28 tháng 7, 2008

Nhân viên xã hội và "sống đơn giản"


Nhân viên xã hội và "sống đơn giản"
Sáng thứ bảy, ngày 21-6-2008, Hội quán Đến với nhau đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề về “Sống đơn giản” do cô Nguyễn Thị Oanh trình bày. Số người đến tham dự rất đông, người già thì có đến 81 người, tuổi trẻ thì khoảng 13 người; đủ các thành phần: nhân viên xã hội (NVXH), nhà văn, tu sĩ, sinh viên, giáo viên….

Đến phần thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thì sôi nổi, hết giờ rồi mà vẫn còn ý kiến. Là một NVXH, tôi cảm nhận được lối sống đơn giản theo nghề nghiệp của mình như sau:

Trong xã hội, ai cũng có nhu cầu tự khẳng định mình về vị trí, đẳng cấp theo nhiều kiểu khác nhau. Nhà kinh doanh khẳng định bằng những biệt thự đồ sộ, xe hơi loại mắc tiền, những buổi tiệc tại nhà hàng sang trọng. Thế còn NVXH đã khẳng định mình như thế nào. Nhìn chung tuy không sang trọng như nhà doanh nghiệp nhưng cũng không phải là không có. Tôi có dịp làm việc với một vài cán bộ dự án của một INGO, lương lãnh bằng đô (dollar), công tác phí cũng bằng đô, dĩ nhiên mức sống cũng không thể giống như cán bộ địa phương. Trong những lần tôi đi tập huấn ở cơ sở, chứng kiến không ít lần cán bộ dự án INGO lảng tránh những quán bình dân mà học viên vào ăn. Về phòng ở, nếu ở cùng khách sạn thì phòng của họ phải là "deluxe" (sang), hoặc họ ở khách sạn khác với khách sạn học viên ở. Mỗi "đẳng cấp" đều có tiêu chuẩn riêng, tuy nhiên có cần phải phân biệt một cách rạch ròi như vậy hay không? Trong buổi hội thảo, vài tham dự viên đề cập đến phương tiện làm việc của một tập huấn viên. Thời buổi này đi tập huấn mà thiếu máy vi tính xách tay, đèn chiếu thì có vẻ yếu, không được “pro” cho lắm. Ai ai cũng có, cũng dùng chương trình powerpoint, mình không dùng thì ngó “không giống ai”. Điều này có thể đồng nghĩa với thiếu tự tin và không thấy giá trị thực của chính mình. Thực tế Powerpoint là một phương tiện hữu hiệu trong tập huấn, nhưng không phải tuyệt đối. Trong điều kiện không có powerpoint ta vẫn sử dụng giấy bìa và giấy khổ lớn để trình bày, tuy có mất nhiều thời gian hơn cho việc chuẩn bị nhưng tạo được sự tham gia nhiều hơn so với cách thuyết giảng khi dùng powerpoint. Kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh và kinh nghiệm quyết định sự tự tin cũng như khẳng định chính mình chứ không phải phương tiện. Gặp trường hợp cúp điện, powerpoint mất hiệu lực, tập huấn viên bối rối và mất tự tin ngay.

Là một NVXH, trong những lần đi công tác các tỉnh phía Bắc, tôi gặp phải sự khác biệt về cách ăn mặc, đặc biệt là mùa lạnh. Tham dự viên cấp tỉnh, huyện đều mặc vest, thắt cà vạt, cấp xã cũng có nhưng ít hơn. Đối với địa phương, cán bộ ai cũng mặc vest, đi xe gắn máy đời mới, mình mà không có cảm thấy như là mình không thuộc về "đẳng cấp" đó. Khi đó tôi nhủ thầm, giá trị của mình không phải ở bộ cánh mà ở chất lượng giảng dạy, đạt mục tiêu của khoá tập huấn với mức cao nhất. Tôi đã tạo sự tự tin bằng chính năng lực của mình. Thực ra, tôi không quen mặc vest, hai lần tôi mặc là đám cưới tôi và của con trai tôi. Bình thường nếu phải khoác vest vào thì lại rất lúng túng, cho nên không hẳn thứ gì sang trọng khoát lên người cũng mang sự tự tin.
Trong phần thảo luận, một tham dự viên đã góp ý để sống đơn giản mà vẫn cảm thấy tự tin và hạnh phúc, ta cần xây dựng giá trị thực cho chính mình. Nhà cửa, xe cộ, và các thiết bị khác cũng chỉ là phương tiện phục vụ cho mình. Không nhất thiết phải vứt bỏ hết mà biết sử dụng sao cho mình cảm thấy thoải mái, tự tin, hạnh phúc. Mình làm ra của cải chứ của cải không làm ra mình nên sống không lệ thuộc vào nó. Mỗi người đều có một điều kiện, hoàn cảnh và năng lực riêng, do đó ta chọn cho mình một lối sống đơn giản phù hợp. Với NVXH, để hội nhập với cộng đồng, chất lượng phục vụ là thước đo giá trị, sống đơn giản là cách dễ được người dân chấp nhận. Chu Dũng

Không có nhận xét nào: