Mạng Lưới Cộng Đồng phát triển các hoạt động doanh nghiệp cộng đồng
Một trong các lí do chính vì sao người dân nghèo trước tiên là vì họ bị cô lập trong hoạt động, không được tổ chức lại để có thêm khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế tư nhân có nhiều ảnh hưởng và lớn mạnh hơn, và vì vậy họ phải tiếp tục chịu sự thua thiệt. Tại các cộng đồng, người nghèo thường có rất nhiều các hoạt động kiếm sống khác nhau, rất khó có thể tổ chức họ cùng làm chung một công việc. Tại các khu vực có các mạng lưới cộng đồng hoạt động hiệu quả, kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy một số cách thực hiện thú vị của các mạng lưới cộng đồng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp cộng đồng.
• Các Mạng Lưới Cộng đồng nhận hợp đồng phụ trực tiếp từ thành phố Bangkok: Năm 1999 một số các mạng lưới cộng đồng ở Bangkok đã có khả năng thắng một số các hợp đồng từ các cuộc đấu thầu trị giá xấp xỉ 30 triệu Baht (US$ 0.8 million). Các dự án hợp đồng phụ bao gồm việc sản xuất 350,000 đồng phục học sinh, thu gom rác trong các cộng đồng và các hẻm nhỏ, sửa chữa đường, dọn sạch kênh rạch và các hố ga. Mạng lưới cộng đồng đã đề xuất (hoặc đề cử) cho các dự án này và tổ chức các hoạt động này cùng các thành viên cộng đồng có kĩ năng. Mạng Lưới Tiểu Thủ Công Nghệ cũng đã thắng một hợp đồng lớn sản xuất hàng kỉ vật bằng đồng cho Đại Hội Thể Thao Châu Á, tại BKK. Hình thức mới này của các doanh nghiệp cộng đồng và các hoạt động hợp đồng thầu phụ chỉ có thể đạt được cùng với các hoạt động tiết kiệm tín dụng cộng đồng và các hỗ trợ tín dung của UCDO. Một tiềm năng to lớn cho sự phát triển các hoạt động doanh nghiệp cộng đồng khác nhau cho các mạng lưới cộng đồng trong tương lai.
• Mạng Lưới Cộng Đồng lập kế hoạch phát triển kinh tế và tài chính cho các thành viên nghèo của mình: Tương tự như đối với các doanh nghiệp cộng đồng, mạng lưới cũng đã tổ chức lại thiết lập kế hoạch về đất đai, xây dựng nhà, cải thiện thu nhập và kế hoạch tài chính gia đình. Thông qua mạng lưới này, các mối liên kết với các cơ hội việc làm tại địa phương và các thành phần thương mại liên quan được liệt kê một cách có hệ thống. Mạng lưới cộng đồng có thể đóng vai trò như một xúc tác quan trọng làm tăng uy tín và vị trí của nhiếu công việc, giúp họ họ thu nhập tốt hơn và cải thiện các điều kiện làm việc cho các thành viên của mình, sử dụng sự hỗ trợ của các nhóm kinh tế mạnh hơn, của thành phố và các nhà nghiên cứu trong khu vực.
• Mạng lưới cùng ngành nghề: Trong trường hợp của Thái lan, mạng lưới cũng đã được thành lập bởi những người dân có cùng ngành nghề, chẳng hạn tài xế taxi và các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Loại hình mạng lưới đặc biệt theo ngành nghề này có thể nối kết cùng nhau để thúc đẩy thay đổi một số chính sách nhất định cho ngành nghề của họ.
3.3.4 Phát triển một hệ thống Phúc Lợi Cộng đồng bằng Mạng Lưới Cộng Đồng
Việc phát triển một mạng lưới an toàn cộng đồng nhằm hỗ trợ các nhóm rất nghèo và thiệt thòi nhất trong các cộng đồng nghèo, đồng thời phát triển một hệ thống phúc lợi cơ bản cho các nhóm nghèo đô thị là rất cần thiết. Trong năm 1999, UCDO đã phối hợp với Quỹ Đầu Tư Xã Hội (Social Investment Fund) để phát triển một hệ thống phúc lợi cộng đồng sử dụng mạng lưới cộng đồng như tổ chức trung tâm cho các cộng đồng thành viên. Tiến trình đã bắt đầu bằng các cuộc họp mặt của mạng lưới, ở đó mỗi cộng đồng đã nhận diện các vấn đề phúc lợi đặc biệt của chính mình và trình bày các nhu cầu của các nhóm thiệt thòi trong cộng đồng. Sau đó mỗi cộng đồng tự tiến hành khảo sát nhằm thiết lập kế hoạch cụ thể cho các hoạt động phúc lợi cần tiến hành - Làm thế nào? Thực hiện ra sao? Thực hiện cùng ai? Điều phối ra sao? Kinh phí hoạt động? Làm thế nào cùng tổ chức một số các quỹ phúc lợi? Mối quan hệ giữa mạng lưới và cộng đồng và các nhóm đối tượng? Kết quả của tiến trình này , hầu hết các mạng lưới cộng đồng nghèo đô thị của Thái lan đã tổ chức quỹ phúc lợi của chính họ nhằm hỗ trợ các hoạt động phúc lợi sau:
• Học bổng, học phí và tín dụng phúc lợi quay vòng để trả học phí cho những ai có đủ khả năng hoàn trả với thời hạn vay linh hoạt
• Quỹ và một số tài trợ cho người già có nhu cầu
• Quỹ y tế và viện phí cho những trươngé hợp đau yếu
• Tài trợ cho việc tái hội nhập phục hồi sau nghiện
• Tín dụng nhỏ quay vòng nhằm tăng thu nhập cho các hộ đặc biệt nghèo
3.3.5 Phát triển các hoạt động Môi trường Cộng đồng do Mạng Lưới Cộng đồng và Ủy Ban Hợp tác Địa phương thực hiện
Từ 1996, UCDO đã phối hợp với DANCED để tổ chức Quỹ Môi Trường Cộng Đồng Đô Thị (Urban Community Environment Fund) hỗ trợ các dự án môi trường cộng đồng do các tổ chức cộng đồng và mạng lưới cộng đồng thực hiện. Chương trình được thiết lập với phương thức cho phép các nhóm cộng đồng là chủ thực hiện cùng với sự hỗ trợ chặt chẽ và quản lý bởi mạng lưới cộng đồng. Kế hoạch hiện tại nhằm nối kết mạng lưới thông qua một tiến trình nhận diện các vấn đề, lập quyết định, đóng góp kinh phí, chuẩn bị ngân quỹ và thực hiện dự án của Ủy Ban Dự án Địa phương, thực hiện, bảo trì và quản lý v.v... Kết quả là có khoảng 200 dự án đã được thực hiện trong vòng 2 năm qua. Các dự án cải thiện môi trường này, bao gồm các trung tâm cộng đồng, cống thoát, hệ thống cung cấp nước sạch, cầu và tráng đường có chi phí rẻ hơn, được thực hiện một cách nhanh chóng hơn đa số các dự án của chính phủ. Một điều quan trọng hơn cả của các dự án này là nó không chỉ cải thiện về môi trường cho các khu định cư nghèo, mà nó thúc đảy và củng cố mạng lưới, hỗ trợ xây dựng mối quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương.
Kết luận
Điều quan trọng của bất kỳ một xu hướng phát triển nào nhắm đến việc nhân rộng khả năng phát triển của người nghèo trong việc giải quyết nghèo đói đô thị một cách hiệu quả và thực tế, là cho phép nhân rộng các cơ chế tự thực hiện do người nghèo đô thị tự thiết lập và phát triển.

Mạng lưới dân sự sẽ trở thành một cơ chế phát triển ngày càng rõ nét hơn nhằm nối kết và cung cấp xu hướng chung, cùng nhau học hỏi và dần khắc phục các khó khăn của một số vấn đề hệ thống cản trở sự phát triển của người nghèo.

Để có một xu hướng phát triển này phụ thuộc một số yếu tố như sau:
• Niềm tin vào khả năng thực hiện và suy nghĩ của người nghèo đô thị, tin vào sức mạnh của chính họ và họ có thể tự tổ chức và cùng nhau phát triển các hoạt động của chính họ.
• Luôn sẵn sàng hành động với phương thức tích cực sẽ đem lại các cơ hội mới
• Các hoạt dộng tiết kiệm tín dụng cộng đồng là cơ sở vững chắc cho một tiến trình phát triển, được xem là một công cụ để người nghèo sử dụng nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề của họ; không còn thực hiện một cách đơn lẻ và cũng không phải là một mục tiêu cuối cùng cho họ.
• Tin tưởng vào xu hướng nối kết , giữa người nghèo đô thị, giữa các cộng đồng, giữa các mạng lưới và các tổ chức phát triển khác
• Phát triển sự tham gia cộng đồng một cách thực sự hơn và các tổ chức mạng lưới, các tổ chức này cần phát triển các kỹ năng và khả năng mới để giải quyết hiệu quả các vấn đề cho các thành viên nghèo của mình; đồng
thời học hỏi các phương thức làm thế nào hớp tác với các tổ chức có liên quan khác và với chính quyền thành phố.
Somsook Boonyabancha, UCDO, ACHR
(Nguồn : ACHR.VN)

Không có nhận xét nào: