29 tháng 7, 2008

Hội nghị can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện


Hội nghị can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện
Trong 2 ngày 28-29/7/2008, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị nói trên do Uỷ ban Quốc gia Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức . Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Trương Vĩnh Trọng chủ trì hội nghị. Cùng dự, có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành là thành viên của Uỷ ban, đại diện lãnh đạo của 64 tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công an một số tỉnh và một số tổ chức quốc tế về lĩnh vực can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Báo cáo về công tác can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, tính đến ngày 30/6/2008, cả cước có 129.722 người nhiễm HIV và 26.840 bệnh nhân AIDS đang còn sống, 39.664 số bệnh nhận AIDS đã tử vong. Dịch HIV ở Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung, có nghĩa là tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma tuý, nhóm gái mại dâm. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại. Và tại Việt Nam, Chương trình Can thiệp giảm tác hại được coi là một trong 4 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, được coi là quả đấm thép khống chế lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao và từ nhóm này lây ra cộng đồng.
Những năm qua, hoạt động chuyên môn của Chương trình can thiệp của Việt Nam tập trung vào việc cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch và bao cao su, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, ngoài ra là các hoạt động chuyên môn khác. Đến tháng 5/2008, số bơm kim tiêm được phát ra trên các địa phương trên cả nước là 5.127.809 chiếc và số bơm kim tiêm đã sử dụng được thu gom là 2.925.256 chiếc, số bao cao su được phân phát và bán ra là hơn 15.000.000 chiếc. Chương trình Methadone cũng đã bắt đầu triển khai tại Hải Phòng và Thành phố Hồ Chính Minh Đến ngày 18/7/2009, tại 5 điểm đã điều trị cho 209 bệnh nhân.
Về khó khăn và tồn tại trong Chương trình can thiệp giảm tác hại, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết số tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại còn thấp. Hiện vẫn còn 22 địa phương chưa triển khai. Độ bao phủ của chương trình cũng thấp, chỉ có 32% xã, phường triển khai chương trình bao cao su, 19% xã, phường triển khai chương trình bơm kim tiêm và lượng bơm kim tiêm phát ra chỉ bao phủ khoảng 15-20% nhu cầu thực tế. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phải: đưa Chương trình phòng, chống HIV/AIDS là một trong các chương trình trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động về công tác can thiệp và tổ chức triển khai thực hiện; các tỉnh trọng điểm và các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn la, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn và Yên Bái cần phải đặc biệt chú trọng triển khai trên diện rộng chương trình cung cấp bơm kim tiêm vì các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn các tỉnh này chủ yếu là tiêm chích ma tuý; chỉ dạo UBND tuyến quận huyện, xã phường tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn và mở rộng địa bàn triển khai chương trình.
Liên quan đến Chương trình can thiệp giảm tác hại, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng cũng đã trình bày công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý ở Việt Nam. Hiện nay hệ thống trung tâm cai nghiện ma tuý trên cả nước có 109 cơ sở với khả năng tiếp nhận từ 50.000 – 60.000 đối tượng. Và cho tới nay, các mô hình cai nghiện phục hồi có nhiều thành công và điển hình là mô hình cai nghiện 3 giai đoạn dựa vào công trường 06 của Tuyên Quang; Mô hình cai nghiện tập trung tại trung tâm kết hợp với quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng ở Mường Hum - Lào Cai; Mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng động (xã phường) tại Nam Định, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Phú Thọ; Mô hình quản lý sau cai theo các Câu lạc bộ B93 của Hà Nội; Mô hình cai nghiện, quản lý và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm sau cai theo tình thần Nghị quyết 16/2003/QH11 (tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…). Trong 7 năm, từ năm 2001-2007, số người được cai ngày càng tăng mạnh, chất lượng được nâng lên rõ rệt với tổng số cai được là 269.149 người và đã có 43.096 người sau cai được tạo việc làm, tỷ lệ tái nghiện giảm từ 90-100% trước năm 2000 nay xuống còn 70-80% và hạn chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới. 6 tháng đầu năm, cả nước đã cai nghiện cho 24.335 người, đạt 48,5% so với kế hoạch được giao (50.000 người), trong đó, tại trung tâm là 21.205 người và tại cộng đồng là 3.130 người.
Những khó khăn trong công tác cai nghiện phục hồi được Thứ trưởng Lê Bạch Hồng đưa ra trước hội nghị là hiện nay cả nước có 87 Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội mới chỉ tiếp nhận được 40% số người nghiện có hồ sơ quản lý vào cai nghiện, trong đó có tới 45% trung tâm chỉ có khả năng tiếp nhận từ 15-20% số người nghiện, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được quy trình cai nghiện. Cai nghiện tại cộng đồng cũng gặp khá nhiều khó khăn về địa điểm cai, đội ngũ, giáo viên…Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu đến 2010 phải đưa được 80% số người nghiện vào cai nghiện là một vấn đề phải xem xét nếu như không được quan tâm đầu tư về thiết y tế, thiết bị dạy nghề, học nghề tại các trung tâm.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ chuyên môn và rất khó khăn thu hút người có trình độ năng lực vào làm việc bởi do chính sách hiện tại chưua đủ sức khuyển khích họ. Trong khi đó, 90% trung tâm đều ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường làm việc phức tạp, 50-60% người nghiện có tiền án, tiền sự, 20-30% có các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm gan. Việc giáo dục, tư vấn giúp đỡ chuyển đổi hành vi cho người nghiện là cả một quá trình mất nhiều công sức bởi thời gian nghiện từ 3-7 năm chiếm 70%. Trên 80% sử dụng Heroin và thông qua con đường tiêm chích.
Việc quản lý sau cai của chính quyền đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, việc kiềm chế người nghiện mới phát sinh và giảm tỷ lệ tái nghiện xuống 60-70% là rất khó bởi môi trường ma tuý hiện nay chưa được ngăn chặn.
Hơn nữa, tình trạng kỳ thị, xa lánh của gia đình cộng đồng đối với người nghiện vẫn còn tồn tại. Một khó khăn nữa là phác đồ điều trị chưa theo kịp với tình hình diễn biến và sử dụng ma tuý
Hội nghị không chỉ đề cập đến chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý ở Việt Nam, thực trạng nghiện các chất dạng thuốc phiện và các phương pháp điều trị tại Việt Nam mà điều quan trọng hơn là các nhà quản lý, các chuyên gia của Việt Nam đã có cơ hội được nghe các giáo sư, chuyên gia quốc tế trình bày tổng quan về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, hay được chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về liệu pháp điều trị duy trì bằng thuốc Methadone, hay về hiệu quả kinh tế của các biện pháp điều trị lệ thuộc heroin hoặc thuốc phiện./.
Mỹ Hạnh
Nguồn: MOLISA

Không có nhận xét nào: