24 tháng 9, 2008

Báo động đỏ với những ”Vedan xã hội”


Báo động đỏ với những ”Vedan xã hội”
TT - Mấy tuần nay, có hai câu chuyện liên quan về học sinh cứ đeo đuổi tôi. Đó là chuyện hai học sinh giết tài xế để cướp taxi và một học sinh lớn bắt cóc một học sinh nhỏ để tống tiền. Chưa kịp quên thì hôm kia một phóng viên Tuổi Trẻ điện thoại hỏi: ”Cô nghĩ gì về chuyện nữ sinh đánh nhau, không phải đánh bằng tay trơn mà dao búa hẳn hoi... Mà nguyên nhân có thể là một chuyện không đâu vào đâu”.

Tối đó, mở tờ Tuổi Trẻ ngày 20-9 lại thấy một tin rùng rợn: Một bé gái 3 tuổi bị hành hung dã man. Gót chân bị cắt gân, hai đầu ngón tay bị cắt đứt... nhiều vết trầy xước trên lưng, mặt và đầu bầm tím. Em đã hôn mê khi tới bệnh viện. Rồi tờ Phụ Nữ ngày 19-9 nói về hai thanh niên (22 và 18 tuổi) lãnh 18 năm tù vì tội giết người cướp tài sản. Nạn nhân không ai khác hơn là bạn tình đồng tính của một trong hai em. Chúng tới nhà nạn nhân đợi anh ta ngủ say rồi giết tỉnh bơ. Tin kiểu này dường như ngày nào cũng có.

Đó là không nói đến những tệ nạn đã thành bình thường vì quá quen thuộc. Ví dụ nạn phá thai mà VN chiếm vị trí trong top 5 thế giới, trong đó tỉ lệ vị thành niên khá cao. Rồi tình hình ly hôn ở lứa tuổi khá trẻ ngày càng tăng. Không nhắc đến nạn ma túy và tình hình nhiễm HIV chưa giảm là chuyện thường ngày ở huyện!

Chiều nay đang ngồi trên xe buýt nghĩ ngợi về mấy chuyện này bỗng nhiên điện thoại reo. Lại một bạn phóng viên réo: “Cô ơi viết giùm Sài Gòn Tiếp Thị một bài về chuyện cha mẹ giết con cái, con cái giết cha mẹ”! Tôi chỉ biết kêu trời vì một công dân lẻ loi nhỏ bé như tôi làm sao đưa ra nổi lời giải cho một câu chuyện thuộc về quốc gia đại sự! Một vấn đề lẽ ra từ lâu phải triệu tập một hội nghị Diên Hồng với cả trăm nhà tâm lý học, xã hội học, đạo đức học... để tìm lời giải và hướng giải quyết!

Tội phạm đang trẻ hóa và nghiêm trọng hóa ở mức báo động đỏ. Cộng với tội phạm người lớn nói chung, rõ ràng là có gì đó bất bình thường. Mức độ dã man nhất là trong người thân với nhau chưa từng thấy.

Xã hội VN dường như đang trong một giai đoạn “phi quy chuẩn” (anomie). Nói cách khác là sự lung lay của hệ thống chuẩn mực hay hệ thống các giá trị đạo đức. Trách gia đình và nhà trường chưa đủ vì cái gốc thuộc về tầm vĩ mô. Tôi nghĩ có lẽ đó là do chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà thiếu quan tâm giải quyết, nhất là phòng ngừa các hậu quả xã hội tiêu cực luôn đi kèm.

Những tấm gương sáng thường được dùng để hi vọng làm công việc giáo dục đạo đức nhưng lại quá cao xa mà trẻ chỉ “nghe” nói đến. Còn xung quanh, bên cạnh thì chúng “thấy” quá nhiều gương xấu. Mà “trăm nghe không bằng một thấy” kia mà!

Nếu giàu lên mà người sống không ra người thì đất nước vẫn là chậm phát triển. Vì vậy, tôi nghĩ nếu không sớm hành động quyết liệt với vụ “Vedan xã hội” này, thì sức tàn phá sẽ rất kinh khủng...

NGUYỄN THỊ Oanh
Bao Tuổi Trẻ ngày 24/09/2008

Không có nhận xét nào: