23 tháng 7, 2008

CÁC CÔNG CỤ CỦA NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI


CÁC CÔNG CỤ CỦA NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
Nghề CTXH không giống như một số nghề khác vì nó không có những công cụ hành nghề cụ thể như cái cưa, cái bào..của nghề mộc, ống nghe, máy siêu âm, máy đo huyết áp…của nghề y. Khi họ cầm trên tay các công cụ ấy họ biết ngay là họ đang hành nghề, ý thức hành nghề rất rõ rệt. Nghề CTXH không có công cụ nhu vậy nên nhân viên xã hội hay quên chính mình đang hành nghề, vì thế ý thức hành nghề của nhân viên xã hội không rõ, mơ hồ và chính vì thế nhân viên xã hội dễ dàng phơi bày cái con người thậ của mình chự chưa phải là cái con người chuyên nghiệp.
Như vậy khi hành nghề nhân viên xã hội phải ý thức thật rõ các công cụ hành nghề của mình. Các công cụ của nghề CTXH là gì? Xin thưa các công cụ hành nghề CTXH bao gồm:

1. Con người của nhân viên xã hội

Chính con người của nhân viên xã hội là công cụ hành nghề với cái nhìn khách quan, không bị chi phối bởi những thành kiến hay cảm xúc chủ quan, tuân thủ những giá trị, đạo đức của nghề, lạc quan yêu cuộc sống và yêu con người, biết đứng vào vị trí của người để hiểu họ. Công cụ này là cơ bản vì nó ảnh hưởng đến các công cụ hành nghề khác.

2. Mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chù

Mối quan hệ giữa nhân viên xã hội và thân chủ tuỳ thuộc vào chính kỹ năng và thái độ của nhân viên xã hội. Mối quan hệ này do nhân viên xã hội thiết lập là yếu tố cần thiết và đủ để nhân viên xã hội có thể giúp thân chủ cảm thấy được tin tưởng và được tôn trọng và sẵn sàng bộc lộ vấn đề, khó khăn của họ và từ đó vấn đề của họ mới được hiểu, được phân tích và tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Mối quan hệ bị bế tắc là do lỗi của nhân viên xã hội và như vậy thì việc hành nghề cũng bị bế tắc theo. Công cụ này được sử dụng trong phương pháp CTXH với cá nhân.

3. Lắng nghe

Lắng nghe là kỹ năng, nhưng lắng nghe cũng là công cụ hữu hiệu để thúc đẫy thân chủ càng bộc lộ vấn đề của họ. Khi ta lắng nghe thân chủ, thân chủ cảm thấy mĩnh có giá trị, tự tin hơn, cảm thấy được hiểu, được quan tâm và họ càng tin tưởng ở nhân viên xã hội để có thể gởi gấm mọi bí mật quý giá của họ cho mình. Lắng nghe là kỹ năng và là công cụ thực hành quan trọng của nghề CTXH.

4. Mối tương tác giữa các nhóm viên thân chủ

Trong phương pháp CTXH với nhóm, công cụ thực hành là mối tương tác giữa các nhóm viên với nhau. Nhân viên xã hội theo dõi và quan sát, can thiệp ( khi có trục trặc) vào mối tương tác này để điều hoà sự tham gia và ảnh hưởng của nhau trên mỗi thành viên nhóm và chính mối tương tác này sẽ giúp cho các nhóm viên đi đến mục tiêu xã hội là thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Mối tương tác này là công cụ chính mà nhân viên xã hội sử dụng trong phương pháp CTXH với nhóm.
5. Sự tham gia của cộng đồng nghèo

Yếu tố tham gia của người dân trong công đồng nghèo là môt công cụ hành nghề trong phương pháp phát triển cộng đồng. Tác viên cộng đồng phải tạo điều kiện và cơ hội cho người dân (dù họ là người như thế nào) tham gia vào tiến trình hoạt động của dự án. Khi người dân tham gia hô nhận thức được vấn đề, họ học được các kỹ năng, kiến thức và thay đổi quan điểm sống. Nhờ sự tham gia họ sẽ trưởng thành hơn và tự lo được cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng. Thực hiện dự án phát triển cộng đồng mà không sử dụng công cụ này thì coi như tốn tiền vô ích.

Ngoài ra nhân viên xã hội còn một số công cụ khác như hồ sơ xã hội, quản lý trường hợp, sơ đồ sinh thái hay sơ đồ thế hệ…. Tuy nhiên năm công cụ trên là quan trọng nhất.

Nguyễn Ngọc Lâm

Không có nhận xét nào: