16 tháng 7, 2008

Nỗi niềm những người làm công tác xã hội


Nỗi niềm những người làm công tác xã hội
Những người làm công tác xã hội thường làm việc hết mình vì sự thương cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong xã hội. Công việc chính của họ là chăm sóc, chia sẻ và giúp đỡ. Một người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp, họ mất ngủ. Một trẻ mồ côi thiếu bữa ăn, áo mặc, họ ăn không ngon. Nghề của họ là đem niềm vui đến với những người bất hạnh. Song trong lĩnh vực này có những điều chưa hợp lý, rất đáng quan tâm.
Theo khảo sát của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, đa phần những người làm công tác xã hội trên cả nước hiện nay họat động bán chuyên nghiệp. Trong đó, có 15.000-20.000 người làm việc vì lòng nhiệt tình, thiếu hiểu biết, chưa có kỹ năng cần thiết về nghề nên hiệu quả giải quyết trợ giúp xã hội hạn chế. Trong khi đó, số cán bộ, nhân viên được đào tạo bài bản từ các trường cao đẳng, đại học khoảng 2000 người theo nghề này lại chưa có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Hiện trên địa bàn cả nước có 30 trường cao đẳng, đại học đang đào tạo hệ chính quy cử nhân nghề này. Đây là một sự bất hợp lý đáng tiếc.
Ở Hải Phòng, số cán bộ chuyên trách làm công tác xã hội cũng chủ yếu họat động nửa chuyên nghiệp. Một số người quay trở lại sinh họat tự nguyện tại các hội họat động trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo và bảo trợ sau khi được nghỉ hưu. Hiện nay ở Hội Từ thiện thành phố, Chủ tịch Hội Nguyễn Thúy Ái đã qua tuổi thất thập, những cán bộ khác đều là cán bộ các cấp, ngành nghỉ chế độ. “Trẻ” nhất là bà Phạm Thị Vượng, nghỉ hưu cũng được vài năm, còn lại ngoài 60 tuổi. Tuy nhiệt tình, kinh nghiệm, nhưng tuổi tác và sức khỏe không cho phép những cán bộ chuyên trách này đi lại nhiều, gặp gỡ các nhà tài trợ và tổ chức những đợt vận động lớn.
Còn ở văn phòng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố, trong số 8 cán bộ, nhân viên, người trẻ tuổi nhất là nhân viên kế toán., thường xuyên được huy động chạy đưa công văn, thư mời tài trợ hoặc làm những công việc văn phòng khác. Kiêm nhiệm hoặc một người làm nhiều việc là điều thường thấy ở các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội của thành phố. Dù không được đào tạo cơ bản về nghề, nhưng họ làm việc hiệu quả nhờ kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước và sự nhiệt tình. Vì vậy, nếu có sự kết hợp giữa kinh nghiệm, nhiệt tình và kiến thức chuyên môn, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ được nhân lên. Các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở công tác xã hội này cũng thừa nhận sự cần thiết phải trẻ hóa đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhưng nghịch lý ở chỗ, không giải quyết được chế độ lao động hợp lý để có thể thu nhận người được đào tạo chuyên môn về công tác xã hội vào làm việc.

Mặt khác, lương thấp, phụ cấp nhiều nơi không có, không có thêm các chế độ ưu đãi khác là những yếu tố cơ bản khiến nghề công tác xã hội không hấp dẫn người lao động sau đào tạo. Nhiều người học xong nghề này trong các trường cao đẳng, đại học của cả nước cũng mong muốn tìm được nghề nghiệp khác ổn định bảo đảm cuộc sống. ít người muốn tìm việc làm đúng nghề, bởi mặt bằng thu nhập hiện nay của những người làm công tác này thấp nhiều so với các nghề khác trong xã hội.
Giải pháp ở tầm vĩ mô
Có nhiều giải pháp được bàn bạc, thảo luận tại các cuộc hội thảo chuyên đề về vấn đề này từ trung ương tới địa phương. Thực tế, số người trong diện bảo trợ xã hội hiện nay nhiều, rất cần đội ngũ những cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp giúp họ có được chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần. Tránh tình trạng mỗi tổ chức hội, đoàn thể lại có một mức trợ cấp khác nhau tùy theo số tiền vận động được. Thậm chí, có những trường hợp buộc phải cắt giảm trợ cấp đột xuất khi nhà tài trợ không có đủ điều kiện tiếp tục tham gia. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ.
Từ thực tế này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng đề án nâng cao chất lượng lực lượng nhân viên công tác xã hội cốt cán ở 8 khu vực kinh tế (khoảng 8000 người). Những cán bộ chuyên trách, được đào tạo chính quy ngành nghề công tác xã hội này sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác xã hội tại cơ sở. Theo đề án, mỗi địa phương sẽ được đầu tư xây dựng 1 trung tâm công tác xã hội với khoảng 10 cán bộ chuyên trách, được hưởng lương theo ngạch bậc quy định như viên chức nhà nước. Kinh phí họat động của các trung tâm do ngân sách nhà nước chi với mức dự kiến mỗi năm 70 tỷ đồng. Nếu đề án được thực thi, nghề công tác xã hội sẽ có điều kiện phát triển, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp.
Thùy Linh
Theo Baohaiphong

Không có nhận xét nào: