3 tháng 3, 2008

Vấn đề nghèo đói ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp



Vấn đề nghèo đói ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Xoá đói, giảm nghèo ở nước ta là một chủ trương lớn, một quyết sách lớn, là sự quan tâm hàng đầu của Đảng, nhà nước trong những thập kỷ qua. Xoá đói, giảm nghèo theo hướng bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Những thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam

Từ năm 1998 đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình 135 ra đời và đi vào hoạt động đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong toàn xã hội, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động và đa dạng hoá các nguồn lực cho giảm nghèo, bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ nét, đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc đã được nâng lên một bước.

Thành quả xoá đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, báo cáo phát triển Việt Nam năm 2004 đã ghi nhận: “Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế” tạo được sự đồng thuận xã hội cao, góp phần ổn định chính trị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế của đất nước, thực hiện cam kết thiên niên kỷ, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm nhanh, từ 17,2% năm 2001 xuống còn 6,3% năm 2005 (theo chuẩn nghèo cũ), bình quân mỗi năm giảm được trên 30 vạn hộ, đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và IX đề ra.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từng bước được xây dựng, năm 2000 có khoảng 4.000 công trình được đưa vào sử dụng, đến năm 2006 đã có trên 30.000 công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng đã làm cho bộ mặt của xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể nhất là trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, đường giao thông, nước sạch và vệ sinh môi trường…

Chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo đã được nâng lên một bước, thu nhập bình quân của 20% nhóm nghèo nhất năm 2001 đạt 107.000 đồng/người/tháng và tăng 1,45 lần vào năm 2005. Với phương châm huy động đa nguồn, qua các kênh, các hình thức huy động phong phú, từ năm 2001 đến 2005 tổng nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt khoảng 41 nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục phát huy những thành quả giảm nghèo đạt được, đồng thời cũng là sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đói nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2006- 2010; phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010 và chương trình 135 giai đoạn II; hình thành Ban Chỉ đạo thống nhất của Chính phủ để tổ chức thực hiện 02 Chương trình từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, đồng thời ban hành nhiều chính sách mới như: tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo; cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất- kinh doanh tại vùng khó khăn…

Sau 2 năm thực hiện, đã có 2,866 triệu hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi; 1,330 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn; 20 ngàn lao động nghèo được hỗ trợ dạy nghề miễn phí; 62 ngàn lượt cán bộ giảm nghèo các cấp được tập huấn nâng cao năng lực; 29 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT; 2,4 triệu học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 230 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; nhiều mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, mô hình giảm nghèo gắn với an sinh- quốc phòng và mô hình liên kết với các doanh nghiệp được xây dựng có hiệu quả và nhân rộng.

Với sự nỗ lực chung của cả nước, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, địa phương, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh vượt mức kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 14,87% giảm 6,23% so với cuối năm 2005, trong đó: Tây Bắc 32,36%; Đông Bắc 23,44%; Đồng Bằng Sông Hồng 9,59%; Bắc Trung Bộ 23,44%; Duyên hải miền Trung 16,18%; Tây Nguyên 21,34%; Đông Nam Bộ 5,12%; Đồng bằng sông Cửu Long 12,85%. Một số địa phương đã cơ bản xoá hết hộ nghèo theo chuẩn quốc gia như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và áp dụng chuẩn nghèo mới của địa phương cao hơn từ 1 đến 2 lần chuẩn quốc gia.

Những khó khăn thách thức

Trong những năm qua, công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, GDP hàng năm tăng cao từ 7,5- 8,5%, tuy nhiên Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Công cuộc xoá đói giảm nghèo tuy đã đạt được một số kết quả, tạo được sự đồng thuận của người dân và ủng hộ của quốc tế song vẫn còn những thách thức, tồn tại lớn, cụ thể:

- Khả năng kinh tế và nguồn lực cho xoá đói giảm nghèo còn khó khăn, Nhà nước cùng một lúc phải đầu tư cho nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác, việc sử dụng nguồn lực còn chưa tập trung và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, 10 năm tới chuẩn đói nghèo được nâng lên thì tỷ lệ hộ nghèo đói cũng tăng lên, chính sách giảm nghèo phải mở rộng do đó việc cân đối, huy động nguồn lực để đáp ứng yêu cầu sẽ khó khăn hơn.

- Tỷ lệ nghèo đói những năm qua tuy giảm mạnh nhưng vẫn còn ở mức cao và chưa vững chắc, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, mất mùa, tỷ lệ tái nghèo đói lớn (7- 10% tổng số hộ vừa thoát nghèo), đặc biệt đối với nhóm hộ nghèo nằm sát chuẩn đói nghèo (chiếm 70- 80%).

- Trong qúa trình phát triển, vùng miền núi, đồng bào dân tộc dân trí còn thấp, tập quán canh tác và tập tục lạc hậu, nhận thức còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận thông tin còn nhiều khó khăn, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, cùng với mặt trái của cơ chế thị trường làm khoảng cách gia tăng thêm sự phân hoá giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng và tầng lớp dân cư. Bên cạnh đó, còn một bộ phận người nghèo chưa tiếp cận được chính sách, giải pháp trợ giúp của Nhà nước, chưa thực sự quyết tâm vươn lên, vượt qua ngưỡng nghèo đói.

- Giảm nghèo chưa gắn chặt với phát triển cộng đồng và phát triển nông thôn. Đầu tư cho xoá đói giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế (cả vốn tín dụng và đầu từ từ Ngân sách Nhà nước). Nguồn lực dành cho chương trình còn rất hạn chế, chưa cân đối với mục tiêu đề ra và đảm bảo tiến độ thực hiện.

- Một số cơ chế, chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ, cụ thể, một số chính sách chưa đến được bộ phận người nghèo; việc điều hành kế hoạch và lồng ghép các chương trình kinh tế xã hội với giảm nghèo còn lúng túng và một số nơi còn kém hiệu quả. Kết quả giảm nghèo còn có biểu hiện áp đặt từ trên xuống ở một số địa phương cơ sở, chính sách giải pháp hỗ trợ trực tiếp người nghèo vẫn là chính nên chỉ thích hợp trong ngắn hạn, trước mắt, hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu bền vững.

- Cơ chế hỗ trợ người nghèo chưa hướng vào nâng cao nhận thức, năng lực và tính làm chủ, người nghèo chưa thực sự tham gia được vào thị trường để phát triển kinh tế với vai trò người làm chủ. Người dân còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, vào Nhà nước, chưa phát huy tính chủ động, tự lực của địa phương, cơ sở và của chính người nghèo để tự vươn lên.

- Nhận thức về trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo ở một số địa phương, cơ sở chậm và chưa rõ gây nên tình trạng không có cán bộ am hiểu, nhiệt huyết làm công tác giảm nghèo. Đầu tư cho đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo còn rất hạn chế dẫn đến tình trạng cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cơ sở vừa thiếu vừa yếu.

Mục tiêu

- giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Bước sang thế kỷ 21, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và sự phát triển của nền kinh tế tri thức với xu hướng toàn cầu hoá, nhiều nước phát triển càng có lợi thế làm cho khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng xa hơn. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cũng có cơ hội để tạo ra những bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế- xã hội.

Xoá đói giảm nghèo đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia quan tâm giải quyết, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Đối với nước ta, xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội càng trở thành vấn đề bức xúc. Do vậy, xoá đói giảm nghèo đang thực sự là một cuộc cách mạng xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, là một chiến lược lâu dài, một quyết sách và một chương trình hành động quan trọng.

Để tiếp tục phát huy thành quả giảm nghèo bền vững, thực hiện nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII phấn đấu đến cuối năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 11- 12%, về đích trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra. Chính phủ cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Mục tiêu tổng quát trong những năm tới là: Giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua nâng cao năng lực và tính tự chủ tiếp cận cơ chế thị trường của người nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận lợi và bình đẳng hơn với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; thu hẹp tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế, giữa nhóm giàu và nhóm nghèo. Nâng cao năng lực và tính tự chủ của các huyện nghèo (huyện có tỷ lệ nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển) thông qua việc hỗ trợ tài chính trọn gói theo kế hoạch 5 năm và hàng năm cho các huyện nghèo để phát triển kinh tế- xã hội địa phương theo hướng có lợi cho người nghèo.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, 2020:

- Tính tự chủ tiếp cận cơ chế thị trường của người nghèo được nâng cao, cơ bản thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, dịch vụ của người nghèo, xoá bỏ cách thức sản xuất tự túc, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu của thị trường dựa vào lợi thế so sánh của từng địa phương để tăng thu nhập, xoá nghèo bền vững.

- Hàng năm giảm ít nhất 10% số hộ nghèo trong tổng số hộ nghèo, tỷ lệ tái nghèo giảm xuống dưới 10% so với số hộ thoát nghèo (tỷ lệ 1/10).

- Tốc độ tăng thu nhập của nhóm hộ nghèo ngang bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng thu nhập trung bình của dân cư, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

- Năng lực lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo hướng có lợi cho người nghèo của các huyện nghèo được nâng cao; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản được cải thiện một cách cơ bản, góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo bền vững của địa phương.

Giải pháp:

Trong năm 2008 và những năm tiếp theo, để thực hiện các mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp Uỷ- chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và chính người dân có ý chí quyết tâm vượt nghèo làm giàu chính đáng. Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại Trung ương, ỷ lại cộng đồng xã hội. Cấp Uỷ, chính quyền phải có sự chỉ đạo sát sao, nắm được nhu cầu của người dân xem họ có khó khăn gì cần Nhà nước- xã hội giúp gì thì sự giúp đỡ đó mới có hiệu quả.

Thứ hai, sự chỉ đạo và điều hành nguồn lực phải hướng vào vùng nghèo, hộ nghèo: 17 tỉnh kinh tế khó khăn; 58 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 3100 xã tỷ lệ hộ nghèo cao. Đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Bắc Trung bộ, Tây Nam bộ, vùng bãi ngang ven biển. Trong điều kiện kinh tế, nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp mà đầu tư dàn trải thì khó có thể đạt được những mục tiêu đặt ra, nên phải tập trung vào những tỉnh, huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều khó khăn, đặc biệt là những khu vực, vùng còn khó khăn. Cần tập trung sự chỉ đạo giảm nghèo nhanh ở các vùng, khu vực này để góp phần giảm nghèo bền vững, giảm nghèo nhanh hơn trên phạm vi cả nước.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương nghèo, hộ nghèo. Trong tình hình hiện nay cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực:

- Cùng với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, đối với vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà nhận thức của đồng bào còn hạn chế , trình độ sản xuất thấp kém cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, công nghệ, đào tạo cho doanh nghiệp hoặc một số hộ điển hình làm kinh tế giỏi để trở thành đầu tàu lôi cuốn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

- Về chính sách hỗ trợ y tế: đề nghị tăng thời gian sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo lên 2 năm, đồng thời thực hiện cơ chế khuyến khích hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng chính sách bảo hiểm y tế sau 2 năm để đảm bảo cho hộ nghèo tránh tái nghèo do những nguyên nhân về ốm đau.

- Về chính sách hỗ trợ giáo dục- đào tạo: chuyển đổi cơ chế miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp như hiện nay sang cơ chế nhà nước chi trả trực tiếp cho học sinh thuộc hộ nghèo thông qua hình thức trả tiền trực tiếp cho đối tượng hoặc thanh toán cho cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm khuyến khích các trường, cơ sở đào tạo tuyển học sinh thuộc diện hộ nghèo vào học tập. Đặc biệt có chính sách hỗ trợ cho con em gia đình nghèo tới trường, không bỏ học: dự kiến hỗ trợ 10- 15kg gạo/tháng, phương tiện đi học, sách giáo khoa, vở viết…

- Bố trí một cán bộ chuyên trách làm công tác Lao động- Thương binh và xã hội cấp xã/phường, trong đó có nhiệm vụ theo dõi, quản lý chương trình giảm nghèo, đồng thời hướng dẫn và đảm bảo kinh phí để các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (25% trở lên) có cán bộ hợp đồng làm công tác giảm nghèo.

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành chuẩn nghèo mới áp dụng từ 2011- 2015 theo hướng hội nhập, toàn diện và linh hoạt hơn trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

- Hỗ trợ gián tiếp cho hộ gia đình nghèo nhưng trực tiếp cho xã, thôn bản nghèo. Tiếp tục chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, ngoài khu vực Tây bắc, Tây nguyên, xã bãi ngang ven biển hướng tới các xã vùng sâu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Thứ tư, nhân rộng các mô hình , kinh nghiệm giảm nghèo hiệu quả. Trên thực tế hiện nay khu vực nào, vùng nào cũng có những mô hình hiệu quả hay, các chương trình dự án xoá đói giảm nghèo có hiệu quả nhưng chưa được địa phương quan tâm chỉ đạo và nhân rộng. Có vùng, bộ phận dân cư phải theo hướng cầm tay chỉ việc vì trình độ dân trí thấp, thiếu kỹ năng.

Thứ năm, phân công trách nhiệm cho các Bộ chức năng giúp đỡ chỉ đạo các tỉnh có tỷ lệ nghèo cao, không chỉ đi kiểm tra tình hình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, còn tham gia chỉ đạo, huy động sức mạnh của Bộ, ngành để giúp cho địa phương đó. Định kỳ có báo cáo Chính phủ, có cơ chế chính sách động viên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình giảm nghèo ở vùng nghèo cao như miễn giảm thuế doanh thu để doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư hạ tầng cơ sở.

Thứ sáu, phải kiện toàn tổ chức cán bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là địa phương cơ sở làm công tác giảm nghèo, không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, cấp huyện đặc biệt các xã nghèo, các xã vùng sâu vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện chương trình giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong qúa trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của chương trình giảm nghèo. Các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phải có cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo, cán bộ khuyến nông để hướng dẫn, giúp đỡ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để huy động và sử dụng có hiệu qủa sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2008 và những năm tiếp theo.

TS. Đàm Hữu Đắc Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Không có nhận xét nào: