31 tháng 3, 2008

Thông cảm và nghe thấu cảm

Thông cảm và nghe thấu cảm

Cần phân biệt thấu cảm với sự thông cảm

Thông cảm là một hình thức thỏa thuận, một hình thức phê phán. Đôi khi nó là sự xúc cảm và sự đáp ứng thích đáng hơn. Nhưng người ta sống dựa vào sự thông cảm. Nó làm cho người ta trở nên phụ thuộc. Bản chất của nghe thấu cảm không phải là thông cảm với một người nào đó, mà nó là sự hiểu biết đầy đủ sâu sắc về một con người, về mặt tình cảm cũng như lý trí.

Nghe thấu cảm không phải đơn thuần chỉ là hiểu từng lời nói của người khác. Trên thực tế, những chuyên gia về giao tiếp cho rằng chỉ mươi phần trăm thông tin được thể hiện thông qua lời nói, ba mươi phần trăm thông tin được thể hiện thông qua âm thanh còn nửa thông tin còn lại được thể hiện thông qua ngôn ngữ cơ thể.

Trong nghe thấu cảm, chúng ta không những nghe bằng tai, mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim. Lắng nghe không chỉ điều người ta nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời: ánh mắt, nụ cười, nét mặt, tư thế, điệu bộ… Lắng nghe những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Lắng nghe cả chính những phút giây im lặng.

Nghe thấu cảm có một uy lực rất lớn bởi vì nó cung cấp cho chúng ta những tư liệu đúng đắn để hành động. Thay vì dựa vào những cảm giác, động cơ, những giả định, suy nghĩ của mình, chúng ta làm việc với thực tế bằng suy nghĩ và tình cảm của người khác. Chúng ta nghe để hiểu, để tiếp nhận những thông tin sâu kín nhất trong tâm hồn của con người.

Nghe thấu cảm cũng giúp bạn tạo dựng được tình cảm tốt đẹp với người đối thoại, vì khi giao tiếp với bạn, người khác được thoả mãn nhu cầu rất lớn. Đó là nhu cầu tồn tại về tâm lý, muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích. Và sau khi đã đáp ứng nhu cầu đó, bạn có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề. Một số kỹ năng cần thiết trong lắng nghe thấu cảm:

Kỹ năng biểu lộ sự quan tâm

Để thể hiện sự quan tâm của mình đến câu chuyện của người đối thoại, bạn phải chú ý tới tư thế, dáng điệu, cách dùng ánh mắt… Sau đây là một số kỹ năng cơ bản:

- Tạo ra bầu không khí bình đẳng (không xa cách, ngang tầm, đối diện…).

- Cách biểu lộ sự quan tâm tốt nhất là chăm chú lắng nghe. Muốn thế thì khi nghe người kia nói, bạn hãy nghiêng người về phía trước và nhìn thẳng vào họ, với tư thế cởi mở. Tiếp xúc bằng mắt là rất quan trọng trong lắng nghe, nhưng đó là một nghệ thuật hết sức tế nhị. Tiếp xúc bằng mắt nghĩa là tập trung nhìn người nói một cách nhẹ nhàng, ví dụ, nhìn bàn tay đang làm điệu bộ rồi sau đó lại nhìn vào mắt và tiếp xúc bằng mắt.

- Sự quan tâm cũng được thể hiện qua những cử chỉ đáp ứng về cơ thể. Trước hết cần tránh cản trở sự tập trung tư tưởng của đối tượng bằng những cử chỉ không liên quan tới những điều đang được nói, và cần xây dựng những cử chỉ nhỏ và những tư thế có tính đáp ứng trực tiếp vào những điều đối tượng đang nói.

Kỹ năng gợi mở

Khi nghe, bạn cũng cần phải có cách khuyến khích để cho đối tượng trút bầu tâm sự như:

- Khuyến khích người nói tiếp tục câu chuyện do bạn hiểu vấn đề, thông cảm.

- Cẩn thận lắng nghe một cách khách quan “thế à, rồi sao nữa”.

- Thỉnh thoảng đặt câu hỏi để tìm hiểu rõ hơn.

Kỹ năng phản ánh

Là diễn đạt lại nội dung một cách ngắn gọn.

Không có nhận xét nào: