18 tháng 7, 2008

"Bạo hành tình dục và nguy cơ nhiễm HIV - bằng chứng từ những số phận"


LỜI ĐẦU SÁCH
Có thể bạn sẽ bị sốc khi đọc cuốn sách này vì không tin được rằng những chuyện đau lòng như vậy có thể xẩy ra trên đời. Cũng có thể bạn sẽ khó chịu khi nghĩ rằng tại sao lại phơi bày điều đó trước công luận vì nó là chuyện hết sức riêng tư của mỗi cá nhân hay gia đình. Bạo lực tình dục vốn là một chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, vì thế mà nó ít được bàn luận và nghiên cứu một cách thấu đáo. Sở dĩ bạo lực tình dục bị coi là nhạy cảm vì nó liên quan đến tình dục – vốn bị coi là thấp kém, đáng xấu hổ và không thể bày tỏ với người khác, nó đồng thời gắn liền với bạo lực gia đình – nỗi đau bị giấu kín trong câm lặng nhân danh cái gọi là sự êm ấm của gia đình và sự bình yên trong cộng đồng.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới và một số nghiên cứu ở Việt Nam đã chỉ ra rằng bạo lực chống lại phụ nữ khá phổ biến và xảy ra ở mọi nơi, từ nông thôn tới thành thị, trong mọi tầng lớp xã hội. Tại Việt Nam có tới 90 phần trăm nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em (Báo cáo của Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em năm 2006). Phụ nữ là nạn nhân của các loại bạo lực kể cả thể chất, tinh thần, và tình dục.

Bạo lực tình dục được coi là một hiện tượng phức tạp thể hiện ở nhiều chiều cạnh khác nhau, chịu tác động của rất nhiều yếu tố và để lại nhiều hậu quả về mặt tâm lý, sức khỏe và xã hội cho phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp và những vấn đề bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại dai dẳng,

Theo báo cáo của Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam năm 2006 dựa trên kết quả điều tra tại 8 tỉnh/thành phố, có tới 30 phần trăm số phụ nữ được hỏi đã từng bị chồng ép buộc quan hệ tình dục. Con số này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật.

Trong một nghiên cứu phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) gần đây cho thấy, trong hàng nghìn cuộc gọi vào đường dây tư vấn của CSAGA khoảng mười năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ gọi đến xin tư vấn về các vấn đề bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục cao hơn gấp nhiều lần so với nam giới. Một điều đáng chú ý là những người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng thường là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Phân tích về một số cuộc tư vấn của CSAGA cho thấy, trong 137 khách hàng nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục khoảng một nửa cho biết chồng họ có mối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực trong gia đình. Một phần ba trong số phụ nữ này cho biết họ đã bị chồng cưỡng ép tình dục. Trong nhiều trường hợp người vợ đã bị chồng bạo lực tình dục một cách dã man gây hậu qủa nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, không ít trường hợp là phụ nữ trẻ gọi đến xin tư vấn về việc bị bạn trai, ông chủ cưỡng hiếp. Ngoài việc chữa trị những vết thương do bạo lực gây ra, nhiều người trong số họ đã phải nhiều lần điều trị các bệnh lây qua đường tình dục.

Trong các ca tư vấn của CSAGA đều thấy rằng hầu hết người chồng không sử dụng bao cao su khi quan hệ với vợ của họ. Nhiều người vợ dù biết rằng chồng không chung thủy với mình nhưng lại không thể thuyết phục chồng sử dụng bao cao su. Họ cho biết chỉ cần nhắc đến việc đó cũng có thể khiến họ phải hứng chịu một trận đòn khác.

Trong quan niệm truyền thống về quan hệ vợ chồng, người vợ có nghĩa vụ đáp ứng các đòi hỏi về tình dục của chồng một cách vô điều kiện. Đồng thời một người vợ đoan chính không bao giờ thể hiện ham muốn tình dục của mình trước mặt chồng. Việc đáp ứng quan hệ tình dục một cách bạo dạn và tỏ ra thành thạo nghệ thuật tình ái dù là với chồng cũng là đáng xấu hổ và không đứng đắn. Vì vậy, nhiều nạn nhân của bạo lực tình dục nghĩ rằng họ không có quyền đòi hỏi chồng đáp ứng nhu cầu tình dục của bản thân mà họ phải đáp ứng nhu cầu của chồng. Người phụ nữ không có quyền lựa chọn cách thức, thời điểm, cũng không được lựa chọn có quan hệ tình dục hay không. Phần lớn trong số họ đều nghĩ rằng nếu không đáp ứng nhu cầu của chồng sẽ tạo cái cớ cho chồng tìm cách thỏa mãn nhu cầu ở nơi khác. Hầu hết các nạn nhân đều cảm thấy bất lực, không biết phải làm gì để giải quyết tình trạng này.

Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự tồn tại dai dẳng của sự bất bình đẳng giới và những định kiến về vai trò và quyền lực của nam giới đối với phụ nữ. Mặt khác, quan điểm chung của xã hội vẫn là coi chuyện tình dục là "chuyện tế nhị riêng tư" nên khó có thể đem ra xử lý một cách công khai. Một nghiên cứu với nam giới đã có gia đình ở Nghệ An đã cho thấy vấn đề cưỡng ép tình dục trong hôn nhân được che chắn bởi một loạt các chuẩn mực về văn hoá và về vai trò giới - người phụ nữ phải có nghĩa vụ biết "chiều chồng", phải chấp nhận đòi hỏi tình dục của chồng dù bản thân họ có muốn hay không (Vũ Hồng Phong, 2006)[1]. Ngoài ra, những thay đổi kinh tế - văn hóa và xã hội cũng như sự thiếu hiểu biết về pháp luật, về quyền cũng là những nguyên nhân khiến cho tình trạng này càng trở nên phổ biến.
Tại sao nhiều người phụ nữ lại chịu đựng bạo lực tình dục trong một thời gian rất dài? Những phụ nữ này đã làm gì khi họ bị chính người chồng/ người tình của họ bạo lực và cưỡng ép quan hệ tình dục?
Có một điểm chung là họ luôn hy vọng vào sự thay đổi tích cực của chồng/ của người yêu nên âm thầm chịu đựng. Họ chỉ tìm đến tư vấn khi khi đã bị đẩy vào sự khủng hoảng tâm lý cùng cực và cảm thấy tuyệt vọng. Họ chỉ tìm đến sự can thiệp và giúp đỡ của chính quyền của cơ sở y tế hoặc khi bị hành hạ dã man, gây thương tích trầm trọng.

Các chuyên gia tư vấn và các nhà nghiên cứu đã khái quát rằng bạo lực mang tính chất chu kỳ: đối tượng hành hạ nạn nhân xong thường tỏ thái độ ân hận, hối lỗi, cố gắng bù đắp bằng các cử chỉ hành động ân cần. Nạn nhân thường tha thứ và nuôi hy vọng chồng/người yêu thay đổi. Sau đó bạo lực lại xảy ra. Tiếp theo là dọa dẫm (dọa giết, dọa chiếm hết tài sản, không cho nuôi con,..). Rồi lại bạo lực. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ kéo dài năm này sang năm khác. Người phụ nữ thường nhẫn nhục chịu đựng vì có quá nhiều yếu tố khiến họ phải cân nhắc: uy tín/thể diện của bản thân, của gia đình, con cái, sự lệ thuộc về kinh tế, chỗ ở. Hầu hết phụ nữ không thể vượt qua những ràng buộc đó nên phải câm lặng nín chịu để giữ gìn một hạnh phúc giả tạo "trong ấm ngoài êm".

Các nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa bạo lực và nguy cơ nhiễm HIV. Người phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV cao bởi vì họ là nạn nhân của bạo lực tình dục và bạo lực gia đình do bạn tình hay bạn đời của họ gây ra. Đồng thời, phụ nữ bị nhiễm HIV cũng phải đối mặt với nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn những phụ nữ không bị nhiễm HIV. Ở Việt Nam, phụ nữ nhiễm HIV ngày càng có xu hướng gia tăng. Ước tính của Bộ Y tế về số người nhiễm HIV cho đến năm 2005 cho thấy trong số hơn 300.000 người nhiễm HIV trong toàn quốc, phụ nữ chiếm gần một phần ba. Đã có các bằng chứng cho thấy nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã bị bạo lực và chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ những người trong gia đình và cộng đồng.

Mối quan ngại lớn nhất cho các nạn nhân bị bạo lực là nguy cơ lây nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình bởi vì họ không được sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su và họ không được khước từ quan hệ tình dục. Trong khi đó, nhiều người trong những kẻ bạo lực lại có mối quan hệ tình dục với nhiều người, kể cả với những người hành nghề mại dâm là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ khách làng chơi nam giới nhiễm HIV đang gia tăng trong những năm gần đây (Bộ y tế, 2007). Mặt khác, nếu căn cứ vào các thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng thì dường như hiện tượng bạo lực tình dục cũng đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Bạo lực trong gia đình gây nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người trong cuộc mà còn liên quan đến gia đình và cộng đồng, xã hội. Điều đó ai cũng biết. Nhưng bạo lực tình dục có liên quan như thế nào đến sức khỏe sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS? Liệu những người phụ nữ bị bạo lực tình dục có nhận thức được nguy cơ lây nhiễm HIV hay không? Liệu các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương có đề cập đến vấn đề này khi giải quyết các vụ bạo lực trong gia đình? Phân tích các hồ sơ tư vấn của CSAGA cho thấy những phụ nữ bị cưỡng ép tình dục từ chồng hay bạn tình đều có một nỗi lo chung là sự an toàn của bản thân về sức khỏe: tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục thường xuyên và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, ít người nghĩ rằng họ đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm HIV. Hầu hết các trường hợp được tư vấn về bạo lực tình dục cho thấy nạn nhân không nghĩ đến chuyện xét nghiệm HIV, họ chỉ đi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục để chữa trị trong trường hợp có các triệu chứng mắc bệnh.

Để làm rõ mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và từ đó xây dựng được các chương trình can thiệp phù hợp, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên(CSAGA) và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Sức khỏe và Nhân quyền Quốc tế, Trường Đại học Sức khỏe cộng đồng thuộc trường Đại học Harvard (International Health and Human Rights Program – Harvard School of Public Health), phối hợp tổ chức một số hoạt động nhằm tạo ra một mối liên kết mới trong nghiên cứu và can thiệp về HIV/AIDS và bạo lực tình dục đồng thời nâng cao hiểu biết về quyền được pháp luật bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Các hoạt động này nhằm phòng tránh và ngăn chặn bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tình dục để góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ nhiễm HIV cho phụ nữ và trẻ em.

Cuốn sách nhỏ này tập hợp một số câu chuyện cuộc đời của những con người có thật được ghi chép trong nhật ký tư vấn của CSAGA trong những năm gần đây. Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ giúp những người làm việc chống lại bạo lực tình dục và những người tham gia phòng chống HIV/AIDS nhận ra mối liên hệ giữa hai vấn đề và cùng nhau phát huy các sáng kiến để giảm đi những dau buồn và mất mát do bạo lực và HIV/AIDS gây ra. Nỗ lực của chúng ta sẽ càng được tiếp thêm sức mạnh khi Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình được ban hành.

Biên tập cuốn sách này chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi sự chú ý của công luận và hành động của toàn xã hội để xóa đi một trong những trở ngại trên bước đường của chúng ta hướng tới các tiến bộ xã hội. Mỗi cuộc đời đầy bi kịch trong cuốn sách nhỏ này phản ánh một chiều cạnh của mối quan hệ giữa các vấn đề giới và bạo lực tình dục. Qua những câu chuyện này người đọc có thể thấy rằng mặc dù xã hội ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ về bình đẳng giới nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhiều quan niệm và những định kiến giới xưa cũ khiến bạo lực chống lại phụ nữ vẫn còn có cơ hội để tồn tại. Nhiều phụ nữ ngày ngày bị giày vò về thể xác, tinh thần và đứng trước nguy cơ nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng bị trói buộc bởi những quan niệm đó mà không thể vượt qua số phận. Cũng vì những định kiến lạc hậu đó mà họ đã không nhận được sự giúp đỡ cần thiết của cộng đồng và xã hội.

Thay mặt cho hai tổ chức, chúng tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư Sofia Gruskin và Chương trình Sức khỏe và Nhân quyền Quốc tế, Trường Đại học Sức khỏe cộng đồng thuộc trường Đại học Harvard đã rất nhiệt tình hỗ trợ cho sự phối hợp giữa chúng tôi. Các bạn đã giúp chúng tôi nhận rõ mối liên hệ giữa bạo lực giới và HIV/AIDS và triển khai những hoạt động bước đầu để thu hút sự quan tâm của những người làm việc ở hai lĩnh vực này.

Lời cảm ơn chân thành xin được gửi đến Quỹ Ford vì sự hỗ trợ vô tư và sự khuyến khích nhiệt thành của họ cho dự án này.

Thay mặt cho hai cơ quan

Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA,
Khuất Thu Hồng, PhóViện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và
Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Tư liệu về Giới, Tình dục và Sức khỏe tình dục, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

Nguồn: dovipnet

Không có nhận xét nào: