25 tháng 3, 2008

Khi công dân thiếu các phẩm chất nhân văn


Khi công dân thiếu các phẩm chất nhân văn

Các công nhân trẻ tình nguyện dựng nhà cho bà con nghèo ở xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: K.Anh TT - Bài "Hai căn bệnh trong giáo dục" (Tuổi Trẻ ngày 24-2) của TS Trần Hữu Quang phần nào đã giải tỏa mối băn khoăn của tôi bấy lâu nay. Vì giáo dục trước tiên phải trả lời cho bằng được sản phẩm cuối cùng của nó là gì? Tôi hoàn toàn đồng ý với TS Quang, giáo dục trước tiên là dạy người, nghĩa là tạo ra những con người đúng nghĩa của nó để làm chủ thể của xã hội. Sự quan tâm đến nguồn nhân lực rất cần thiết nhưng không khéo ta chỉ nghĩ đến những "tay chân" - công cụ đơn thuần để phát triển kinh tế. Cho dù công dân có giỏi mấy về chuyên môn nếu thiếu các phẩm chất nhân văn thì xã hội ta cũng không đi lên nổi. Những vấn đề xã hội hiện nay, nếu không giải quyết và nhất là phòng ngừa cũng sẽ gây những tổn phí lớn về mặt kinh tế, đó là chưa nói đến một sự phát triển hài hòa giữa hai mặt kinh tế và xã hội. Tôi cảm thấy quá trình lịch sử mấy chục năm qua đã làm người VN đánh mất những phẩm chất nhân văn cơ bản nhất cần phải phục hồi. Sự trung thực Xã hội nào cũng có xấu có tốt, nhưng ở xã hội ta sự gian dối tràn lan và len lỏi vào ngôi đền thiêng liêng là giáo dục như điểm giả, bằng giả, "học giả”, chạy điểm, chạy trường... là bất bình thường và nghiêm trọng. Bệnh hình thức và thành tích coi như vô tội nhưng thật sự nói lên rằng ở một cấp cao quản lý nào đó người ta chỉ muốn nghe điều bùi tai, bất kể sự thật. Như TS Quang nói, tính giáo điều chỉ có "sự thật riêng" của mình và không muốn nghe những tiếng nói khác hơn. Trong hoạt động thực tiễn lúc đầu tôi đã gặp những học sinh, sinh viên và cả những thầy cô giáo trẻ không dám nói lên ý nghĩ riêng của mình cho dù chúng tôi đã tạo một bầu không khí cởi mở, lắng nghe. Sự sợ hãi như một bóng ma ám ảnh họ. Người trẻ không thích nói dối nhưng cũng không dám nói thật. Sợ nói khác đi sẽ bị trù dập. Không dám nói khác dẫn đến không dám nghĩ khác luôn. Khả năng tư duy, nhất là tư duy sáng tạo, dần dà biến mất. Một hệ quả khác là từ đó họ thiếu những xác tín riêng dẫn tới thiếu bản lĩnh. Bây giờ thì đỡ rồi vì nhiều bạn trẻ đi du học tiếp xúc với cái mới..., nhưng so với tuổi trẻ các nước thì thanh niên VN rất thiếu cá tính. Lương tâm Con người nào lại không có lương tâm. Nhưng sự thiếu lương tâm ở người VN hiện nay cũng đáng báo động. Thử nhìn vào những vấn đề gian lận ở mọi lĩnh vực, mọi cấp bậc như ăn cắp của công, buôn lậu, an toàn vệ sinh thực phẩm, những chuyện gian dối ngay trong ngành y... Cấp quản lý đã ra tay mạnh mẽ với các biện pháp hành chính, luật pháp..., nhưng như một nhà xã hội học pháp luật Mỹ nói: "Luật pháp là biện pháp cuối cùng, quan trọng là một tâm thế sẵn sàng tuân thủ luật". Đó là lương tâm, đó là tự chính mình biết chọn điều đúng. Tinh thần cộng đồng Hiện nay, dù tính tập thể luôn được hô hào nhưng sự ích kỷ cá nhân đang thống trị. Mạnh ai nấy lo cho mình. Đây là vấn đề động chạm tới nghề nghiệp nên tôi đã bỏ công tìm hiểu ít nhiều. Rồi tôi cũng hiểu ra rằng hình như một chủ nghĩa tập thể cực đoan tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Vì trong đó cá nhân gần như con số không, chỉ chịu đựng một cách thụ động. Do đó họ phải tìm cách tự vệ. Còn trong tinh thần cộng đồng, cá nhân là một chủ thể có nhận có cho. Cá nhân được hưởng những lợi ích cộng đồng nhưng phải có trách nhiệm đóng góp cho nó. Chủ nghĩa cá nhân của ta hiện nay không chỉ biểu hiện trong rối loạn giao thông vì không phải người đi đường không biết luật mà họ chỉ biết có mình họ! Nhưng thâm sâu hơn chủ nghĩa này biểu hiện trong sự thinh lặng trước cái xấu để được yên thân hay giữ cái ghế. Vì thái độ "mackenô” này mà cái xấu mang tính hệ thống kéo dài năm này qua năm nọ. Các kỹ năng xã hội Không lạ gì khi các chuyên gia quốc tế đồng thanh nhận xét về người trẻ VN như rất thông minh, cần cù nhưng cần phải học thêm về các kỹ năng sau đây: Kỹ năng truyền thông. Không dám có ý kiến riêng, lấy gì mà truyền đạt cho người khác. Nói mà sợ bị trù dập, phê phán làm sao dám nói. Làm sao nói khi suốt đời chỉ được nghe, mà nghe ở đây là nghe thụ động, nghe ngán ngẩm chứ không phải nghe tích cực của truyền thông có hiệu quả Kỹ năng giải quyết vấn đề. Kỹ năng này đòi hỏi tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Suốt đời chỉ chờ giải pháp từ trên ban xuống, làm sao dám tự khẳng định. Tinh thần êkip. Lúc đầu khi mới họp nhóm, sinh viên của tôi phản ánh đúng cái văn hóa phong kiến ngoài xã hội. Anh nào lanh lợi nói giỏi được bầu làm trưởng nhóm. Anh đó cũng "ôm sô” hết công việc và ra lệnh. Nhóm viên còn lại thì vừa thụ động vừa bất mãn. Tôi phải làm nhiều buổi tập huấn mới giúp các bạn sinh hoạt nhóm đúng qui cách, nhưng phải công nhận thay đổi không dễ chút nào. Những nhận xét trên hoàn toàn không có gì mới. Những khiếm khuyết của người VN mình cũng không chỉ do nền giáo dục mà ra, mà là hậu quả của quản lý vĩ mô và một triết lý xã hội nào đó về con người. Tôi cũng đồng ý với TS Quang về xu thế thực dụng của xã hội bất lợi cho giáo dục. Có lẽ tuổi trẻ VN cần được hỗ trợ thêm niềm tin từ tấm gương của những người lớn xung quanh mình. Do đó một mình ngành giáo dục không thể thay đổi tình hình, nhưng vai trò của giáo dục vẫn là nòng cốt. Còn nội dung, phương pháp nào để làm mới những giá trị nhân bản trên tùy thuộc những ý kiến đóng góp kế tiếp.

NGUYỄN THỊ OANH

Không có nhận xét nào: