28 tháng 3, 2008

Một Cộng đồng đi lên từ nhóm nhỏ


Một Cộng đồng đi lên từ nhóm nhỏ
Tôi thực sự ngã phục trước tinh thần và cách làm phát triển cộng đồng của thôn Ha Ri, trong đó già làng Đinh Krăng vừa là lãnh đạo tinh thần của thôn và cũng là tác viên phát triển cộng đồng xuất sắc. Họ đã thực hiện đúng theo phương châm của nhóm CHỦ ĐỘNG – TỰ LỰC – SÁNG TẠO – ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN. Nếu có dịp trở lại Ha Ri tôi hy vọng học được thêm nhiều bài học quý báu nữa
Trong một chuyến công tác tại Bình Định, tôi tình cờ phát hiện một cộng đồng đi lên từ nhóm nhỏ. Già Làng Đinh Krăng chỉ hội trường của thôn, có kích thước 7m x 15 m, tường xây, lợp ngói, ông nói hoàn toàn do dân của thôn Ha Ri làm nên đấy. Không xin của xã một đồng nào.
Ha Ri là một thôn miền núi, Phần lớn là người Ba Na, thuộc xã Vĩnh Định, Huyện Vĩnh Thạnh, cách Qui Nhơn khoảng 80 km. Trước kia Ha Ri cũng là một thôn nghèo như bao thôn miền núi khác. Thiếu ăn, thiếu mặc, và thiếu thông thông tin. Già Làng kể, trước kia dân vay tiền Ngân hàng Chính sách để làm ăn nhưng rồi không có tiền trả, do làm ăn thất bát. Điều này cho thấy nghèo không phải do thiếu vốn, thiếu tiền mà là do không biết cách tổ chức làm ăn.
Ngày nghỉ hưu cũng là ngày Già Làng Đinh Krăng bắt đầu cho sự nghiệp phát triển cộng đồng thôn Ha Ri. Việc đầu tiên là lập nhóm, vì ông cho rằng làm ăn riêng rẻ không thể nào khá lên được. Khởi đầu là nhóm vần đổi công, với ý tưởng mọi người trong cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách, bò béo kéo bò gầy”.
Từ bốn nhóm vần đổi công, Ha Ri tiến thêm một bước nữa là lập nhóm Nông dân Sản xuất Phát triển Kinh tế Kiểu mẫu, gọi tắt là VACHARI. Các nhóm viên rất khoái tên này vì đó là tên chính do họ đặt ra. Một lần nữa thôn Ha Ri làm cho tôi kinh phục khi nghe nhóm nói phương châm họat động của nhóm là CHỦ ĐỘNG – TỰ LỰC – SÁNG TẠO – ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN. Điều cực kỳ lý thú là phương châm này cũng do họ thảo luận rồi tự nghĩ ra để trả lời câu hỏi “làm thế nào để nhóm sống mạnh và phát triển bền vững”.
Tiến trình thành lập nhóm cũng không như những nơi khác. Không phải chờ có dự án để rồi vô nhóm được vốn, được giống, phân bón…Việc đầu tiên là hàng ngũ lãnh đạo thôn phải quán triệt mục đích ý nghĩa của việc lập nhóm, vai trò của nó trong việc tăng gia sản xuất của bà con. Sau đó mới họp bà con trong thôn, trình bày cho họ biết về mục đích ý nghĩa của việc thành lập nhóm. Người dân được chia thành nhóm nhỏ để thảo luận thật kỹ và sâu về lợi ích khi họ vào nhóm cũng như nghĩa vụ của họ đối với nhóm. Khi người dân nhận thức đầy đủ về nhóm mà họ sẽ vào, nhóm là nơi họ được học tập chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nhóm là nơi mọi người chia sẻ giúp nhau khi khó khăn. Nhóm là nơi thí điểm, thực hành áp dụng những kỹ thuật mới về nông nghiệp. Nhóm là kênh truyền thông về đầu vào cũng như đầu ra, giá cả thị trường. Một cái mới nữa là nhóm CHỦ ĐỘNG nắm bắt nhu cầu nhóm viên, chủ động tìm nơi đáp ứng nhu cầu cho chính mình, không có chuyện thụ động ngồi chờ dự án hay ban ngành nào đó tới giúp. Sau khi nhận thức đầy đủ rồi, ai cảm thấy mình có nhu cầu vào nhóm thì TỰ NGUYỆN đăng ký. Hoàn toàn không o ép, áp đặt hay “dụ”. Người lập nhóm không quan tâm được nhiều nhóm hay nhiều nhóm viên mà quan trọng ở chất lượng nhóm. Một nhóm không quá 20 người.Việc lập nội qui nhóm được tiến hành dân chủ cũng không kém. Nhóm viên thảo luận thực kỹ từng điều khoản, thêm hay bỏ bớt, sửa đổi thế nào cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Cách làm không qua loa, họ lấy biểu quyết từng điều khoản một. Vì họ biết chính họ sẽ là người thực hiện nội qui này.
Ông Đinh Krăng mời tôi về nhà chơi, ông mở vòi nước cho tôi rữa tay. Lại thêm một ngạc nhiên nữa, hơn 2/3 có nguồn nước sạch từ suối trên cao dẫn về. Người dân không những có nước ăn uống tắm giặt mà còn có thể tưới cây, rau cỏ trong vườn và cả cho cái ao cá nho nhỏ. Kỳ tích này cũng là sáng kiến của người dân Ha Ri và chính họ tìm ra nguồn nước rồi tự bỏ tiền ra mua ống nước, tự tay làm. Không có chuyện xung đột, tranh giành nguồn nước vì mọi việc được thảo luận dân chủ, công khai cũng không có ngồi chờ một dự án nào đó.
Nếu có dự án họ cũng không hoàn toàn ỷ lại. Nhà nước hỗ trợ thôn vật tư làm đường liên thôn. Thôn Ha Ri không nhận hết những vật tư mà họ có như đá, cát. Những thứ đó dân trong thôn có thể lấy từ trên núi và dưới sông. Bù lại họ sẽ được nhận nhiều xi măng hơn, họ sẽ làm được con đường dài hơn và chắc hơn.
Tôi thực sự ngã phục trước tinh thần và cách làm phát triển cộng đồng của thôn Ha Ri, trong đó già làng Đinh Krăng vừa là lãnh đạo tinh thần của thôn và cũng là tác viên phát triển cộng đồng xuất sắc. Họ đã thực hiện đúng theo phương châm của nhóm CHỦ ĐỘNG – TỰ LỰC – SÁNG TẠO – ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN. Nếu có dịp trở lại Ha Ri tôi hy vọng học được thêm nhiều bài học quý báu nữa.
Bằng Lăng
Bản tin SDRC

Không có nhận xét nào: