30 tháng 7, 2008

Lĩnh vực y tế cần phải có nhân viên công tác xã hội


Lĩnh vực y tế cần phải có nhân viên công tác xã hội

Theo nhận xét của GS.TS Phạm Huy Dũng, Trường ĐH Thăng Long, đây là một cách nhằm giới thiệu công tác xã hội (CTXH) vào lĩnh vực y tế, vì y tế công cộng đã được ngành y tế chấp nhận.

Việc đào tạo nhân viên CTXH - y tế công cộng là một con đường phù hợp nhằm giới thiệu nhân viên công tác xã hội vào ngành y tế của Việt Nam.

GS Dũng đưa ra 10 lý do cần có nhân viên công tác xã hội trong ngành y tế, đó là:

Nhân viên CTXH cùng với các bác sĩ và y tá chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn, do trên thực tế có nhiều điều hiểu lầm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Đa số bệnh nhân đến các cơ sở y tế đều từ vùng nông thôn, họ không biết cách thức liên hệ với các phòng ban trong bệnh viện nên cần được chỉ dẫn.

Một số bệnh nhân có vấn đề về tâm lý và tình cảm có thể ảnh hưởng đến kết quả chăm sóc y tế và can thiệp của y học, nên cần có nhân viên CTXH làm việc với kỹ năng khéo léo. Nhiều vấn đề về sức khỏe khác cũng đòi hỏi cần có nhân viên CTXH và chăm sóc y tế như HIV/AIDS, tiểu đường...

Các nhân viên thực hiện chương trình y tế cộng đồng làm việc có liên quan tới công tác phát triển cộng đồng, nhưng họ không được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ đó, mới chỉ được nhận diện như là cái gì đó về xã hội học, tâm lý học... Ở những nước mà nghề CTXH đã phát triển thì công tác này đều bắt đầu từ bệnh viện. Bởi vậy, Việt Nam hiện nay có thể giới thiệu y tế công cộng và CTXH đồng thời vào bệnh viện.

Từ những nhận định trên, GS Dũng đưa ra chương trình đào tạo về CTXH như chương trình nên bao gồm các nội dung cơ bản của chương trình đào tạo y tế công cộng và CTXH, gồm các chính sách đảm bảo xã hội và chính sách về vấn đề sức khỏe, CTXH với các bệnh mãn tính...

Chương trình đào tạo kép trình độ thạc sĩ y tế công cộng và CTXH cần tập trung vào nghiên cứu và phương pháp phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Dịch tễ học, nghiên cứu CTXH và thống kê y sinh nhất thiết phải đưa vào giảng dạy.

Cũng cần phải xem xét việc đặt ra các bài tập và hoạt động thực hành, để sinh viên ra trường có thể áp dụng được kiến thức tương tự với công việc hằng ngày của họ mai sau. Đào tạo kép cũng cần nhấn mạnh vào các lĩnh vực như quản trị trong việc đảm bảo sức khỏe và xã hội, phân tích các chính sách này.

Theo Hoàng Minh Nguyệt (TTXVN)

Không có nhận xét nào: