18 tháng 9, 2008

Hai tình huống sinh viên thực CTXH tại cơ sở xã hội


Việc học trên lớp trang bị cho sinh viên những kiến thức tối thiểu khi làm việc với thân chủ. Tuy nhiên, xuống địa bàn tiếp xúc với thân chủ, không ít những bạn sinh viên còn có những ngỡ ngàng và chưa kịp phản ứng với những tình huống chưa lường nếu không đi qua thực tế. Bài viết sau xin chia sẻ một số kinh nghiệm để sinh viên có thêm những hành trang cần thiết và thực tiễn trước khi bắt tay vào công việc của mình.
1. Trường hợp cô bé H - 11 tuổi ở nhà Hữu Nghị I quận Đống Đa,Hà Nội
H là một cô bé không có cha, sống với mẹ bị mắc bệnh kinh niên nên H bị mất nguồn nuôi dưỡng. Vì vậy, H được gửi đến nhà nuôi Hữu Nghị ăn học và nhận sự trợ giúp của Trung tâm.
Một sinh viên nữ - K5, chuyên nghành CTXH xuống thực hành tại cơ sở đã chọn H làm Cas tham vấn cá nhân trong quá trình thực hành công tác xã hội cá nhân và nhóm. Từ lúc làm quen và tiếp cận Cas, H không rời chị SV ra một bước. Khi SV gặp gỡ đối tượng khác ở nhà nuôi thì H tỏ ra rất tức giận và cầm que gậy đánh đập bạn. Khi SV tổ chức sinh hoạt nhóm cho đối tượng khác thì H lủi thủi đến ngồi ở gốc cây. Do thiếu kỹ năng can thiệp nên SV rất lúng túng không xử lý được tình huống trên.
Là giảng viên hướng dẫn và kiểm huấn SV thực hành, quan sát thấy hiện tượng không bình thường của đối tượng khi SV đã lựa chọn, tôi đã tiếp cận với H tại một gốc cây ở sân nhà nuôi khi H không ra chơi trò chơi cùng các bạn.
GV hỏi: Cháu tên gì?
T/c: Im lặng
Gv: Sao cháu không ra chơi cùng các bạn?
T/c: Cháu không thích
Gv: Thế cháu thích điều gì nhất?
T/c: Cháu chỉ thích một mình chị SV chơi với cháu thôi.
Gv: Nhưng bây giờ chị ấy còn phải tổ chức trò chơi cho các bạn.
T/c: Cháu ghét các bạn ấy vì các bạn ấy đã giành mất chị ấy của cháu.
Gv: Các bạn cháu không có lỗi gì, còn chị sinh viên xuống đây học tập, các chị ấy phải chơi với tất cả các bạn, đây là do các cô yêu cầu.

Bây giờ cháu hãy cùng cô ra chơi với các bạn, nếu không thì chị SV sẽ bị cô bị phạt đây.
T/c: Phạt cái gì ạ?
Gv: Chị ấy sẽ được điểm kém vì không mời được H ra chơi cùng các bạn. Cháu ra chơi cùng các bạn nhé?
T/c: Vâng.
Tôi cùng H xâm nhập vào một nhóm trẻ đang chơi ở sân rất vui vẻ. Sau buổi chơi này quan sát thấy thái độ của H khác hẳn những buổi trước, H vui vẻ và cởi mở hơn với các bạn ở nhà nuôi.
Tìm hiểu qua bạn bè của H ở nhà nuôi và các cô kiểm huấn cơ sở thì mới biết rằng: H rất thích thần tượng cho mình là một người mẫu, hay một người mà H nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tính khí của H rất thất thường. H rất ít chơi với các bạn ở nhà nuôi, hay gây gổ và khiêu khích với các bạn. H còn có tính tắt mắt.
Về phía cô sinh viên khi xuống thực hành, thực tập đã ăn mặc rất diện, khác với các SV khác. Cô sinh viên có khuôn mặt rất xinh đẹp, lại trang điểm rất mốt, nên đã gây ấn tượng mạnh cho H. Từ khi trò chuyện với H, H không rời cô sinh viên ra một bước. Vì xuống cơ sở thực tế lần đầu, SV tỏ ra rất lúng túng trước tình huống đó.
Bài học rút ra từ tình huống trên là:
- SV còn thiếu kỹ năng tiếp cận và xử lý tình huống nảy sinh ở thực tế.
- SV chưa đủ tự tin vào bản thân mình.
- SV còn tuỳ tiện trong phong cách ăn mặc khi xuống tiếp xúc với đối tượng.
- SV còn tự ý cho tiền khi đối tượng hỏi xin.
- Khi gặp tình huống khó xử thì chưa mạnh dạn trao đổi với các kiểm huấn viên cơ sở.
- Chưa phối hợp chặt chẽ giữa CTXH cá nhân với CTXH nhóm.

Để khắc phục tình trạng trên rất mong sự trao đổi, chia sẻ của đồng nghiệp và các kiểm huấn viên cơ sở.

2, Một trường hợp khác cũng ở nhà nuôi Hữu Nghị I, quận Đống Đa, Hà Nội

Có một cô bé trạc 13 tuổi ở nhà nuôi tự nhiên mất tích. Em bỏ học ở trường học và không đến nhà nuôi một tuần. Các cô phụ trách nhà nuôi tìm về địa chỉ ở nhà em và các nơi họ hàng thân thích thì đều không tìm thấy.

Một tuần sau thấy trẻ quay về trung tâm. Hỏi trẻ đi đâu thì trẻ nói là xuống nhà trọ của sinh viên và ở đấy chơi với chị ấy mấy ngày. Chị ấy tốt lắm. Nghe thấy vậy, các cô ở nhà nuôi rất bực mình, nhưng thời điểm này đã hết thời gian thực tập ở cơ sở nên các cô cũng không có biện pháp gì can thiệp nặng nề với cô sinh viên. Khi GV đưa sinh viên khoá sau xuống thực tập mới được các cô kể lại.
Như vậy, sinh viên đã vi phạm vào nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp là:
- Sự tự ý thức bản thân.
- Về bảo đảm mối quan hệ nghề nghiệp.
- Về trách nhiệm nghề nghiệp khi ra khỏi trung tâm.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm khi đưa SV xuống cơ sở thực tế, cần nhắc nhở SV chấp hành nghiêm túc các quy định của cơ sở và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nhân viên xã hội.
Cũng vì nương nhẹ đối với SV thực tập và mối quan hệ giữa giảng viên và trung tâm chưa chặt chẽ nên những trường hợp như vậy nhà trường không nắm bắt thông tin được kịp thời để xử lý sinh viên.
Hy vọng rằng bài tham luận này sẽ có nhiều điều cần được chia sẻ, thống nhất trong hội thảo đối với sinh viên thực tập ở cơ sở thực tế .
(Cô Trịnh Thị Chinh - Khoa Công tác xã hội)

Không có nhận xét nào: