3 tháng 7, 2008

Hội thảo về hệ thống tư pháp thân thiện đối với người chưa thành niên


Hội thảo về hệ thống tư pháp thân thiện đối với người chưa thành niên (1/7/2008)
Trong 2 ngày 30/6 và 1/7/2008, tại Hải Phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và UNICEF đã tổ chức Hội thảo về hệ thống tư pháp thân thiện đối với người chưa thành niên. Đến dự có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đại diện UNICEF tại Việt Nam bà Julie Bergeron cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công an, UBND thành phố Hải Phòng và đại diện Đoàn đại biểu quốc hội các địa phương…

Phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa đã cho biết: Trong nhiều năm qua, việc giải quyết tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em vàg tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đã được xây dựng và triển khai ở hầu khắp các địa phương và ngay từ năm 2000 nhiều nơi đã chủ động xây dựng các mô hình về quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật. Từ năm 2001, rất nhiều mô hình phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã được triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, thực tiễn còn rất nhiều bất cập so với quy định của pháp luật và yêu cầu cuộc sống nên vẫn còn thiếu sót, khuyết điểm trong đó có cả nguyên nhân do nhận thức chưa đầy đủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cán bộ thiếu và yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động thiếu đồng bộ của các cấp các ngành và quan trọng hơn là những điều kiện vật chất, kinh phí đảm bảo cho các hoạt động. Do vậy, nhiều lúc, nhiều nơi chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn thấp, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên vẫn còn nhiều, tội phạm xâm hại trẻ em nhất là xâm hại tình dục vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của C14 Bộ Công An về tổng quan tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ở Việt Nam từ năm 2002; tham luận đại diện Bộ Tư pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để tăng cường hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội và bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của tội phạm; kiến nghị của đại diện lãnh đạo Vụ A1 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình bày kiến nghị hoàn thiện các quy định về thủ tục điều tra; truy tố; xét xử thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và nạn nhân nhân chứng là trẻ em; bài học kinh nghiệm rút ra trong qúa trình thực hiện mô hình thí điểm và những đề xuất kiến nghị của Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng cũng có báo cáo về triển khai mô hình thí điểm việc áp dụng các biện pháp không giam giữ, hỗ trợ tâm lý và tái hòa nhập cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại địa phương.
Tiếp đó, các đại biểu chia làm 4 tổ đi tham quan thực tế tại 4 địa phương được thụ hưởng dự án là quận Lê Chân và Ngô Quyền, huyện Thuỷ Nguyên và gặp gỡ cán bộ chủ chốt của công an thành phố liên quan tới mô hình phòng điều tra thân thiện trẻ em; Gặp gỡ với các cộng tác viên trực tiếp tham gia vào dự án và dự buổi sinh hoạt của câu lạc bộ người chưa thành niên phạm tội sinh hoạt thường kỳ…
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian thảo luận xung quanh các chủ đề như nguyên nhân, những biểu hiện khi các cháu phạm tội, những khó khăn vướng mắc trong việc điều tra viên đến tư vấn, tham vấn cho người chưa thành niên phạm tội. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần có các cơ chế cũng như chế tài để các gia đình quản lý và giáo dục trẻ em, làm giảm nguy cơ phạm tội ở lứa tuổi này.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà đã ghi nhận những thành tích bước đầu mà dự án đã đạt được, đồng thời cũng nhấn mạnh nguyên nhân của người chưa thành niên phạm tội một phần cũng là do trình độ dân trí và trách nhiệm của gia đình chưa cao dẫn đến việc buông lỏng quản lý con cái. Trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp, các ngành và mỗi địa phương được thụ hưởng trong việc tiếp tục tuyên truyền giáo dục để các em cũng như các gia đình có ý thức hơn trong việc giáo dục con em mình. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc rà soát lại hệ thống luật pháp hiện hành, trước mắt cần bổ sung, sửa đổi một số điều trong luật hình sự, tố tụng hình sự cho phù hợp với tâm sinh lý của mỗi độ tuổi trẻ vị thành niên với mục đích chính là tăng cường dựa vào cộng đồng, hạn chế giam giữ. Đặc biệt cần nhân rộng mô hình tại các quận huyện của Hải Phòng ra các địa phương khác đồng thời có các biện pháp hữu hiệu về tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của chính cha mẹ của các em./.
Hữu Bắc ( Tạp chí LĐXH)

Không có nhận xét nào: