9 tháng 7, 2008

Giáo dục nông thôn ở đâu?

Giáo dục nông thôn ở đâu?
Giáo dục đã trở thành món hàng xa xỉ với tuổi trẻ nông thôn, nhưng nền giáo dục hiện tại đã xứng đáng cho họ phấn đấu?

TTCT - Đầu năm 2008, báo chí toàn quốc bình luận nhiều về hiện tượng học sinh (HS) bỏ học ở nông thôn. Một số báo qui nguyên nhân do thực hiện chính sách “2 không”, số khác đưa ra nguyên nhân là việc HS phải lao động kiếm sống và lấy chồng sớm, rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc.


Nhiều báo cùng lên án chương trình học quá nặng. báo Nhân Dân số ra ngày 20-3-2008 nêu trách nhiệm của ngành giáo dục và đưa ra giải pháp là ngành giáo dục cần thay đổi cả tư duy lẫn cách tổ chức giảng dạy, xem lại chương trình giáo dục và sách giáo khoa.

Dường như qui trách nhiệm chỉ cho một phía nào đó (xã hội hay ngành giáo dục) đều phiến diện, vì đây là một hiện trạng xã hội phức tạp, muốn tìm biện pháp khắc phục cần xem xét tận gốc rễ vấn đề dưới nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và giáo dục...

Kết quả một nghiên cứu định tính của Trung tâm STR (Saigontimes Research Center) về tình trạng bỏ học ở Trà Vinh, cho thấy ba yếu tố chính tạo nên làn sóng bỏ học gia tăng này là sự thúc bách của nghèo đói, lực hút của di dân lao động và việc thiếu thông tin/ hiểu biết về lợi ích của giáo dục của người dân tại nông thôn.

Quá trình “ngoài lề hóa” (marginalization) người nghèo trở nên nhanh hơn và rõ hơn

Trong khoảng một thập niên vừa qua, nhất là sau khi chính thức gia nhập WTO năm 2006, Việt Nam bắt đầu có sự tăng trưởng cao về các chỉ số đầu tư và phát triển, đồng thời cũng tạo ra những phân hóa xã hội mạnh mẽ và sâu sắc.

“Ngoài lề hóa” luôn là hệ quả tất yếu trong nền kinh tế chuyển đổi của một nước đang phát triển. Phát triển kinh tế thị trường hóa làm sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội gia tăng mạnh mẽ. Giá cả tiêu dùng tăng cao khiến chi phí học tập trở thành gánh nặng lớn đối với người nghèo, và buộc phải hi sinh cho những nhu cầu bức thiết hơn như ăn, mặc. Sự gia tăng HS bỏ học không nằm ngoài những xu hướng tất yếu của xã hội trong giai đoạn mở cửa với thị trường tự do. Chính vì vậy, vai trò can thiệp của Nhà nước trong giai đoạn này rất quan trọng.

Thiếu kiến thức và kỹ năng, người nghèo nông thôn chỉ có thể làm những công việc tay chân nặng nhọc và thu nhập thấp. Họ chấp nhận những việc làm thuê mướn bấp bênh, nhất là trong những lĩnh vực không chính thức, không có điều kiện chọn lựa việc làm, tự bảo vệ mình trong lao động và cuộc sống. Họ buộc phải làm những công việc nặng nhọc với giá công thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, quyền lợi lao động không được đảm bảo. Những cô gái nông thôn rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm và những tệ nạn xã hội khác, trong đó có hôn nhân không thực chất với người nước ngoài đưa đến những bi kịch thảm thương. Trẻ em bỏ học sớm, di dân lao động, làm việc kiếm sống sớm và lại tiếp tục cuộc sống của người ngoài lề.

Một bộ phận nông dân có vốn lớn, đất nhiều có thể giàu lên nhờ giá lúa cao hay sự phát triển các ngành nghề nông thủy sản khác, trong khi đa số nông dân nghèo ít đất và vốn thường gặp rủi ro trong sản xuất. Giống, phân bón... tăng cao do quá trình hội nhập với thị trường tự do khiến nông dân nhỏ rất dễ bị phá sản. Chỉ cần gặp mất mùa, nông sản rớt giá là họ lập tức rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, gán nợ đất đai và trở thành người nghèo không đất. Vì vậy, người nghèo mới thoát nghèo và cận nghèo trở thành dễ thương tổn, làm đối tượng ngoài lề hóa ở nông thôn càng lan rộng.

Đã đến lúc xã hội cần có “tấm lưới an toàn cho phát triển” (1) để bảo vệ người nghèo trước quá trình bị ngoài lề hóa, giúp họ có được công bằng trong cơ hội giáo dục, chìa khóa quan trọng thoát khỏi đói nghèo, tiến tới phát triển bền vững.

Di dân lao động là hiện tượng tất yếu khi kinh tế phát triển

Cải cách chương trình giáo dục theo hướng thực tiễn...

Nhu cầu lao động ở thành thị gia tăng thu hút lực lượng lao động nông thôn. Lực hút của hiện tượng di dân lao động giữa nông thôn - thành thị bắt nguồn từ cách biệt về thu nhập giữa hai khu vực này, song người lao động di dân đã không tính trước được chi phí và những vấn đề của cuộc sống thành thị. Thực tế họ có rất ít thông tin về cuộc sống và việc làm ở thành phố. Nhiều nhà còn không có địa chỉ và không biết con em mình ở đâu.

Việc nhiều người ồ ạt ra đi vào sau các dịp lễ tết cũng cho thấy người dân thậm chí không biết đường lên thành phố và chỉ đi theo những người đã đi làm trước đó. Cuộc sống của những di dân nhập cư này không những trong chuyện học hành của con em họ đã thiệt thòi, mà còn bị thiệt thòi và khó khăn trong vô vàn vấn đề an sinh xã hội khác. Ở thành thị, họ vẫn không thoát được những áp lực của cách biệt giàu nghèo và thậm chí áp lực đó còn nặng nề hơn cả nông thôn. Rất dễ thấy là thu nhập và đời sống của họ tại thành thị cũng đang ở trong quá trình ngoài lề hóa của chính họ.

Hơn nữa, các thành phố đã mất bao nhiêu năm trời và bao nhiêu tiền của, công sức để giải quyết vấn nạn của các khu ổ chuột, trẻ em đường phố và các tệ nạn xã hội khác. Trong tình hình 10% HS nông thôn nghỉ học mỗi năm, giờ đây với lực lượng lao động nông thôn đó lên thành phố, với rất ít thông tin về việc làm và cuộc sống, thiếu các kỹ năng sống, ai có thể đảm bảo những vấn nạn thành thị không bùng phát?

Trong khi đó, di dân nông thôn ra thành thị còn tạo ra một sự thay đổi cấu trúc gia đình và cộng đồng. Điều này ngoài việc tác động mạnh vào quá trình HS bỏ học, còn làm sản xuất trong khu vực nông thôn yếu đi. Cơ cấu dân số chỉ toàn người già và trẻ em ở lại cộng đồng chắc chắn sẽ làm quá trình phát triển nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn.

Ngoài ra, thị trường lao động đang rất cần và khan hiếm lực lượng lao động, kỹ thuật viên có tay nghề và trình độ, cả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Chúng ta có thể hi vọng gì cho sự phát triển của đất nước và công cuộc xóa đói giảm nghèo khi một số lượng lớn HS từ nông thôn tự phát nghỉ học, tham gia lực lượng lao động với kiến thức và kỹ năng còn quá ít ỏi nghèo nàn, nếu không nói là con số 0?

Vai trò của giáo dục trong giai đoạn phát triển hiện tại của đất nước

Hiểu biết về vai trò của giáo dục đối với người dân nông thôn rất mơ hồ, hầu như ít người biết “học để làm gì”, và đó chính là yếu tố thứ ba, trên cái nền thúc bách sẵn có của nghèo đói và lực hút lớn của hiện tượng di dân lao động, đẩy quá trình bỏ học của HS nông thôn diễn ra mạnh hơn. Câu nói được lặp lại của nhiều phụ huynh để bào chữa cho việc các em nghỉ học sớm là “chắc không thể ráng học lên tới đại học để làm giáo viên hay bác sĩ được, chắc chỉ có làm mướn nên nghỉ học sớm hay muộn gì cũng vậy”.

Một điều đáng chú ý nữa là gần như không ai biết ích lợi cụ thể của việc hoàn thành các cấp học là gì (cấp THCS, cấp THPT), không ai biết thông tin nào về các trường trung học và trung cấp nghề tại địa phương (tỉnh, huyện). Và vì không hề thấy tốt nghiệp lớp 9 hay lớp 12 thì có ích lợi gì khác với chưa tốt nghiệp, ngoài mơ hồ là dễ xin vào các xí nghiệp hơn, nên nếu các em có cơ hội đi làm mướn kiếm tiền là phụ huynh cho các em nghỉ học ngay.

Được biết đã có rất nhiều chương trình dạy nghề và ưu đãi được đưa ra nhằm hỗ trợ thanh niên nông thôn nghèo không có điều kiện học lên tới đại học có thể vừa hoàn thiện văn hóa vừa có nghề nghiệp chuyên môn nhất định (với điều kiện các em đã tốt nghiệp THCS hoặc THPT). Các chương trình hỗ trợ học nghề này, nằm trong chiến lược quốc gia xóa đói giảm nghèo với nguồn kinh phí lớn của Nhà nước, nhằm phục vụ các đối tượng thanh niên HS nghèo nông thôn. Thế nhưng những thông tin và lợi ích của các chương trình đã không đến được với phần lớn HS nghèo, là đối tượng chính của chương trình chính sách này, kể cả qua kênh hướng nghiệp của các trường THCS ở nông thôn.

Thậm chí cả khi các em HS có thể hoàn thành các cấp học (THCS, THPT), liệu các em đã có đủ kiến thức thực tế và kỹ năng cần thiết so với nhu cầu phát triển của đất nước trong nền kinh tế thị trường? Chính trong giai đoạn hội nhập của đất nước, các lĩnh vực ngành nghề đa dạng với những nhu cầu phát triển thực tế, giáo dục phải đứng trước thách thức nhu cầu đòi hỏi của thị trường và xã hội, hơn bao giờ hết cần phải gắn chặt và đáp ứng được nhu cầu thực tế cuộc sống hơn nữa.

Trong lịch sử phát triển của Hàn Quốc (2), giáo dục đã song hành rất chặt chẽ với từng bước đi của đất nước. Năm 1953, sau chiến tranh Hàn Quốc là một quốc gia nghèo đói và kiệt quệ, chính trị bất ổn, 80% trường học bị tàn phá. Giáo dục của Hàn Quốc lúc này có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển, với chính sách chủ yếu là “mở cửa giáo dục cho tất cả người dân”.

Từ 1954-1959, chương trình sáu năm giáo dục là bắt buộc và miễn phí cho cấp tiểu học. Từ 1968-1974, mở cửa cho giáo dục THCS bằng cách bãi bỏ tất cả các kỳ thi vào cấp II, sau đó là bãi bỏ tất cả các kỳ thi và thay thế bằng bài tập (assignment). Năm 1980 bắt đầu chính sách mở cửa vào THPT. Các giai đoạn giáo dục này được duy trì bằng chính sách chi phí thấp để phù hợp với nguồn lực giới hạn của đất nước lúc đó. Hàng loạt các chính sách khác khuyến khích tất cả các tầng lớp nhân dân đến trường, mở rộng giáo dục bắt buộc và miễn phí cho THCS ở các vùng nông thôn và nhiều ưu tiên cho các nhóm HS có nguy cơ bỏ học. Vào hai thập niên 1960 và 1980, giáo dục có nhiệm vụ “phục vụ tăng trưởng kinh tế” của nước này.

Trong giai đoạn này, việc phát triển các trường nghề và kỹ thuật đã trở thành một chiến lược quốc gia, trong đó vai trò các trường trung học nghề, trung cấp nghề, cao đẳng dạy nghề công lập và tư thục, đại học kỹ thuật... được phát triển mạnh mẽ, nhằm cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế trong sản xuất, chế tạo và dịch vụ của nước này, đặc biệt là chất lượng và chương trình dạy luôn theo sát nhu cầu nhân lực của thị trường.

Giáo dục ở Hàn Quốc được đánh giá là đã xây dựng thành công “cơ sở hạ tầng” về nhân lực cho giai đoạn “cất cánh” về kinh tế của Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1960, và là nhân tố chính giúp đất nước này vượt qua đói nghèo trở thành một nước phát triển.

Bài học của Hàn Quốc là vào giai đoạn đất nước chuẩn bị cho phát triển kinh tế phải hết sức coi trọng chiến lược chuẩn bị nhu cầu nhân lực, với các chính sách khuyến học linh hoạt bằng mọi cách kể cả miễn thi và miễn phí, để tất cả người dân đều tiếp cận được với giáo dục; nhấn mạnh vào dạy nghề và kỹ thuật cho đối tượng không thể theo đuổi đại học; và cuối cùng là giáo dục luôn bám sát nhu cầu thực tế của phát triển.

Cũng không thể bỏ qua một điều quan trọng là trong giai đoạn này chính phủ đã tuyên truyền và giúp người dân Hàn Quốc hiểu rất rõ vai trò của giáo dục để đồng lòng và quyết tâm trong việc nâng cao dân trí trong giai đoạn mới. Chính sách nhất quán, rõ rệt và cam kết mạnh mẽ của Nhà nước đã tạo cho người dân niềm tin và sự đồng lòng đó.

Những người làm chương trình giáo dục của chúng ta đã bao giờ, khi ngồi soạn sách giáo khoa, hình dung đang có hàng trăm ngàn em nhỏ vừa học vừa đánh vật với miếng ăn hằng ngày. Giáo dục đã trở thành món hàng xa xỉ với họ, đã xứng đáng cho họ phấn đấu bằng mọi cách chưa? Các em cần học gì đây cho thực tiễn, để có thể trở thành những con người đủ kỹ năng sống và làm việc? Và việc học đã có một lộ trình cho các em đi đến một tương lai nào đó thực tế hơn, cho dù không có đủ điều kiện lên tới đại học?

Như những phân tích của báo giới thời gian qua, các căn bệnh của ngành giáo dục như bệnh thành tích, chương trình cứng nhắc, nặng nề, giáo viên yếu và thiếu... đã lộ diện như những nguyên nhân của hiện tượng HS bỏ học. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, những căn bệnh của ngành giáo dục đã không thể tiếp tục che giấu sự bất cập và bất hợp lý là nguyên nhân của những vấn đề xã hội lớn hơn ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia.

Vì thế, điều tối quan trọng bây giờ là giáo dục phải cải cách chương trình theo hướng thực tiễn, cần có các chính sách tiếp cận giáo dục và dạy nghề hướng tới người dân, nhất là người nghèo. Nếu bắt nguồn từ thực tiễn, từ nhu cầu của HS và xã hội, chương trình học chắc chắn sẽ không nặng nề, hình thức, có thể chạy chữa căn bệnh “thành tích” đã đến mức trầm kha. Chỉ khi hướng đến thực tiễn thì những thành tích rỗng mới không có chỗ đứng nữa.

Rõ ràng những biện pháp hình thức như giao chỉ tiêu thi đua, duy trì sĩ số cho giáo viên, hay mở những lớp phổ cập chắp vá như hiện nay không thể giải quyết được tình trạng này. Nếu không có biện pháp giải quyết tận gốc rễ của vấn đề thì việc hô hào “giải quyết ngay tình trạng HS nghỉ học” chỉ là duy ý chí. Cần có cái nhìn chiến lược và sáng suốt hơn, cần những chính sách linh hoạt và đổi mới sâu rộng hơn để khuyến học và đem lợi ích giáo dục đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp nghèo ở nông thôn và những người dân đang bị đẩy ra ngoài lề xã hội nói chung.

TH.S TRẦN THỊ THANH HƯƠNG

(1) Từ của ông Huỳnh Bửu Sơn, báo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần, trong bài “Tấm lưới an toàn cho phát triển”
(2) Development Stages of Korea Education - WorldBank website
Báo Tuổi trẻ CN ngày 08/07/2008

Không có nhận xét nào: